NSND Đàm Liên: Một mình sẽ một mình thôi

Thứ Hai, 09/05/2011, 15:04
Bà đã bộc bạch như vậy khi tôi chợt chạm vào nỗi cô đơn của bà. Hơn 15 năm nay, khi chồng bà - nhạc sĩ Vĩnh An bỏ bà ra đi - bà âm thầm, lặng lẽ sống đơn côi trong ngôi nhà ở con hẻm nhỏ phố Chùa Hà. Bà bảo bà là người đa sầu, đa cảm, đa tình, cũng luôn khao khát một tình yêu, nhưng hình bóng của người chồng quá lớn khiến bà trở thành "Ni cô Đàm Liên" trong con mắt những kẻ đa tình. Và chính cái bóng đó đã làm nên nghị lực sống của "sầu nữ tình yêu".

Không ai đoán bà đã xấp xỉ tuổi 70 bởi gặp bà trong lúc đang hoàn tất khâu cuối cùng cho ra cuốn sách Phía sau ánh hào quang thấy bà vẫn hoạt bát và thấu đáo lắm. Sự sắc sảo toát lên từ ánh mắt, dáng đi, giọng nói. Bị hấp dẫn từ phong cách này mà tôi đã có cuộc trò chuyện với bà. Bà tâm sự:

- Tôi cũng rất vui vì niềm đam mê và khổ luyện của mình đã được đền đáp. Mỗi một biệt danh gắn với vai diễn để đời của tôi. Sau vai diễn Hồ Nguyệt Cô trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, tôi được mệnh danh là Sầu nữ tình yêu. Rồi sau một loạt vai Trưng Trắc trong vở tuồng Trưng nữ vương, Phương Cơ trong vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn, Loan Dung trong vở tuồng dân gian Lý Phụng Đình, bà Huyện trong vở tuồng đồ Nghêu Sò Ốc Hến, Ông già cõng vợ đi xem hội người ta gọi tôi là Bà chúa của sân khấu tuồng, Nữ hoàng của nghệ thuật tuồng, Vua tuồng.

- Có vẻ như bà được Tổ nghề ưu đãi khi toàn được đóng những vai nữ chính?

Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên.

- Nó là cái duyên với nghề, nhưng tôi nghĩ tôi cũng đã cống hiến cho nghệ thuật tuồng đến cạn kiệt sức lực của mình.

- Ở nơi ban thờ kia, có phải bà thờ các thầy tuồng không?

- Không, đấy là các vị thần tài nhưng theo kiểu dáng của miền Nam do cô con gái mang từ Vũng Tàu ra. Nhưng mà liên hồi tôi có lộc đấy. Nghỉ hưu rồi vẫn được mời đi diễn đều đều, rồi dạy các em học sinh tại nhà. Cuối đời ra một cuốn sách cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ.

- Phía sau hào quang phải chăng là cuốn tự truyện của bà?

- Đúng, hoặc cũng có thể coi đó là những trang nhật ký của tôi. Ở đó có những trang tôi tự kể chuyện mình, có những trang viết về đồng nghiệp, về những nghệ sĩ nổi tiếng và cả những bài tham luận của tôi về nghệ thuật tuồng. Cuối tập sách là những bài viết của các nhà báo nhìn nhận về mình.

- Ấy thế mà tôi từng được biết ngành tuồng suýt nữa đã trượt mất một cô diễn viên trẻ xinh đẹp Đàm Liên khi bà trốn đi thi tuyển vào ca múa và điện ảnh. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài tựa cuốn sách: "Không phải bà đến với tuồng mà chính loại hình nghệ thuật tuyệt vời này đã tự tìm đến với bà, rồi qua bà mà bừng sáng hết những vẻ đẹp quyến rũ nó vốn có".

- Khi theo học Trường Học sinh miền Nam, tôi đã tham gia đội múa của nhà trường và được trở thành diễn viên múa hoặc nghệ sĩ điện ảnh là ước mơ của tôi. Lúc Đoàn Ca múa Quân đội về trường tuyển, tôi hào hứng đi thi và trúng tuyển. Nhưng má tôi cương quyết phản đối. Bà muốn tôi theo nghề tuồng của gia đình. Ông ngoại tôi  với biệt danh Bầu Leo là chủ một gánh hát bội, mẹ là nghệ nhân Trần Thị Bảy, đào chính của gánh hát này. Ban đầu tôi chán ngán với tuồng. Rồi má tôi từng ngày tâm tình, phân tích. Tôi nhớ mãi câu nói của ma:á "Con hãy toàn tâm toàn ý với nó đi, rồi con sẽ thấy yêu nó cho mà xem". Bây giờ thì tôi vô cùng cảm ơn bà.

