NSND Quý Dương - NSƯT Chí Trung: Cha, con và…
Tôi nhớ có lần uống bia hơi với Chí Trung ở đầu phố Tràng Tiền. Buổi chiều ấy, Chí Trung nói rất nhiều về thơ ấu của mình, về những chuyện buồn vui đã đi qua, những ngày đầy khó khăn trong cuộc đời và tất nhiên, nói về cha anh nữa.
Chí Trung nói, đôi khi anh thấy bố anh không quan tâm tới điều gì của các con. Ngày trước anh cũng có những lúc tủi thân và buồn vì điều đó. Nhưng giờ đã làm cha và gánh bao nhiêu những vất vả, anh hiểu và thông cảm được với cha mình. Có lẽ, cách dạy con của NSND Quý Dương không giống những người cha khác. Các con ông đều tìm cách tự bước đi nhờ sự im lặng của cha mình.
Trong phòng khách nhỏ của vợ chồng Chí Trung - Ngọc Huyền không có bức hình nào của NSND Quý Dương. Ngọc Huyền cười, bức hình lớn nhất là bản sao hoàn hảo Chí Trung. Những lúc ngồi trong phòng họp, nghe chồng chỉ đạo công việc ở nhà hát, chị thấy anh sao mà giống bố đến từng chi tiết.
Chí Trung giống cha, từ cái miệng cười cho đến cách lấy hơi nhả chữ, cách diễn đạt cho đến cái khoát tay. Chí Trung còn giống cha anh ở sự giản dị nữa. Ngọc Huyền lúc nào cũng khéo léo và thông minh như thế. Nhiều bạn diễn trong nhà hát của chị bảo, vì khéo và khôn nên chị mới không để tuột mất gã đẹp trai khỏi tay mình trong thời buổi đầy cám dỗ.
"Hồi ấy bọn mình lấy nhau không dễ dàng đâu. Cả gia đình mình không ai theo nghệ thuật. Còn gia đình anh Trung thì rất là nổi tiếng. Anh ấy là cậu thanh niên đẹp trai, con của một ông ca sỹ rất đẹp trai. Người đàn ông đó lại mới li dị vợ. Ngày ấy li dị là cái tội lớn của cả hai người chứ không phải nhẹ nhàng như bây giờ. Mọi người lo lắm, sợ con gái mình sẽ rơi vào cảnh tương tự" - Ngọc Huyền nói.
Nhưng Chí Trung nói rằng, anh luôn sợ các con của mình phải sống trong cảnh cha mẹ ly tán, như tuổi thơ của anh. Anh đã buồn biết bao nhiêu trong những ngày tháng ấy. Chính câu nói này đã khiến Ngọc Huyền có niềm tin vào Chí Trung khi hai người kết thúc giai đoạn yêu đương 6 năm và làm một đám cưới trong nghèo khó.
Cái đám cưới mà cả hai không có nổi một đồng trong tay, chú rể phải đi mượn bộ áo vest rộng thùng thình, còn quan khách đến uống trà và cắn hạt dưa. Bà nội Chí Trung đã lo vuông tròn đám cưới ấy. Và bà nội chính là người mà Chí Trung luôn nhắc đến với sự trìu mến khôn nguôi. Ký ức thơ ấu của anh có lẽ dành gần như trọn vẹn về bà.
Ngọc Huyền luôn rất chừng mực khi nhắc đến bố chồng. Chị nói chị ít tiếp xúc với bố và ông cũng bận lo cho gia đình riêng của mình nên không có nhiều thời gian lo cho các con. Ông cũng ít đến chơi với các cháu vì hai nhà ở hai đầu thành phố, ông mệt nhiều và đám trẻ nhà chị thì không thể thoát khỏi được guồng quay học hành.
Gia đình ông cũng không có nhiều cuộc tụ tập vui thú cùng nhau, những bữa cơm của đại gia đình là hiếm hoi vì mỗi người mỗi việc, chạy đua với thời cuộc. Chị rất thèm những buổi đoàn tụ như thế. Nhưng cảnh chạy show không riêng gì gia đình chị, nó là câu chuyện chung của đời sống hôm nay...
