NSƯT Kim Xuân: Đã xa thời con gái...

Thứ Tư, 20/05/2009, 11:02
Đời cô đào hát ngắn hay dài? Khi bao người bước qua tuổi ba mươi đã toan về già, cơ hội chỉ đếm trên đầu ngón tay? Biết bao nhiêu nhan sắc đi vào tuổi trung niên trong sầu muộn khi nghĩ về vinh quang quá khứ. Kim Xuân dường như đi ngược lại quy luật ấy. Chị, ở tuổi tứ tuần, vẫn kín đặc lịch diễn, với 400 tập phim truyền hình phải hoàn thành trong một năm. Và có một Kim Xuân máu thịt trên sân khấu Idecaf, dữ dội từng đêm, tỏa sáng từng đêm và kiệt sức từng đêm...

1.Tôi nhớ vai diễn cô ca sỹ của chị trong phim "Nhịp đập trái tim" của đạo diễn Lê Cung Bắc. Một nghệ sỹ tài năng nhưng bước qua thời vàng son, phải nhìn cảnh sân khấu ca nhạc xập xình nhạc điện tử với những bài hát lố lăng. Còn chị, phải bước lên sân khấu trong nỗi buồn tuyệt vọng của người khao khát làm nghề nhưng bị khán giả phụ bỏ. Chị hát hết mình và nhận lại những trận mưa cà chua thối. Và những suy nghĩ tiêu cực, buông trôi cứ bám lấy tâm hồn người nghệ sỹ ấy.

Kim Xuân khi ấy vẫn còn trẻ đẹp. Chị phải tìm cách tăng thêm 10kg để hợp với vai diễn của mình. Nhiều người nói chị quá hy sinh cho nghệ thuật. Nhưng, chị chỉ làm đúng trách nhiệm của một diễn viên, dám nhận những vai khác mình và dám hết lòng với nhân vật ấy, từ những điều nhỏ nhất đến những điều tưởng là bất khả thi với nữ diễn viên là "làm xấu mình".

Kim Xuân nói, đây cũng là một vai diễn mà chị ưng ý. Giống như trên sân khấu, vai Diệu của "Thời con gái đã xa" cũng là một vai làm chị day dứt và lưu nhớ. "Thời con gái đã xa" là câu chuyện của 11 năm trước, khi ấy sân khấu Sài Gòn rực rỡ bước vào liên hoan sân khấu mùa thu, Kim Xuân xuất hiện trong 4 vở của 4 sân khấu lớn của thành phố. Nhưng thành công của chị với "Thời con gái đã xa" như một thứ định mệnh.

Và cũng bởi chị hy sinh cho nó nhiều nhất. Diệu, nữ thanh niên xung phong bị bom napan làm cháy xém một nửa thân mình, một nửa gương mặt xinh đẹp. Và cô lại có thai với người đội trưởng của mình. Lang thang vào Sài Gòn nhặt ve chai để nuôi con, nhưng bình yên vẫn chưa đến với chị. Khi con cô lại học chung lớp với con của người đội trưởng, dắt dây đến những hờn ghen của người vợ anh ta, thì Diệu quyết liệt bỏ đi.

Tôi nhớ hoài hình ảnh Diệu cùng con dắt nhau rời Sài Gòn về miền Trung. Sự ra đi ấy mang tên của lòng tự trọng của một trái tim kiêu hãnh... "Thời con gái đã xa" mang dáng dấp của một vở kịch tuyên truyền, với môtif không quá đặc biệt, thậm chí có thể nói là quen thuộc. Đề tài không dễ khiến khán giả cộng cảm, chắc chắn là không hấp dẫn.

Nữ diễn viên chính lại không được khoe nhan sắc của mình, phải hóa trang thành người phụ nữ nghèo mang những vết sẹo lớn trên mặt và sống với những vết sẹo dài trong tâm hồn. Kim Xuân nhớ lại thời điểm ấy, chị đã phải dùng keo dán để "dựng" những vết sẹo trên mặt, dán nhiều đến mức da mặt lúc nào cũng bỏng rát. Và gánh nặng đã dồn lên vai Kim Xuân.

