NSƯT Tân Nhân: Một cuộc đời hạnh phúc và đắng cay

Thứ Năm, 07/07/2011, 15:01
Cho đến bây giờ và tôi tin mãi mãi về sau, lịch sử âm nhạc nước nhà sẽ vinh danh bài hát "Xa khơi" - bản tình ca về sự chia ly và khát vọng thống nhất non sông. Và mỗi lần xướng tên bài ca ấy, là mỗi lần người đời lại nhắc đến nghệ sĩ Tân Nhân, người đã hát bằng cả tấm lòng và sự đớn đau vì nỗi chung  riêng ngày đất nước đôi miền…

Người hát về nỗi đau chia cắt...

Thuở đương là cậu bé chân trần, tôi đã từng lang thang từ nhà lên chân cầu Hiền Lương để xem đồng bào đôi bờ về bến sông lưu luyến nhìn sang nhau. Cây cầu Hiền Lương bảy nhịp với 186 tấm ván lim lát mặt cầu thôi, nhưng không ai được đặt chân lên từ sau ngày ký Hiệp định Giơnevơ. Chiếc cầu sơn hai màu khác nhau bởi kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước. "Thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền…".

Tân Nhân đã về bên sông cất lên câu hát. Tại sao chị hát hay một cách da diết vậy? Vâng! Chị đã hát bằng nỗi lòng mình, cả trái tim vì tình yêu cay đắng của mình ngày kẻ thù cắt chia đất nước. 175 mét chiều ngang con sông, thế mà cứ như vời vợi nghìn trùng. Không có ống nhòm để nhìn tận mặt người thân bên kia sông, bao người chỉ biết ngóng sang, vẫy tay, vẫy nón mà gửi nhớ thương qua cho nhau.

Nhiều đoàn ca nhạc đã về bên sông biểu diễn. Tiếng hát nhờ những chiếc loa nén công suất lớn phát đi. Một giọng hát ám ảnh suốt tuổi thơ tôi ấy là nữ ca sĩ Tân Nhân với những bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương và sau này là tuyệt phẩm Xa khơi...

Lời ca đã tha thiết cháy bỏng khát vọng thống nhất non sông, còn tiếng hát của Tân Nhân thì da diết, thổn thức quá chừng. Bao nhiêu nhớ mong đôi lứa, bao nhiêu nhung nhớ ngày đất nước cắt chia được người hát gửi vào bài ca. "Dù cho, dù cho bến cách sông ngăn. Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền...". Tại sao chị ấy hát hay đến như vậy? Tại sao giọng ca da diết đến như vậy? Tôi chưa thể nào lý giải nổi...

Thời ấy tôi chưa biết rằng chị là người Gio Linh bờ Nam sông Bến Hải. Tôi đâu biết chị đã hát cho chính lòng mình, cho bà con mình trong nớ. Chỉ biết rằng những bản tình ca mang khát vọng hòa bình thống nhất ấy đã vang vọng, đã lay động hàng triệu con tim đồng bào đôi bờ Nam - Bắc.

Và đến khi hát Xa khơi, Tân Nhân mới thực sự chinh phục người nghe và tỏa sáng trên vòm trời âm nhạc Việt những năm 60. Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả bài hát Xa khơi kể: Bài Xa khơi lúc đầu được viết trong cuộc vận động sáng tác bài hát hưởng ứng phong trào đồng khởi Bến Tre.

Lúc đi thực tế ở Vĩnh Linh mỗi lần đứng bên biển Cửa Tùng, chỉ có cái nhìn là không giới tuyến, tôi nghĩ con cá, con chim tự do vùng vẫy, mà sao con người đành đoạn xa nhau. Bởi lời ca không nhắc tới chiến tranh bom đạn và ý chí tiến công, nên lúc đầu Xa khơi gần như bị loại. Sau nhờ ông Trưởng ban thống nhất Trung ương đề nghị phát trên Đài TNVN để lấy ý kiến thính giả.

Không ngờ nhiều người đã đề cử cho Xa khơi để đến chung kết đoạt giải nhì (không có giải nhất). Người thể hiện thành công để Xa khơi chinh phục thính giả là Tân Nhân. Trong hồi ký cảm động về đời nghệ sĩ của mình, Tân Nhân đã viết:

Xa khơi là ca khúc nổi danh của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết về đề tài Bắc - Nam thời đất nước còn phân đôi. Nhân một chuyến công tác về vùng biển cùng Đoàn Ca múa Trung ương, tôi chuyên hát dân ca nên được phân hát Xa khơi.

Thật thú vị vì biển là quê tôi, đứng bên bờ Bắc nhìn về bờ Nam còn thấy ngọn thông làng Mai Xá của tôi. Nơi ấy có nhà tôi, bà con ruột thịt của tôi đã mười lăm năm xa cách, thương nhớ. Nơi ấy là cha mẹ tôi, các em nhỏ của tôi mà khi tôi lên rừng theo cách mạng, có đứa còn chưa ra đời.

