NSƯT Hồ Kiểng: 3 lần suýt chết vì đóng phim

Thứ Tư, 11/04/2007, 10:30

Năm 1966, ông bị ngựa đá gãy xương sống khi đóng phim “Rừng xà nu”. Với phim “Đêm săn tiền” năm 1988, ông bị nhiễm nọc độc rắn, chết lâm sàng 3 ngày. Với phim “Cảnh sát hình sự” năm 1993, ông bị té dập đầu xuống nền nhà. Tai nạn nghề nghiệp đến mức “chết đi sống lại” nhưng NSƯT Hồ Kiểng vẫn say mê với nghiệp diễn và tự hào là người đóng nhiều phim nhất Việt Nam.

Có thể nói, cuộc đời làm nghệ thuật của NSƯT Hồ Kiểng chỉ ngừng khi ông không còn động đậy được chân tay. Bằng chứng là cho đến tận những ngày đầu Xuân Đinh Hợi này, ông vẫn thường xuyên tham gia vai khách mời trong chương trình “Ngôi nhà mơ ước”, vẫn tấu hài, diễn kịch, ca cải lương…  Vâng, ở tuổi tám mươi hai, Hồ Kiểng giữ vững kỷ lục “Người đóng nhiều phim nhất Việt Nam”. Sức sáng tạo nơi ông thật mãnh liệt.

Năm 1966 đoàn làm phim “Rừng xà nu” của Xưởng phim Quân đội lên Cao Bằng quay ngoại cảnh. Trong một cảnh, diễn viên Hồ Kiểng vốn cầm tinh con cọp không may bị ngựa đá ngã gãy xương sống, phải đưa vào Bệnh viện Cao Bằng. Không thể chờ đợi, đoàn phải thay diễn viên rồi gửi Hồ Kiểng lại cho địa phương điều trị và khẩn trương lên đường. Tám tháng liền, bệnh nhân được một chị hộ lý người Tày tận tình chăm sóc. Cuối tuần con gái chị, tên là Mai Khanh, khi ấy mới 16 tuổi, đang đi học bên đất Trung Quốc lại vào giúp mẹ chăm sóc “chú diễn viên” và nghe chú kể chuyện phim.

Vết thương không lành, xưởng phim lại phải đưa Hồ Kiểng về điều trị 13 tháng nữa ở Bệnh viện Bạch Mai rồi cuối cùng phải đưa sang Liên Xô thay cột sống giả. Trở về nước, ân tình sâu đậm của mẹ con người hộ lý làm Hồ Kiểng quá xúc động. Anh viết một lá thư dài đến 7 trang pơluya để cảm tạ. Mấy ngày sau, chị hộ lý dẫn theo cô con gái lúc này đã 19 tuổi về Hà Nội gặp anh.

NSƯT Hồ Kiểng và danh hài Mạc Can.

Số là, chẳng rõ tình cảm lai láng thể hiện thế nào trong thư làm bà mẹ hiểu là anh muốn xin cô con gái làm vợ nên chị dắt theo... giao luôn cho anh. Hồ Kiểng không thể thanh minh bởi sẽ làm phụ tấm chân tình của người mẹ nên đành chấp thuận. Lúc này anh đang ở tập thể Đoàn Kịch nói, để tránh những dị nghị, đặc biệt là sự không cân xứng về tuổi tác anh phải thuê nhà ngoài phố cho Mai Khanh ở. Bốn tháng sau, người mẹ trở lại thì phát hiện con đã có bầu bởi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Chị vui mừng giục Hồ Kiểng lên Cao Bằng làm lễ cưới.

Phong tục của người Tày là trai gái yêu nhau đến lúc có thai mới được làm đám cưới tại quê cô dâu và chú rể ở rể luôn tại đó. Hồ Kiểng phải nhỏ to thuyết phục, đến lúc người mẹ xuôi cho tổ chức cưới tại Hà Nội thì ông bố viết thư  xuống dứt khoát: “Nếu cưới ở dưới đó sẽ vác dao xuống chém…”. Lên Cao Bằng cưới rồi ở luôn trên đó ngày ngày vác dao đi rừng ư? - Hồ Kiểng nghĩ - Thế thì sự nghiệp nghệ thuật sẽ tiêu tan… Anh dùng kế hoãn binh để dần dần thuyết phục cho Mai Khanh ở lại Hà Nội. Thoạt đầu bà mẹ phản đối quyết liệt nhưng vì anh bày hết gan ruột thuyết phục… cuối cùng bà mẹ đồng ý, nhưng là đồng ý đem con trở lại Cao Bằng rồi sau đó gả cho một người Tày làm nghề lái xe. Hồ Kiểng vô cùng đau xót nhưng cũng chẳng có cách nào giải quyết tốt hơn, chỉ bồi hồi ghi lại:

Đóng phim miền Bắc ở Cao Bằng
Ngựa đá bấy giờ xương sống băng
Nghệ sĩ liệt giường nhưng chẳng chết
“Rừng xà nu” vẫn đẹp đêm trăng.

