NSƯT Minh Thu: Có một người tình mang tên chèo

Thứ Năm, 18/06/2009, 08:20

Sinh ra trong gia đình nghệ thuật, con của vua hề chèo Mạnh Tuấn, NSƯT Minh Thu biết hát chèo từ khi còn trong bụng mẹ. Cả cuộc đời yêu chèo, sống chết với chèo và là một trong những người hát chèo hay nhất hiện nay. Cũng như cha mình, sau những năm tháng thăng trầm, cống hiến cho nghệ thuật, Minh Thu gần như chẳng có gì cho riêng mình, ngoài chèo.

Người tình mang tên Chèo

Trước mặt tôi là "người đàn bà chèo" Minh Thu, trong ngôi nhà nhỏ là tài sản của bố chị để lại ở khu tập thể Nhà hát Chèo (Mai Dịch). Chia tay chồng, chị sống ở một khu phố mới, nhưng vẫn chạy qua chạy lại chăm sóc mẹ già. Chị sắc sảo, quyết liệt và đã làm gì là dấn thân hết mình, đốt cháy lửa nhiệt huyết cho đam mê. Bốn năm học chuyên sâu về chèo, sau đó trải qua quá trình mấy chục năm biểu diễn, vốn chèo của Minh Thu vững đến nỗi chị có thể chỉ nghe học sinh hát trong vòng nửa phút là biết em đó có hát được chèo hay không.

Minh Thu nói rằng mình mê chèo từ khi còn trong bụng mẹ. Song thân của Minh Thu là con của quê hương Quan họ Bắc Ninh, khi chị chưa sinh ra thì đã được theo mẹ đi nghe những canh hát, lên sàn tập. Chị là con cả trong gia đình, tiếp đó là sáu người em cả nam lẫn nữ, đều làm những công việc liên quan đến chèo, nghệ thuật. Minh Thu 51 tuổi đời, 37 tuổi nghề, đi hát chèo từ năm 14 tuổi và kết duyên với nó, sống chết với nó và đổi lại nó cùng chị đi bên nhau đến hết cuộc đời, như một người tình chung thủy sắt son.

Đã qua rồi cái thời "con sơn ca Minh Thu" nhí nhảnh, yêu chèo, hát cả lúc đi chơi, đi tắm, lúc nấu cơm quét nhà. Con sơn ca ấy bắt chước rất giỏi những người thầy nổi tiếng như NSND Minh Lý, NSND Bùi Trọng Đang, GS-NSND Trần Bảng... Khi chị vào học và làm diễn viên ở Nhà hát Chèo Việt Nam, các thầy cô nói với Minh Thu rằng: "Rất khó để tìm được người mê chèo và say chèo như em. Thế hệ sau nữa mà có người như em thì chèo sẽ vẫn sống tốt".

Có một điều như là định mệnh, là cha mẹ Minh Thu say chèo, các anh chị em của chị cũng say chèo. Thế hệ thứ ba chẳng chịu đi làm nghề khác, ngoài chèo và đặc biệt đều bộc lộ năng khiếu ngay từ khi còn rất nhỏ. Đại gia đình vẫn gọi cháu Nguyễn Nhật Ánh - con của diễn viên múa Nguyễn Tuấn Khôi là thần đồng, vì mới chỉ 2 tuổi em đã biết múa theo băng đĩa. Chưa hề biết chữ nhưng cầm micrô hát theo khá chuẩn, khiến những ai thấy tưởng em biết chữ.

Là con nhà nòi, Minh Thu không học một cách tài tử. Chị luôn ý thức rằng đã học là học cho kỹ, cho chuyên sâu, học bất kỳ ai. Thậm chí, chị học cả hát dân ca, xẩm, quan họ và ở loại hình nào chị cũng đạt đỉnh cao. Giờ, ở Nhà hát Chèo, chị vừa là diễn viên vừa làm công tác giảng dạy. Nhờ tay nghề vững, Minh Thu thường xuyên được mời đi dựng vở cho nhiều đoàn chèo các tỉnh. Chị còn được mời làm cộng tác viên, biên tập viên cho chương trình dân ca của Đài Truyền hình Trung ương và Đài Truyền hình Hà Nội.