Những ngày bao cấp, đôi vợ chồng nghệ sỹ sống trong cảnh thiếu đủ thứ và các con chào đời trong niềm vui và cả những nỗi lo. Chí Trung lao vào đời sống để bươn chải, đôi khi phải hy sinh cả sự sĩ diện của người nghệ sỹ. Để rồi cuộc sống trả cho anh về sau, yên ổn dần và đời sống khá lên. Anh mua nhà, sắm xe và có tiền phụ giúp cho cha những khi đau yếu.
Tôi đồ rằng, trong một lúc nào đó, cậu bé con trong tâm hồn anh sẽ trỗi dậy và sẽ lại chạnh buồn, giá như cha anh quan tâm đến anh nhiều hơn. Nhưng khi đã vào tuổi này, Chí Trung chia sẻ được với cha mình. Nghệ sỹ ở xứ này không ai giàu cả, nếu muốn làm nghệ thuật chân chính. Cha anh là một người như vậy. Ông đã dành cả cuộc đời không sân si những chuyện danh lợi.
Anh vạt mồ hôi để nuôi gia đình nghệ sỹ của mình thì cha anh cũng vậy, ông còn vợ và hai đứa con nhỏ. Thế nên, nói như Ngọc Huyền cũng như một điều an ủi, rằng chính vì cha anh như vậy mà anh lại cứng cáp hơn người...
Vợ chồng NSND Quý Dương và gia đình NSƯT Chí Trung. |
Nói chuyện nhiều với hai cha con Chí Trung, tôi nhận ra họ là những người cá tính mạnh, họ bộc lộ mình rất rõ dưới sự khéo léo của những người quen tiếp xúc với đám đông.
Tôi luôn tin rằng, những điều kém vui của Chí Trung đã ở những ngày rất xa rồi. Bởi cuộc sống luôn xô mạnh con người về phía trước và thời gian sẽ làm cũ đi những nỗi buồn. Và anh vẫn là cậu con trai hiểu rõ lòng cha và yêu cha mình nhiều nhất.
Còn NSND Quý Dương, bằng một cách nào đó, ông vẫn dõi theo những bước đi của các con mình và tự hào về chúng. Cuộc sống luôn bắt đầu từ những đứa con. Và cuộc sống nói lên nhiều điều từ những đứa con...
***
Ngôi nhà có sân vườn, nằm trong ngõ nhỏ đường Cầu Giấy. Quý Dương ở đó, cùng vợ và một cô giúp việc ngọng líu ngọng lô. Nhà rộng, vợ đang đi Mỹ chơi với con trai út, niềm vui của ông có lẽ là các buổi chiều học sinh đến tập hát. Một kỹ sư điện tử người Đức, hai giáo viên ĐH KHXH&NV, một số sinh viên nhạc viện...
Mỗi tuần ba lần đi lọc máu vì suy thận, chứng bệnh tiểu đường hành ông hơn hai chục năm đã vào giai đoạn biến chứng, nhưng Quý Dương vẫn minh mẫn và vui vẻ, chụp hình xong vẫn đòi xem lại vóc dáng và khuôn mặt có gọn gàng tươi tắn không, nói chuyện vẫn hay hỏi ngược lại phóng viên như dò ý...
Các con ông đều gửi tiền cho bố. Ông chẳng thiếu thứ gì. Tuổi 71 và bệnh tật dường như có vẻ không khuất phục được người đàn ông lừng lẫy nửa thế kỷ qua của nhạc Việt.
Chúng tôi ngồi ở phòng khách, cũng là phòng ông tập với sinh viên, nơi đó treo bức hình đại gia đình, có vợ chồng ông và các con cháu. Những khuôn mặt cười rộng mở. Ai cũng xinh đẹp. Ông chỉ vào từng thành viên:
- Cô đầu là Hương, tôi cho học piano 7 năm, sau bỏ đi học ngoại ngữ, rồi tiếng Nga thất thế, cô ấy giờ sống chủ yếu bằng việc dạy đàn. Thứ hai là Chí Trung, nó học violon 4 năm, học toàn ngủ gật, tôi dắt đến gặp Doãn Hoàng Giang nhờ xem có năng khiếu kịch hay không rồi cuối cùng thì nó tự nộp đơn vào lớp kịch Nhà hát Tuổi trẻ, khổ luyện ở đó mà thành công cũng ở đó.
