NSND Tuyết Mai: Một thời và mãi mãi

Thứ Bảy, 03/03/2007, 11:30

Có một kỷ niệm NSND Tuyết Mai vẫn nhớ mãi là thời điểm Bác Hồ từ trần, bà được lãnh đạo Đài TNVN giao cho đọc những bản tin về sự kiện này với yêu cầu khi đọc các bản tin, phát thanh viên không được khóc, sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của nhân dân và chiến sỹ ngoài mặt trận. Bà đã quán triệt điều đó trong từng câu, từng chữ và chỉ oà khóc khi bản tin kết thúc.

Ở Hà Nội có một nghệ sỹ mà tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của bà đã lắng đọng trong nhiều thế hệ công chúng cũng như các thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam. Với hàng chục năm làm nghề ca sỹ trong những ngày đầu cách mạng và suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đó là cả một đoạn trường 30 năm gắn với nghề phát thanh viên với một chất giọng trong sáng, hoa mỹ, diễn xuất tươi trẻ mà đầm ấm, lạc quan. Và lại nữa, chất giọng ấy rất nội tâm quyến rũ đã thu hút sự chú ý của triệu triệu trái tim ở mọi miền đất nước cũng như cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Cách đây 13 năm (1993) bà có niềm vinh dự được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân về những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của nước nhà. Bà là nghệ sỹ Tuyết Mai, nguyên là phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Mùa xuân này, bà đã ở vào tuổi ngoài tám mươi và đã lâu vì lý do tuổi tác và sức khỏe bà đã không còn được cống hiến cho công chúng nữa, song ở nơi này, nơi kia thi thoảng người ta vẫn nhắc đến chị Tuyết Mai ngày nào với chất giọng truyền cảm đến lạ kỳ trong các chương trình “Đọc truyện đêm khuya”; “Tiếng thơ”; “Chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc”... trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cát Hải, Hải Phòng, nhưng ngay từ năm 12 tuổi, bà đã theo gia đình lên Hà Nội. Đó là những năm đất nước còn đang đắm chìm trong màn đêm nô lệ của chế độ thực dân. Do vậy khi cách mạng thành công cũng như lớp lớp thanh niên ngày ấy, nguyện vọng được thoát ly gia đình theo ngọn cờ Việt Minh đã trở thành khát vọng đối với bà.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, bà tình nguyện gia nhập Phụ nữ Cứu quốc. Tại đó, như một con chim được sổ lồng, bà hoạt động sôi nổi trong các phong trào cách mạng. Ngày ấy, cùng với các ca sỹ Thương Huyền, Minh Đỗ, Ngọc Bảo, giọng hát của ca sỹ Bùi Thị Thái (tên khai sinh của bà Tuyết Mai) tại các phòng trà, đường phố, hát biểu diễn trong Tuần lễ vàng do Chính phủ phát động đã thực sự là tiếng kèn xung trận, cổ vũ động viên đồng bào và chiến sỹ vượt qua bao thử thách cam go, một lòng đi theo và ủng hộ Việt Minh bảo vệ thành quả cách mạng trước những dã tâm xâm lược của các thế lực thù trong, giặc ngoài.


Ngày ấy, những ca sỹ đi theo Việt Minh trong những ngày đầu cách mạng và sinh hoạt trong các đoàn thể cứu quốc xem ra chỉ đếm trên đầu ngón tay... Còn ca sỹ hát được các bài hát nước ngoài thì lại càng hiếm hoi. Vậy mà ở tuổi đôi mươi, bà đã thể hiện rất thành công các bài hát bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nhật. Có lẽ vì thế mà cứ mỗi lần chiêu đãi khách quốc tế, ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội thời bấy giờ lại mời bà đến hát.

