NSND Lan Hương với một thoáng mơ Kiều!

Thứ Sáu, 11/11/2016, 10:08
Những tràng vỗ tay, và những giọt nước mắt lại xuất hiện khi Nhà hát Tuổi Trẻ diễn lại vở "Nguyễn Du và Kiều", trước thềm Liên hoan quốc tế Sân khấu kịch thử nghiệm lần thứ 3 tại Hà Nội.

Năm năm trước, khi lần đầu tiên ra mắt công chúng, vở kịch với những phá cách mạnh mẽ này đã tạo ra những luồng dư luận trái ngược. Năm năm sau, có vẻ những phá cách đã được tiếp nhận công bằng, thấm thía hơn...

Cái lạ dễ thấy nhất của vở kịch này là việc đạo diễn - NSND Lan Hương đã đưa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương lên sân khấu, vừa đóng vai người kể chuyện, vừa lần lượt hoá thân vào các nhân vật Truyện Kiều. Bản thân cuộc đời Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương đã đầy tính kịch, và ở một góc độ nào đó có rất nhiều sự đồng điệu với cuộc đời Thuý Kiều.

Đạo diễn Lan Hương đánh thức sự đồng điệu này qua khá nhiều trường đoạn, chẳng hạn như khi Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương đối thoại với nhau về Hoạn Thư, và Hồ Xuân Hương thắc mắc: "Không biết cái ghen của người vợ đầu tiên đối với những người vợ sau nó thế nào nhỉ? Tôi chưa biết, bởi vì đời tôi chưa bao giờ được làm vợ chính thức người ta. Được, tôi sẽ làm Hoạn Thư". 

Và ngay sau đó, một bà Hồ Xuân Hương chao chát mà đau đớn đã "nhập" làm Hoạn Thư để được thử cái cảm giác... làm vợ chính thức một lần. Chứng kiến màn nhập vai này người xem tự hỏi: sân khấu đang tái hiện nỗi đau của Kiều hay nỗi đau của chính Hồ Xuân Hương? Hay là nỗi đau không chỉ một thời của những số kiếp phụ nữ "nửa chừng xuân bỗng gẫy cành thiên hương"?

Đến phần cuối vở kịch, đạo diễn để Hồ Xuân Hương trách Nguyễn Du: "Ngòi bút của ông tuy tài tình thật đấy, sắc sảo thật đấy, nhưng ông tàn nhẫn với Kiều quá. Ông có thể thay đổi được mà". Câu hỏi như đụng chạm vào nơi thẳm sâu nhất của trái tim nghệ sĩ, và người nghệ sĩ có cuộc đời chìm nổi, đau thương như chính cuộc đời nhân vật của mình đã thốt lên: "Không, tôi không tàn nhẫn với nàng đâu, bởi vì đó là định mệnh của nàng...".

Việc đưa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương lên sân khấu để vừa đóng vai người kể chuyện, vừa hoá thân vào những nhân vật trong câu chuyện giúp cho những mã nghĩa của một tác phẩm văn học trở nên dày dặn hơn. Và nó còn tạo cho người xem những thoáng phải dừng lại, phải ngắt nghỉ để rồi phải suy ngẫm trong cái logic tự sự của cuộc đời Kiều.

Khi Thuý Kiều - Kim Trọng đang say mê tâm tình chẳng hạn, thì bỗng nhiên mạch tự sự dừng lại, nhường chỗ cho Nguyễn Du giãi bày: "Kim Trọng là một nhân vật rất đẹp, hào hoa lắm, phong nhã lắm. Nhưng phàm đã là con người phải có khiếm khuyết, tròn trịa quá đôi khi méo mó. Tôi sẽ để cho Kim Trọng tặng Kiều một cái trâm, và sau này cái trâm sẽ làm sụp đổ cả một đấng anh hùng".

Cái trâm ấy, người xem sẽ gặp lại ở phần cuối vở kịch, khi Hồ Tôn Hiến dùng nó để đâm vào ngực Từ Hải, khiến người anh hùng chết đứng trên bục cao sân khấu, giữa sự thảng thốt, đau đớn đến tột bậc của Thuý Kiều. Một trong những lần hoá thân đáng suy nghĩ khác của Nguyễn Du là hoá thân vào Sở Khanh. Trước lần hoá thân có lẽ là khó chịu nhất này, Nguyễn Du giật mình: "Đây là một nhân vật khốn nạn. Tính cách khốn nạn nhất trong các tính cách khốn nạn của đàn ông. Tôi... không... không".

Nhưng sau đó, trước sự đề nghị và lý giải của Hồ Xuân Hương, một người cao quý như Nguyễn Du cũng chấp nhận hoá thân vào Sở Khanh với suy nghĩ rằng: "Phải có người tốt thì mới biết ai là người xấu. Phải có người xấu mới biết ai là thực sự tốt".

Điều gì đã thúc đẩy đạo diễn Lan Hương để Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương lên sân khấu, gợi ra những chiêm nghiệm lý thú đến vậy? Ít ai ngờ, mọi thứ bắt đầu từ một giấc mơ.

Lan Hương kể rằng 5 năm trước, chị đăng ký với Cục Nghệ thuật biểu diễn làm một vở Kiều với lý do đơn giản là: "Từ bé đã được bà đọc cho nghe Truyện Kiều, nên yêu Kiều, và tự nhủ nhất định phải đưa Kiều lên sân khấu".