Thứ ba là Quỳnh Trang, thạc sỹ piano rồi, giảng dạy ở nhạc viện. Giờ nó mơ ước kinh doanh nghệ thuật, mở trường đào tạo nghệ sỹ. Còn út, cậu cravat đỏ đấy, hiền lắm, cũng thạc sỹ piano jazz ở Mỹ rồi, bằng của Mỹ đấy, nhưng nó vẫn chưa có vợ và muốn học rất nhiều...
- Hình như anh cravat đỏ là người được ông ưu tiên nhiều nhất?
- Chí Trung nói với anh thế à? Không ai ưu tiên gì đâu. Ngày xưa tôi sinh Hương và Trung vất vả lắm, chiến tranh khó trăm bề, không có điều kiện chăm sóc nó. Còn thằng út thì lớn lên vào giai đoạn dư dả hơn, nên tôi lo được tốt hơn. Nhưng tôi cũng chỉ trang bị cho giai đoạn đầu thôi. Qua Mỹ là nó tự phải bươn chải lấy, tự quẫy mà sống.--PageBreak--
- Ông là một ca sỹ nổi tiếng, ông đào tạo nên những giọng hát vàng, nhưng ông có buồn khi các con mình không một ai theo nghiệp bố?
- Chúng nó có theo tôi cũng chẳng cho theo. Ca sỹ là cái nghề kiết xác, nghèo đói và khó thành công. Ai cũng hát được đó, nhưng làm ca sỹ đâu có dễ. Vạn người hát mới có được một ngôi sao chứ. Giờ dạy học mà ai không có tương lai phát triển, tôi đều khuyên nên chuyển sang nghề khác mà lo làm ăn. Chí Trung nói, con đi hát thì chẳng bao giờ bằng bố được. Tôi cũng có năng khiếu nữa, và tự bươn chải mà thành.
Tôi hoạt động phong trào học sinh, tự học là chính. Cuối năm 1956 thì tôi thi vào trường nhạc, năm 1959 thì tốt nghiệp, tôi được giữ lại làm giảng viên thanh nhạc đầu tiên của nhạc viện. Năm 1960, một chuyên gia Liên Xô dựng một vở opera và tôi được chọn vào vai chính, thành người Việt
Tôi cũng là ca sỹ đầu tiên hát trên truyền hình Việt
- Đời ông gắn với nghiệp ca hát, hẳn ông gặp vợ cũng trong môi trường này và đây là một nghệ sỹ?
- Không. Bà ấy là học sinh Trưng Vương, còn tôi thì học
- Như tôi biết, đời sống hôn nhân của người nghệ sỹ thường khó ổn định...
- Bà vợ tôi có những lập luận rất lạ, ghen bóng ghen gió. Bà ấy không muốn tôi nổi tiếng, muốn giữ tôi cho riêng bà ấy, không muốn những người phụ nữ khác cũng yêu mến chồng mình. Ngày đó tôi phấn đấu vào Đoàn, vào Đảng, nghiêm túc lắm, biết rất nhiều người yêu mình nhưng không tơ hào đến ai.
Cách hâm mộ của các cô gái hồi đó cũng khác lắm. Họ nấp ở gốc cây nhìn thần tượng của mình từ xa, không ai lao đến sỗ sàng như các fans hâm mộ bây giờ. Giờ nhiều bà 65 tuổi rồi, làm bà nội bà ngoại cả rồi, gọi ra nói hồi đó thầm yêu, hâm mộ lắm, tôi mới biết đó là sự thật. Nhưng bà vợ tôi hiếu thắng, bà ấy luôn sợ tôi có người khác. Rồi bà ấy cũng có người khác. Thế là chúng tôi chia tay...
