NSND Đặng Thái Sơn: Trái tim nhút nhát

Thứ Sáu, 07/03/2008, 10:00
Như một pho sách chưa đến trang cuối. Như một cuốn phim chưa đến phút dừng lại. Như một bản nhạc chưa có nốt sau cùng... Đặng Thái Sơn trong cuốn sách của nhà báo Nhật Bản Ikuma Yoshiko mang tên "The Pianist who is loved by Chopin" là người đàn ông tài hoa và nhút nhát.

Người đàn ông ấy đã bước vào tuổi tri thiên mệnh vẫn nhỏ nhẹ, nhút nhát và đôi mắt hiền lành ngơ ngác. Cuốn sách như một cái nhìn khác về "cậu bé 50 tuổi", một tài hoa không quen nghĩ đến tài hoa...

Ikuma Yoshito và cuốn sách của tình yêu

Hiếm có người nào theo dõi hành trình của một nghệ sỹ quốc tế kỹ lưỡng như Ikuma Yoshito. Và để có được cuốn sách mỏng manh này, Ikuma Yoshito đã phải theo đuổi ý tưởng của mình trong nhiều năm.

Những câu chuyện như được nối dần từ nhiều cuộc phỏng vấn Đặng Thái Sơn. Và bắt đầu từ tình yêu với tiếng đàn dương cầm của người nghệ sỹ nhỏ bé đến từ Việt Nam này, Ikuma Yoshito bắt đầu dựng lại cuộc đời anh, kể từ thời thơ ấu anh sống cùng mẹ trên phố Tống Duy Tân, đến khi sơ tán tận Bắc Giang rồi trở thành một sinh viên Nhạc viện Traikovski và bất ngờ chiến thắng trong cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin năm 1980.

Cuốn sách sẽ không dành cho những ai mơ chuyện tình ái hay những chuyện thâm cung bí sử về cuộc đời của một thiên tài. Đây là cuốn sách thiên về nghệ thuật và nó giúp người đọc hình dung được hành trình đi đến vinh quang và áp lực gìn giữ vinh quang của một người nghệ sỹ vốn mang số mệnh gian nan.

Với Ikuma Yoshito thì Đặng Thái Sơn đã làm thay đổi cả một nền âm nhạc. "Sau khi nghe tất cả các bản sonat dành cho piano của Chopin, được thu âm vào tháng 5/2000, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi to lớn trong nghệ thuật diễn tấu của Đặng Thái Sơn. Lần kế, tôi lại cảm nhận được sự thay đổi đó trong tuyển tập các tác phẩm đã được phát hành của Mendelssohn và Liszt.

Mùa thu năm 2002, trong buổi công diễn tại Nhật của Đặng Thái Sơn, tôi đã tận mắt chứng kiến được sự thay đổi trong cách diễn tấu của anh - đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, từ đó tôi quyết định viết cuốn sách về Đặng Thái Sơn.

Lúc trước, Đặng Thái Sơn đã tuyên bố sẽ biểu diễn nhiều tiết mục đa dạng, từ các tác phẩm của Chopin cho đến các tác phẩm của Nga, các tác phẩm của Pháp, và anh đã cho mọi người thấy được sự trưởng thành của một nghệ sĩ dương cầm.

Nhưng đối với tôi, chuyến lưu diễn ở Nhật quả là một buổi biểu diễn vượt trội so với những buổi biểu diễn từ trước tới giờ. Sau nhiều năm, trong lúc viết bài về những người nghệ sĩ dương cầm, nghe họ biểu diễn, khó khăn lắm tôi mới rút ra một kết luận: "Nghệ sĩ dương cầm thể hiện truyền cảm nhất khi đến tuổi 40" - Ikuma Yoshito tâm sự như vậy trong lời giới thiệu mở đầu cuốn sách của mình.

Tôi không biết có phải vì cây đàn piano quá lớn hoặc vì nó không có nhiều kích cỡ khác nhau giống như violin hay không, mà khi còn bé, người ta thường cảm thấy rất khó khăn khi chơi loại nhạc cụ này. Các nghệ sĩ nhí, được gọi là "thần đồng", thường xuất hiện trên sân khấu với loại nhạc cụ có dây, còn chơi piano, nếu không qua một độ tuổi nhất định thì sự biểu diễn của họ không thể thành công. Có lẽ họ cần phải có thời gian để hiểu cơ cấu và cảm nhận về loại nhạc cụ phức tạp này.

