NSND Quang Thọ: Đêm nghe tiếng than rơi

Thứ Tư, 26/03/2008, 10:00
Đó là một người đàn ông xù xì, một người thầy nghiêm khắc. Nhưng cũng lại là người tổ chức nhiều cuộc vui cho các học trò nhất. Trong những cuộc vui ấy, chức danh Trưởng khoa Thanh nhạc, Nhạc viện Hà Nội đã trở nên mờ nhạt. Chỉ còn lại tình thầy trò và sự sẻ chia...

Quang Thọ, sau 40 năm ca hát, bắt đầu đi lên từ vùng mỏ, vẫn bồi hồi xúc động như thuở đầu tiên hát với thợ lò. Anh thường mơ những giấc mơ dài. Trong những giấc mơ ấy, đều nghe có tiếng than rơi…

1. Quang Thọ đánh dấu sự nghiệp 40 năm ca hát của mình bằng album "Quang Thọ - 40 năm ca hát". Đĩa DVD, được quay và dàn dựng khá công phu. Cũng trong năm 2007, Quang Thọ và cố NSND Lê Dung là hai ca sỹ được lựa chọn làm đĩa để tặng cho các đại biểu. Họ được ví như một cặp trời sinh, hai giọng ca opera xuất sắc nhất mà nền thanh nhạc Việt Nam có được. Quang Thọ và Lê Dung cùng bắt đầu cuộc sống từ vùng mỏ. Khi Quang Thọ là anh thợ lò thì Lê Dung đang là học sinh trung học.

Những ngày tháng ấy, với Quang Thọ thiết thân như một phần cơ thể. Bởi nếu không có những gian khó của buổi đầu làm nghề, có thể anh đã không trưởng thành được như ngày hôm nay. Khi ấy, ở bất cứ đâu, trong những căn hầm hay giữa công trường, anh đều có thể hát phục vụ mọi người.

Với nhiều người, Quang Thọ là một nghệ sỹ nhiều may mắn. Anh có được gần như đầy đủ những vinh quang của nghề. Những giải thưởng, chẳng hạn như giải nhất Tiếng hát Sinh viên thế giới tại Đức, hay giải thưởng tại Liên hoan Ca nhạc tại Mông Cổ…

Và anh được phong tặng Nghệ sỹ nhân dân khi tuổi đời còn khá sớm, đồng thời cũng là người thành công trong công việc chuyên môn, trở thành Trưởng khoa Thanh nhạc, một khoa lớn nhất tại Nhạc viện Hà Nội. Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận được, anh là một tài năng của nền thanh nhạc Việt Nam.

Tiếng hát của anh, vang như tiếng bước đi của một đoàn quân ra mặt trận. Tiếng hát ấy từ hầm mỏ ra chiến trường, từ đỉnh cao biên giới, tới tuyến đầu hải đảo, dường như trong những ngày chiến tranh, không ở đâu thiếu tiếng hát anh. Nhưng với Quang Thọ, gian nan nhất và cũng tự hào nhất là những ngày hát tại vùng mỏ.

Ngày ấy, anh và Lê Dung là một đôi song ca ăn ý. Họ cùng hát cho công nhân mỏ nghe. Giữa những ngày bom đạn ác liệt nhất, cùng nhau đi diễn trên chiếc xe đạp cũ, giữa đường dính bom Mỹ phải bỏ xe vào hầm trú ẩn, khi quay lại chỉ còn chiếc xe bẹp rúm. Họ đã cùng nhau mang chiếc xe bẹp đó, đi bộ suốt đêm để về nhà.

NSND Quang Thọ và Ái Vân

Vùng than ngày ấy trong tâm trí anh vẫn là một vùng ký ức lộng lẫy. Vất vả, gian khó nhưng ân tình. Như thể biển và những căn hầm than đã tạo ra tiếng hát anh. Tiếng hát mà qua bao nhiêu năm không đổi thay. Đã bao nhiêu đêm, anh thức trắng cùng những người thợ mỏ. Những ngày bom Mỹ ác liệt, họ đã không được thắp điện, những băng chuyền cũng phải ngừng hoạt động.