- Chia tay ở vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX có lẽ là điều hãn hữu vì sẽ kéo theo một rừng điều tiếng. Và những đứa con nữa, chúng sẽ phải đối mặt với một cuộc sống chênh vênh chia đôi trong bom đạn. Khi ấy, ông có nghĩ tới điều đó?
- Cũng nghĩ rất nhiều chứ. Nhưng bà vợ tôi kiên quyết lắm. Bà ấy nghĩ là tôi cặp bồ với một diễn viên múa của Nhà hát Giao hưởng vũ kịch. Ngày chúng tôi ra toà, một lãnh đạo nhà hát đến bảo lãnh: "Quý Dương là một chiến sỹ thi đua của chúng tôi, không có chuyện bồ bịch đâu". Bà chánh án cũng nói với vợ tôi rằng, nếu chị nhất quyết chia tay thì mai sau chị sẽ ân hận. Nhưng bà ấy hiếu thắng nên nhất quyết.
Giờ thì bà ấy ân hận, bà ấy trách tôi là sao ngày đó tôi đi lấy vợ sớm quá, nếu không thì có thể đã hàn gắn được. Bà ấy đi bước nữa, rồi về ở với vợ chồng Chí Trung một thời gian, giờ ở một mình. Thời gian đầu chia tay, Hương và Trung cũng sốc lắm chứ. Hai đứa ở với tôi, rồi tôi đi học nước ngoài thì về ở với bà nội. Thời đó khó khăn lắm, Hương và Trung không được chăm lo đầy đủ...
- Khi chị Hương, anh Trung ở với bác, bác gái có qua lại chăm sóc họ không?
- Không! Không những không chăm mà còn phá nữa. Mấy năm trước Chí Trung nó bảo, giờ con mới hiểu và thương bố, trước con giận bố vì con bị xuyên tạc.
- Chí Trung có phải là một cậu bé hiếu động?
- Trung ngoan, hiền. Cậu út thì tài năng và hiền lành hơn nữa cơ. Giờ tự bươn chải mà gửi được tiền về cho bố.--PageBreak--
- Như ông nói, ông rất nghèo. Hẳn là khi lo cho cậu út đi du học, Chí Trung cũng phải gánh đỡ ông rất nhiều?
- Tôi đi dạy cho nhân viên các đại sứ, người nước ngoài, 30 USD/giờ, dành dụm cả chục năm, để dành được 19 ngàn đô, út cầm cả đi Mỹ học. Tôi không yêu cầu gì Trung. Trung cũng còn gánh nặng gia đình rất lớn.
Trung có một thời hoàng kim thôi, chứ giờ người ta cũng không còn mặn mà với hài như trước nữa. Nó đi học đạo diễn thì cũng phải vài năm nữa mới gặt hái được từ công việc ấy. Trung thẳng thắn và có tâm. Nhưng do phải tiếp xúc với việc buôn bán kiếm sống nhiều nên nó hơi khôn quá. Rất may vì nó có tâm, nên giờ nó làm lãnh đạo thì vẫn giúp được anh em nhiều và công bằng với anh em nên người ta rất quý.
- Tôi có nghe đâu đó, rằng đám cưới Chí Trung - Ngọc Huyền ông cũng không ủng hộ. Đến mức Chí Trung phải lo tất cả, đi mượn quần áo, đi lo tiền cưới, còn ông đến dự như một vị khách?
- Không phải thế. Mà là bà nội Trung với bà nội Huyền là chị em xa, nghĩa là có họ hàng, phân vai dòng tộc thì Huyền là chị của Trung, tất nhiên là họ hàng xa mù khơi rồi. Hồi tôi học ở
Riêng chuyện "uống nước cắn hạt dưa như một vị khách" thì đúng. Tôi có điều kiện gì đâu, chẳng có gì, nghèo lắm. Chỉ có uy tín với Nhà văn hoá Thanh niên nên mượn được địa điểm cho chúng nó cưới thôi. Với tất cả các con, tôi đều không giúp được gì...
