NSƯT Thành Lộc: Để không tự chán mình...

Thứ Sáu, 11/06/2010, 08:11
Hai năm quay lại Idecaf, xem lại "Hợp đồng mãnh thú", thấy hình như Thành Lộc già hơn và (cũng hình như) anh bắt đầu mệt mỏi. Cái sự mệt mỏi ấy, phải thật kỹ, mới nhận ra, qua những sợi gân nổi lớn trên cổ, qua cách lấy hơi để hét những trường đoạn kịch tính, qua cả đôi mắt đã bắt đầu hằn vết chân chim mà phấn hóa trang đã không đủ sức làm nên sự mầu nhiệm của phù thủy… Nhưng khán giả vẫn mê đắm và cười gần như suốt vở rồi lặng đi trong những lúc bi kịch lắng xuống.

Hai năm, có nhiều diễn viên đã được thay, chẳng hạn như Lương Thế Thành đã thay vai của Huy Khánh, nhưng nếu thay vai của Thành Lộc thì có thể vở diễn sẽ sập. Luôn luôn là như vậy, vai diễn của Thành Lộc luôn ở vị trí trung tâm, không thể thay thế. Nhưng anh thì đang muốn thay đổi, trước khi chán chính mình…

1. Thành Lộc vừa đi Nhật Bản về, theo lời mời của một đơn vị nước ngoài. Mười ngày đi Nhật với anh như bước vào một cuộc sống khác. Tất bật với các hoạt động giao lưu trao đổi văn hóa theo đoàn, nhưng anh cũng vẫn dành những thời gian, suy nghĩ của riêng mình. Xem văn hóa truyền thống ở Nhật, anh nhận ra cái bản sắc rõ rệt. "Mình thích đi xem bảo tàng. Những trung tâm văn hóa nói chung, các bảo tàng tư nhân nói riêng, rất phát triển. Có những thứ là văn hóa truyền thống của Nhật, nhưng các đơn vị tư nhân vẫn đứng ra gánh vác và họ làm việc rất hiệu quả. Tôi đến một bảo tàng mới, thực chất nó là một trường học cũ, nhưng được người ta làm lại, mỗi lớp học là một gian phòng trưng bày. Họ ưu ái các nghệ sỹ trẻ, biến từng căn phòng đó thành một không gian nghệ thuật riêng của họ. Khi mỗi khách tham quan đến, có cảm giác chính họ cũng là một thành phần, tạo nên tổng thể của không gian nghệ thuật ấy. Tính tương tác rất cao. Và tôi thích điều đó" - Thành Lộc nói.

Mười ngày ở Nhật, Thành Lộc nói, với anh là quá ngắn. "Điều tôi thực sự ấn tượng đó là thái độ của người Nhật. Đó là một thái độ chân thành và có sự kính trọng với người đối diện. Có thể đó là văn hóa lâu đời, nhưng có thể cũng là một cách giáo dục được mài rũa rất sâu sắc. Nó làm cho mình thấy đi đâu cũng được tôn trọng, được đối xử rất nhiệt thành. Gặp một người dân ngoài phố, người ta cũng có thể cúi đầu chào mình. Cần sự trợ giúp khi lạc đường, cũng có ngay những người giúp sức mà không cần phải lo lắng. Và, một điều nữa làm tôi thích, muốn ở lại Nhật thêm 10 ngày nữa để đi chơi, là nước Nhật đẹp và sạch đến kinh ngạc. Muốn được ở đó. Nó làm tôi thấy mình thanh thản và ước muốn được sáng tạo những tác phẩm mới, hoàn toàn khác lạ".

