NSND Đào Mộng Long - Người đi như chớp nắng

Thứ Sáu, 06/10/2006, 14:30

Ngôi nhà của NSND Đào Mộng Long dường như chưa bao giờ vắng bóng tri âm, bạn bè. Những người bạn vong niên, những người hâm mộ ông ngày ngày vẫn ghé qua 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm để trò chuyện cùng ông, vui vầy cùng ông dù chỉ là khoảnh khắc ít ỏi.

Hôm trước, tôi gặp NSND Phạm Thị Thành. Hà Nội đang vào thu, những cơn gió trái mùa run rẩy rứt những chiếc lá đỏ thả nhẹ trên con đường Tràng Thi. Tôi ngồi cà phê với bà, cố níu một khoảng thời gian chật hẹp như cái cuộc sống vốn bao giờ cũng đầy ắp lên những dự án công việc của bà để gợi chuyện rồi nghe bà thảng thốt: Em ơi, chị nhớ những ngày chị và anh Mộng Long sống cùng với nhau, cứ mỗi lần mùa thu đến, anh Long lạ lắm. Anh ấy cứ bần thần, bồn chồn và đôi khi đắm mình lặng lẽ hàng giờ không nói.

Những lúc đó, trông anh buồn lắm. Một nỗi buồn không rõ rệt mà đeo đẳng, mà xâm chiếm cõi hồn người ta. Một nỗi buồn không thể lý giải vì đâu cứ rót xuống như nước, như sương, như khói. Có hôm hai vợ chồng ngồi bên bàn uống cà phê và hút thuốc lá, anh Long nói rằng, Thành ạ, không hiểu sao cứ mỗi độ thu về, anh thấy buồn là lạ. Có lẽ mai này anh cũng ra đi vào mùa thu. Anh cứ linh cảm vậy. Thế mà đúng đấy em ạ, anh Long đi vào ngày chớm thu nên chị nhớ mãi câu chuyện anh nói với chị.

Giờ đây, mảnh hồn ấy đã và đang phiêu du vào đâu đó trong chốn mênh mang của đời sống này. Tôi trộm nghĩ, hẳn ở trên kia, một nơi chốn nào đó, người nghệ sỹ tài hoa bậc nhất trong sân khấu Việt Nam là kẻ lãng tử đào hoa Đào Mộng Long đang vén mây hé nhìn chúng tôi và nheo mắt mỉm cười. Nụ cười tinh quái, ý nhị mà đặc biệt có một không hai trong sân khấu và kịch nghệ Việt Nam bao giờ cũng pha chút hóm hỉnh.

Còn nhớ cách đây 3 năm, tôi đến thăm ông trong một ngày Hà Nội cũng chớm thu se sắt gió. Khu tập thể 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm tĩnh lặng trong nắng sớm. Tôi bước vào căn nhà của ông, lúc đó ông đã 87 tuổi rồi, đã có lúc thấm mệt bởi căn bệnh hen suyễn của mình, và hồ như ông cũng đã nhớ nhớ quên quên lẫn lộn thực hư đời sống mà với ông chỉ một bước tay với là chạm vào cõi hư vô. Tôi nhớ lúc đó ông đang nằm lơ mơ trên chiếc giường nhỏ.

Tôi cứ tưởng ông ngủ nhưng thực ra ông đang hát ư ử trong cổ họng. Những ngón chân và ngón tay trắng, trong suốt như có thể soi thấy những mạch máu nhỏ li ti nơi cổ chân và cườm tay vẫn đập đập nhè nhẹ lên thành giường theo nhịp hát. Tôi ngó qua cửa sổ và gọi bác Long ơi, vì tôi gõ cửa nhưng ông không nghe. Ông ngừng bặt giọng hát, nhổm dậy. Rồi ông líu tíu vào nhà sửa lại mái đầu, líu tíu ra mở cửa. Niềm vui ấm áp ánh bừng lên trên gương mặt của ông. Ông mở cửa nhìn tôi và dí dỏm: "Thưa cô, cô từ đâu đến ạ, nếu cô cần gặp Đào Mộng Long thì mời cô vào đây".