Các nghệ sĩ piano muốn biểu diễn ở nhà hát lớn, thành công trên con đường sự nghiệp thì không còn cách nào khác là tham gia cuộc thi piano quốc tế từ độ tuổi 15 đến 30. Cũng có những trường hợp được các ông bầu nổi tiếng công nhận hay được các giám đốc công ty phát hành băng đĩa nhạc phát hiện, nhưng đây là những trường hợp rất hiếm.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận giải thưởng, dù họ có tổ chức nhiều hoạt động rình rang, đình đám như thế nào đi chăng nữa thì vài năm sau đó, tên tuổi của họ cũng không còn được nhắc tới nữa. Cuộc đời của những nghệ sĩ piano luôn nghiệt ngã như thế đấy! Bất chấp tất cả, họ vẫn tồn tại, họ vẫn tốn nhiều công sức luyện tập từng giờ từng ngày, chấp nhận đánh đổi cuộc đời mình cho nghiệp dương cầm.

Chính vì vậy, khi biểu diễn, những thăng trầm của cuộc đời người nghệ sĩ dương cầm được thể hiện rất rõ nét. Trong từng nốt nhạc, nó phản ánh một cách chân thật về lối sống của người nghệ sĩ. Âm nhạc luôn luôn gắn bó với họ, ngay cả khi đi ngủ, những bản nhạc mà họ đang luyện tập, vẫn cứ réo rắt, vang lên trong đầu.

Đối với chúng ta, những khán giả thưởng thức âm nhạc sẽ cảm nhận và hiểu về lẽ sống của người nghệ sĩ piano hơn từ những buổi biểu diễn như thế, điều đó giúp chúng ta có được sự đồng điệu khi nghe những bản nhạc mà nghệ sĩ dương cầm biểu diễn.

Một nghệ sĩ piano, ở lứa tuổi từ 10 đến 20, họ thường hướng tới việc đầu tư, gia tăng số lượng bài sở trường của mình. Ở độ tuổi 30, họ thường trau dồi về năng lực biểu diễn, và ở độ tuổi 40, nghệ sĩ thể hiện bản nhạc một cách điêu luyện nhất, vì khi ở tuổi 40, nghệ sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống, có đủ sự tự tin và có thể dự kiến được con đường phía trước của mình. Họ có khả năng biểu diễn những bản nhạc mà nói lên được những cảm xúc và chiều sâu của bản nhạc đến với khán giả.

Đời người nghệ sĩ dương cầm thì rất dài. Có nhạc sĩ khi đã 70, 80 tuổi mới đặt bước chân đầu tiên vào con đường nghệ thuật này. Nên điều hạnh phúc nhất đối với người nghệ sĩ piano là ở độ tuổi 40, họ đã xác định được con đường âm nhạc cho riêng mình. Người đã chứng thực cho cái kết luận này của tôi, chính là Đặng Thái Sơn.

Khi tôi nhận ra sự thay đổi trong nghệ thuật diễn tấu thì anh ta vừa mới bước qua tuổi 40. Chính nhờ sự kiên trì, nhẫn nại, một ý chí vươn lên trong cuộc sống, mà cuộc đời gian nan của Đặng Thái Sơn đã bước sang trang mới. Tất cả những điều ấy đã phản ánh trong những tiết mục biểu diễn của anh.

Đương thời, những âm điệu vui tươi, mát mẻ, khiến cho người ta liên tưởng đến những cơn mưa mùa xuân, là nét đặc trưng của dòng nhạc lúc bấy giờ, người nghe cảm thấy thỏa mãn với những bản nhạc mà nó nêu lên một cách nhẹ nhàng về tâm tư, tình cảm của họ. Và Đặng Thái Sơn, một con người tinh tế, đã nổi lên từ chính điều đó.

