NSƯT Đức Long: Một mình, lại một mình thôi
Tôi ngồi với Đức Long trong một buổi chiều lạnh vắng. Anh nói, từ lâu anh đã tách mình khỏi đời sống này rồi, con tàu âm nhạc ngoài kia đã đi đến một bến bờ khác. Và anh đã bỏ lại mình ở một sân ga nào đó. Nhưng tôi biết, trong tâm tưởng anh, trong nỗi nhớ của anh, con tàu ấy vẫn ở đâu đó, rất gần.
1. Tôi hỏi Đức Long vì sao những bài anh hát lại buồn đến vậy. Anh không nói gì. Đôi mắt già nua, mỏi mệt. Lặng im hồi lâu, anh khẽ nói: “Có lẽ cuộc đời anh buồn nhiều hơn vui”. Vì thế những bản tình ca anh hát thường thấm đẫm nỗi buồn. Hai đêm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong cái lạnh tái tê ở Hà Nội, lại được nghe Đức Long hát. Lâu lắm rồi, tôi mới được chìm đắm trong một thế giới khác. Của lặng im. Của nỗi buồn. Của những da diết, ưu tư. Anh hát như một kẻ rong chơi, ghé qua đời sống này vậy, để lại nhiều buồn đau, mất mát. Nhưng nỗi buồn của Đức Long không khiến người ta bi lụy, mềm yếu. Đó là một nỗi buồn đẹp.
Đức Long xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ trước với tiếng hát trữ tình ấm áp, gần gụi. Anh hát nhẹ như hơi thở. Không cố gồng mình lên, không dùng kỹ thuật. Tất cả cứ như tuôn chảy từ trong tâm hồn anh vậy. Những tình khúc của Phú Quang, Đoàn Chuẩn - Từ Linh... đã để lại dấu ấn trong lòng thế hệ trước. Nhưng để được đứng hát solo một mình, Đức Long cũng đã phải trải qua những gian nan, cơ cực. Người đàn ông đó đã đến và đi trong cuộc đời này như một người lữ hành cô độc. Anh đốt thuốc liên tục. Một thói quen cố hữu từ những năm tháng tuổi trẻ buồn, cô độc. Như một cách để trốn nỗi cô đơn. Lâu rồi, Đức Long đã quen với cuộc sống một mình. Anh hạnh phúc vì điều đó. “Anh sống hết mình vì âm nhạc, nhưng những thứ anh nhận được rất ít nên anh không dám làm phiền ai. Mỗi người tự cho mình một định nghĩa hạnh phúc riêng, còn anh, anh hạnh phúc với lựa chọn của mình, cuộc sống với anh thế là trọn vẹn”. Và Đức Long được sống trọn vẹn với người tình âm nhạc của mình. Người tình đồng hành cùng với anh từ những năm tháng tuổi thơ lang thang, cô độc ở Quảng Ninh. Anh mất gia đình từ lúc lên 8. Những năm tháng tuổi thơ cù bơ cù bất, phiêu bạt, sống nhờ vào sự chở che của mọi người. Đức Long nếm trải tất cả, làm đủ mọi nghề để nuôi sống mình, từ kéo xe bò, đóng gạch thuê, lên rừng, xuống biển để kiếm tiền ăn và học.
“Sau này nghĩ lại anh thấy mình may mắn. Nếu ngày đó không được mọi người bao bọc, không có ý chí, chắc giờ này anh đã thành một kẻ đầu đường xó chợ rồi”. Âm nhạc đến với Đức Long từ tuổi thơ lam lũ ấy. Hồi đó nhà anh ở ngay rạp Kim Đồng, mỗi lần có đoàn chèo hay cải lương nào về, anh đều xách ghế đi xem. Và thế rồi, âm nhạc ngấm vào anh tự lúc nào không biết. Nhưng hành trình đến với âm nhạc của Đức Long lại nhiều gập ghềnh, trắc trở. Bắt đầu từ con số không, đi lên từ phong trào nghệ thuật quần chúng, có mặt trong dàn nhạc hợp xướng, cho đến khi trở thành một solo là cả một chặng đường gian nan. Nhưng trong tâm hồn anh chưa bao giờ nguôi khát vọng được cống hiến cho âm nhạc. Đầu quân về Đoàn Ca múa nhạc Trung ương là một dấu mốc giúp Đức Long thỏa mãn giấc mơ âm nhạc của mình. Một thế hệ người “nhà nước” và chỉ biết cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật mà thôi.