Còn nữa, ngày ấy rất hiếm có ai hát với dàn nhạc kèn phục vụ công chúng. Vậy mà bà đã thể hiện rất thành công nhiều ca khúc như “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”... với dàn nhạc kèn đệm. Bây giờ đã ở vào độ tuổi ngoài 80, song trong ký ức của bà vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm về những buổi biểu diễn chào mừng Bác Hồ và đoàn đại biểu Chính phủ ta từ Pháp về đến Hà Nội; phục vụ lễ khai giảng Khóa 1, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn có Bác tham dự sao mà sôi động và sâu lắng đến thế. Kết thúc đêm diễn, Bác đến bắt tay từng nghệ sỹ. Sau những buổi biểu diễn, đêm về hình ảnh Bác cứ chập chờn trong giấc ngủ của bà.

Nghệ sỹ ưu tú Phan Phúc, người bạn đời của bà Tuyết Mai, người mà sau này là Trưởng đoàn ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam trong buổi tiếp xúc với chúng tôi đã kể: Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông công tác ở Khu 11; còn bà Thái (người vợ của ông sau này) tiếp tục đi phục vụ thương bệnh binh. Hồi đó, mọi cái đều thiếu thốn, đặc biệt là thuốc men và các thiết bị y tế. Nhiều ca mổ, kể cả những ca phẫu thuật nặng như cưa chân, tay phải tiến hành trong điều kiện không có thuốc mê. Trong hoàn cảnh ấy, lời ca tiếng hát của nghệ sỹ như bà quả là những liều thuốc tiên làm dịu đi nỗi đau của những người bị thương tật.

Ít lâu sau vẫn là những lời ca và tiếng hát ấy lại theo bà lên chiến khu Việt Bắc. Trong cuốn hồi ký “Những chặng đường đời tôi”, nghệ sỹ nhân dân Đinh Ngọc Liên viết rằng: “Khi ấy, tôi phụ trách một tổ gồm những anh chị em nghệ sỹ vừa thổi kèn, vừa hát. Toàn tổ đều là dân Hà Nội, trong đó có chị Bùi Thị Thái. Những bài hát do các ca sỹ thể hiện thực sự đã động viên các anh thương binh trong nhiều ca phẫu thuật hiểm nghèo của những ngày đầu kháng chiến còn muôn vàn khó khăn. Đến lúc này thì mọi người đều nhận ra rằng, vũ khí chiến đấu không chỉ đơn thuần là súng đạn”.

Rồi còn biết bao đêm lửa trại, các chuyến đi phục vụ chiến dịch bộ đội và dân công; phục vụ đồng bào, chiến sỹ nơi đóng quân đã thực sự là những món ăn tinh thần thắm đượm tình quân dân. Mỗi chuyến đi biểu diễn ở núi rừng Việt Bắc là mỗi lần bà gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn, vui. Nhiều lần phải đi bộ cả mấy ngày đường mới về đến địa điểm tập kết. Có lần không có phương tiện chở thiết bị kèn, trống, loa đài, các nghệ sỹ phải cùng nhau cõng bộ. Mặc dù điều kiện sống và sinh hoạt khó khăn vô cùng, nhưng ai nấy đều cảm thấy hồn nhiên và lạc quan yêu đời.--PageBreak--

Hòa bình lập lại, theo sự phân công của tổ chức, bà Tuyết Mai về nhận công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Và cũng từ đây, theo yêu cầu của đài, bà chuyển sang nghề phát thanh viên. Nghề phát thanh viên, theo bà kể thì giai đoạn đầu do còn thiếu thốn thiết bị nên phần lớn các bài viết; phát thanh viên phải đọc trực tiếp mà không qua công đoạn thu. Từ đọc các tin thời sự chính trị, hàng ngày bà phải đảm đương nhiều chuyên mục khác như Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Chương trình dành cho đồng bào xa Tổ quốc...