Người vững nghề như Minh Thu ở Nhà hát Chèo Việt Nam là một "của hiếm", cùng thế hệ và cho đến sau này, nghệ thuật chèo Việt Nam rất khó tìm được một người như vậy. NSND Minh Lý khi còn sống nói rằng: "Con bé Minh Thu này nó giỏi, nó bắt chước được tôi từng cái chấm, cái phẩy". Học chèo chủ yếu là bắt chước, là học miếng nên rất ít học trò bắt chước được thầy trăm phần trăm và khi làm được giống thầy sẽ thành… của độc! Có thầy giỏi thì sẽ có trò giỏi. Được học những người thầy tài ba, Minh Thu hy vọng đào tạo được những học trò vững nghề, để làm cho nghệ thuật chèo của nước nhà sống mãi.--PageBreak--

Từ cha đến con

Để có thành công như hôm nay, Minh Thu cảm ơn bố đã cho mình dòng máu nghệ thuật, chắp cánh cho mình tình yêu. Chị cảm ơn người mẹ giàu nghị lực đã tiếp thêm cho chị nghị lực từ thời con gái. Hành trang vào nghề của chị thực sự rất vững, chị có thể tự hào và nói lên điều đó. Được đánh giá là người hát chèo chuẩn mực nhất ở Hà Nội, bởi vì chị được học những người thầy chuẩn mực. Chị ý thức rằng, học thêm để làm nghề, nhưng đã học là chị đều có thể làm thầy.

Nói về bố mình, chị xúc động: "Bố tôi - NSND Mạnh Tuấn là một trong những nghệ nhân kỳ cựu trong làng chèo, cùng thế hệ với cụ Bùi Trọng Đang và cụ Chu Văn Thức. Chính ông là một trong những nghệ nhân đã đào tạo ra thế hệ học trò nổi tiếng như Xuân Hinh, Quốc Trượng. Và sau, tôi ảnh hưởng ở cụ rất nhiều. NSND Mạnh Tuấn có công đưa nghệ thuật diễn hề chèo lên đến đỉnh cao. Tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng cơ cực đầy nước mắt. Vì thế tôi luôn ý thức được rằng, phải giúp đỡ bố mẹ nuôi các em và dành tâm huyết cho nghệ thuật".

NSND Mạnh Tuấn là người hiền lành, chỉ biết mỗi việc là cống hiến cho nghệ thuật. Sinh ra và lớn lên trong cảnh mẹ ghẻ con chồng ở đất Bắc Ninh, mới lên 8 tuổi, ông đã phải làm thuê cho gia đình địa chủ trong vùng. Cuộc sống phải chịu cảnh cơm không đủ no, áo không đủ mặc, luôn hứng chịu những trận đòn roi. Cách mạng Tháng Tám bùng lên, 14 tuổi ông đã xung phong làm liên lạc cho du kích địa phương. Rồi trở thành hạt nhân của đội văn công vùng địch hậu. Ông là một trong những người tham gia thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1951, đã đưa tên tuổi của ông thành nghệ sĩ hàng đầu trong lĩnh vực hề chèo. Hơn 20 năm gắn bó với sân khấu với hơn 30 vai trong các vở chèo cổ lẫn hiện đại nhưng không có sự lặp lại mình. Mỗi vai, ông đều tìm cách khai thác một khía cạnh hài hước khác nhau, không lên gân khô cứng.

Tuy không làm những gì bố đã làm, Minh Thu tự vạch cho mình một đường đi riêng, nhưng cũng đủ để người cha già nơi chín suối tự hào. Tôi hỏi Minh Thu rằng, cái khó của chèo là gì. Chị bảo, hát chèo là phải tròn vành rõ chữ, phải nảy hạt, và có hơi hạt. Có nhiều người có năng khiếu nhưng hát chẳng nảy được hạt. Là người tình của chèo, Minh Thu nhận thấy chèo là loại hình nghệ thuật cao cấp, được đệm bởi 8 loại đàn, cùng lúc quyện vào nhau. Chèo lại hội tụ đủ bốn yếu tố: ca, vũ, nhạc, kịch mà lớp diễn viên chèo trẻ bây giờ mấy ai hiểu được. Chèo là phải xem, phải nghe mới mê, nhất là nghe những bài thảm sầu. Ca từ tác động vào sâu thẳm tâm hồn người, khiến người nghe có thể khóc, lại có thể cười ngặt nghẽo.

Xã hội hiện đại giờ đây chẳng còn mấy người say sưa nghe hát chèo. Cánh diễn viên trẻ của Nhà hát giờ đây bị chi phối bởi nhiều chuyện riêng tư, nhất là chuyện mưu sinh, liên quan đến cơm áo gạo tiền hằng ngày. Thành ra chẳng ai toàn tâm toàn ý cho chèo, cho những vai diễn. Thường diễn viên của Nhà hát mỗi năm đi diễn từ tháng 1 đến tháng 3, thu nhập từ nghề ít ỏi, khó sống. Minh Thu rất thông cảm cho các em vì điều đó, không trách được, bởi các em không chạy sô thì làm sao sống được. Ngay cả Minh Thu cũng phải kết hợp đi diễn bên ngoài để có thêm thu nhập, nhưng không phải chỗ nào chị cũng nhận lời, bởi có những chỗ nếu chị nhận lời, thì uy tín của chị và gia đình sẽ giảm.

