NSND Trung Kiên: Tình còn lại

Thứ Sáu, 07/10/2005, 08:52

Cởi bỏ chiếc áo "hào quang" của danh vọng và địa vị, NSND Trung Kiên trở về với công việc của một giảng viên ở Nhạc viện Hà Nội, trở về với cuộc sống gia đình, cùng vợ là NSND Trần Thu Hà chăm lo cho các cháu nội. Bận rộn khủng khiếp nhưng ông vẫn hạnh phúc với cuộc sống của mình, với tình hiện tại mà ông bà đang dành cho nhau.

Hò hẹn mãi rồi tôi cũng gặp được ông. Suýt nữa, tôi không nhận ra vóc người thâm thấp, dáng vẻ của một ông giáo mô phạm và có phần cũ kỹ của người đàn ông nổi tiếng một thời, trong vô vàn những dáng vẻ tất bật khác trên sân trường Nhạc viện. NSND Trung Kiên dành cho tôi khoảng thời gian ít ỏi và chật hẹp trong giờ giải lao giữa hai ca dạy.

Vậy là tôi bắt đầu những phác họa đầu tiên về ông - chân dung của người đàn ông sinh ra để hát và thành đạt trên con đường chính trị cũng từ hát. Cảm giác của tôi về ông, là một người nghệ sỹ chỉn chu và mô phạm, quy củ, đúng đắn và mạch lạc như cuộc đời ông đã đi, từ giây phút đầu tiên cho tới tận lúc này. Thế nhưng, trong cái không khí hối hả cấp tập và bận rộn khủng khiếp của một môi trường mà tất cả xung quanh đang sôi lên cái sự dạy và học, ông cũng đang cuốn vào cái dòng xoáy bận rộn ấy.

Cái cuộc sống của một người đã nghỉ quản lý, đã rời bỏ những danh phận, những trách nhiệm xã hội "nặng nề", đã bỏ xa chốn quan trường hiếm khi yên tĩnh, ngỡ sẽ là nhàn tản, ngao du, ngỡ sẽ là sáng thưởng trà, ngắm hoa, đọc sách, chiều lái xe đi câu cá, dạo bộ, và khe khẽ hát trong một khu vườn yên tĩnh nào đó. Thế nhưng, tuyệt đối không, ông đang bận bù đầu với những hợp đồng dạy học ở Nhạc viện, với những đề cương, giáo án, giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy âm nhạc ở một số trường mà ông là người nghiên cứu và biên soạn.

Người của những bận rộn

Một ngày của vợ chồng ông bắt đầu từ 6h30'. Ăn sáng, trao đổi công việc với nhau trên ôtô và đến trường vào lúc 7h để kịp cho những ca dạy đầu tiên của cả hai vợ chồng ông. Cứ như thế, kết thúc của một ngày sẽ là 1h sáng, sau khi ăn tối ở nhà vào lúc 7h30', cả ông và vợ ông sẽ tiếp tục dạy cho các cháu của mình, các học sinh có nhu cầu học tại nhà và lại là bồn bộn những công việc chung riêng của cả hai vợ chồng...

"Ôi! Tôi bận khủng khiếp. Tôi bận đến thế mà vợ tôi, bà Hà ấy, bà còn bận hơn. Tôi chưa từng thấy người phụ nữ nào bận rộn đến như bà ấy". NSND Trung Kiên lắc đầu giơ cả hai tay lên trời và thốt lên... rồi cười. "Quả thật, với chúng tôi, nếu không được làm việc nữa thì đó là một điều bất hạnh. Chúng tôi không thể sống mà thiếu công việc, không chịu nổi sự nhàn hạ, khi mà đời sống cấp tập hối hả đã là một phần máu thịt của chúng tôi rồi. Các học trò là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi, là nguồn vui vô tận của chúng tôi. Nếu tách khỏi chúng nó, chúng tôi sẽ gục chết trong khô héo mất". NSND Trung Kiên khoát tay cười và chỉ vào các học trò của mình đang ngồi chầu hẫu chờ thầy trả lời phỏng vấn xong để tiếp tục vào ca học.

Là một nghệ sỹ hát, với chất giọng ténor sang trọng, khỏe, sáng, kịch tính, trữ tình. Một chất giọng chuẩn để thể hiện các vai trong opera, cũng như romance cổ điển, ông nổi danh cùng lứa NSND đầu tiên như Quý Dương, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Kiều Hưng... Tên tuổi của NSND Trung Kiên gắn liền với những bài ca cách mạng nức tiếng một thời: Tình ca, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Chào sông Mã anh hùng... Những gì ông cống hiến trong lĩnh vực âm nhạc đã giúp ông có những bước thăng tiến vượt bậc trong nghề nghiệp. Được cất nhắc lên làm quản lý từ khi còn rất trẻ, và năm 1992, ông đã được đề bạt lên chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin phụ trách văn hóa nghệ thuật trong thời gian 10 năm liên tục cho đến khi ông về hưu (2001).