Sau một năm chính thức nghỉ hưu, Hồ Kiểng lại vào vai ông già chuyên đi soi rắn ếch trong phim “Đêm săn tiền”. Cảnh quay diễn ra ở một bụi cây rậm rạp tại Thủ Đức, lão già soi được một chú rắn hổ mang, chế phục xong bắt bỏ nghiến vào giỏ thì sự cố xảy ra. Đạo cụ là một con rắn hổ mang đã chết được trói miệng bởi dây thép, Hồ Kiểng bắt nó bỏ vào giỏ thì một đầu dây đã đâm vào tay làm chảy máu… Rắn đã chết nên mọi người lập tức đưa ông vào bệnh viện tiêm phòng têtanôt, song vết thương nhức nhối sưng tấy lên, khi đến nơi thì ông đã chết lâm sàng. Trời đất xui khiến sao đó, bác sĩ trực là người chuyên chữa trị rắn độc cắn. Xem nhanh tình trạng của Hồ Kiểng, bác sĩ khẳng định ông bị nhiễm nọc rắn độc và bình tĩnh chữa theo kinh nghiệm.

Hai ngày trôi qua, bác sĩ cho bệnh nhân thở máy để duy trì hoạt động của tim, truyền nước biển có mồ hôi ngựa sản xuất tại Nhật… song vẫn chưa tìm thấy sự sống nơi ông. Trước tình thế ấy, gia đình đã đến xin đem về làm hậu sự. Vị bác sĩ quả quyết để ông ở đây tiếp tục điều trị, sau 3 ngày 3 đêm nếu không kết quả thì cho đem về nhà, còn nếu ông tỉnh lại thì sẽ tự về chẳng cần ai đưa đón.

Như có phép lạ, Hồ Kiểng đã tỉnh lại sau khi truyền hết 21 chai nước biển nói trên trọn 3 ngày và tự thuê xe về nhà. Vị bác sĩ cho biết ông đã nghiên cứu qua thi thể các nạn nhân bị rắn độc cắn được khai quật, phần nhiều không nằm ở tư thế lúc đầu, mà có người nghiêng co hai chân, có người lại trong tư thế lom khom… như thế là sau khi chôn họ đã sống lại, vùng vẫy trong môi trường yếm khí rồi mới chết. Ông đã chữa trị cho 20 trường hợp, cứu sống được 17 người, đến Hồ Kiểng là người thứ 18. Con rắn đạo cụ đã chết sao cắn được? Vâng, nọc độc đã thấm vào sợi dây kẽm trói miệng rắn và đâm vào tay ông. Đời nghề của ông già vào tuổi sáu mươi ba đã chết đi sống lại thật hy hữu.--PageBreak--

Sang năm 1993, lão nghệ sĩ của chúng ta vẫn tiếp tục vào vai diễn ở mười phim và một trong những phim ấy đã ghi đậm dấu ấn về đức hy sinh cho nghệ thuật của ông. Phim “Cảnh sát hình sự” ông đóng vai một lão già dê trong cơn say xỉn đã ôm đại cô chủ quán và… hôn đúng lúc gã bồ của cô xuất hiện, vậy là phải hứng trọn một bàn ê hề rượu thịt. Cơn ghen tột đỉnh đã khiến cú đẩy khá mạnh làm ông lão té đập đầu xuống sàn nhà. Xui quá, lúc tập cũng là động tác ấy nhưng chỉ làm ông ngã rất nhẹ phải nhấn nhá thêm cho thật. Đằng này...

Cảnh quay chấm dứt ông thấy chóng mặt và đau đầu dữ dội, liền vào bệnh viện chụp xiti thì phát hiện máu bầm đọng trong não. Bác sĩ quyết định khoan hai lỗ phía sau đầu để hút máu bầm, nhưng như vậy thì phải gây mê mà gây mê lại ảnh hưởng đến trí nhớ, làm sao còn đóng phim được? Thế là lão nghệ sĩ của chúng ta đã cắn răng chịu đau để bác sĩ tiến hành quy trình khoan đầu hút máu bầm... không gây mê. Quả là một nghị lực phi thường, một tấm tình hy sinh cho nghệ thuật. Và sau đó nghệ sĩ Hồ Kiểng lại tiếp tục đi đóng phim, chỉ cảm thán sự việc trên bằng bốn câu lục bát:

Tuổi già nhậu xỉn còn dê
Ôm hôn chủ quán cho mê mẩn đời
Thằng bồ nó đánh kêu trời
Ghế bàn ngã đổ, tơi bời xác thân.