Điều không thể đã trở thành có thể. "Thời con gái đã xa" lấy nước mắt của biết bao người. Và Kim Xuân đã có một vai diễn quan trọng. Kim Xuân nói, khi có một vai diễn hay, chị sẽ sẵn sàng bỏ lại tất cả, để bắt đầu bước vào cuộc sống của nhân vật, dù chị biết khi ấy chị có thể phải hy sinh rất nhiều.

Thời gian này, Kim Xuân đã không còn diễn nhiều trên sân khấu. Kịch mục Idecaf chỉ còn "Cuộc chơi nghiệt ngã" và "Cô chủ quán xinh đẹp" là có chị. Kim Xuân nói, từ lâu chị đã là người tự do với sân khấu, và chị chỉ nhận những vai diễn nào chị thích.

Bây giờ nếu có một kịch bản hay, dù là bất cứ sân khấu nào, chị sẽ tham gia. Không diễn nhiều không phải chị đã chán sân khấu, mà bởi chị không nhìn thấy được sự phát triển của nó. Khán giả sẽ chỉ nhìn vào những sân khấu đỏ đèn thường xuyên như một sức sống. (Mà quả thực là kịch Sài Gòn có sức sống khá dẻo dai).

Nhưng với những diễn viên mê thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng từ trước giải phóng, đã trải qua hầu hết các sân khấu kịch ở Sài Gòn, đã từng cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ đứng giữa dòng khi sân khấu 5B Võ Văn Tần rạn nứt và những con chim lớn trong cái tổ ấy có nhu cầu cần một ngôi nhà mới như Kim Xuân, lại nhìn thấy ở sân khấu sự chững lại.

Nói đúng hơn, chị đã thấy sân khấu đi vào sự lạc hậu. "Đến lúc này, mà sân khấu vẫn đơn sơ vài ngọn đèn, những phông màn quá đơn giản, vở kịch sống được gần như là dựa vào tài năng của diễn viên, thì sân khấu rất khó đổi thay" - Kim Xuân nói. Tâm tư của Kim Xuân là tâm tư có thật của những người tâm huyết với sân khấu kịch.

Sân khấu sở dĩ không còn sức hút mạnh như trước chính bởi sự đơn sơ, đôi khi đi đến sơ sài. Và những vở chính kịch vì thế mà rất khó có đất sống. Với Kim Xuân, đã từng kinh qua đủ các loại vai, từng đi theo đoàn tấu hài để kiếm sống, đã không còn lạ lùng gì với mọi chuyện. Nhưng có lẽ, một nghệ sỹ đích thực, bao giờ cũng muốn có những vai diễn chân thành và đầy số phận trên một sân khấu bậc nhất.

Ước mơ của Kim Xuân về một sân khấu hiện đại có lẽ là những ước mơ đẹp. Nhưng "thời con gái đã xa". Thời ấy, Kim Xuân và Thành Lộc diễn "Tình yêu dành cho hai người", vở diễn đầu tiên của kịch Idecaf, làm khán giả và đồng nghiệp sững sờ. Và chính những cái "sững sờ" ấy tạo nên phong cách kịch Idecaf. Còn bây giờ, chị chỉ nhận những vai mà chị thích. --PageBreak--

2. Đạo diễn Lê Hoàng nói, anh chán phim truyền hình Việt Nam, vì làm hư một diễn viên tài năng như Kim Xuân. Bởi ai cũng biết trên sân khấu, Kim Xuân thần tình và biến ảo trong mọi thể loại nhân vật, tạo nên những dấu ấn khó xóa. Còn phim truyền hình cứ buộc Kim Xuân vào sự lười biếng của các đạo diễn, thấy chị là thấy vai bà mẹ khổ sở, thấy chị là thấy nước mắt ngắn, nước mắt dài.

Quả là Kim Xuân bước vào vai người mẹ khá dễ dàng. Và không có gì khó khăn khi chị khóc. Nhưng Kim Xuân nói, trời ơi, kịch bản có như thế thôi, mà ông đạo diễn nào cũng cứ nói, khóc đi khóc đi. Ừ thì tôi khóc, nhưng mà tình huống đó không đẩy được tới đỉnh điểm buộc người ta phải khóc. Biết làm sao khi mọi thứ đều được làm quá nhanh.

