NSND Lê Hùng: Quý ông viên mãn

Thứ Hai, 15/06/2015, 10:13
Lê Hùng quần short áo thun ngồi giữa hàng ghế trống, trong một buổi chiều mùa hè Hà Nội nắng như đổ lửa. Dĩ nhiên không gian nhà hát có điều hòa, có quạt, mà mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Ông đang dựng vở cho Nhà hát kịch Quân đội.

Tư thế của ông dưới hàng ghế trống, lúc nào cũng như muốn lao về phía trước. Ông soi xét từng cử chỉ của diễn viên trên sân khấu, liên tục đứng lên, ngồi xuống. Chiếc mic trên bàn mấy giây lại được ông cầm lên, nói như quát vào mic, để chỉ đạo diễn xuất. Ngồi xem ông thị phạm diễn viên, nhà báo như tôi chả liên đới gì đến công việc diễn xuất, mà cũng cảm thấy như chỗ mình đang ngồi nóng dần lên.

Cách của Lê Hùng là vậy, luôn luôn tạo ra sức ép, thúc giục, khi đã vào công việc. Ngỡ như một diễn viên lười nhác nhất, ít chịu tư duy nghĩ ngợi nhất, thì vào việc với Lê Hùng cũng buộc phải động não, phải tư duy. Lê Hùng có đôi mắt của một ông thầy giám thị khó tính, soi xét kỹ lưỡng trong phòng thi, đố có thí sinh nào dám ho he giở tài liệu. Ông đứng, ngồi, có lúc chạy thẳng lên sân khấu, đi vòng phía trước hàng ghế đầu khán giả, mắt dán vào không gian trên sân khấu, kiểm soát tất cả những gì thuộc về không gian ấy với một thái độ không khoan nhượng, không có gì bỏ sót.

Một số diễn viên trẻ nói, họ rất ngại thầy Lê Hùng và cũng rất thích làm việc với thầy Lê Hùng. Ngại là vì thầy gắt gao riết róng lắm, đã bước lên sàn diễn là phải nhập tâm toàn bộ, không được lười, không phân tán. Một khi còn lan man những việc khác ngoài sân khấu, không tập trung vào vai diễn của mình, thì “ăn đủ” với thầy. Có khi thầy mắng cho chỉ còn nước chạy ra ngoài hành lang mà đứng khóc. Nhưng cũng chính vì thái độ làm việc nghiêm túc của thầy mà diễn viên học hỏi được rất nhiều, trưởng thành rất nhanh trong nghề.

Lê Hùng có phong cách nói chuyện ào ạt như bão. Đụng đến vấn đề gì liên quan đến sân khấu ông cũng sôi nổi nhiệt huyết, tưởng như chỉ cần cho ông thời gian, thì ông có thể nói mãi về câu chuyện này. Nghe Lê Hùng nói chuyện rồi đi xem đêm công diễn vở kịch nói Thời gian không im lặng của tác giả Tạ Xuyên do ông làm đạo diễn, Nhà hát kịch Quân đội dàn dựng, chợt nghĩ, ở đâu người ta nói sân khấu đang ngắc ngoải, đang chết dần chứ ở đây, sân khấu vẫn luôn làm xao động trái tim khán giả. Sân khấu vẫn luôn là thánh đường hấp dẫn người xem, là nơi để người ta ăn mặc đẹp đến, ngồi dưới hàng ghế và chìm vào câu chuyện người đạo diễn kể phía trên sàn diễn. Người ta khóc cười buồn vui theo diễn biến tâm trạng của từng nhân vật. Người ta chia sẻ với những thông điệp cuộc đời mà đạo diễn gửi gắm trong vở diễn.

Ngồi với phóng viên, Lê Hùng nói rất nhiều về hai chữ “hơi ấm” trong sân khấu. Không có loại hình nghệ thuật nào mang lại cảm giác về hơi ấm cho khán giả tuyệt vời như sân khấu. Vì đây là loại hình nghệ thuật trực tiếp. Người xem đến và cảm nhận câu chuyện, cảm nhận từng độ rung trong cảm xúc của diễn viên. Hơi ấm là đường dẫn truyền trực tiếp đến việc người xem cảm nhận vở diễn như thế nào. Các loại hình nghệ thuật khác có thể sai rồi diễn lại, và bản cuối cùng là bản hoàn thiện, còn sân khấu có thể mỗi ngày là một bản hoàn thiện khác nhau. Người diễn viên đứng trước khán giả bằng xương bằng thịt và luôn phải sống hết mình với những vui buồn thực sự.

