NSND Phạm Thị Thành: Hoa hướng dương hướng về ánh mặt trời

Thứ Bảy, 08/08/2015, 16:51
Đợt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) của mùa thứ tám năm 2015 đang đi vào hồi gay cấn, có quá nhiều tiếng ì xèo: Tại sao người này lại được, người kia thì không? Có một số nghệ sĩ thành danh, tên nổi như cồn, điện thoại nói chuyện cả tiếng với phóng viên nhưng lại bảo: “Thôi, đừng đưa tên anh lên báo không người ta lại nói tại không được nên cay cú”.

Một số nghệ sĩ khác từ lâu đã yên vị với danh xưng NSND hay NSƯT ái ngại: “Cũng có một số điều bất cập trong đợt phong tặng danh hiệu nhưng thôi cứ để cây cao bóng cả phát biểu. Lời nói của họ còn có giá ngàn vàng”. Và, theo nhiều nghệ sĩ chỉ dẫn, hôm nay đây tôi gặp nữ đạo diễn sân khấu lừng danh - NSND Phạm Thị Thành, một trong những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Bà là cặp bài trùng với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và là người phát hiện, dìu dắt cả một thế hệ diễn viên sáng giá Chí Trung, Lan Hương, Lê Khanh, Anh Tú, Minh Hằng… Tôi gặp bà khi bà đang ngổn ngang, chất chồng những tâm sự…

Chuông bấm căn hộ tầng 22 thuộc khu chung cư cao cấp trên phố Láng Hạ, NSND Phạm Thị Thành ra mở cửa, vẫn ánh mắt tinh nghịch và nụ cười tươi rói mà từ hàng chục năm trước đã đóng đinh vào khuôn mặt như loài hoa hướng dương. Tôi muốn gọi như vậy vì cuộc đời bà không đơn thuần xuôi chèo mát mái, cũng va đập liên hồi nhưng bà lúc nào cũng như loài hoa hướng về ánh mặt trời khoe sắc vàng rực rỡ.

Bà Thành năm nay đã 75 tuổi, cái tuổi mà người ta thường buông bỏ, an bài nhưng hình như dòng máu nóng trong bà vẫn luôn sôi sùng sục. “Không làm việc đồng nghĩa với việc đã chết” nên bà còn có nhiều việc phải làm, từ việc dạy hệ cao học Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, bà lại bay vào Huế để dạy lớp đạo diễn sự kiện. Nói đến Huế, mảnh đất quê ngoại thân thương ăn vào máu thịt. Nói đến Huế là lại vang lên tiếng gọi dòng tộc vương triều nơi đất cố đô. Bà Thành là chắt ngoại của Tuy Lý Vương, con trai thứ 11 của Vua Minh Mạng. Bà Thành là con thứ bảy, cũng là con gái út của Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Nguyễn cuối cùng - ông Phạm Khắc Hòe và bà Công Tôn Nữ Diệu Phẩm.

Cha đẻ của bà, ông Phạm Khắc Hòe là người có công lớn trong việc vận động vua Bảo Đại thoái vị và được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng. Ông là người soạn thảo chiếu thoái vị cho Vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Ông là một chí sĩ yêu nước tham gia chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau năm 1945. Tiếp nối truyền thống khoa bảng của gia đình từ thời cụ, kị mà các con của ông Hòe đều thành danh. Anh trai của bà Thành ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Người Việt Nam ở nước ngoài; Tiến sĩ Phạm Khắc Chi - nguyên hiệu trưởng đầu tiên và là người sáng lập ra Đại học Văn Lang - đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam… 

Gia đình 7 anh em ai cũng tên tuổi nể vì trong xã hội, nhưng mỗi người đi theo một ngạch. Bà Thành là em út ngay từ bé đã bộc lộ là một cô bé vô cùng hiếu động và mộng mơ, ấp ủ ước mơ nghệ thuật. Năm 14 tuổi, những tên tuổi lớn trong ngành âm nhạc như Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng đã thưa với ông Hòe cho cô con gái gia nhập đoàn văn công Trung ương. Cuộc đời của bà thoát li gia đình từ đây và bắt đầu một cuộc sống bốn bên đều là âm nhạc, ca kịch.