Những người thợ phăm phăm tay xẻng tay cuốc, cùng nhau quyết liệt bám trụ để đảm bảo tiến độ cho tàu vào cảng ăn than. Tiếng hát của anh như góp sức xua đi vất vả trong họ. Nhưng anh cũng tri ân những người thợ mỏ, nếu không có sự khích lệ của họ trong những ngày đầu ca hát, có thể anh đã không tiếp tục sự nghiệp này.

Quang Thọ luôn dành cho Lê Dung một thứ tình cảm đặc biệt. Dù người bạn ấy đã về với cát bụi, nhưng trong tâm trí anh, đó là cô em nhỏ mãi mãi cất lên những tiếng hát cao vút, tiếng hát của loài chim cả đời chỉ lo duy nhất sửa soạn làm sao cho tiếng hát của mình mãi mãi thanh tân. Họ đã có bao nhiêu năm tháng kỷ niệm, sống và hát. Họ cũng là những người thực hiện live show đầu tiên tại Hà Nội.

Quang Thọ nhớ lại, ở thời điểm ấy, live show "Một thời và mãi mãi" của họ đã mang đến một không khí khác lạ, ngay cả trong giới ca sỹ Hà Nội. Đó là một thể loại chương trình không chỉ có ca hát, mà kèm theo đó là những lời tâm sự, những phút giao lưu. Khán giả như được đến gần hơn với nghệ sỹ của mình. Đêm nhạc đó thành công ngoài mong đợi.

Dường như khi ấy, khán giả yêu nhạc thành thật hơn. Họ đến để nghe nhạc thực sự, nghe những nghệ sỹ mà họ yêu mến qua sóng phát thanh, truyền hình. Và được nghe những câu chuyện của thần tượng. Không có vũ đoàn, sân khấu giản dị, không gian ấy chỉ là không gian của tiếng hát. Khi đêm nhạc kết thúc, khán giả đã nán lại rất lâu. Họ không muốn rời bỏ không khí ấy quá nhanh… Quang Thọ và Lê Dung, sau đó, đã có những đêm nhạc đầy ắp khán giả tại TP Hồ Chí Minh, tại Quảng Ninh và cả nước ngoài.

Không có gì là quá lời, nếu coi họ như những hình mẫu chuyên nghiệp, tài năng của thanh nhạc Việt Nam. Đã có những ca khúc gắn liền với tên tuổi họ. Và rồi, khi Lê Dung ra đi, Quang Thọ đã không còn bạn diễn nào ăn ý như vậy, không còn người đứng chung sân khấu hát những bản tráng ca đẹp đến nao lòng.

"Khi Dung bị tai biến, tôi đang ở Paris. Ngọc Thanh, vợ tôi, báo cho tôi biết. Thanh và Dung thân thiết như hai chị em ruột. Họ gắn bó với nhau nhiều năm từ vùng mỏ cho đến khi về Hà Nội. Cuộc sống riêng của Dung có những biến động, khi ấy chúng tôi đang ở gần nhau, sẻ chia cho cô ấy những nỗi buồn. Rồi Dung ra đi. Tôi tiếc nhiều. Nhưng đó là mệnh trời" - Quang Thọ nói, trong tâm trạng khó gọi thành lời. Không hẳn là buồn. Có lẽ đó là nhớ tiếc, ngậm ngùi.--PageBreak--

2. Trong căn phòng nhỏ của Quang Thọ ở Nhạc viện Hà Nội có một cây đàn piano rất đẹp. Anh nói, phải rất lâu sau này, anh mới được sử dụng một cây đàn để phục vụ công việc giảng dạy. Ngày anh mới bắt đầu làm công việc này, đôi khi thầy trò phải dạy và học chay. Nhưng mỗi người một phương pháp riêng, để cuối cùng, mỗi thí sinh có thể phát huy thế mạnh đặc biệt.

Bảy năm theo học thầy Quang Thọ, Tùng Dương là một trong những học sinh trưởng thành sớm. Dương không ngần ngại khi nói về thầy mình, trong lớp học thì đó là một thầy giáo nghiêm khắc, nhưng thầy lại là người quan tâm tới học sinh nhiều nhất.