Tôi ngỡ ngàng trước những gì ở ông, bởi với tôi, ông thuộc về một quá khứ nào đó mà lớp trẻ chúng tôi chỉ nghe tên tuổi chứ không được chứng kiến những gì ông đã thể hiện, để làm nên những tuyệt tác sân khấu. Ông vui hẳn lên và đi sửa lại lọ hoa hồng mà một người bạn của ông sáng nay ghé sớm cắm vào chiếc lọ nhỏ trên bàn của ông. Tôi lặng ngắm những bức ảnh treo trên tường như một minh chứng bất tử về tuổi trẻ và tài năng của ông thể hiện qua những nhân vật đặc sắc: Shir trong vở Liu Ba, Phaunhin (Xâm lược), Gơ ô a đi lính (Khúc thứ 3 bi tráng), Chánh Tôn (Chị Hòa), cụ Ba Bơ (Bão Biển).v..v.

Đợi cho tôi mải mê ngắm nhìn dung nhan và con người ông của thời quá khứ xong, ông kêu tôi lại chỉ ngồi xuống bàn nước. Rồi ông lôi từ trong tủ ra một chai rượu vang đỏ. Tôi ngăn ông: Bác ơi, bác đừng mở để dành hôm nào nhiều bạn đến hẵng mở bác ạ. Đào Mộng Long hóm hỉnh cười, hàm răng gần như đã rụng hết. Tôi dành chai rượu này để đón cô đấy, rượu không mở mời "người đẹp" uống thì rượu để cho ai. Ngày hôm qua có con chim khách bay qua đây hót ríu ran, tôi đồ rằng thể nào hôm nay cũng mở rượu. Ông nheo mắt nhìn tôi cười, và tôi không thể không lấy ly cho ông.

Nhưng rượu vang khó mở, bàn tay mỏng và gầy của ông loay hoay mãi với cái nút rơi tụt phía sau cổ chai. Thật may lúc đó có hai người bạn nữa lần lượt đến thăm ông, một chị là cộng tác viên của Tạp chí Sân khấu điện ảnh, và một người đàn ông tôi không nhớ tên nhưng đó là một người bạn chí cốt thân thiết của Đào Mộng Long, người tường tận rất rõ những đoạn đời của người nghệ sỹ tài hoa, và là người mà ông hóm hỉnh bảo rằng: Nếu cô muốn viết về những giai nhân từng đi qua đời Mộng Long thì cô gặp ông này, tôi ủy quyền hết rồi.

Hôm đó cả 3 người khách chúng tôi uống rượu vang và nói chuyện thật vui vẻ. Tôi biết, càng về già, con người càng sợ cô đơn và tôi hiểu vì sao khi tôi đến và thò gương mặt qua khung cửa sổ gọi tên ông, ông giật mình bừng tỉnh, khuôn mặt ông sinh động hẳn lên với niềm vui không giấu nổi. Vì vậy mà ngôi nhà của ông dường như chưa bao giờ vắng bóng tri âm, bạn bè. Những người bạn vong niên, những người hâm mộ ông ngày ngày vẫn ghé qua 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm để trò chuyện cùng ông, vui vầy cùng ông dù chỉ là khoảnh khắc ít ỏi.--PageBreak--

Hôm đó, ông Long nói nhiều về sân khấu, về những khắc khoải nhân tình thế thái, về những nỗi buồn thâm sâu trong cuộc đời, trong sự nghiệp mà đã hơn một lần ông cảm thấy quặn đau vấp váp. Tôi hiểu, phải rời bỏ sân khấu, rời bỏ công việc đã là máu thịt của mình khi tài năng đang có thể cống hiến được nhiều hơn nữa làm cho ông buồn, làm ông đau, và đau bao nhiêu lâu sau này nữa.

Cả đến bây giờ nghe ông nói chuyện, dù mọi chuyện đã lâu, đã vời xa trong ký ức thì mỗi lần nhắc lại ông vẫn cảm thấy đau, thấy tiếc nuối. Tôi không biết giờ đây, nỗi buồn đó đã nguôi ngoai trong tâm hồn mẫn cảm của ông hay chưa, nhưng tôi tin rằng giờ đây ông không còn mang nó trong số mệnh của mình nữa rồi.

Hôm qua, tôi kể lại cho bà Phạm Thị Thành rằng, độ hơn một năm trước, khi tôi đang ở tòa soạn 100 Yết Kiêu, ông Long gọi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi. Thường trực kể lại, ông đến tìm tôi rất nhiều lần, thế nhưng khi gặp tôi ông chẳng than phiền gì cả, chỉ một mực xin lại mấy cuốn nhật ký, thư từ của những người hâm mộ và đàn bà đẹp đã mê ông mà viết cho ông.