Chính trong những tháng ngày rong ruổi tập luyện văn công, văn nghệ, tâm hồn mơ mộng của một cô bé con mới 16 tuổi Phạm Thị Thành đã mang lòng yêu người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi là NSND Đào Mộng Long. Khi đó, bị gia đình bà cấm cản, NSND Đào Mộng Long viết cuốn sách Hận tương giao nói về cuộc tình ngang trái của chính mình. Mẹ bà Thành lúc đó có cửa hàng sách, đọc được cuốn sách của ông Long, cảm động nên cho đôi uyên ương se duyên. Nhưng rồi, mối tình đó cũng không bền lâu. Hai người chia tay, cuộc hôn nhân cho bà Thành hai người con. Đây là cuộc hôn nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của nữ đạo diễn.

Năm 1970 bà được Nhà nước cử sang Nga học đạo diễn sân khấu, sau bảy năm học bà về nước và viết đề án thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ. Đề án được chấp nhận, năm 1987 Nhà hát Tuổi Trẻ được thành lập. Bà Hà Nhân làm Giám đốc, nữ đạo diễn Phạm Thị Thành làm Phó Giám đốc. Ngày tuyển sinh cho Nhà hát, hơn 1.200 thí sinh đến dự thi chỉ chọn ra được 20 người.

Trong khóa học đầu tiên ngày ấy có nhiều người sau này trở thành nghệ sĩ có tên tuổi như Lan Hương, Lê Khanh, Chí Trung, Minh Hằng, Ngọc Huyền, Anh Tú, Đức Hải… Gắn bó với giai đoạn thăng trầm của lịch sử sân khấu thời hoàng kim, thời xã hội bao cấp, rồi chuyển đổi nền kinh tế thị trường, bà gần gũi những cây đa cây đề của sân khấu như Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Đình Nghi…, chứng kiến bao nhiêu nụ cười và nước mắt người của sân khấu ra đi và ở lại. Có không ít người đã khuất như nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, diễn viên Trần Vân, Trọng Khôi, Nguyễn Anh Dũng, Văn Hiệp, Trịnh Thịnh… Kỉ niệm đong đầy kỉ niệm.

Kỉ niệm về sân khấu ăm ắp trong bà. Nhà bà có cả một hành lang rộng để kê những giá sách cao từ mặt đất lên đến sát trần nhà. Ở đó lưu giữ tất cả những tấm pano, áp phích của những vở kịch có từ khi nữ đạo diễn bắt đầu khởi nghiệp. Đó là tờ pano Sống mãi tuổi 17 nói về anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng và vô số những vở diễn khác từ lâu gắn với tên tuổi của bà, như Vũ Như Tô, Bóng tối phù dung

Cả cuộc đời bà làm đạo diễn hơn 200 vở, trong đó gần 20 vở Huy chương Vàng và một số vở Huy chương Bạc. Kể cả mãi sau này ở tuổi 60 bà vẫn là cái tên được săn đón khi làm tổng đạo diễn những chương trình lễ hội quan trọng. Bà đạo diễn cho lễ hội lớn 990 năm Thăng Long- Hà Nội, 330 năm thành lập Khánh Hòa, 100 năm Đà Lạt, Festival Huế… Cả cuộc đời bà là một cuốn sách nhiều tập với chương hồi trường đoạn. Cả cuộc đời bà là một thước phim quay chậm lúc nào cũng chập chờn ẩn hiện chỉ trực nhao về trong kí ức.

