NSƯT Thành Lộc: Đôi khi có bóng tối trong mắt

Thứ Ba, 10/02/2009, 14:29
Nhìn Thành Lộc diễn trên sân khấu, có cảm giác anh đã đi qua những giới hạn thông thường của nghề diễn, để đạt đến một chiều kích mới của sự thăng hoa. Và những bạn diễn của anh, đôi khi đã không theo kịp. Khoảng trống sau lưng anh là có thực. Vì anh và các nghệ sỹ thế hệ anh đã không còn trẻ nữa. Mà đội ngũ kế cận chưa một ai đủ sức tung hoành…

Thành Lộc có hẳn một triển lãm ảnh chân dung do những người yêu quý anh thực hiện. Những bức ảnh, khi thì là những vai diễn, lúc lại là một khoảnh khắc sống của người nghệ sỹ. Hơn một năm qua đi, người ta vẫn nhớ rõ những bức hình ấy. Không phải ngẫu nhiên, Thành Lộc được ưu ái nhiều đến vậy. Khán giả của nghệ thuật vốn công bằng.

Nhưng tôi nhớ rất nhiều bức ảnh Thành Lộc trong phòng hóa trang. Khi ấy, ánh đèn trong căn phòng hẹp hắt vào gương phản chiếu một khuôn hình vàng. Thành Lộc ngồi trước gương, khuôn mặt hóa trang kỹ lưỡng. Hình như anh vừa xong một vai giả gái, nên khuôn mặt đó đầy những nét vẽ thanh tú. Nhưng đã nhuốm mệt. Diễn như Thành Lộc mà sau vở diễn không thấy mệt mới gọi là kỳ tích.

Anh thường ngồi ở phòng hóa trang muộn nhất, và sẽ là người đóng cửa căn phòng ấy. Tôi nhớ, hình như nghệ sỹ Hữu Châu nói rằng, lúc người nghệ sỹ cảm thấy thoải mái nhất là ngồi để trét phấn trong phòng hóa trang. Lúc đó thoải mái nghĩ suy, và chuẩn bị bước lên sân khấu, thêm một lần thăng hoa cùng khán giả của mình.

Vậy thì hẳn rằng, sau mỗi đêm diễn, khi ngồi rời bỏ những hào quang, những phấn son, chuẩn bị thoát hẳn những vai diễn để trở về với đời thực, người nghệ sỹ sẽ có những phút xao lòng. Không hẳn là buồn phiền, nhưng sẽ dễ khiến người ta nghĩ về những điều được - mất. Tôi có cảm giác Thành Lộc đã hiện rõ mình trong bức ảnh ấy, một khoảnh khắc chênh vênh, cô đơn.

Người đàn ông này đã chọn cuộc sống độc thân. Và anh đã dành tình yêu của mình trọn vẹn cho kịch nghệ. Cuộc sống của anh bắt đầu từ đó và anh cũng từng nói, sẽ dừng lại ở đó, trên sàn gỗ với những nhân vật không bao giờ giống nhau. Như trên blog anh từng viết: "Cảm ơn mẹ đã vun vén cho con được là một đứa con của cha mẹ; một đôi vợ chồng nghệ sĩ tài giỏi, một đại gia đình có 3 đời lăn lộn trên sàn diễn, một môi trường sống đặc biệt như một huyền thoại, nơi đó có những cư dân ban ngày là những kẻ nghèo hèn bình dị, ban đêm bôi phấn son, vận xiêm y để trở thành những ông hoàng bà chúa lộng lẫy uy nghiêm, một tiếng hô vang là bá quan văn võ tuân theo…

Con luôn được tắm mình trong cái thứ ánh sáng lung linh kỳ diệu để tin mình cũng là vị hoàng tử trong cung son hay một tướng lĩnh ngoài trận mạc, biết khóc, biết cười theo mỗi khi dàn nhạc cổ nơi cánh gà sân khấu tấu lên những bi khúc ai oán hay hoan hỉ tưng bừng!

Mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố của các số phận nhân vật đều  đượm trong con như hơi thở con hằng ngày, như bát cơm con ăn, như chén nước con uống, nuôi con lớn khôn và… như một định mệnh mà con phải dấn thân, để trả nợ đời!".

Sân khấu kịch Idecaf có những "tín đồ" trung thành. Và người ta chỉ cần nhìn thấy tên Thành Lộc là vội vàng tìm cách để mua vé đi xem. Chỉ có Idecaf mới làm được một việc mà tất cả các tụ điểm giải trí, các rạp chiếu phim hay các phòng trà mơ ước: khán giả muốn xem kịch phải mua vé trước đó vài ngày.