Ông nói: Tớ đến để đòi lại những gì của tớ mà cậu mượn bấy lâu. Rồi ông hạ giọng: Thôi, tớ nghĩ cậu đừng viết gì nữa, về mấy chuyện của tớ. Ngại lắm, mình giờ già rồi, kể chuyện tình ai người ta nghe. Tôi không nói được gì với Đào Mộng Long bởi từ đó đến nay tôi chưa có điều kiện để viết gì về ông cả. Báo ANTG Cuối tháng nơi tôi làm việc ngay sau đó đã có bài chân dung về ông của Nguyễn Đình San, thế là tôi lỡ hẹn với ông, khắc khoải với những gì mình chưa làm được.

Phạm Thị Thành cười: Ông già nhiều người mê lắm đó, ngày xưa mình cũng mê ông mà đi theo ông mặc cho gia đình cản ngăn. Ngay cả khi bọn mình chia tay nhau rồi, lúc đó ông đã già nhưng vẫn còn nhiều người mê lắm. Rồi bà Thành thở nhẹ. Tình yêu là một cái gì đó không thể giải thích nổi, mình đã bước qua tất cả để đến với ông, và cũng vượt qua tất cả để ra đi. Nhưng đến một lúc nào đó, sự chênh lệch về tuổi tác trong hôn nhân là điều không thể xem nhẹ.

Với lại, khi mình đi học ở Liên Xô về, những gì mình làm thành công mọi người đều cho rằng nhờ ông ấy cả. Lúc đó mình chỉ nghĩ cần phải ra đi, phải thoát khỏi cái bóng của Đào Mộng Long. Hơn nữa, mình không nỡ nhìn thấy cuộc hôn nhân của mình ở cảnh khi mà ông ấy đã về hưu suốt ngày bận bịu cơm nước tiếp khách cho vợ, còn mình thì vắng nhà suốt ngày. Có những cuộc chia tay cả hai đều không có lỗi, chỉ vì họ không nỡ làm tổn thương đến nhau. Vì thế, ngày ra tòa, chúng tôi cùng đi bộ bên nhau, đến tòa chúng tôi ngồi ngoài hành lang chờ và cùng chia nhau thuốc lá để hút. Không có cãi vã, không hờn giận, bọn mình chia tay nhau và từ đó xem nhau như anh em.

25 năm qua, thỉnh thoảng anh ấy vẫn đi xe ôm tới thăm mình. Mỗi lần đi nước ngoài về mình tặng ông những món quà nhỏ, ông mừng lắm, ai đến cũng lấy ra khoe. Con cái mua quà cho ông, ông sợ con tốn tiền không chịu nhận, các con bảo của mẹ Thành đấy là ông vui vẻ nhận ngay. Lâu lắm tôi có mua cho ông một cái chăn, ông khoe với bạn bè, chăn của Thành biếu đấy. Đào Mộng Long là một người chồng tốt, một người cha mẫu mực.

Mỗi lần cả nhà sum họp làm cơm liên hoan, ông đứng trong bếp bên cạnh bàn ăn và gọi to: Nào, cả 3 con vào đây. Bọn mình có 2 con, mình trẻ hơn ông ấy 20 tuổi, ông ấy gọi luôn mình là con, vậy đấy. Những ngày cuối đời ở nhà dưỡng lão, ông gần như lẫn lộn hết cả. Thế nhưng lần nào mình đến, ông cũng nhận ra, rất cảm động ông cầm lấy tay mình và thì thào: Thành hả. Em đến thăm anh mừng lắm, anh yếu quá rồi, sống cũng vô ích, anh muốn chết quách, nghĩ đến chết anh thấy thoải mái lắm.

Kể từ đó đến ngày Đào Mộng Long mất, ông gần như xao nhãng trí nhớ hoàn toàn, chỉ còn nhận được lơ mơ các con của mình. Kể từ ngày đó, cây đại thụ của sân khấu kịch nghệ Việt Nam đã chạm tay vào cõi hư vô, thể xác đang níu lại nhưng hồn đã lạc vào cõi bất tận. Không một ai ngoài gia đình biết rằng những ngày cuối đời ấy, Đào Mộng Long nói to như ông đang diễn kịch và đạo diễn các vở kịch trên sân khấu. Nào là:

- Kê cái bàn ở chỗ này.

- Đoạn này phải nói to lên.

- Cái phông kéo cho thẳng.

Ông đã trở về và sống lại những quãng thời gian đã mất. Một người sinh ra như chỉ để dành cho sân khấu, cho những vai diễn để đời. Sống và chết cũng một nỗi ám ảnh duy nhất. Sân khấu cuộc đời đã khép lại với ông

Như Bình
.
.