Nghề phát thanh viên trong những năm đất nước còn chiến tranh vất vả vô cùng. Hàng ngày, bà thường phải dậy từ 4h sáng, đạp xe vào phòng thu ở Mễ Trì và làm việc tới tận khuya. Có một kỷ niệm đến bây giờ bà vẫn còn nhớ mãi là thời điểm Bác Hồ từ trần, bà được lãnh đạo Đài giao cho đọc những bản tin về sự kiện này. Khi ấy trong lòng bà cũng như đội ngũ cán bộ, công nhân viên công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam ai nấy đều trào dâng nỗi niềm tiếc thương Bác vô hạn, nhưng các đồng chí lãnh đạo đặt ra một yêu cầu nghiêm túc là khi đọc các bản tin, phát thanh viên không được khóc hoặc có những cử chỉ xúc động; vì nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của nhân dân và chiến sỹ ngoài mặt trận. Bà đã quán triệt điều đó trong từng câu, từng chữ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đọc xong các bản tin ấy, ra ngoài bà lại khóc. Nhưng khi chuyển sang đọc các tin, bài ở thể loại khác, giọng bà lại trầm ấm, tươi sáng, hào hùng.

Bà Tuyết Mai cũng kể rằng, để giọng đọc thực sự truyền cảm tới người nghe, với bà là cả một quá trình rèn luyện gian khổ, tự đào tạo chính mình, bởi bà hiểu rằng, một dòng tin thắng trận, một bài viết hay một câu chuyện khi đã vang lên thành lời để phát lên sóng, nó thoảng qua hay ở lại với người nghe hoàn toàn do phát thanh viên đã đọc nó bằng tâm trạng như thế nào.

Nghệ sỹ ưu tú Hà Phương, người đã có nhiều năm sát cánh với bà, đã khẳng định: “Để làm nên một danh hiệu Tuyết Mai, chị đã phải trăn trở tìm cách mở được cái vách ngăn nghiệt ngã trong nghề nghiệp. Cùng làm việc với hơn hai chục phát thanh viên ngày ấy mà kỷ lục đọc sách của chị Tuyết Mai thì không ai vượt qua được. Truyện ngắn, truyện dài, văn học trong nước và nước ngoài... lúc nào trong túi xách của chị cũng sẵn một vài cuốn.

 Bao giờ chị cũng là người chăm học hỏi. Từ năm 1973, chị đã chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho phát thanh viên, rồi nhờ cái duyên ăn nói mà mời được anh Tụng, một chuyên gia giỏi tiếng Anh của Ban Đối ngoại, sang dạy Anh văn cho cả phòng. Biết tôi là “dân ngôn ngữ” chỉ còn nhớ được lõm bõm ít chữ Hán, chị đã giao việc “dọn sóng” tức là nhặt “sạn” trong văn bản phát thanh để rút kinh nghiệm cho đồng nghiệp. Nhớ nhất những buổi cùng đọc với chị, hễ gặp từ Hán - Việt mới lạ hoặc dịch chưa rõ nghĩa, thế nào chị cũng giữ tôi lại “quay” hàng giờ để giải thích cho bằng xong.

Nếu như sau giờ đọc, cánh phát thanh viên nam thường hay ra ngoài ban công gác ba nhìn xuống đường Bà Triệu xanh um cây lá, chuyền tay điếu thuốc lá “Trường Sơn”, “Tam Đảo” mà giải lao thì chị Thái lại chăm chăm ngồi xem tiếp trang sách vừa đánh dấu và hai tay thoăn thoắt đẩy đôi que đan lên xuống cho dài rộng thêm cái áo len để mặc cho bé Tuyết Minh”.

Bé Tuyết Minh ngày ấy, chị Tuyết Minh bây giờ đã là Trưởng ban âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở cương vị ấy, chị hiểu rằng, cái gì mà chị có được hôm nay là dấu gạch nối giữa cha và mẹ chị - Những người dành cả cuộc đời cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nghệ sỹ nhân dân Tuyết Mai đâu chỉ một thời mà nhớ mãi

.
.