NSND Nguyễn Hữu Tuấn: "Người muôn năm cũ"

Thứ Tư, 27/03/2019, 16:59
Mọi người vẫn nhắc đến ông, một nhà quay phim xuất sắc của thế hệ phim Cách mạng Việt Nam. Còn ông thì dửng dưng, thời đó lạc hậu lắm rồi, xa lắm rồi...


Ai cũng nhớ về thời của ông, về những thước phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam gắn liền với tên tuổi của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, "Thị xã trong tầm tay", "Bao giờ cho đến tháng 10", "Trở về", "Thương nhớ đồng quê" (đạo diễn Đặng Nhật Minh); "Duyên nợ", "Yên tĩnh" (đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện", "Chuyện tình trong ngõ hẹp", "Người đàn bà mộng du" (Đạo diễn Thanh Vân), "Bến không chồng" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh)… 

Ông còn được mời tham gia nhiều bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam, tham gia chọn cảnh cho phim "Đông Dương", ông là quay phim thứ hai của phim "Người Mỹ trầm lặng". Một thời làm việc hăm hở và nhiệt thành. Mỗi thước phim đều mang dấu ấn của Nguyễn Hữu Tuấn. Nhưng ông cho rằng, thời đó cũ và lạc hậu rồi. 

Điện ảnh ngày nay phát triển và thay đổi nhiều. Ông thuộc về những người muôn năm cũ. Vì thế, Nguyễn Hữu Tuấn cũng ít xuất hiện trong các liên hoan phim, thậm chí ông "né" mấy cuộc mời lên trao giải thưởng. Sống lặng lẽ và thu mình. 

Ông coi, quay phim là một công việc và ông đã hoàn thành tốt công việc của mình. Vậy thôi. Không mang vác cho mình trách nhiệm, càng không đao to búa lớn theo kiểu, nghệ sĩ có sứ mệnh nào đó. Với ông, giản dị, làm nghề bằng sự chân thành và đam mê. 

"Tôi có một mong muốn được làm cho thỏa chí của mình, cho chính con tim mình và may thay, nó được mọi người vỗ tay tán thưởng. Có thể tôi có chút thành công vì khát vọng thỏa chí lớn hơn một vài người khác mà thôi".

Năm 1976, Nguyễn Hữu Tuấn đầu quân về Xưởng phim truyện Việt Nam học nghề làm trợ lý quay phim. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã trở thành quay phim chính.

Phim đầu tay của ông chính là "Hy vọng cuối cùng" của đạo diễn Trần Phương. Sau đó là một loạt những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng Việt Nam…. Ông để lại một gia tài phim đồ sộ gắn liền với thời kỳ rực rỡ nhất của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Rời vai trò làm phim, nghỉ hưu, Nguyễn Hữu Tuấn đã chuẩn bị sẵn cho mình một hành trình khác, độc lập hơn, nhiếp ảnh. 

Ông nói: "Tôi sợ nhất là khi xong việc, nghỉ hưu, mình phải rời khỏi cơ quan, rời khỏi đời sống sinh động ấy, nên phải làm gì đó mà về hưu vẫn còn làm việc. Phải nghĩ xa thế".

Không phải chờ đến khi nghỉ hưu Nguyễn Hữu Tuấn mới chụp ảnh. Nhưng đó là thời gian ông chụp nhiều nhất. Có thể nói, Nguyễn Hữu Tuấn có một kho tàng ảnh đồ sộ, ở Việt Nam hiếm người chụp nhiều bằng ông. Nhưng ông chụp chỉ để thỏa mãn đam mê của mình. 

Ông nói: "Đó là những cuộc rong chơi của ông với cuộc đời, không mục đích, không đặt hiệu quả lên hàng đầu". 

Cái phòng tầng 2 rộng mênh mông của ông trở thành kho lưu trữ ảnh. Hàng ngàn bức ảnh được chụp, rửa và để cẩn thận trong túi theo từng chủ đề. Ông gần như hiếm khi triển lãm. 

Ngoài hai cuộc "Người đi qua làng" và "Thư Đồng Văn" bị bạn bè "dụ dỗ", thì Nguyễn Hữu Tuấn chỉ dành để ngắm và thưởng lãm một mình. Ông vốn không thích hội hè, đám đông. Ông chụp ảnh không phải để show cho mọi người xem. Với ông, đơn giản, chụp ảnh để ghi chép lại cuộc sống. 

Nhìn kho tàng ảnh của ông đang ố vàng theo thời gian, tôi có cảm giác hẫng hụt, tiếc nuối. Bởi tôi biết, trong đó chứa đựng rất nhiều câu chuyện của lịch sử, văn hóa mà nếu mất đi, chúng ta sẽ vĩnh viễn mất những giá trị, những chứng nhân của lịch sử. Nhưng ai quan tâm? 

Ngay cả ông, một cuộc đời sôi nổi dành cho đam mê của mình, ông cũng chỉ buông tiếng thở dài: "Biết làm sao được".

Gia tài ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn có giá trị bởi ông đang làm đúng sứ mạng của nhiếp ảnh là ghi chép cuộc sống. "Tôi vinh dự, may mắn được làm nghề chụp ảnh, tôi làm đúng sứ mạng của nó là lưu giữ chứ không phong danh gì cả. Bến đò đó tôi chụp, một số bến đò giờ đã bị bỏ đi để làm cầu. Sông Gianh đấy, phà Gianh ngày chưa có cầu rất quan trọng. Giờ có cầu. Nó là một bằng chứng lịch sử. Hãy nhìn bức ảnh ở sứ mạng đó". 

Trong thời buổi mọi người đổ xô chụp ảnh màu, tận dụng sự tối đa của công nghệ, Nguyễn Hữu Tuấn vẫn chung thủy với máy phim đen trắng. 