Nhớ về những năm tháng tuổi trẻ, Đức Long nói, cuộc sống đã cho anh rất nhiều. Dường như, điều đó đã là quá đủ. Anh không cầu mong thêm cho mình điều gì. Ngay cả những điều giản dị đời thường nhất, một mái ấm gia đình, anh cũng không dám nghĩ tới. Bởi để sống qua những năm tháng tuổi thơ khốn khó, đó là sự ân hưởng của cuộc sống rồi. “Tôi cảm ơn cuộc sống đã cho mình ngày hôm nay. Có lẽ xã hội ngày đó bao bọc hơn, bao dung hơn, lúc đó họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho nhau, nên tôi mới đi qua thời đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Như thế đã là một ân huệ. Tôi không mong gì hơn”. Đức Long không muốn phiền lụy đến ai. Những người phụ nữ, đã từng đến trong cuộc đời anh cũng vậy. Anh nói, anh không mang lại cho họ những điều bình thường nhất, một mái ấm gia đình. Thế nên, anh chấp nhận cô đơn như số phận.
Nhưng anh có những khán giả yêu thương. Khán giả của những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Họ yêu quý anh. Có những thế hệ học sinh mà anh gắn bó. Đức Long sợ hội hè, sợ cả đám đông. Anh sợ cả cảnh sum vầy đầm ấm của những gia đình. Ngày nhỏ, những ngày tết về, anh thấy mình bơ vơ, không biết đi đâu về đâu. Ngày đó, nước mắt chảy dài mỗi khi đối diện với nỗi cô đơn của mình. Nhưng càng sống, càng ngẫm nghĩ, đôi khi cô đơn cũng là một giá trị. Anh học cách quen dần với nỗi cô đơn. Nó đến với cuộc đời anh như một định mệnh. Và anh học cách đón nhận nó, sống cùng nỗi cô đơn của mình. Và từ trong chính hố sâu của tâm hồn ấy, anh trút vào tiếng hát. Tiếng hát của Đức Long vì thế buồn hơn, ám ảnh hơn. “Tôi hát về những nỗi buồn đau trong cuộc đời, bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, bằng những mất mát, bằng nỗi cô độc. Nhưng tôi muốn mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc thuần khiết, đẹp ngay cả khi buồn, để ở đó, họ được đi vào thế giới trong trẻo nhất, không vướng bận những tị hiềm”.
2. Anh không nói nhiều về những điều đã qua. Nhưng tôi biết, anh là người sống bằng những hoài niệm. Về một thế hệ, mà âm nhạc đối với họ là cuộc sống. “Không phải riêng anh mà cả thế hệ anh đã sống như thế, hướng tới những giá trị nghệ thuật đích thực chứ không phải là sự ồn ào của đời sống, khi đứng trước khán giả. Nó là sự tự trọng của người nghệ sĩ. Mỗi người đều có một nghề, với anh, hát cũng là một nghề, mình phải làm tốt nhất có thể chứ không phải chỉ để người ta chiêm ngưỡng”. Đó là những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn, vác ba lô lên đường. Hát trong nhà máy, hát cho công nhân nghe, hát ở các giảng đường đại học. Cátsê chỉ đủ mời bạn bè một bữa nhậu. Nhưng thời đó ai cũng trong sáng và hồn nhiên như thế.
30 năm nay Đức Long vẫn duy trì việc dạy học. Anh yêu công việc này. Và một phần, anh muốn truyền cho giới trẻ tình yêu âm nhạc, thứ tình yêu thuần khiết mà thế hệ anh đã sống và tâm niệm. Nhưng tình yêu đó, hình như càng ngày càng bị pha trộn bởi những tạp âm xô bồ khác. “Âu cũng là vòng quay của cuộc sống, giới trẻ bây giờ rất khác, đôi khi họ vẽ ra một con đường, nhưng họ không bao giờ đi tới đích con đường đó. Mà tất cả chỉ là bọt bèo, phù du. Tôi thấy lo ngại bởi dường như giới trẻ bây giờ không có lý tưởng sống, không có tâm thế sống và cống hiến cho xã hội”.