- NSND Sáu Lai được coi là người "sinh ra để cười 36 điệu". Ông đã truyền lại 36 điệu cười nổi tiếng trong tuồng, nhưng cho đến giờ, bà được coi là người tiếp thu kỷ lục.

- Cười trong tuồng không phải là cái cười cơ học mà tập cười rất khó vì nó đau cổ họng. Tôi phải mua máy ghi âm, bật lên học theo và đã hỏng không biết bao nhiêu máy mới ra được tiếng cười đau đớn, man dại của Hồ Nguyệt Cô, tiếng cười khi tức tối cay cú,  khi tự mãn, sảng khoái của ông già mang cô vợ trẻ đi chơi…Cũng từ vai diễn này, tôi đã làm một công trình nghiên cứu tiếng cười trong nghệ thuật tuồng. Rồi từ công trình ấy, tôi đã sáng tạo thêm 16 điệu cười của riêng mình. Chỉ riêng về tiếng cười, tôi đã ghi âm 36 điệu cười vai nam, 18 điệu cười vai nữ diễn tả đủ sắc thái, tâm trạng nhân vật trong nghệ thuật tuồng.

- Tôi biết bà có nhiều vai diễn để đời. Nhan sắc thế, tài năng thế, đam mê thế thì cũng là điều dễ hiểu thôi. Nhưng với bà, vai diễn nào có kỷ niệm sâu sắc nhất?

- Cho đến giờ, dù đã cách mấy chục năm, khi đó tôi chỉ khoảng 14 - 15 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ lần diễn vai Trưng Trắc cho Bác Hồ xem. Hôm đó xem xong, Bác nói: Cháu còn nhỏ mà diễn vai Trưng Trắc giỏi lắm.

- Nhưng với khán giả, có lẽ cái tên Đàm Liên gắn liền với tiết mục “Ông già cõng vợ đi xem hội” bởi số buổi biểu diễn đã lên tới hơn 2.000 ở khắp trong Nam ngoài Bắc, không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài, một vai diễn độc quyền trong hơn hai thập kỷ và đã được Đài Truyền hình VN giới thiệu trong chương trình Chuyện lạ có thật.

- Đó là vai diễn đã ngấm vào máu thịt của tôi để giờ đây, bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào, tôi cũng có thể diễn được.Thế nhưng cũng chưa có vai diễn nào tôi phải vất vả, vật lộn với chính mình đến thế. Trên sàn diễn, lúc ở nhà, khi ra đường, trong giấc ngủ,... lúc nào tôi cũng nghĩ đến nó, vì đây là vai diễn mới hoàn toàn chưa có trên sân khấu tuồng truyền thống. Từ hình ảnh ông già Bửu Tiên cầm một tấm hình cô gái, cố NSND Văn Đôi viết chỉ độ 10 dòng nói về cảnh chồng già vợ trẻ. Đến bây giờ thì nó là tiết mục tròn trĩnh trên sân khấu.

- Có thể coi bà vừa là tác giả, đạo diễn và diễn viên của “Ông già cõng vợ đi xem hội”?

- Công đầu phải kể đến đạo diễn, NSND Ngọc Phương. Vậy mà ban đầu khi ông gọi tôi đến để giao vai, tôi đã nghĩ ông chơi xỏ mình vì tôi lấy chồng già, hơn nhau 15 tuổi. Tôi khóc, không nhận vai. Nhưng được chồng và nghệ sĩ Mẫn Thu động viên, tôi mới dần xóa được mặc cảm để dành tâm sức cho vai diễn.

Thế là giữa mùa hè đổ lửa, tôi cứ tự mình tập cười, tập nói giọng của hai nhân vật. Rồi đạo diễn Ngọc Phương bổ sung thêm làm cho tiết mục ngày một tròn đầy lên. Chi tiết diễn thì tôi quan sát, cóp nhặt từ trong cuộc sống. Tôi còn nhớ, ngày ấy nghĩ mãi chưa ra cách diễn đôi chân của ông già, má sang chơi thấy tôi ngồi thừ ra.