Những phím đàn giấy và đôi tay của trời

Cuốn sách của Ikuma Yoshito mở đầu bằng phút huy hoàng trong cuộc đời Đặng Thái Sơn. Người của ban tổ chức gọi cửa phòng khách sạn, còn anh thì trùm kín chăn. Anh không dám tin vào sự thật. Anh chỉ mơ ước mình được trình diễn trong cuộc thi Chopin mà thôi. --PageBreak--

Mùa thu năm 1980, anh đã giành giải nhất, kèm theo 11 giải phụ, trong đó có giải thưởng của Đài NHK và mở ra cho anh một con đường mới sau này. Ngày mùa thu ấy, với Đặng Thái Sơn như một giấc mộng. Anh đi dự thi mà không kiếm nổi một bộ vest lịch sự. Anh đi tìm mua bộ đồ vest dành cho trẻ em phương Tây vì vóc người quá nhỏ. Để rồi mọi thứ cứ đến, những bất ngờ đến ngộp thở và anh lên nhận giải, quên luôn cả số tiền thưởng hơn 2.000 USD và hoa trên sân khấu.

Và kể từ giây phút ấy, Đặng Thái Sơn đã phải đi một vòng tròn sống khác biệt mọi người. Người nghệ sỹ bắt được đôi tay của trời này đã bắt đầu những chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Mọi thứ đều không giản đơn.

Ikuma Yoshito tái hiện lại thuở nhỏ của Đặng Thái Sơn trên con phố cũ của Hà Nội. Mẹ anh, bà Thái Thị Liên, là người dạy đàn cho học sinh trong căn nhà hơn chục mét vuông và người ta phải dùng một xô nước để vo gạo, rửa rau, giặt quần áo và cuối cùng là giội toilet.

Lên 5 tuổi, Đặng Thái Sơn bắt đầu học đàn. Lên 7 tuổi, Nhạc viện Hà Nội nơi mẹ anh giảng dạy phải sơ tán về Yên Dũng, Bắc Giang để tránh bom đạn giặc. Từ nhỏ, cha anh đã dạy anh vẽ những phím đàn trên giấy để học nhạc. Những nốt nhạc bằng giấy ấy đã theo Đặng Thái Sơn rất nhiều năm và anh đã học những nốt nhạc đầu đời như thế.

Anh đã mơ ước biết bao nhiêu cây đàn piano trong thời thơ bé. Và đến tận khi chiếc xe bò chở chiếc đàn long phím về làng, anh mới thực sự được chạm vào những phím ngân thần thánh ấy.

Về sau, những sáng sớm hay đêm khuya ngồi trong phòng tập giảng đường tại Moskva, Đặng Thái Sơn vẫn nhớ về những phím đàn vất vả của mình. Anh đã sống nghèo khó như bất cứ sinh viên nào ngày ấy. Anh đi làm thợ tiện, những vệt máy tiện cắn bầm dập đôi tay bé nhỏ của chàng trai đánh dương cầm. Áp lực học hành đến, anh nghỉ làm thợ tiện, chuyển qua rửa lọ thủy tinh.

Trong những ngày nước Nga đầy băng tuyết, anh cùng những người bạn Việt Nam vẫn cần mẫn làm thêm để kiếm tiền lo trang trải cuộc sống của mình. Anh sẽ không bao giờ quên những bài học của thầy Isaac Katz, người nhận ra tài năng của anh, người sửa cho anh từ dáng ngồi cho đến cách phải đánh mạnh những đầu ngón tay xuống phím đàn thay vì những ngón tay lướt đi, điệu đà ra vẻ nghệ sỹ ngày thơ bé.

Chính người thầy này buộc anh mỗi khi đọc bản nhạc phải hình dung và diễn tả được bằng lời bản nhạc ấy nói điều gì. Anh phải vượt qua sự nhút nhát của mình để làm được điều ấy, nếu không, trong mắt thầy, anh chỉ là một chú cá đớp khí, yếu đuối và nói không ra hơi.

Anh cũng không bao giờ quên được những bài giảng và thái độ nghiêm khắc của giáo sư Natason ở Nhạc viện Traikovski. "Cậu bé người cá" của thầy Isaac Katz vào tuổi 22 đã trở thành một "chú cá lớn". Năm 1999, anh gặp lại thầy tại Gorky, họ đã nói với nhau suốt một đêm dài về chuyện âm nhạc. Cũng từ người thầy ấy, mà khi anh đoạt giải nhất cuộc thi piano Chopin năm 1980, niềm vui quá lớn nhưng chàng thanh niên này chợt nhận ra một hành trình mới, rằng mình sẽ lại phải miệt mài để gìn giữ đỉnh cao.