Bước ra sân khấu là như tắm trong nắng chiều của biển, với mặt biển lung linh, những đám mây bay vờn, có khi che mặt biển thành tím ngắt. Tất cả sống động, những ký ức tuổi thơ trỗi dậy khiến tim tôi rung lên, từng đường gân thớ thịt chan hòa theo tiếng hát".

Là người Quảng Trị bị chia cắt đôi bờ, bao tình cảm của người trong cuộc dồn nén vào giọng hát. Chị đã hát bằng tâm trạng nhớ nhung da diết, hát bằng gan ruột một người con miền Nam xa cách quê hương... và cả nỗi đắng cay chia lìa đôi lứa mà chị chính là người trong cuộc. 

May mắn là Tân Nhân đã được tác giả truyền cho cảm hứng nghệ thuật, được cắt nghĩa từng lời trong ca từ, cảm xúc từng giai điệu bài hát. Chị đã hát hay đến nỗi làm người nghe sững sờ. Người hát đầu tiên và hát hay nhất là chị.

Chính Xa khơi đã truyền lửa để chị Tân Nhân hát bằng gan ruột, làm nên chân dung người ca sĩ. Và chính ca sĩ Tân Nhân đã đưa Xa khơi thành tác phẩm âm nhạc trữ tình tuyệt diệu của Việt Nam. Rõ ràng từ một bài hát, chúng ta đã có một chân dung nghệ sĩ và một tượng đài nghệ thuật âm nhạc trong lòng công chúng.

Và cuộc đời hạnh phúc lẫn đắng cay

Là con gái của một doanh gia thời Pháp thuộc, chị Trương Tân Nhân là thiếu nữ có học và đẹp thùy mị, kết quả của mối tình của ông đốc  Hy quê Cam Lộ với người đàn bà xứ biển Mai Xá, Gio Linh. Người cha của chị hẳn đã tiên đoán được con đường mà chị phải đi nên đã quyết định đưa Tân Nhân ra Vinh, Nghệ An để học thi vào Trường Huỳnh Thúc Kháng thay vì cho tiếp tục học Trường Đồng Khánh, Huế.

Còn một lý do nữa sau này mới biết, đó là chuyện Tân Nhân tham gia hoạt động phản gián trong nội thành Huế, sau nghi bị lộ nên chị đã trở về nhà tránh bắt bớ có thể xảy ra. Cha chị đã quyết định cho con gái ra Bắc đi học. Bà mẹ thương con, cản: "Hắn là con gái, răng cho đi xa được?". Ông Hy đã phải trả lời vợ rằng: "Cả Bình - Trị - Thiên đều ra vùng tự do, sợ chi".

Và Tân Nhân đã khăn gói theo người cậu là Nguyễn Khắc Thứ lên tàu xa Quảng Trị. Cậu gia nhập Vệ quốc quân, còn cô cháu gái xinh đẹp thì học thi vào Trường Huỳnh Thúc Kháng. Cậu sau trở thành nhà văn, còn Tân Nhân duyên nghiệp đưa đẩy thế nào lại theo ông bầu Bửu Tiến làm nghệ sĩ.

Năm ấy, ông Bửu Tiến, một trí thức thuộc hoàng tộc đi kháng chiến, được giao thành lập Đoàn Văn công cho mặt trận Bình - Trị  - Thiên. Ông Bửu Tiến chọn ở Đoàn Văn công Quân khu 4 được một số nghệ sĩ. Số còn thiếu, ông bầu này đã may mắn tuyển từ Trường Huỳnh Thúc Kháng khi có phong trào Xếp bút nghiên lên đường ra trận của học sinh.

Trong số những người đi kháng chiến từ ngôi trường nổi tiếng đất Nghệ ấy có cô nữ sinh Trương Tân Nhân. Đoàn của Bửu Tiến lúc này có những gương mặt sáng: Cao Xuân Hạo, Tố Lan, Tân Nhân...

Cuộc đời người nghệ sĩ trong kháng chiến thật gian nan nhưng cũng thật lãng mạn. Bài hát Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương đã thôi thúc bao lứa thanh niên lên đường. Đoàn Văn công Bình - Trị - Thiên vừa thành lập chưa kịp đỏ đèn biểu diễn phục vụ kháng chiến thì bị địch càn.

Đạo cụ phông màn hàng chục hòm bị giặc cướp mang đi hết, may mà người thoát được. Đơn vị tan tác, mấy chị em chạy vào rừng sâu mất liên lạc… Tin đồn về trận càn Phong Lai dù được cải chính của Việt Minh nhưng vẫn lan truyền về đất Nghệ - Tĩnh. Tin Tân Nhân bị giết làm bàng hoàng thầy trò ngôi trường nổi tiếng một thời chị học.

Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Người bạn học cùng quê sau này là Hoàng Thi Thơ nghe tin như tan nát cả cõi lòng. Anh đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân chết trong lòng tôi…

Gần như cả trường đã hát đã khóc thương Tân Nhân ra đi khi còn quá trẻ: "…Xuân ơi Xuân/ Chim xa đàn/ Xuân ơi Xuân/ Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi/ Trong tiếng đàn… Ôi chim xa cành/ Bướm lìa hoa/ Trùng phùng xa lắm…". Hành động đó đã làm cô nữ sinh trở về xúc động. Nỗi nhớ thương dành cho một người, khi biết người ấy đã chết phải chăng xuất phát từ một tình yêu đẹp?