Thế nhưng, Kim Xuân có vai bà mẹ đáng giá trong "Huyền thoại bất tử". Kim Xuân nói, chị nhận lời tham gia phim bởi biết trước đây sẽ là một kịch bản đặc biệt và đây là phim của đạo diễn Lưu Huỳnh. Và Kim Xuân bắt đầu đi học võ hai tháng để vào vai bà mẹ võ sư. Tham gia bộ phim trong nhiều tháng, với Kim Xuân đó là một sự hy sinh thực sự. Nhưng chị biết mình đang hy sinh cho điều gì.

3. Đã có những tháng ngày vất vả trong cuộc sống của chị. Chồng chị là một người đàn ông Huế, tinh tế nhưng nghiêm trang. Mẹ chồng chị là một người thương con nhưng vô cùng nghiêm khắc. Vậy nhưng Kim Xuân đã làm dâu hơn 20 năm. "Không phải không có lúc tuyệt vọng và tủi thân. Không biết bao nhiêu lần tôi đã sắp đồ vào vali và định ra đi. May mà chồng tôi giữ tôi lại được. Đến sau này tôi mới nhận thức được mọi việc, là khi ấy mình còn cạn nghĩ và mình muốn sống cho riêng mình nhiều hơn. Chứ mẹ chồng tôi thương tôi hơn nhiều người khác" - Kim Xuân nói.

Chị mưu sinh bằng nghề diễn, có thể nói là như vậy, hoàn toàn sống nhờ những đồng cát sê nho nhỏ của mình. Cuộc sống của một diễn viên sẽ rất khó giàu nếu chỉ nhờ vào tiền cát sê, hầu hết mọi người đều có thêm một nghề tay trái. Kim Xuân, vào thời điểm khó khăn nhất của nghiệp diễn, đã từng xoay qua làm thử nhiều việc.

Chị mở một sạp quần áo ở chợ. Khi có chị thì khách đến mua nhiều, vì muốn gặp chị cho biết. Nhưng vắng chị thì sạp lại vắng khách. Chị nói, trời chỉ cho mỗi người một điều gì đó thôi. Chị đã chọn gia đình là điều quan trọng nhất, chứ không phải sự nghiệp. Và chị đã có được gia đình như ý chị. Dù giữ gìn nó trong khó khăn cũng chẳng dễ dàng gì. Con trai Kim Xuân đã là một ca sỹ phòng trà.

Chị nói không thích con làm ca sỹ. Nhưng chị thực sự thích nghe con hát. Bởi con chị luôn hát thật, không diễn và không hát nhép. Tôi không nỡ hỏi Kim Xuân có hạnh phúc không, khi thấy chị có vẻ rất bằng lòng với cuộc đời hiện tại. Chị chăm cây và thú cưng, xem phim và nghe nhạc, chia sẻ cuộc sống cùng hai người đàn ông của đời mình.

Và chị có công việc yêu thích để làm. Có thể trong lòng chị, vẫn còn đó những nỗi buồn. Nhưng đó là chuyện của chị và có thể chị muốn giữ nó một mình. Chỉ tâm hồn chị biết. Mỗi người có quyền lựa chọn cho riêng mình một cách sống. Chỉ cần dám hết mình với nó mà thôi.

4. Kim Xuân không giống như những nữ diễn viên một thời khác, hầu hết đã... ẩn dật với đời sống của mình. Còn Kim Xuân thì tất bật với phim trường, kịch nghệ còn hơn cả những diễn viên trẻ. Năm 2009, chị phải hoàn thành 200 tập phim "Gia đình phép thuật" và 200 tập "Chuyện nhà tôi".

Và những lời mời tiếp tục được gửi đến. Cát sê của Kim Xuân đang ở mức cao nhất trong khung bậc diễn viên. Nhiều người nói chị là trường hợp đặc biệt, gừng càng già càng cay. Còn tôi biết, không điều gì dễ dàng cả.

Để có ngày mà các đạo diễn muốn có tên mình trong phim của họ, bất cứ diễn viên nào cũng phải trả giá rất nhiều, bằng mồ hôi nước mắt, để tạo dựng lòng tin trước công chúng. Kim Xuân, đã trải mồ hôi trên sàn tập mấy chục năm để ngày hôm nay chị có thể đến với những bộ phim nhẹ nhàng như thế. Tổ nghiệp có lẽ chẳng bao giờ đãi nhầm người...

Thiên Ý
.
.