- Giờ thì các con ông đã trưởng thành hết, trong thâm tâm ông tự hào về ai nhất?
- Mỗi đứa một vẻ và tôi thương mến đều. Ngày sinh nhật tôi chúng nó kéo về đây, hai đứa con sau thì gần mẹ hơn nên nó về nhiều hơn, chứ tôi không phân biệt. Giờ chúng nó lớn khôn hết rồi, không ai còn nghĩ đến chuyện mẹ nọ con kia. Khi tôi bán cái nhà trên phố Văn Miếu, tôi cho Trung một phần rất lớn, đó là phần thừa kế của bà nội Trung, rồi chia cho tất cả mọi người.
Sau đó tôi gom tiền đi dạy học xây cái nhà ở Cầu Giấy này. Mâu thuẫn tài sản lớn lắm đấy, nó làm tan nát rất nhiều gia đình. Tôi chia tài sản từ sớm, nên giờ chúng nó không thể tranh giành nhau. Nói về tự hào thì tôi tự hào về Chí Trung.
- Ông có thường xuyên theo dõi các vai diễn của Chí Trung?
- Có chứ, thường xuyên và góp ý một cách tế nhị. Trung nó cũng đánh giá điều đó rất cao. Vai diễn đầu tiên của Trung là Romeo, rồi Trần Thủ Độ... Những hài kịch của Trung thì lắt nhắt, rất nhiều, và nó thành công chính ở mảng đó. Nhưng tôi cũng phải phê bình nó vì đôi khi không khiêm tốn.
- Ông để con vào đời sớm và tự lập. Tôi nghĩ ông là người nghệ sỹ bận rộn. Nhưng tôi sẽ rất buồn nếu bố tôi vô tình tới mức đứng ngoài mọi biến cố của đời mình. Nhưng trường hợp của ông và Chí Trung thì đúng là như vậy...
- Tôi không cho rằng mình cần phải sát sao. Tôi không bao giờ đến với các cuộc thi của con. Tôi cũng không xin xỏ ai bất cứ thứ gì. Nếu tôi chỉ cần xin một tiếng thì đường học của chúng dễ hơn rất nhiều vì thầy giáo đều là bạn tôi. Nhưng tôi ghét nhất sự cầu xin.
Tôi để cho chúng tự vật vã và vươn lên. Tôi chỉ khơi gợi cho chúng và hướng cho chúng theo nghệ thuật, còn chúng nghe theo như thế nào là quyền của chúng. Tính tôi thế, hồi phong tặng NSND lần đầu, tôi đâu có làm hồ sơ, tôi thấy đó là danh hão, cái trò chả ra gì, chả cần xin xỏ...
- Ông có nghĩ Chí Trung xứng đáng là NSND?
- Trung phải được phong sau chị Lan Hương (NSND Lan Hương - PV) là đúng, phụ nữ thường được chú ý hơn. Về mặt nghệ thuật thì hiện tại Trung đang bế tắc. Mặt nó vẫn còn rất đẹp, nhưng chiều cao không lý tưởng và đã bắt đầu béo tròn. Trung không còn thích hợp với vai chính. Nó cũng không lên phim được nữa. Trung làm nhiều hài. Mà hài thì không được đánh giá cao lắm. Này, có vẻ như bạn có vẻ rất có cảm tình với Chí Trung?
- Không hẳn vậy. Tôi nói nhiều đến anh ấy vì tôi nhận ra... Chí Trung của hai chục năm nữa trên khuôn mặt ông, nhất là khi ông cười...
- Nhiều người nói với tôi là hai cha con rất giống nhau, có lần nó đóng vai gì đó có dán râu, nhiều người nói đó chính là tôi.
- Ông có vẻ không hài lòng lắm khi Chí Trung đi về với hài kịch. Ông sợ Chí Trung mai một tài năng chăng?
- Ở Việt
Nhưng đời sống mà, nó phải vẽ nhọ bôi hề để kiếm sống. Lê Khanh cũng thế, tài năng trọn vẹn, nhưng giờ thì đã dừng lại mất rồi. Xã hội mình nó đang như là dòng sông có trăm cái thác mà chưa lọc được dòng đục dòng trong. Giờ nhiều đứa trẻ lên ngoáy mông vài cái vẫn được tung hô, truyền hình vẫn phát liên miên.