Thành Lộc, mỗi khi bước ra sân khấu là một lần như quên hết. Nên mỗi vai diễn của anh sẽ không bao giờ bị lặp lại. Xem vở diễn "Cô chủ quán xinh đẹp", Thành Lộc nhận một vai… ngang hàng với các nam diễn viên khác. Nhưng anh đã kịp làm một việc là, dường như khán giả chỉ nhớ tới vở diễn khi nhớ tới anh, gã đàn ông si tình nhưng giả bộ rất ghét phụ nữ.

Cuối năm 2008, đi xem "Hợp đồng mãnh thú", tác giả kịch bản, đạo diễn Lê Hoàng vẫn phải cười rung ghế cùng khán giả của mình mỗi khi Thành Lộc diễn vai chàng trai giả gái đi lừa tiền nhưng lại sập bẫy của chính mình. Sự xuất hiện của Thành Lộc ở đâu, tự ở đó sẽ trở thành tưng bừng.

Vở diễn ấy, giả thử dành cho một diễn viên khác, có thể vẫn thành công, nhưng sẽ không bao giờ "thọ lâu" như cách mà Thành Lộc rút kiệt mình trong từng đêm diễn. Và chính vì thế, sự xuất hiện của Tuấn Khải và Huy Khánh bên cạnh anh, bỗng chốc giống như những người phụ diễn. Họ cũng tạo được điểm nhấn trong diễn xuất, nhưng họ đã không thể trở thành bạn diễn ngang hàng.

Đó chính là khoảng trống có thật của Idecaf. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, diễn một nhân vật hoàn toàn khác mình là thách đố với bất cứ diễn viên nào. Thành Lộc luôn hóa thân vào vai phụ nữ, và anh thành công hơn mức mong đợi. Đã có những thị phi ác ý xung quanh những vai diễn ấy và Thành Lộc đã từng đau đớn.

Nhưng với những khán giả trung thành của sân khấu Idecaf, thì đó chính là điểm khác biệt, tạo nên nét duyên không trộn lẫn. Bởi không chỉ mình Thành Lộc hóa thân vào những vai giả gái, mà kịch nghệ Sài Gòn sân khấu nào cũng từng làm và rất hiếm người mang lại được hiệu ứng tốt nơi khán giả.

Xem Thành Lộc diễn "Hợp đồng mãnh thú", nếu không có giọng nói đặc trưng của đàn ông, sẽ không ít người nhầm anh là một diễn viên nữ thứ thiệt. Cách hóa trang công phu, từng lọn tóc cũng được làm cẩn thận, cho đến những bộ quần áo được may bó sát cơ thể, tạo nên nét quyến rũ thực sự. Đó chính là sự thuyết phục của vai diễn, mà đôi khi những diễn viên đóng giả gái đã quên đi mất.

Một đồng nghiệp của tôi sau khi phỏng vấn Thành Lộc trở về đưa ra kết luận, chị đã biết vì sao anh Thành Lộc rất thành công trong những vai diễn như vậy. Thành Lộc tâm sự với chị, khi còn nhỏ, ba mẹ anh thích anh là con gái, từ cách ăn mặc và để tóc, đến mức khách đến chơi ai cũng nghĩ đó là một cô bé.

Đến khi lớn lên, Thành Lộc có một vóc dáng nhỏ nhắn, một khuôn mặt trắng bầu bĩnh, rất dễ thực hiện những vai con gái. Và những sinh hoạt thuở nhỏ dường như đã giúp anh hình dung ra nhân vật nhanh chóng. Thành Lộc hoàn toàn không trốn mình trong những vai con gái. Khi rời khỏi sân khấu, anh là một người đàn ông ngoài 40 tuổi, trong áo pull quần jeans giản dị. --PageBreak--

Thành Lộc, hơn 30 năm theo nghiệp diễn viên chuyên nghiệp và cả đời chưa làm một công việc nào khác, đã từng nhiều khi bị những đòn roi của số phận, của dư luận. Nhưng, cũng Thành Lộc, chưa bao giờ oán trách số phận, đã từng là công dân tiêu biểu của thành phố.

Với những người hâm mộ của Thành Lộc, những tâm sự của anh trên blog luôn là những chia sẻ đầy chân thành và trìu mến. Blog của anh mới chỉ chưa đầy 40 bài viết, nhưng mỗi bài viết lại là một khoảng ký ức, một chân dung bất ngờ của anh hiện ra, nhẹ nhàng, dẫu đôi khi cũng nhuốm màu chua xót.

Trong bài viết "Đôi khi có bóng tối trong mắt", Thành Lộc chia sẻ những khoảnh khắc của sân khấu, nơi anh đã sống mỗi ngày, với những cảm xúc đôi khi như ứ nghẹn: "Tôi nhớ không phải là ít lần người viết báo thường hay hỏi tôi rằng giọt nước mắt trên sân khấu và giọt nước mắt ngoài cuộc đời có giống nhau không?

