NSND Hoàng Dũng: Cô đơn như giấc mơ dài...

Thứ Bảy, 03/01/2009, 09:30
Ai cũng nhận ra anh trên đường phố. Hà Nội nhỏ và nghệ sỹ tụ lại, quanh năm gặp mặt nên thành chuyện bình thường. Nên không ai gọi anh là ngôi sao. Và cũng không ai gọi anh là "ông nghệ sỹ". Nhưng cũng ít ai biết tường tận về Hoàng Dũng.

Nhỏ nhẹ, có phần khiêm tốn, có nét mẫn cán của một công chức, Hoàng Dũng đã làm tròn chức phận của mình mà dường như không đòi hỏi những điều to lớn. Người ta thấy anh cười hồn hậu. Thấy anh diễn hết mình. Thấy anh yên ổn với tổ ấm. Vậy mà sao trong đôi mắt lúc nào cũng ướt như sắp khóc ấy, vẫn thấy trĩu nặng một nỗi cô đơn...

1. Không hiểu sao tôi luôn nghĩ về Hoàng Dũng với một nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của một con người, khi ở tuổi thanh niên, khi ở tuổi trung niên, khi bước vào tuổi tri thiên mệnh, nỗi cô đơn được giấu kín trọn vẹn. Để đến tận lúc này, khi ngồi trước anh, tôi hỏi anh về nỗi cô đơn ấy, anh vẫn nín bặt. Nó là máu thịt và không thể sẻ chia.

Cũng có thể, tôi chưa đủ tin cậy để là nơi anh sẻ chia. Nhưng cũng có những nỗi cô đơn côi cút mà con người ta giữ mãi trong lòng mình, hoặc chỉ trong một cái chớp mắt bộc lộ ra, rồi mọi thứ phẳng lặng ngay trở lại. Tôi đã không bắt được nỗi cô đơn ấy. Tôi không chạm và không dám đụng tới nỗi buồn sâu thẳm ấy. Mỗi con người là một thế giới. Và con người nghệ sỹ, vốn thực nhạy cảm, vốn thực mong manh.

Như những điếu thuốc anh hút mỗi ngày, nó là loại rất nhẹ, có than hoạt tính. Anh lại là kẻ nghiện, mỗi ngày hút đến hơn một bao, nhưng luôn cảm thấy không đã, không... tới cùng cảm giác. Và đôi khi hút thuốc giống như tìm một cảm giác quen thuộc, nhưng không bao giờ... tới bến, lưng chừng. Cái sự lưng chừng của cảm giác là sự thiếu hụt, không trọn vẹn. Mà anh, có thể trong đời sống, biết đâu anh cũng mãi đi tìm những cảm giác lấp đầy sự thiếu hụt ấy...

Hoàng Dũng bảo, đời mình nhạt, có gì để viết đâu. Đến khi hẹn anh xong, tôi lên xe về rồi, anh vẫn nói gọn gàng, nếu không thích thì đừng viết cũng được. Mình cũng thấy là mình nhạt. Tôi thì không nghĩ anh nhạt, nếu nhìn anh trong nhiều góc cạnh. Không phải là một tài năng vượt trội, đã từng là diễn viên chạy cờ, vậy điều gì đã làm nên một Hoàng Dũng mà bao người trông đợi?

Những vai diễn mà ở đâu đó, người ta vẫn còn trông đợi ở anh, ở sự thăng hoa thực sự, chứ không phải chỉ là một vai diễn cho vừa tròn, nghĩa là người ta vẫn kỳ vọng ở anh hơn cái sự nhạt ban đầu. Hoàng Dũng nói mình nhạt, có lẽ là cái cách khiêm tốn của người Hà Nội. Cái sự khiêm tốn kèm theo một nét kiêu ngầm. Anh đã có vài chục vai diễn lừng lẫy trên sàn gỗ, đóng vai chính kịch ở tuổi mới ngoài 20, nổi tiếng trên màn ảnh cũng ở cỡ tuổi 30, bước vào tuổi 50 thì trở thành Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội.

Anh đã từng đạp xe đi khắp các điểm diễn, để diễn phục vụ quần chúng, và cũng để kiếm tiền nuôi vợ con. Anh cũng không từ nan để làm mọi việc cho gia đình có được một nơi ở mới, yên ổn hơn.

Căn nhà nhỏ trên phố Hàng Đường giờ đã trở thành kỷ niệm với anh. Nó vun quén tuổi thơ anh, nhưng đã không thể giúp anh nuôi nấng cả một gia đình mà mỗi ngày càng phình rộng ra. Một cuộc đời như thế, biết bao dư ba để lại, cả trên sân khấu lẫn đời sống, vậy mà không có gì để nói, quả là chuyện khó tin.