Nhưng người ta nhìn vào một đất nước, người ta không nhìn vào cái đó, người ta nhìn vào những thứ nghệ thuật đích thực chứ. Vậy mà dường như chúng ta chỉ để nó tồn tại một cách lay lắt. Biết bao thứ hỗn độn. Nhưng tôi không thuộc diện nghệ sỹ già ngồi châm chích Nhà nước. Tôi nghĩ rằng, xã hội ta đang cần thời gian để thanh lọc lại. 15-20 năm nữa, những gì tinh tuý của dân tộc sẽ còn lại. Tôi tin là như vậy...
- Tôi cũng tin là như vậy. Ông hài lòng về các con nhiều rồi, có điều gì khiến ông không hài lòng về họ. Như Chí Trung chẳng hạn?
- Trung rồi cũng sẽ tốt thôi. Chỉ có điều, nó chưa thực sự chín trong suy nghĩ. Về cơ bản tôi yên tâm về Trung.
- Ông đánh giá thế nào về Ngọc Huyền, con dâu ông?
- Huyền thông minh, giỏi, sinh động. Hồi tôi ốm nằm ở Bệnh viện Việt - Xô, nó nấu cơm mang vào cho ăn, nhà nó ở gần đó mà, cảm động lắm. Nếu nó cao bằng Lê Khanh, có thể nó cũng chẳng kém gì Lê Khanh. Nghệ sỹ cái đẹp quan trọng lắm. Tôi rất phục anh Trần Hiếu. Nhưng vì anh ấy giọng trầm, lại xù xì, nên đôi khi lên sân khấu anh ấy lại không được yêu mến bằng tôi.
- Nãy giờ tôi nhận ra ông hài lòng về cuộc sống và sự nghiệp. Ông có nghĩ rằng, so với nghệ sỹ cùng thời, ông may mắn hơn?
- Không có gì tự nhiên. Tôi thành công vì tôi có năng khiếu hơn, tôi là ca sỹ đẹp trai, đẹp trai quan trọng lắm. Tôi cũng có học kỹ thuật cơ bản khá kỹ. Thời chống Mỹ, không nhạc sỹ nào sáng tác xong lại không muốn đưa cho Quý Dương hát, như Vũ Xuân Khoát, Đỗ Nhuận... Tôi cũng sáng tạo thêm cho sáng tác của họ.
- Bảy mươi mốt tuổi, tôi thấy ông là người kiên cường thắng được bệnh tật. Và thấy ông luyện thanh cho học sinh vẫn rất dẻo dai. Ông có ý định làm một đêm nhạc của riêng mình?
- Không. Vì tôi đi chừng 10m là choáng rồi. Với lại, mình già rồi, đi hát chẳng để giải quyết điều gì. Tiền thì tôi không cần, lương hưu có, chữa bệnh bảo hiểm xã hội trả đủ hơn 80 triệu một năm cho chuyện lọc máu. Các con về thăm đều đưa tiền cho.
Danh vọng thì tôi cũng đã đủ. Ra hát để lấy những tiếng vỗ tay thương hại của người ta sao? Cô gái 40 tuổi thì không nên xuất hiện giữa đám đông nữa. Đừng ra hát để nhận lời khen là già thế mà vẫn hát hay, nó đáng thương lắm. Tôi giảng dạy thôi.
- Giảng dạy ra những tài năng và tài năng ấy cứ chìm đi như ông nói, ông không buồn sao?
- Tôi thất vọng. Nhiều đứa ra trường chẳng biết làm gì. Đau lắm.
- Trong đời, ông có hối tiếc điều gì không?
- Hối tiếc ư? (Trầm ngâm) Hối tiếc thì... không. Tuổi trẻ của tôi đã vào chiến trường, tôi nhận ra được giọng hát của mình quý giá, cuộc sống của mình cũng quý giá...
- Xin cảm ơn ông!