Tôi bảo rằng, đôi khi ngoài đời tôi không khóc được nên mượn sàn diễn khóc cho đã!!! Bây giờ chắc tôi sẽ không trả lời như vậy nữa mà sẽ chọn cách im lặng, im lặng bởi sẽ không có lời giải đáp nào là chính xác cả, nó có thể đúng và cũng có thể sai vì sân khấu là cuộc đời, mà cuộc đời cũng là sân khấu, tôi sợ mình sẽ chủ quan khi nói về những giọt nước mắt của người nghệ sĩ!

Vì lẽ có khi nó ở trên khóe mắt, nhưng có lúc nó chỉ ở trong tim không thể nhìn thấy! Tôi còn nhớ trong 1 đêm diễn, sau hậu trường thấy B. nhận một cuộc điện thoại rồi mặt B. cứ tối sầm lại khi nghe những lời từ đầu dây bên kia. Sau cuộc gọi, B. ngồi lặng người rất lâu, tôi biết là có chuyện chẳng lành nên đến hỏi em ngay, giọng em khô khốc: "Ba em chết rồi!".

Nhưng B. còn phải diễn nhiều lớp kịch nữa mới hết vở, vậy mà em vẫn diễn như không, không bạn diễn nào lúc đó biết việc B vừa phải chịu tang cha, chỉ có tôi biết! Nhân vật của B. trong vở kịch ấy là một đứa trẻ từ chối tình cảm và sự sám hối của cha ruột mình! Thật là trớ trêu! Trong cảnh diễn cuối, B. đã khóc nhiều, nhiều lắm! Có ai biết được đó là giọt nước mắt của chính B hay của nhân vật mà em đã hóa thân? Tôi là người biết chuyện nhưng cũng không thể phân tích một cách rạch ròi những giọt nước mắt đang lăn trên má ấy!…

Chỉ thấy lòng mình lúc đó thương B. quá thôi! Tôi nhớ lại lúc ba tôi mất, tôi vẫn phải đi diễn hằng đêm để bảo đảm hoạt động và thu nhập của anh chị em trong đoàn, ban ngày chịu tang, tối tháo khăn tang xuống đi đóng hài kịch, bôi mặt làm hề cho khán giả cười…

N. là "cục ngộ " của mọi người trong hậu trường, vở nào có em và T. là hậu trường đêm diễn đó thật là vui. Nhưng buổi diễn tối nay em không vui chút nào, thì ra ba của em đang lâm trọng bệnh, nghe nói là có nhiều nguy cơ lắm. Em vừa đi diễn vừa chạy vào bệnh viện để chăm sóc cho ba, giống như hồi tôi lo cho ba tôi những ngày ông nằm trong bệnh viện, N. bây giờ giống như như tôi ngày xưa.

Thấy em không vui, mọi người trong đêm diễn cũng không vui "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" mà . Nhưng vai của em lại là một vai phải gây cười, và em đã vẫn phải tung tăng, nhảy nhót, làm khán giả cười nghiêng cười ngả vì cái duyên của em, em thật xuất sắc dù lòng em lúc đó bất ổn…

Chung quanh tôi, gần bên tôi, đằng sau hậu trường có nhiều người buồn quá, nhưng ai cũng phải che giấu nỗi buồn của mình, cả tôi cũng vậy, khán giả có mấy ai biết được cái mặt thật đằng sau cái mặt đã được trang điểm lộng lẫy, sặc sỡ ấy là những con người bình dị, cũng phải đương đầu với những bi kịch riêng tư mà không phải với ai cũng tìm được người chia sẻ…

Tối nay, chúng tôi ngồi bên nhau sau đêm diễn, ngồi nhâm nhi chén trà sau bữa ăn khuya, kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe rồi cùng nhau cười sằng sặc, cười chảy cả nước mắt… đột nhiên K buột miệng: "Làm cho thiên hạ cười cho đã rồi bây giờ tụi mình tự phục vụ cho nhau ha!"… Không hiểu sao câu nói ấy, đã làm tôi… tái lòng !"

Thành Lộc, người đàn ông đa cảm, đã không chỉ lo tròn đầy những vai diễn của mình. Và anh đã nghiêng vai, lo cho những đàn em trong sân khấu Idecaf. Thế nhưng, đôi khi câu hỏi nghiệt ngã vẫn còn đó, anh đã có tất cả mọi thứ, vậy thì anh có hạnh phúc không?

Câu trả lời về hạnh phúc hiếm khi nào thỏa đáng. Nhưng nghe anh nói cái cảm giác đi về một mình trong đêm Lễ Giáng sinh, lần tìm nổi đường về nhà cũng mất gần một tiếng, thấy hình như anh đã chọn nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn như định mệnh…

Phong Vân
.
.