Chỉ có một sự duy nhất khiến anh giấu mình lại, là tự đi tìm một lối riêng, muốn phân thân mình trong nhiều góc khác nhau. Có một góc riêng biệt với gia đình, với vợ và hai cậu con trai. Một góc cho những vai diễn ấp ủ nhiều năm. Góc nữa là công việc của Nhà hát, lo chuyện cơm áo gạo tiền.

Và góc cuối cùng là góc của riêng anh, nhỏ thôi, nhưng lại quyết định hầu hết những góc còn lại. Bởi nó quy định con người anh, tính cách anh, cách sống và cách suy nghĩ. Góc cuối cùng ấy là góc của những ám ảnh, giày vò. Góc của những nỗi cô đơn. Quay đi quay lại chỉ có nỗi cô đơn nó đeo bám anh, nó ăn vào máu thịt, nó biến anh thành một kẻ cô độc giữa bầu bạn, giữa đồng nghiệp và cả giữa học trò...

2. Hoàng Dũng có hai thú vui, đó là chơi chim và chơi bài. Chơi bài cho vui, ngày trước và bây giờ, anh có thể ngồi với nguyên một đám trẻ con và chơi tú lơ khơ... búng tai với chúng đến nửa đêm. Anh không có tiền để... chơi bạc như nhiều người đồn đại. Và cũng không có thời gian để say sưa những điều như thế.

Cái tiếng anh hay bài bạc không biết từ đâu mà đến. Nhưng chưa bao giờ anh lên báo thanh minh. Anh nói, anh cũng không có thú chơi nào đặc biệt ngoài... chơi chim. Nhưng cũng là chơi để thư giãn, vui vẻ, chứ cũng không mải mê như người khác. Và rồi bầy chim anh nuôi bị... chuột cắn, chết dần, chăm không nổi, anh cũng đem cho. Chơi chim rồi cũng bỏ chim, chơi bài cũng bỏ bài.

Hoàng Dũng bây giờ mang theo cảm giác của một công chức mẫn cán, một người đàn ông chỉn chu với gia đình. Buổi sáng anh đến cơ quan từ rất sớm. Rồi bắt đầu công việc của mình đến chiều. Buổi tối anh ít ra ngoài, thường nếu không phải đi làm anh thường về nhà sớm để chăm sóc hai cậu con trai. Vợ anh đi làm tại một tiệm bán phụ tùng xe máy. Họ dường như không có điều gì phàn nàn về nhau. Và anh hoàn toàn kín tiếng về góc riêng ấy của mình.

3. Khi Hoàng Dũng bước lên cương vị lãnh đạo của Nhà hát kịch Hà Nội đúng là khi sân khấu bước vào nốt trầm nhất, Nhà hát kịch Hà Nội rơi vào những khủng hoảng và đến nay thì họ không có sân khấu riêng để biểu diễn.

Có lẽ đó cũng là tao đoạn khó khăn của anh, khi buộc phải đứng ra gồng gánh cho anh em nghệ sỹ, sao cho vẫn có những vở diễn được dựng, nghệ sỹ có nơi để làm nghề và tiếp tục vươn lên. Anh hẹn tôi đến cơ sở mà Nhà hát kịch Hà Nội đang dùng để tập luyện và làm việc trên phố Tạ Hiện.

Thật giống một khu nhà xưởng của xí nghiệp nào đó. Phố Tạ Hiện nhỏ như một ngón tay dài, ngổn ngang hàng quán, những tiệm báo cũ, băng đĩa lẫn với quán bánh bao. Không có chiếc xe hơi nào chui lọt được qua những hàng quán ấy. Cả ban giám đốc ngồi chung trong căn phòng bé xíu, chừng 4m2, với 3 chiếc ghế và một chiếc tủ tường đựng tài liệu.

Thật giống như căn phòng thời kỳ kháng chiến! Bên trong là những căn phòng nhỏ xíu, thiếu không khí, lẫn trong sự ẩm mục của một căn nhà cũ lâu ngày. Có một sân khấu nhỏ, các nghệ sỹ sẽ tập luyện ở đó. Còn điểm biểu diễn sẽ được chọn sau khi dựng vở xong và phải đi... thuê.

Cái rạp Công Nhân to rộng trên phố Tràng Tiền đã được dọn đi để xây mới. Nhưng đến nay thì vẫn còn là dự án giấy. Hoàng Dũng nói, người ta bảo với anh, đến năm 2010 sẽ có Nhà hát cho anh em nghệ sỹ.

Năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và rạp Công Nhân cũng vì thế mà được dựng mới, hy vọng khang trang hơn. Còn bây giờ, đoàn thành phố nhưng dựng vở xong chỉ còn cách đi diễn ở tỉnh.

Đi diễn xa nhiều, phải tính không ảnh hưởng đến đời sống của anh em nghệ sỹ. Đó cũng là bài toán mệt mỏi mà một người quen với những suy nghĩ đơn thuần nghệ thuật như anh vẫn phải đối diện. Nhưng không làm khác được. Anh là lãnh đạo, anh sẽ buộc phải làm...

Hoàng Dũng nói, nghệ sỹ sân khấu vào thời điểm này rất khó sống với nghề. Vì nghệ sỹ đông mà vở diễn mỗi năm chỉ có hai thôi. Mỗi năm chỉ có hai, mà nghệ sỹ ưu tú cũng cần phải bồi đắp để tiếp tục phấn đấu thi đua lên nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ triển vọng thì phải bồi đắp để lên nghệ sỹ ưu tú. Tất cả đều phải tính toán, phải làm sao cho anh em nghệ sỹ đều được có cơ hội xuất hiện, khẳng định mình. Đó là vấn đề đơn thuần nghệ thuật chứ chưa nói đến chuyện cơm áo gạo tiền...

4. Hoàng Dũng đã thực sự đứng sau sân khấu, nhường lại sàn gỗ cho anh em nghệ sỹ trẻ. Không phải anh nghĩ mình đã quá già, mà đó là nơi cho các nghệ sỹ làm nghề để trưởng thành. Anh là một nghệ sỹ đã thành danh. Và anh lại là lãnh đạo. Nên anh phải biết hy sinh, phải chấp nhận đứng sau cánh gà. Biết lùi lại, đó cũng là phẩm chất của một người lãnh đạo. Anh đã dám chấp nhận sự thật, thời đứng trên sân khấu nhận vai chính đã đi qua. Anh không xuất hiện, không có nghĩa khán giả đã quên anh.

Hoàng Dũng vừa xuất hiện trên kênh VTC9 Let's Việt trong bộ phim "Con đường hạnh phúc", với vai Quang, người đàn ông thuỷ chung, với mối tình đẹp như không có thật. Anh nói, trước giờ anh đều xuất hiện với những vai diễn rất rõ ràng về tâm thế, chính diện hoặc phản diện.

Còn vai diễn này khiến anh phải tìm tòi nhiều thứ, tìm những cảm xúc, cảm giác đôi khi sân khấu đã làm cho anh quên đi. Một vai diễn có tính cách... lưng chừng. Nhưng là một hình ảnh mới, chưa từng xuất hiện trong hành trang diễn viên của anh. Hoàng Dũng nói, anh thích những vai diễn như thế, không phải là vai chính nhưng lại là vai nhiều ý nghĩa.

Hoàng Dũng nói, anh đã từ chối rất nhiều vai diễn chính, bởi anh không thể bỏ nhà hát đi dài ngày cho vai diễn của riêng mình. Nhà hát là nơi anh đã từng bắt đầu nghiệp diễn, gắn bó với nó mấy chục năm và cả trăm con người vẫn đang trông đợi vào anh.

Chính vì thế, anh muốn nhận những vai diễn nhỏ, chủ yếu quay vào... đêm và những ngày cuối tuần. Và vì thế, đồng nghĩa với việc kiếm tiền của anh cũng hạn chế đi. Nhưng, lại một chữ nhưng, đó là một điều bình yên mà anh lựa chọn.

Tôi xin chụp Hoàng Dũng một bức chân dung mới, một bức chân dung đời thường. Anh nhìn qua cửa kính, chỉnh lại mớ tóc bồng bềnh đã bắt đầu bạc. Anh nói, dạo này mình hay bị lãng đi, vòng vài lần bờ hồ mới nhớ nhà hát mình đã chuyển lên Tạ Hiện. Cậu diễn viên nhắc, đến tuổi chú là nên uống thuốc tuần hoàn não rồi. Mình già đi, nhanh thật, mà ngoảnh lại đâu thấy có mấy niềm vui...

Tôi chụp hình anh, trên con phố bộn bề nhỏ xíu. Vẫn đôi mắt ấy, lúc nào cũng ướt nước. Hình như nó là dấu vết của nỗi cô đơn dài. Nỗi cô đơn mang hình bóng của những giấc mơ...

Toàn Nguyễn
.
.