Người đội con đội cháu lên đầu

Có lẽ, người đàn ông nào cũng vậy thôi, khi từ giã nhiệm sở, cởi bỏ chiếc áo quyền chức ra, họ cũng chỉ là một người chồng, một ông bố bình thường như bao người khác với hàng trăm nỗi toan lo, ngàn vạn nỗi niềm không dễ gì bày tỏ. Tôi không ngạc nhiên khi NSND Trung Kiên "thực thà" khai rằng: Vợ chồng ông ngập đầu bởi công việc như vậy là để lo kiếm tiền nuôi hai đứa cháu. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng quả thật hiện nay, hai ông bà đang ở cùng với hai đứa cháu nội với tất cả những bận rộn không kể xiết để nuôi dạy hai đứa trẻ đang tuổi ăn học.

Rồi như mọi người cha mẫn cán đội con đội cháu trên đầu, ông Kiên bộc bạch những nỗi niềm riêng sâu kín. Ông chỉ có một người con trai độc nhất là nhạc sỹ Quốc Trung. Mọi âu lo, kỳ vọng, yêu thương ông dồn hết cho con trai. Và bây giờ, để con rảnh rang lo công việc, phấn đấu sự nghiệp, và thảnh thơi trong cuộc sống riêng tư, ông tự nguyện dành hết phần chăm lo cho hai đứa cháu. Vậy là ở tuổi cổ lai hy, niềm sung sướng và hạnh phúc nhất đối với ông ngoài việc dạy học là lụi hụi cùng bà chăm bẵm cho hai đứa con của Quốc Trung và Thanh Lam sau khi cuộc hôn nhân của họ tan vỡ.

Là người cha yêu con, nhưng ít khi bộc lộ, hầu như không can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của con, và tôn trọng hết mức có thể, cá tính độc lập của con nên ông và bà (vợ đầu của ông, mẹ của Quốc Trung) chỉ lặng lẽ đứng ở phía sau, nín thở dõi theo cuộc "thử nghiệm" (từ của ông Trung Kiên) tình yêu và hôn nhân của con trai mình với dự cảm âu lo và linh đoán những bất trắc mà con trai ông rồi sẽ gặp phải. Mặc dù vào thời điểm đó, con trai ông và ca sỹ Thanh Lam đã đến với nhau bằng tình yêu chân thành và say đắm. "Chúng nó rất yêu nhau và không có lý do gì để chúng tôi ngăn cản chúng. Tôi và bà Nga chỉ cảm giác rằng Lam không phù hợp với Trung, hai đứa sinh ra không phải để làm thành một đôi. Và điều đó rốt cục đã đúng. Chúng nó chia tay nhau vì không thể tiếp tục cuộc hôn nhân ấy nữa. Cả hai đều thanh thản và đối xử với nhau rất lịch thiệp, ân tình".

Bằng sự trải nghiệm của tuổi già, bằng cái nhìn đời thấu tận tâm can của một người nghệ sỹ đã kinh qua những sương gió đời người, ông đã thốt lên với tôi: "Tôi không thể quyết định được cuộc sống riêng tư của con trai tôi mà chỉ có thể đối xử với nó như hai người đàn ông. Tôi chỉ biết đùa nó mà có ý nhắc nhở nó rằng: con hãy suy nghĩ thật chín chắn khi quyết định tìm vợ. Cuộc thử nghiệm đầu tiên của con đã làm cho bố mẹ "hết hồn" rồi. Bố mẹ chỉ mong con tìm được người phù hợp với gia đình ta và con hạnh phúc".

Và bây giờ, ông lại thay chính bố mẹ chúng để chăm bẵm cho hai đứa cháu của ông. Ông yêu chúng như tình yêu của một người cha nặng lòng với con cái. Và điều tuyệt vời nhất, và cũng là may mắn nhất với ông là người vợ sau này của ông, người đã yêu các cháu của ông bằng một tình yêu lạ lùng, ngấu nghiến (từ của ông Trung Kiên)--PageBreak--

Tình còn lại

Tôi không có may mắn được tiếp xúc với người vợ đầu của ông. Theo như ông kể thì bà Thanh Nga là một người phụ nữ lạ lùng và hấp dẫn bởi cá tính phóng khoáng, sôi động và nghị lực phi thường. Niềm vui sống của bà chưa bao giờ nguội tắt, kể cả những khi bà bị trọng bệnh. Bà đã sống chung với căn bệnh ung thư suốt 7 năm trời với niềm lạc quan và nụ cười không bao giờ tắt trên môi. Bảy năm đó, người phải nhỏ lệ là ông Trung Kiên, là con trai chứ không phải là bà. Sống với bà, ông hòa vào niềm vui bè bạn của bà, vào bản năng sống hồn nhiên của bà. Bà và ông luôn tạo cho nhau những khoảng tự do nhất định, tôn trọng hết mực bản năng sống của nhau.