Tháng 12 năm 2004, Hồ Kiểng cảm thấy rất mệt, hai chân sưng lên đi lại khó khăn. Tưởng bị phù thũng, ông liền đi khám bệnh, bác sĩ cho biết máu không chảy lên não mà dồn xuống chân gây phù và cho thuốc về uống. Những ngày sau đó mệt mỏi càng tăng, ông không ăn uống được, chỉ năm ngày mà sút 5kg, liền nhập viện Nguyễn Trãi. Bác sĩ khám thấy nhịp tim chỉ còn 41 bèn khôi hài mà rằng: “Sao không để hai ngày nữa vô?”. Ông tròn mắt: “Vậy sao chịu nổi?”. Vị bác sĩ cười: “Chỉ hai ngày nữa thôi là nhịp tim chỉ còn 35, thế là đi!”. Bác sĩ khẩn trương làm những sơ cứu cần thiết rồi chỉ định điều trị: phải lắp máy trợ tim. Chi phí khoảng 25 triệu đồng. Vị bác sĩ đã hướng dẫn cho người nhà Hồ Kiểng làm đơn xin và được Hội Chữ thập đỏ quốc tế tặng máy trợ tim.

Chín giờ sáng hôm sau ông già tám mươi tuổi lên bàn mổ và trong cái khung ngực hẹp của tuổi tác ấy chứa thêm một chiếc máy trợ tim. Những ngày này, giới nghệ sĩ thường xuyên vào ra bệnh viện thăm nom người bạn vong niên kiên cường của mình. Nghệ sĩ điện ảnh Việt Trinh đã quyên góp trong giới được 16 triệu đồng biếu ông để bồi dưỡng sức khỏe sau mổ...

Một ngày cuối năm Bính Tuất tôi đến thăm ông. Trời Sài Gòn se lạnh làm cả hai chúng tôi cùng da diết nhớ về Hà Nội. Nhà ông xưa là cái góc sân để máy phát điện dùng khi bị cúp điện cho một chung cư của Đài Truyền hình đầu đường Cao Thắng… Ông đã xin một khoảnh dọn vệ sinh và che tạm để ở. Khách và chủ cùng ngồi trên chiếc giường cá nhân là chỗ ngủ của ông. Hai ly cà phê và cái ấm nhỏ để trên ghế nhựa đặt giữa lối đi vào nhà.

Tài sản? Vâng, còn một cái quạt đứng để ở đầu giường ngủ, một bộ lễ phục của quân đội treo trên mắc áo, những bằng khen, bằng chứng nhận kỷ lục gia và ảnh cá nhân treo và đặt trên vách, một cái giá gỗ đặt song song trên giường nằm trên đó để tất cả tài sản mà quí giá nhất là cái rương nhỏ đựng các tập album ảnh lớn nhỏ và những kỷ vật của cả một đời làm nghệ thuật của ông. Ông thoải mái cho tôi xem tất cả những chứng tích còn lại trên cơ thể sau những pha ngựa đá, rắn độc, đòn ghen… và cộm lên trong lồng ngực già nua là cái máy trợ tim. Ông cười thoải mái, giọng vẫn hết sức lạc quan:

- Sau khi đặt máy trợ tim, tôi hoạt động bình thường. Cũng đi bộ, thể dục buổi sáng, ăn ngủ tốt và rất nề nếp. Cũng tiếp tục đóng được mười bộ phim nữa, vẫn làm thơ gởi đăng báo, tự biên tự diễn tấu hài, ca cải lương… Tóm lại còn sống là còn làm nghệ thuật. Lương hưu tôi lãnh hơn một triệu hai là lần tăng cuối cùng gần đây, song mỗi tháng ăn hay không cũng chỉ phải đóng cho bà bạn ba trăm ngàn. Anh Vương Tài một người bạn kỷ lục gia gặp cách nay 2 tháng đã lại đóng cho rồi, đi làm nghệ thuật ngày cũng có năm ba chục ngàn nữa vậy là giàu rồi còn gì.

Ông ha hả cười rồi đọc cho tôi nghe bài tứ tuyệt vẫn thường ngâm nga lúc trà dư tửu hậu. Tôi khen: “Anh thật hài hước”. Ông đỏ mặt cãi liền: “Sao lại hài hước. Cái chất lạc quan muôn thuở của lão già Hồ Kiểng này đó. Anh không thấy ư?”.

Ngày 8 tháng 2 năm 2007, NSƯT Hồ Kiểng lại tiếp tục làm khách của “Ngôi nhà mơ ước” và vẫn làm thơ, tự biên tự diễn tấu hài, ca cải lương… Sức sống nơi ông thật mạnh mẽ, vậy thì những chuyện về ông đâu đã đến lúc dừng...

Lê Khắc Hân
.
.