Trên sân khấu, chỉ có bối cảnh là giả, còn lại, không có cái gì là giả hết. Bởi vậy, nó là ngành nghệ thuật sang trọng, đặc biệt. Nó không thể cạnh tranh với điện ảnh hay truyền hình, và cũng không cần phải cạnh tranh với các loại hình giải trí khác, nhưng nó sẽ luôn sống đời sống của riêng nó, với một sức hấp dẫn riêng, một sự mời mọc riêng. Vấn đề chỉ là cần có những người tâm huyết, tài năng, sống chết cùng nó, dấn thân vì nó.

Lê Hùng quanh năm bận bịu. Chưa hết vở này đã phải nghĩ đến vở kia. Vừa làm việc với đoàn nghệ thuật này đã phải tất tả chạy đến với đoàn nghệ thuật khác. Tên tuổi của ông là một sự đảm bảo cho một vở diễn sân khấu. Ông luôn ước một ngày có nhiều hơn 24 giờ đồng hồ để làm việc. Bận rộn đến nỗi, một ngày cuối tuần lái xe đưa vợ con đi ăn nhà hàng vẫn là một ước mơ xa xỉ đối với ông. Giới sân khấu có hàng trăm đạo diễn, nhưng đạo diễn có thương hiệu, có uy tín, có phong cách, lại đang sung sức làm việc như ông chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Lê Hùng bảo, bận rộn nhưng mà vui, thấy đời sống có ý nghĩa hơn, thấy tuổi trẻ lúc nào cũng đang ở trong mình. Sợ nhất một ngày chả có việc gì để làm, chả có điều gì để nghĩ, để trăn trở. Đời hạnh phúc nhất là được làm công việc mình yêu thích, say mê, càng làm càng yêu, không chán nản hay mệt mỏi.

Hôm xem ông vỡ kịch bản cho một vở diễn, thấy diễn viên lóng ngóng trên sân khấu, có người ngồi cạnh tỏ ý chê, ý nói diễn viên chậm quá. Lê Hùng đỡ lời ngay, diễn viên nhanh hay chậm là do người đạo diễn, đừng trách người ta vội. Người làm đạo diễn phải thẩm thấu thật kỹ càng câu chuyện mà mình định kể, phải hiểu tường tận đường dây tâm lý của mỗi nhân vật, phải hình dung thật cụ thể nhân vật của mình sẽ nói cười đi lại buồn vui thế nào trên sân khấu. Và phải chỉ bằng được cho diễn viên cái đường dây ấy để người ta diễn. Không thể để diễn viên lên sân khấu “tự xử” theo cách muốn hành động thế nào thì tùy, rồi bảo người ta không biết diễn. Trong tinh thần của Lê Hùng, diễn viên giỏi hay không là do đạo diễn. Một đạo diễn giỏi nghĩa là diễn viên luôn biết mình làm gì hợp lý nhất trên sàn diễn.

Với Lê Hùng, sau những phút giây đổ mồ hôi với từng vở diễn, rất hạnh phúc và cũng rất nhọc nhằn, là được lái xe về tổ ấm của mình. Ở đấy có một người vợ trẻ, đảm đang thu vén chăm chút cho ông từng bữa ăn giấc ngủ. Ở đấy, có một bầy con thơ ngoan ngoãn dễ thương như thiên thần, làm ông quên hết mọi vất vả, quên luôn cả tuổi già như người đời hay nghĩ, đang cận kề nhòm ngó ông ngoài cửa sổ. 63 tuổi, ông đón cậu quý tử lọt lòng. Vui như được trời ban cho báu vật. Ông cảm ơn đời đã cho ông được sống thêm một lần tuổi trẻ, lại khoác thêm nghĩa vụ lớn lao nuôi dạy các con lớn khôn thành người, nhất là cậu con trai phải thành người đàn ông đúng nghĩa. Công việc kiếm tiền, dĩ nhiên rồi, cũng phải hăng say hơn.