Lại lên đường ra Bắc, Tân Nhân đã gặp lại Hoàng Thi Thơ ngược dòng Lam đi tìm. Một thiên tình sử đẫm lệ bắt đầu từ đấy. Người đàn ông trong câu chuyện tình éo le trong một lần về thăm nhà đã bị kẹt lại vùng tạm chiếm. Chàng đã bỏ lại chị với đứa con trong bụng mà về thành phố rồi vào Sài thành. Chị ôm hận, nén nhớ thương tìm về Bắc. Tân Nhân tự nguyện dấn thân cho nghệ thuật cách mạng bởi đức can trường và tình yêu trong sáng với nó.

Chị đã không bỏ về thành phố lo ấm thân cũng như bao người rời bỏ nhung lụa đi kháng chiến mà Bửu Tiến đã viết trong vở kịch Trên nớ. Ở miền Bắc, Tân Nhân dù thân phận éo le như vậy, nhưng với tài năng, cộng với sự chân thành, nết na vốn có, chị được nhận về Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương.

Từ đây tiếng hát solitste nổi tiếng Tân Nhân như được chắp cánh, đem đến công chúng những bài ca phục vụ công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc. Sau nỗi cách trở ấy, họ mãi mãi xa nhau. Đứa con kết quả của mối tình lãng mạn ấy sống cùng mẹ trên đất Bắc chịu hai nỗi đau riêng: không được biết mặt cha và một lý lịch có cha là nhạc sĩ dưới chế độ Sài Gòn... Đứa con ấy lúc đầu lấy họ mẹ, mang tên Trương Nguyên Việt, đồng thời mang họ người cha dượng (với cái tên Lê Khánh Hoài).

Anh là nỗi đau từ kết quả của một cuộc tình ngang trái chia lìa, là nỗi đau của một dân tộc ngày chiến chinh chia cắt. Người nữ danh ca miền Trung trên đất Bắc ấy đã sống trong nỗi niềm nhớ nhung quê hương. Chị về đứng bên bờ Hiền Lương mà hát Câu hò bên bờ Hiền Lương: Xa xa một đàn chim/ Rẽ mây dang cánh lưng trời/ Hỡi chim hãy dừng cho ta gửi đến  phương xa vời…

Rồi Bắc - Nam bị phân chia hai miền hai mươi mốt năm đằng đẵng. Tân Nhân đã chôn chặt chuyện riêng để sống và cống hiến cho đất nước, góp phần mình vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Những ngày trên đất Bắc, Tân Nhân đã gặp lại người bạn học năm nào ở Huế, sau tham gia hoạt động cách mạng là Lê Khánh Căn. Họ gặp lại nhau, ôn chuyện ngày còn hàn vi gian khó. Ai cũng thấy mình đổi thay già dặn hơn.

Một lần tình cờ, chị được nhà thơ Tố Hữu gợi chuyện chồng con và có ý giới thiệu Lê Khánh Căn (một thời là thư ký của ông) với chị, và chuyện ấy có thể coi như là một lần mai mối. Cuộc đời chị từ ấy bước sang trang mới. Sau này khi con trai lớn với nhà báo Lê Khánh Căn lấy con gái nhà thơ Tố Hữu, chị lại trở thành thông gia với người đã làm ông mai cho mình dạo trước.

Cuộc đời và duyên nghiệp của người nữ danh ca ấy đã khép lại sau 77 năm vào năm 2008, nhưng giọng hát của chị thì vẫn còn vang mãi. Giọng hát ấy, thiên tình sử đôi bờ ấy mãi mãi ở lại cùng lịch sử đau thương oanh liệt của dân tộc.  Bài Xa khơi chị hát năm nào vẫn da diết thế, vẫn được phát trên sóng và lưu vào băng đĩa.

Và sáng hè nay ngồi cùng Châu La Việt (Trương Nguyên Việt, Lê Khánh Hoài) trên phố bia Hà thành, tôi nhận được nơi anh tình cảm quý mến như anh em lâu ngày gặp lại khi Việt bảo: "Mình cảm ơn Tân Linh về tình cảm đối với mẹ. Mẹ của mình cuối cùng, theo mình là một người hạnh phúc. Hạnh phúc vì bà được sống với nhà báo, nhà cách mạng Lê Khánh Căn. Hạnh phúc vì mẹ mình có ba người con tuyệt vời. Đứa con ngoan và hiếu thảo là tôi, và hai em tôi: một Lê Khánh Châu là một người tài giỏi, hiện là giáo sư Toán học làm việc tại Đức. Mẹ lại có em tôi Lê Khánh Như xinh đẹp. Bà đã sống, đã cống hiến tài năng và sức lực trọn vẹn cho đất nước mến yêu, một đất nước từng đã có số phận như cuộc đời bà”

Tân Linh
.
.