Mới đấy đận nào mà nay đã tròm trèm 40 năm thành lập Nhà hát Tuổi Trẻ, những học trò khi xưa do bà một tay dìu dắt giờ đã ngoài 50. Tiếp nối bà, đám sẻ non ấy bay ra biển lớn, học đạo diễn, làm quản lý… Nghệ sĩ Chí Trung làm Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Lê Khanh đương chức Phó Giám đốc nghệ thuật, nghệ sĩ Lan Hương hiện đang là Trưởng Đoàn Kịch hình thể, nghệ sĩ Anh Tú sang Nhà hát Kịch Việt Nam với vai trò Phó Giám đốc…

Tuổi cao nhưng sức chưa yếu, tất cả những vở diễn mới bà đều đi xem đầy đủ, nhất là những hôm tổng duyệt vở có học trò của bà đạo diễn là bà lại hồ hởi đi xem. Những thành quả của trò trong nghệ thuật, bà là người đầu tiên chứng kiến, rồi hơn ai hết bà thuộc lòng tính nết từng đứa. Bà coi đám học trò ấy như con, mà đã là con thì đứa con nào bà cũng hết mực yêu thương.

Tháng 7 này, Bộ Công an tổ chức Liên hoan Sân khấu về hình tượng Người chiến sĩ Công an nhân dân, có bao nhiêu buổi diễn ở Nhà hát Âu Cơ bà đều đi xem đầy đủ. Bà tấm tắc khen vở của NSND Lan Hương Người trong biển lửa nói về tinh thần dũng cảm hy sinh của những chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Niềm vui khi thấy hai vở tham dự Liên hoan sân khấu về hình tượng Người chiến sĩ CAND của Lan Hương và Chí Trung đều hay cả. Bà tự hào về học trò, bao nhiêu năm nay tên đám trò nhỏ vẫn luôn được khán giả mến mộ, trân trọng, đồng nghiệp mến mộ và ngày càng được khẳng định. 

Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì bà lại hay tin buồn: Chí Trung, Minh Hằng trượt danh hiệu NSND cho lần xét tặng danh hiệu nghệ sĩ đợt này. Vừa mới hôm qua, Lan Hương (em bé Hà Nội) hớt hải thông báo: “Người ta sẽ giải tán Đoàn Kịch hình thể của con”. Ơ hay! Đúng là cuộc đời, chẳng biết ra sao?! 

Bà ngậm ngùi bảo với tôi: Chí Trung, Minh Hằng xứng đáng với danh hiệu NSND từ lâu rồi. Người nghệ sĩ được nhân dân yêu mến, nghệ sĩ diễn phục vụ nhân dân không phải nhăm nhăm đi thi để lấy tấm bảng thành tích huy chương, sau này dựa vào đó để xét danh hiệu. NSND là nghệ sĩ của dân, không mang huy chương, không màng danh lợi. Chí Trung diễn cả nghìn đêm phục vụ nhân dân, Minh Hằng cũng vậy có lần đóng cậu con trai 200 đêm diễn liền, khán giả đến xem chật rạp. 

Hồi NSND Nguyễn Đình Nghi còn sống, ông bảo Lê Khanh chẳng có huy chương vàng nào nhưng diễn hay xứng đáng là NSND, và Khanh được NSND từ đận ấy. Giá bây giờ ông Nghi và những cây đa, cây đề của sân khấu còn sống, tình hình sẽ khác chăng?!

Chuyện của NSND Lan Hương (em bé Hà Nội) nữa, bà bảo: Hương có khả năng đạo diễn, làm vở hay, tìm một tài năng sân khấu như thế hiếm lắm. Người nghệ sĩ tài năng như viên ngọc quý thì lãnh đạo phải tin dùng chứ không nên o ép, vùi dập. Bà nói bằng sự tâm huyết, đau đáu với nghề, với đời. Gần 40 năm trước khởi nghiệp xây dựng Nhà hát Tuổi Trẻ và bây giờ tâm huyết ấy vẫn rừng rực cháy. Bà như loài hoa hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.

Trần Mỹ Hiền
.
.