Gia đình đầm ấm của NSND Lê Hùng.

Nói Lê Hùng đào hoa cũng đúng mà may mắn cũng đúng. Sau khi người vợ đầu của ông mất năm 1998, ông đã trải qua không ít mối tình với những người đàn bà đẹp, rồi cuối cùng dừng lại sánh đôi chính thức với một nghệ sĩ trẻ thua ông đến 32 tuổi đời. Cuộc hôn nhân ấy khiến cho không ít người âu lo. Năm tháng trôi qua, cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng ông đã gạt phăng mọi nghi ngờ.

Người vợ trẻ tuổi nhưng sớm già dặn trong suy nghĩ đã tình nguyện lùi về phía sau, làm phận sự của người vợ, người mẹ đúng nghĩa trong gia đình, sinh cho ông ba đứa trẻ đẹp như thiên thần, để ông toàn tâm toàn ý cho sân khấu. Nàng lấy niềm vui của ông là niềm vui của mình, thành công của ông là thành công của mình. Xinh đẹp, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hào nhoáng, nhưng nàng không đòi hỏi người chồng bận rộn của mình chiều chuộng những thú vui đỏng đảnh như nhiều cô gái khác.

Lê Hùng bảo ông không mua quà hàng hiệu cho vợ, không đưa vợ đi du lịch nơi này nơi kia thường xuyên, dù ông kiếm tiền không kém các đại gia khác. Đơn giản là ông không có nhiều thời gian và vợ ông cũng không quan trọng các giá trị vật chất kiểu đó. Đối với cô ấy, ứng xử hàng ngày với nhau sao cho tử tế văn minh, tôn trọng nhau mới là điều quan trọng. Và con cái là tài sản quý, phải cùng nhau nuôi dạy con cho tốt. Lê Hùng sợ nhất mỗi khi bị vợ “dọa”, anh mà không tốt với em, em mang bọn trẻ con đi theo em tất, không cần của cải, nhà cửa, xe cộ của anh đâu. 

Trong đời người, hạnh phúc lớn nhất là được sống với lựa chọn của mình, thoải mái trong lựa chọn ấy. Lê Hùng chọn sân khấu và cả đời chỉ dành cho sân khấu. Tài năng, lao động của ông đã được bù đắp rất xứng đáng, đấy là tình yêu của khán giả dành cho mình, là sự tín nhiệm của anh em nghệ sĩ đồng nghiệp dành cho mình. Ông nói: “Các đoàn giành giật tôi từng giây phút” với một niềm tự hào không giấu giếm. Không phải ông tự kiêu, mà là ông đang cho phép mình tận hưởng niềm hạnh phúc không phải người đạo diễn nào cũng có được.

Bên cạnh sự thành công trong công việc, hạnh phúc trong đời riêng cũng là điều cực kỳ quan trọng. Lê Hùng có những chặng đời riêng gian nan. Vợ mất sớm, ông 10 năm sống cảnh gà trống nuôi con. Những người đàn bà đến rồi đi, và khoảng trống cô đơn trong ông vẫn còn nguyên đấy. Rồi số phận cho ông một người đàn bà trẻ, đẹp, tài năng, lại biết nhẫn nhịn hy sinh vì sự nghiệp của chồng. Những ngày tháng đã mất được bù đắp bằng những ngày đầy ắp sự sẻ chia, tràn ngập tiếng trẻ con bi bô nói cười. Ai đó hỏi ông về những “phút xao lòng” nghệ sĩ, ông trả lời: “Bạn nghĩ xem, tôi có vợ trẻ đẹp và một bầy con ngoan, tôi có cần những phút xao lòng nữa không”.

Cảm giác đủ đầy, viên mãn, là cảm giác suốt đời con người đi tìm kiếm. Đó là cảm giác khó khăn, không mấy người cảm thấy được, nhất là với những kẻ trót mang thân phận nghệ sĩ. Nhưng Lê Hùng ở thời điểm này đang là một người đàn ông đủ đầy, viên mãn. Ông sẽ mang cảm xúc đó thổi vào từng vở diễn, mang đến cho sân khấu những luồng gió mới tươi tắn hơn. Những đạo diễn như ông chắc chắn sẽ làm cho sân khấu ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với khán giả...

Hội Quân
.
.