Ám ảnh từ một vai diễn

Một thời, Minh Thu và Quốc Anh là cặp diễn viên nổi tiếng và ăn ý ở Nhà hát Chèo Việt Nam. Cả hai vì đóng vai cùng vở mà yêu rồi thành đôi. Nhưng chẳng mấy ai biết, cũng từ một vai diễn, dường như là định mệnh đã chia rẽ hai người. Đó là vở chèo "Quên lời thề xưa". Ở vở này, Quốc Anh đóng vai chàng Quốc Phong nghèo khó, Minh Thu thủ vai cô gái tên Thơm mộc mạc nơi thôn dã. Thơm tần tảo làm lụng nuôi chàng Quốc Phong ăn học. Ngày Thơm tiễn Quốc Phong lên Kinh ứng thí, chàng đã thề non hẹn biển nếu đỗ đạt, được làm quan sẽ về quê đón Thơm, cùng hưởng vinh hoa phú quý. Quốc Phong đỗ Trạng nguyên, liền quên ngay mình đã hứa những gì với người con gái có công với mình. Chàng phũ phàng quên ơn và quyết định lấy công chúa con vua, để hưởng vinh hoa phú quý. Chàng Trạng nguyên được cử đi đánh giặc, bị thất bại, bị mù mắt và chịu phạt rồi bị đuổi về quê. Khi về quê, chàng đã thành tàn phế, cũng lại chỉ có đôi bàn tay của cô gái quê nghèo tên Thơm đưa ra đón lấy.

Đó là trên sân khấu, ở ngoài đời Minh Thu là người thiệt thòi và vất vả. Không hợp nhau nữa thì chia tay, Minh Thu lâm vào hoàn cảnh "gà mái nuôi con". Thế nhưng chị vẫn sống và vươn lên, thanh thản trong tình yêu với chèo, với những vai diễn và các học trò yêu quý. Bây giờ, cô con gái duy nhất đã vào Sài Gòn làm, chị một mình một bóng. Chị diễn ít hơn vì đã có tuổi. Những vai của chị bây giờ thường là vai người mẹ, Thái hậu hoặc Hoàng hậu, chứ chẳng còn sắm những vai công chúa như xưa. Chị dành nhiều thời gian chăm sóc người mẹ già và dạy học trò bằng tất cả lòng nhiệt huyết của mình.

Minh Thu thuộc tuýp người ít nói về gia đình, những chuyện riêng tư. Chị bảo nỗi khổ nào cũng qua, vết thương nào cũng phải ngậm miệng. Con người không thể mãi sờ nắn vào các vết thương. Tôi thích ý nghĩ ấy. Chúng ta phải quên đi muộn phiền, vì ngày mai vẫn cần những việc làm có ích của chúng ta.

Cái được của Minh Thu không phải là các giải thưởng lớn nhỏ mà là ở chất lượng các vai diễn và khả năng lấy nước mắt của khán giả. Có những diễn viên khóc rưng rức trên sân khấu, trong khi cảm xúc khán giả bên dưới vẫn trơ ra. Minh Thu chẳng những khiến khán giả xúc động rơi nước mắt mà những người bạn diễn cũng khóc. Đó là một điều hiếm hoi ít người làm được.

Kinh nghiệm của Minh Thu đối với nghề nghiệp, là trái tim phải thổn thức trước các nhân vật, phải hóa thân vào đó bằng tình yêu, sự trăn trở với mỗi nhân vật được phản ánh trong xã hội. Minh Thu nhập vai chín ra vai chín, vai lệch ra vai lệch. Chị không sợ hóa trang xấu, mà quan trọng hơn chị chỉ sợ mình nhập vai không đạt. Nhiều người từng từ chối đóng vai Thị Nở, chị đã nhận và hóa trang mình đến nỗi chẳng ai nhận ra. Minh Thu đã làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của Thị Nở, càng khiến cho người xem thêm yêu quý nhân vật rất đời này.

Đời nghệ sĩ, không bao giờ tránh khỏi những lời đồn thổi, những rắc rối mà đôi khi chẳng ai mong nó vẫn đến. Minh Thu là một nghệ sĩ có tiếng và luôn nhân hậu, vị tha. Dù trong cuộc sống, chị đã chịu một số thiệt thòi. Nhưng tôi biết, ông trời lúc nào cũng ở bên cạnh chị, giúp chị bảo vệ được giá trị của gia đình, của mình và hết lòng cho người tình mang tên Chèo

Diên Khánh
.
.