Nhưng mọi thứ cũng mới chỉ dừng lại ở đấy, chứ chưa hiểu phải dàn dựng cụ thể ra sao cho đích đáng. Kỳ lạ thay, vào chính những lúc dằn vặt, suy tư nhất thì một đêm chị nằm mơ thấy cố đạo diễn sân khấu Lưu Quang Vũ. Trong giấc mơ, chính Lưu Quang Vũ gợi ý cho chị ý tưởng đưa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương lên sân khấu, không chỉ vì hai con người này cùng một thời đại, cùng một suy tư về số phận người phụ nữ, mà như đã nói, cuộc đời của chính hai con người này cũng có nhiều nét đồng cảm với cuộc đời cô Kiều.

Lan Hương kể thêm: "Mà trước đây, tôi rất hay mơ thấy Lưu Quang Vũ. Khi tôi còn làm diễn viên, một lần anh Vũ về trong giấc mơ của tôi và bảo: "Em có thể làm kịch bản được đấy". Thế là tôi mạnh dạn làm, nhưng lúc đó chưa chín, chưa thành công lắm...".

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Lan Hương từng đóng một vai trong vở Mùa hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ, nhưng chị thừa nhận mối quan hệ giữa hai người cũng chỉ dừng lại ở mức anh em đồng nghiệp bình thường, chứ không quá gần gũi, thân thiết.

Năm 1988, khi đang đi trên đường, được báo tin Lưu Quang Vũ mất đột ngột, chị cũng có tâm trạng xót xa, đau buồn trước sự ra đi của một người đàn anh tài giỏi mà bạc yểu, nhưng đó là tâm trạng chung của mọi nghệ sĩ sân khấu khi ấy, chứ cũng không có một niềm riêng đặc biệt nào. Cái riêng, cái đặc biệt chỉ bắt đầu xuất hiện khi Nhà hát làm lễ tưởng niệm 49 ngày mất Lưu Quang Vũ.

Hôm ấy, một tấm di ảnh rất to của Lưu Quang Vũ được đặt trang trọng ở giữa sân khấu, trong sự thảng thốt, nuối tiếc của tất thảy anh chị em nghệ sĩ. Sau hôm đó, tấm di ảnh được chuyển xuống phía sân nhà hát, và trong một hôm trời mưa, những giọt nước mưa xối xả rơi xuống di ảnh thì chị đã nhìn thật kỹ gương mặt người đàn ông trong di ảnh, giữa nước mưa đầm đìa, ướt sũng. Lúc ấy, một cảm giác thương người, thương nghề bỗng trào lên dữ dội, và chị đã khóc.

Chị mang tấm di ảnh vào một chỗ khô ráo, không ngừng suy nghĩ về số phận và sự được - mất của người nghệ sĩ trong dòng thời gian, dòng chảy cuộc đời. Kể từ đó, Lưu Quang Vũ rất hay đi về những giấc mơ của chị, để rồi, như đã nói, khi đang trăn trở về việc sân khấu hoá nàng Kiều thì chị đã bất ngờ được tiền nhân "mách nước".

Một số cảnh trong vở “Nguyễn Du và Kiều”.

Ở tác phẩm ấy còn một thủ pháp sân khấu đáng chú ý nữa khi Lan Hương đã để Kiều được sinh ra từ nấm mộ Đạm Tiên. Sau đó thì Kiều và Đạm Tiên mỗi người cầm một nửa cây đàn tỳ bà như một sự ẩn dụ về vận số của những kiếp hồng nhan dù sinh ra trong những thời đại khác nhau nhưng dường như đều bị ông trời "ép" vào một dây - một điệu đau đớn giống nhau.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du để Kiều gặp Đạm Tiên cả thảy bốn lần, còn trong vở kịch của mình, đạo diễn Lan Hương để Kiều và Đạm Tiên song hành trong từng trường đoạn: Đạm Tiên sung sướng nhảy múa trước cái kiệu mà ở đó Kiều - Thúc Sinh đang tràn đầy hạnh phúc; Đạm Tiên đau đớn đập cây đàn khi Kiều rơi vào tay Bạc Hạnh; Đạm Tiên mỉm cười khi Kiều tha cho Hoạn Thư trong phiên luận tội sau khi gặp gỡ người anh hùng Từ Hải...

Nhìn vào sự song hành mệnh số giữa một cô Kiều ba chìm bảy nổi với một nàng Đạm Tiên "Sống làm vợ khắp người ta/ Hại thay thác xuống làm ma không chồng", liệu có người phụ nữ nào ở phía dưới sân khấu hoặc ở phía sau sân khấu cũng thấy trái tim mình nhói đau? Ở chỗ cao nhất của sân khấu là hình tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay - người chứng kiến bể khổ của đời Kiều, và cũng là nơi mà Kiều chạm đến trong phần cuối vở kịch.

Lúc này, Hồ Xuân Hương lên tiếng: "Vậy là Kiều đã đi vào vòng tay che chở của Phật bà? Có thực như vậy không? Hay đó chỉ là mơ ước?...".

Đó là sự thật hay là mơ ước? Chẳng biết được! Chỉ biết rằng vở kịch kết lại với bài hát Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Kiều ngồi dưới sự chở che của Phật bà, ở nơi cao nhất của sân khấu, tạo cho người xem cảm giác Kiều như đang lặng lẽ bay lên.

Có lẽ, trong thăm thẳm lòng mình, nữ đạo diễn muốn nữ nhân vật của mình bay lên thật, như những ước ao tử tế cho đoạn kết của những số kiếp hồng nhan lỡ dở. Còn với người xem, rốt cuộc có niềm tin nào về một nàng Kiều bay lên, một nàng Kiều đi qua mọi trầm luân bể khổ để chạm vào chỗ thanh khiết nhất của cõi vũ trụ này không?

Đấy là quyền của mỗi người xem!

Phan Đăng
.
.