Mỗi kỳ nghỉ với Thành Lộc là một đặc ân quý giá. Sau mỗi kỳ nghỉ ngắn ngủi, cảm giác quay trở lại công việc, mỗi tối xách hộp đồ trang điểm lên sân khấu, anh cảm giác như bước vào một cái nhà tù khổ hạnh mà anh đã tự nhốt mình trong suốt gần 40 năm. Cái cảm giác mệt mỏi và chán nản. "Không hiểu vì sao tôi lại có cảm giác ấy. Bởi vì thực sự, khi ấy nó làm mình muốn lười biếng kinh khủng. Nhưng, sân khấu nó là cái định mệnh. Mình tự trói mình trong định mệnh ấy rồi" - anh nói.

Nhưng đó chỉ là con đường từ nhà tới điểm diễn, là cảm giác phải quay về với công việc đã được lên lịch sẵn, là sắp xếp lịch diễn cho từng diễn viên, là lo toan đến từng xuất diễn, vé bán ra làm sao, nhân viên làm việc thế nào. Tất cả những điều đó phải chu toàn, trước khi anh được vào phòng hóa trang, bôi mặt, vẽ mày, chuẩn bị cho nhân vật của mình.

Còn khi cánh màn nhung mở ra, khi Thành Lộc thành người phụ nữ, thành ngôi sao ca nhạc, thành Lý Thường Kiệt, thành gã trai lơ… thì khi ấy, dù chỉ là bục bệ đơn sơ, phông màn cũ kỹ, nó vẫn thực sự là thánh đường với anh. Không phải bởi mọi thứ quá hoàn hảo. Không phải vì điều kiện diễn của anh tuyệt vời. Mà bởi anh biết chắc một điều, có đến quá nửa khán giả dưới kia đến đây, xem đi xem lại rất nhiều lần, chỉ để xem mỗi lần anh diễn sẽ biến hóa như thế nào. Và đó là "liều thuốc cho trái tim", khiến anh quên mọi thứ. Nụ cười Thành Lộc tưng bừng trên sân khấu. Và những câu triết lý được nhấn nhá đầy chủ ý. Thành Lộc mang đến cảm giác, dường như với anh, nơi nào cũng có thể là sân khấu, miễn nơi đó có khán giả thực sự yêu kịch. Còn mọi thứ chỉ là phụ trợ, là giúp sức cho diễn viên.

2. Thành Lộc nói, bây giờ anh cũng bắt đầu bớt hứng thú với kịch sinh hoạt, những vở rất ăn khách nhưng nội dung khá… vừa, đủ để cho những khán giả bình dân nhất vẫn xem được. Anh không thích những vở diễn tâm lý mà… giả vờ trí tuệ, nó không có tính giải trí ở trong đó và thực sự người ta vẫn lầm tưởng đó là cái gì đó… đức hạnh, là cao siêu, mà không nhận ra rằng mình đang rất cũ, rất lạc hậu. Sân khấu, dẫu kinh điển nhất, vẫn phải bắt dòng được với thời cuộc, để mỗi bản dựng là một hơi thở mới, là một tiếng nói mới, làm rung động được trái tim người cùng thời.

Còn dựng kịch năm 2010 mà như những năm 80 của thế kỷ trước, dẫu có thể vẫn lấy được nước mắt của ai đó, thì vẫn coi như là lạc thời. Nghệ thuật không phải là sự bất biến. Nó là sự đi lên, phát triển trong sự thanh lọc tự nhiên của đời sống. Và người nghệ sỹ, khi đã bắt được dòng chảy đó, sẽ đưa ra được những sáng tạo mới. Thành Lộc nói, anh muốn dựng những vở diễn mà có ít diễn viên, sân khấu gần như trống không. Khi ấy người diễn viên không bấu víu được vào bất cứ điều gì ngoài chính tài năng của mình. Và họ sẽ thành công nếu họ có thực tài. Những vở diễn ấy có thể lần đầu khán giả xem chẳng hiểu gì, nhưng nó có chất men kích thích họ làm điều gì đó, kích thích họ quay lại, và khi họ hiểu được thì họ sẽ nghiền nó, như một thứ rượu quý.