Kết thúc một năm học, thầy lại tổ chức cho học trò một bữa tiệc để cùng vui. Trong bữa tiệc ấy, thầy trò như những người bạn vong niên. Có thể uống rượu say, có thể hò hét vui vẻ hết cỡ và có thể tâm sự mọi chuyện với thầy. Thầy lắng nghe và im lặng. Phải những ngày sau đó, thầy sẽ gọi sinh viên đến phòng riêng, để đưa ra những lời khuyên. Đó chính là điểm tựa vững nhất mà người thầy này đã tạo được cho học trò của mình.

Đã có rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành dưới sự dìu dắt của NSND Quang Thọ. Lớp trước có Đức Long, Hoàng Tùng, lớp sau có Khánh Linh, Tùng Dương… và nhiều gương mặt nữa. Họ đang là những nghệ sỹ được đánh giá cao về chuyên môn và dần quen với công chúng.

Tùng Dương nói, biết học trò có thiên hướng nhạc nhẹ, thầy không ép phải nỗ lực bằng được theo những khuôn thức của cổ điển mà tạo điều kiện để anh có thể đi tới cùng những khả năng trong dòng nhạc của mình. Chính vì thế, rất nhiều học sinh muốn được học cùng thầy Thọ. Cái quan trọng nhất mà người ca sỹ cần học được trong trường, đó chính là kỹ thuật hát. Phải biết kỹ thuật cơ bản, rồi tự họ sẽ xử lý với từng bản nhạc của mình.

Giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội nhiều năm, đào tạo ra nhiều lứa nghệ sỹ nổi tiếng và bản thân anh cũng thành công đặc biệt với những bản chính ca hùng tráng, có vẻ như đó là một mặt của sự thành công. Tôi hỏi Quang Thọ rằng, anh có buồn không, nếu như anh đào tạo ra những nghệ sỹ giỏi nghề nhưng lại không được công chúng đón nhận và tài năng của họ rơi rụng theo năm tháng, rơi rụng theo sự thờ ơ của công chúng với dòng nhạc của những ngày tháng đã qua?

Quang Thọ cười và lắc đầu. Nghĩa là anh có một niềm tin tuyệt đối. Anh nói, đừng nghĩ các ca sỹ nhạc chính thống thì không thành ngôi sao. Dòng nhạc nào khán giả đó. Khán giả nào ngôi sao đó. Đó chính là sự thành công của nghề. Những ngôi sao như Trọng Tấn, Đăng Dương… hiện nay là những nghệ sỹ giàu, họ có khả năng kiếm tiền tốt và vẫn làm nghề rất tốt.

Tất nhiên, không phải ai cũng được như vậy. Chỉ có điều, chính ca không bao giờ bị lãng quên. Chỉ có điều, khán giả của dòng nhạc này âm thầm, yên lành và ổn định. Họ không được các phương tiện truyền thông tung hô. Nhưng họ không phải những người chỉ hát về những ngày đã qua…

3. Trong căn nhà của NSND Quang Thọ, tài sản lớn nhất của họ có lẽ đó là một tình yêu giản dị. Tình yêu ấy kết trái thành hai cậu con trai đã trưởng thành. Vợ anh, người phụ nữ luôn đứng bên cạnh chồng dù trong lúc khó khăn nhất, đến giờ vẫn luôn dành cho chồng những tình yêu lặng lẽ.

Người phụ nữ này đã nhiều năm, trong đận gian khó của cơ chế, đã sẵn sàng ra đầu ngõ bán chè đậu đen để giúp chồng yên tâm công việc. Vợ nghệ sỹ vất vả, cơ cực. Nhưng họ đã yêu chồng mình hơn những người phụ nữ bình thường. Bởi vậy, hạnh phúc ấy giản dị hơn, nhưng cũng nặng nghĩa hơn.

Quang Thọ của ngày hôm nay là một người đàn ông không còn trẻ nữa. Anh cũng không có tướng mạo của một nghệ sỹ hào hoa. Anh như cục than đen, nhưng ẩn chứa bên trong sự lóng lánh của đá ấm. Tôi hỏi anh, đã bao nhiêu năm rồi anh về phố, anh còn nhớ gì về vùng than chăng? Quang Thọ nói, anh chưa từng quên bất cứ điều gì. Vùng than vẫn đi về cùng anh trong những giấc mơ…

Dương Thái Sơn
.
.