Cả cuộc đời mình, Đặng Thái Sơn yêu mến Chopin, yêu ông từ tiếng đàn của mẹ trong đêm ở làng sơ tán, trong những căn hầm dưới lòng đất, tiếng đàn của mẹ đàn bản đầu tiên trên cây đàn long phím và chuột làm tổ ở bên trong.

Để đến sau này, mỗi khi trở lại Ba Lan, anh lại đến bảo tàng Chopin, nói chuyện với trái tim người nhạc sỹ tài hoa này trong nhiều giờ liền. Như thế một mối tương thông trong cõi tâm linh, anh đã đến được với trái tim người nhạc sỹ này bằng những nốt nhạc.

Cuộc sống của anh, ở phía sau thành công và hành trình vòng quanh thế giới của những nốt nhạc, không gì khác, chính là "Đối với tôi, sống một cách khiêm tốn là điều quan trọng nhất. Tôi hoàn toàn không hứng thú gì với tiền tài, vật chất. Tôi yêu âm nhạc, tôi thích một đời sống tĩnh lặng, tôi muốn sống trong khoảng không gian của riêng mình. Cuộc sống một mình rất hợp với tính cách của tôi!" - Đặng Thái Sơn nói với Ikuma Yoshito như vậy.

"Đặng Thái Sơn quyết không phải là người ba hoa. Anh luôn lựa chọn từng từ, từng từ một, anh suy nghĩ chắc chắn và nói chầm chậm. Đến việc truyền ý hướng của mình đến đối tượng cũng phải đúng thời gian" - Ikuma Yoshiko nói vậy.

Trong con mắt nhà báo này, Đặng Thái Sơn của tuổi 40 là một người không hề chểnh mảng, anh tập trung cao độ vào người đối diện, lắng nghe và không bao giờ bị người khác làm cắt ngang mạch suy nghĩ của mình.

Trong câu chuyện của Đặng Thái Sơn tôi hoàn toàn không cảm nhận có gì nghi vấn cả. Lời nói đầy tự tin, chuẩn xác. Bây giờ Sơn có lòng tin tuyệt đối khi biểu diễn nên có nói chuyện quá khứ cũng hoàn toàn không e ngại gì. Vì tự bản thân mình, Sơn đã là một người chiến thắng trong âm nhạc. Vì âm nhạc đó được dựng lên từ quá trình nuôi dưỡng hạt giống con người. Và có lẽ cái ý nghĩ đó đã thuyết phục anh ấy.

Đặng Thái Sơn đã nói rằng: "Dù ở đâu, khi nào âm nhạc cũng là số một. Nguồn sống của tôi chính là âm nhạc. Ngay cả bây giờ cái mà tôi nhìn thấy và muốn sống chính là âm nhạc". Khi nghe điều đó trong đầu tôi hiện ra câu nói của Wadysaw Szpilman nhân vật chính trong bộ phim "Chiến trường nghệ sĩ piano" của đạo diễn Roman Polanski. Ông ấy cũng từng nói những việc giống như thế. Người nghệ sĩ piano biểu diễn thu hút người nghe giống như làm cho âm nhạc thành món ăn tinh thần cho con người. Cũng giống như tiếng gõ cửa mạnh làm trái tim ta cảm động...".

Cuốn sách về Đặng Thái Sơn bản Việt ngữ đang được Công ty Văn hóa Phương Nam hoàn thiện và sẽ sớm có mặt với công chúng Việt Nam. Cuốn sách không mang đến sức hấp dẫn thuần túy mà ẩn mình như những nét văn hóa thiền của người Nhật, thấm dần, mang đến cho người đọc sức quyến rũ phía sau những con chữ. Hơn hết thảy, đó là Đặng Thái Sơn, người Việt duy nhất trở thành một nghệ sỹ âm nhạc quốc tế. Người Việt nhút nhát nhưng chiến thắng chính mình, lặng lẽ một hành trình vinh quang nhưng không ít gian nan...

Toàn Nguyễn
.
.