Tất nhiên, sân khấu trong mơ ấy vẫn còn xa, nhất là trong thời điểm sân khấu kịch TP HCM dần đi vào bão hòa và các nhà hát đang tìm cách kéo khán giả bằng những vở hài kịch nhẹ nhàng, dễ chịu. Thành Lộc biết rất rõ điều ấy, anh biết rằng tất cả những nền sân khấu lớn, như Pháp, như Nhật… thì hài kịch vẫn thắng thế hơn. Ngay cả chính kịch hiện đại, thì yếu tố hài hước, giải trí vẫn phải được đề cao, vẫn phải là yếu tố làm cho vở diễn không nặng nề, căng thẳng và nó làm cho khán giả được thưởng thức trọn vẹn nhiều cung bậc cảm xúc. "Người ta hay nói, sân khấu hiện đại giúp sức cho diễn viên rất nhiều. Đó là kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và các hiệu ứng phụ trợ. Tôi nghĩ cái đó cũng quý. Nhưng cái đó, về bản chất, nó là công nghệ tạp kỹ, showbiz, chứ nó không phải sân khấu kịch nói. Sân khấu kịch nói vẫn không gì khác là đến để xem diễn viên diễn, nói với nhau. Mà người diễn viên không làm tốt được điều đó, nghĩa là họ đang thua cuộc. Họ đã phải nhờ vả vào những thứ ngoài mình. Và họ sẽ khó trở tay nếu gặp những sự cố kỹ thuật. Một diễn viên sân khấu chuyên nghiệp là một diễn viên không cần gì ngoài chính mình".

3. Thành Lộc có lẽ là diễn viên sân khấu duy nhất không mặn lòng với phim truyền hình. Anh không tham gia dự án nào cả. Mỗi năm anh xuất hiện trong một bộ phim nhựa. Còn lại, toàn bộ thời gian anh dành cho sân khấu. "Các em trẻ ở sân khấu của tôi họ chăm chỉ tham gia phim truyền hình. Thực sự họ muốn giới thiệu mình với công chúng và họ cũng cần danh tiếng. Nhưng tôi thì không. Làm phim truyền hình rất cực khổ, mà tiền cát sê không đủ để đầu tư cho vai diễn. Đóng xong một phim mà chẳng còn đồng nào. Tôi không cần danh tiếng nữa. Tôi cũng không cần chạy show theo kiểu đó. Tôi muốn tĩnh tâm, làm việc với sân khấu. Vì đó mới là nơi mình thực sự được là mình". Anh bảo, ước gì mình giàu hơn, mình làm được nhiều tiền. Chứ trước giờ, anh được tiếng là diễn viên nổi tiếng, nhưng làm tới đâu xài hết tới đó, không có dư. Làm nghệ sỹ rất khó giàu. Mà Thành Lộc thì không biết làm gì ngoài… làm nghệ sỹ…

4. Có một người đàn ông, suốt một đời mình, chỉ làm một công việc, là náu mình vào những con người khác. Và anh náu giỏi đến mức, khán giả luôn tin rằng, những con người đó là những góc khác trong con người anh. Người đàn ông ấy sống một mình, với những món đồ lưu niệm được mang về từ nhiều nơi trên thế giới, kỷ niệm những chuyến đi và luôn nghĩ cách để thoát khỏi hiện tại, vượt qua những rào cản thông thường, để được sáng tạo theo cách mà mình mong muốn. Người đàn ông ấy là Thành Lộc. Hàng ngàn bài báo đã viết về anh. Người ta đã dựng phim về anh. Và người ta đã biết đến chi tiết về cuộc đời anh. Nhưng, các nhà báo vẫn muốn viết tiếp và khán giả vẫn chờ đón tiếp. Là bởi vì anh là Thành Lộc và anh không bao giờ muốn nhìn lại hào quang của chính mình, không bao giờ muốn nhâm nhi ngày hôm qua. Khép lại ngày hôm nay để mở ra ngày mai, mỗi ngày Thành Lộc tìm một cách để mới mẻ với chính mình…

Hoài Phố
.
.