Đức Long tự nhận mình là kẻ lạc thời. Tôn thờ những giá trị xưa. Thậm chí bạn bè gọi Đức Long là một gã khùng. Chẳng bao giờ nhận của ai một cái gì. Thậm chí ai cho anh cái gì còn khó. Bạn bè cũng chỉ dăm ba. Không buông tuồng trong những cuộc nhậu tàn canh của giới nghệ sĩ. Cũng không la đà quán xá. Anh thích cô độc. Sống không phiền lụy ai. Thích thì mời bạn bè về tận tổ chim nhỏ của mình, tự tay thết đãi bạn. Cuộc sống giản đơn lắm. Thế mà vui. Chả bao giờ cậy nhờ ai, hay khôn khéo biết tận dụng những mối quan hệ của mình. Với tôi, Đức Long là một người cũ. Nhưng lòng tự trọng của anh thì luôn luôn mới. Đức Long là thế. Mà không. Thế hệ anh là thế. Sống đầy lòng tự trọng. Điều đó, tự thân nó là một giá trị. “Vào những lúc bế tắc nhất, khi 20 tuổi, tôi từng đọc cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống. Và tôi nhận ra, mình phải tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Ai biết bằng lòng, người đó sẽ có hạnh phúc”.
Thấm hiểu hết những lẽ ở đời, nhưng có lẽ, trong tâm hồn người nghệ sĩ cô độc ấy vẫn không ngừng khát vọng. Tôi hiểu điều đó trong cuộc trò chuyện với anh. Dù anh nói, với anh mọi sự đã qua. Con tàu âm nhạc đã đi đến một bến bờ nào xa lắc. Và anh, đã bỏ lại mình ở một sân ga nào đó. Nhưng trong tâm tưởng anh, trong nỗi nhớ của anh, còn tàu ấy vẫn ở đó, rất gần. “Làm nghệ thuật chân chính phải biết hy sinh nhiều thứ, đôi khi là vật chất, cả cuộc sống đời thường”. Sự hy sinh lặng thầm ấy, có lẽ chỉ Đức Long mới hiểu hết. Với Đức Long, đôi khi, âm nhạc là một cách cứu rỗi tâm hồn người nghệ sĩ lang thang. Âm nhạc gần như là cả cuộc đời anh, niềm vui, hạnh phúc hay cả những đau khổ phiền muộn. Tình yêu, thoáng chốc rồi cũng đi qua. Chỉ có người tình âm nhạc ở lại cùng anh, đồng hành suốt nỗi cô đơn của anh mà thôi. Với Đức Long, thế là đủ. Dù với sự dấn thân ấy, hy sinh ấy, anh nhận lại chẳng là bao.
40 năm đi hát, gia tài của Đức Long là một ngôi nhà 18m2 trong con ngõ ngoằn ngoèo ở phố Lê Duẩn và một chiếc xe máy cà tàng. Thế mà nhẹ nhõm. Thế mà xênh xang như chẳng mong gì hơn thế. Niềm vui của anh đơn giản, mỗi sáng mai thức dậy anh thấy mình còn thở. Và còn được hát. Lâu rồi Đức Long không đi hát nhiều. Anh vẫn thuộc biên chế Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Gần 40 năm cống hiến, lương cũng chỉ vẻn vẹn 5 triệu đồng. Không thích nhận nhiều show, cũng không hát phòng trà. Phải khi nào nể tình bạn bè lắm, anh mới hát. Với anh, âm nhạc không phải để kiếm tiền. Nhưng anh cũng chẳng biết làm gì để kiếm sống. Thế nên, đến bây giờ, cuộc đời anh vẫn chật vật.
40 năm cống hiến trọn vẹn cho âm nhạc, anh vẫn mơ một đêm nhạc của riêng mình. Nhưng có lẽ, với anh, đó chỉ là giấc mơ, khi cuộc sống âm nhạc đã đổi khác. Chỉ mơ vậy thôi, Đức Long cũng không lấy điều đó làm buồn. Mỗi lần được lên sân khấu, đối với anh vẫn là một niềm hạnh phúc. Hạnh phúc ngay cả trong sự hao khuyết.Tôi chợt nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Phú Quang khi hình dung về những bước chân cô độc của Đức Long trong thành phố bụi bặm này: “Một mình sẽ một mình thôi/ Tìm câu ca cũ hát chơi một mình”.