Không phải vì ông già và cũ, ngại up date, mà Nguyễn Hữu Tuấn quan niệm: "Ảnh đen trắng bền hơn ảnh màu, ảnh màu lâu sẽ bạc đi. Đen trắng giữ nguyên chất cuộc sống. Nó là thú vui, như người câu cá không câu bằng điện. Nhẫn nại ngồi chờ. Máy số là hiệu quả, nhắm mắt vẫn chụp được nhưng nó bị đơn giản cuộc sống. Máy số chụp đẹp. Còn máy phim rất thật, thật đôi khi không đẹp. Máy số là thẩm mỹ viện cuộc sống. Ai thích đẹp thì mua máy số, ai thích thật thì dùng máy phim. Đẹp 95% mọi người thích. Tôi không thích mỹ viện. Nó sẽ mất sứ mạng của nhiếp ảnh là tư liệu". 

Vì thế ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn rất bình dị, đời thường. Một bác nông dân đang cày ruộng, một đám người lặng lẽ chờ đò, hay những gương mặt trẻ thơ trong veo ở Đồng Văn…

Nhiều người chọn nhiếp ảnh theo phong trào chứ không phải vì tình yêu. "Bây giờ không nhiều người hiểu nhiếp ảnh. Họ ngộ nhận, yêu nhiếp ảnh là lầm lũi một mình, sắm sửa cần câu từ sáng đạp xe đi câu một mình, mưa cũng đi, nắng cũng đi. Còn nhiều người đi bè lũ, không phải yêu nó, đi chơi đó mà. Tổ chức đi Sa Pa, Y Tý, Đồng Văn, người ta đi mình cũng đi và chụp ảnh chỉ là thêm một tí. Còn yêu thì đi một mình, thế mới giải tỏa gì đó trong lòng". 

Đến bây giờ, ở tuổi 80, Nguyễn Hữu Tuấn vẫn hăm hở với đời sống, hăm hở với những chuyến đi. Thoắt cái đã thấy ông ở Y Tý, Mộc Châu, Lào Cai…

Làm phim hay chụp ảnh, là cách Nguyễn Hữu Tuấn thỏa chí của mình. Cái khát vọng của một người muốn làm việc, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống. Và chính những chuyến đi, những trải nghiệm sống ấy giúp ông biết sống tĩnh lặng hơn, xa khỏi những ồn ào, tranh đua của cuộc đời náo loạn ngoài kia, bớt đi những tham, sân si… 

Ảnh cũng là góc tâm hồn ông, một tâm hồn bình dị, yêu cái đẹp trong sự bình thường, giản dị chứ không màu mè, ồn ã. Nhưng ông cũng là người rất cởi mở và biện chứng khi bàn luận về các vấn đề văn hóa. 

Tôi khá ngạc nhiên khi một người thuộc thế hệ cũ như Nguyễn Hữu Tuấn nhưng luôn tường minh và cởi mở trong các vấn đề. Khi cả xã hội đang sống vì những hoài niệm, coi những giá trị xưa là chuẩn mực thì Nguyễn Hữu Tuấn có góc nhìn khác. 

Ông chỉ cho tôi chiếc bình gốm đời Minh cách đây gần 600 năm ông để ngoài ban công. Nó không đẹp. Không phải cái cũ xưa nào cũng đẹp. Và chúng ta chỉ nên giữ lại những thứ đẹp và có giá trị. Cũng như mọi người vẫn nói về sự lộn xộn, ồn ào của Hà Nội. 

NSND Nguyễn Hữu Tuấn tham gia làm phim “Người Mỹ trầm lặng”

Một người yêu làng, coi mình là người đi qua làng như Nguyễn Hữu Tuấn lại nhìn nhận rất tích cực về sự phát triển của Hà Nội hôm nay, cái xấu, cái nhiễu nhương là điều tất yếu trong sự phát triển. Với ông, các giá trị thực là giá trị khi nó tồn tại tự nhiên trong dòng chảy của đời sống.

Hàng ngày, ông vẫn ngồi uống trà trước hiên nhà. Nơi được phủ xanh bằng cây cối. Ông mang hồn quê về phố. Một góc nhỏ thanh bình và giản dị giữa con phố ồn ào và đắt đỏ bậc nhất chốn Hà thành: phố Hàng Đào. Xung quanh là chum, vại, những thứ quê kiểng, truyền thống. Góc nhỏ bình yên ấy, những ngày ở Hà Nội, dăm ba bạn bè thân vẫn đến uống trà, đọc sách. 

Thỉnh thoảng, Nguyễn Hữu Tuấn lại lôi toan và màu ra vẽ. Không đi chụp ảnh thì ông vẽ. Vẫn là làng quê Việt Nam, những nơi ông từng đi qua, ghi dấu tuổi trẻ và tình yêu của ông… 

Rồi những khi rảnh, ông lại ngồi trước máy tính, sắp xếp gia tài ảnh của mình vào từng ngăn, từng chủ đề. Hy vọng lúc nào đó sẽ in thành sách. Xe đạp, làng, những bến đò, trẻ em, người nông dân… Những thư mục trong máy tính cứ đầy lên mỗi ngày.

Tôi nói với ông, tôi muốn viết về những người già trong thành phố. Những người già mà sự có mặt của họ đã làm nên một đời sống của văn hóa Hà Nội… Những người già càng ngày càng vắng bóng trong đời sống này… Còn ông thì vẫn nghe ngóng về những người trẻ, ngoài kia vẫn có những người lặng lẽ làm việc và cống hiến… Họ sẽ tiếp tục khơi mạch dòng chảy của quá khứ…Ông tin như vậy.

Việt Hà
.
.