Cuộc nhân duyên thứ 2 với NSND Thu Hà, Giám đốc Nhạc viện Việt Nam cũng là một may mắn lớn đối với đời ông. Ông kể, họ là hai người đàn bà quá khác nhau, hai tính cách hoàn toàn đối ngược nhau, nhưng họ là nửa phần cuộc sống mà tôi không thể thiếu. Nếu bà Nga là con người hướng ngoại, sống phóng khoáng, ưa tụ họp bạn bè thì bà Hà lại là người phụ nữ ngoài công việc ở cơ quan ra chỉ có gia đình. Bà ấy thích những giây phút riêng tư của vợ chồng, con cái, của gia đình.

Là con gái của ông Trần Ngọc Danh - em ruột của cố Tổng Bí thư Trần Phú, NSND Thu Hà sinh ra tại Praha, khi ông Danh làm Đại sứ ở Tiệp Khắc (cũ), còn bà Thái Thị Liên học ở Viện Hàn lâm âm nhạc Praha. Vậy nên đặt tên là Hà. Em trai cùng mẹ khác cha của bà chính là NSND Đặng Thái Sơn. Cuộc hôn nhân của ông với bà trước hết bắt đầu từ tình bạn, tình đồng nghiệp, từ sự thấu hiểu và chia sẻ những thăng trầm trong cuộc đời. Nếu như ông đau nỗi đau của một người đàn ông mất vợ do bệnh trọng, do sự khắc nghiệt của số trời thì NSND Thu Hà lại là người chịu nhiều đau khổ trong cuộc hôn nhân đầu không hạnh phúc. Những nỗi đau không giống nhau nhưng cùng tìm được một bến đỗ bình yên để xoa dịu những vết thương lòng. Và vì vậy, bà Hà đã dồn hết những dâng hiến và đòi hỏi yêu thương cho gia đình thứ hai và cũng là gia đình duy nhất của mình bằng tình yêu đậm quánh những khao khát của đàn bà.

Điều đó cũng dễ lý giải vì sao những ngày nghỉ hầu như ông bà không tiếp khách, bà không cho ông đi xa, hai ông bà tách hết công việc rồi trốn lên ôtô đến một nơi yên tĩnh nào đó để sống những giây phút riêng tư cho nhau. Tôi hỏi ông Trung Kiên có lúc nào thấy ngộp thở bởi thứ tình yêu riêng tư ấy không, vì trước nay ông không quen với điều đó, ông cười: "Tôi hoàn toàn bằng lòng và hạnh phúc".

NSND Trung Kiên rưng rưng khi nói với tôi rằng, ông hiếm thấy người đàn bà nào không phải máu mủ ruột rà, mà bà thương các cháu của ông đến như thế. Bận rộn khủng khiếp với cương vị quản lý Nhạc viện, đại biểu Quốc hội và thành viên của ty tỷ hội đồng khoa học, nhưng buổi tối là khoảng thời gian bất di bất dịch bà dành cho ông và các cháu. Bà dạy chúng đàn, chăm chút cho chúng việc học hành, hệt như một người mẹ chăm con. Bà yêu chúng bằng thứ tình yêu ngấu nghiến của một người mẹ... đi công tác vắng thì thôi, còn ở nhà, xa chúng một ngày là bà cũng làm ông phát hoảng vì cả hai cùng nhớ cháu.

Tôi cứ nghĩ, không có gia đình nào là hoàn thiện, không có hạnh phúc nào là hoàn hảo. Điều quan trọng là mỗi chúng ta trong cuộc hôn nhân ấy tự thấy mình có bằng lòng hay không, và cái cách mà chúng ta ứng xử với cuộc hôn nhân đấy như thế nào. Điều đó tùy thuộc rất lớn vào văn hóa sống của từng người. Điều quan trọng là ông hạnh phúc với cuộc sống của mình, với tình hiện tại mà ông bà đang dành cho nhau.

Tôi cho rằng, tính cách của mỗi con người cũng một phần lớn quyết định số phận của họ

.
.