Bà lo lắng hỏi: Liên, sao con ngồi thế kia? Tự nhiên tôi bật ra ý tưởng nói má leo lên lưng để mình cõng. Đôi chân run run vì má trên lưng quá nặng đã trở thành chi tiết đắc dụng cho ông già cõng cô vợ trẻ trên lưng đi chơi… Cứ thế, từng chi tiết tôi và ông Ngọc Phương hoàn chỉnh dần.Tháng 7-1979, tiết mục lần đầu tiên ra mắt khán giả tại rạp Đại Nam. Đêm diễn thành công ngoài sức tưởng tượng.

Ấy thế mà phải sau 300 đêm diễn, tôi mới hoàn chỉnh được một cách ưng ý "cú đá hậu"của ông già với những kẻ gièm pha, chọc ghẹo. Tiết mục chỉ khoảng 14 phút nhưng phải diễn liên tục hai vai. Có điều lạ là, không chỉ khán giả trong nước mà tôi đi diễn ở Đức, Liên Xô, Pháp, Ấn Độ…khán giả cũng đều rất thích.

- Đạo diễn Ngọc Phương từng nói: Vai này sẽ đưa Đàm Liên đến đỉnh điểm. Điều đó đã thành sự thật khi bà biết khai thác tối đa sự phóng khoáng, dân dã dễ đi vào lòng người của tuồng Bắc để hóa thân vào vai diễn. Đặc biệt bà đã phá cách mạnh mẽ trong việc thể hiện tâm lý theo từng cung bậc của tiếng cười cho ông già và cô gái. Bà có nhận giải thưởng nào từ vai diễn này không?

- Tôi chưa lần nào đi thi bằng tiết mục này. Nhưng cho dù vai diễn đạt huy chương vàng hay kim cương chăng nữa mà khán giả không nhớ thì cũng không ý nghĩa gì.

- Sự khổ luyện làm nên thành công. Nghe nói ngoài giọng hát trời cho, bà còn phải tập luyện rất nhiều để có "đôi tay biết nói, đôi mắt biết cười"?

- Đúng, nó đòi hỏi phải nghị lực và kiên trì. Để cho các ngón tay mềm mại, sáng nào tôi cũng phải ngâm nước ấm, rồi tập uốn lượn các ngón tay.

Như vai bà Huyện trong phim Nghêu Sò Ốc Hến, tôi đã dùng 10 ngón tay múa để nói lên nỗi ghen tức tột độ của bà Huyện. Lúc thì tôi ngoáy một ngón để chọc tức ông Huyện, lúc tôi khảy ngón út để khinh thường  việc xử của ông trên công đường, lúc tôi lại dùng ngón trỏ xoáy vào gáy ông. Những động tác múa của ngón tay cùng với tiếng gầm rít của cơn ghen làm cho khán giả rất thú vị.

Còn nhớ khi tôi sinh con gái ở bệnh viện C Hà Nội, các bệnh nhân rủ nhau đến xem đôi tay bà Huyện ngoài đời dài ngắn ra sao, móng vuốt thế nào mà khiến ông Huyện sợ đến thế. Muốn cho đôi bàn chân đi cho nhẹ, ngày nào tôi cũng đi giày bata tập đi trên một đường thẳng. Rồi tập ánh mắt phóng xa, thu vào để diễn tả các cung bậc tình cảm…

- Đi diễn nhiều thế, bà có nhiều kỷ niệm với khán giả không?

- Trời ơi, nhiều lắm. Người ta xem diễn trên sân khấu, trên tivi rồi yêu quí mình. Có lần tôi từ nhà hát về, đi ngang qua chợ, có một bác đạp xích lô thấy tôi liền nói to: A, NSND Đàm Liên đây rồi. Chị ơi, thế dân xích lô như tôi thì điệu cười thế nào hả chị? Tôi chỉ biết cười vì câu hỏi quá bất ngờ, đến giờ tôi vẫn mắc nợ bác ta "điệu cười xích lô".

Mới đây đi khám ở Bệnh viện Việt Xô, có một bệnh nhân bảo: Tôi đã xem chị diễn Ông già cõng vợ đi xem hội lâu lắm rồi, giờ mới gặp mà không thấy chị già chút nào. Tôi sẽ viết đơn kiện chị. Tôi giật mình: Dạ, vì sao ạ? Ông ta bảo: Tại sao tài sắc như thế mà không chịu lấy chồng.

- Xin lỗi, cho tôi cũng được hỏi tiếp bà câu đó? 

- Tôi là người đa tình, đa cảm, sau này cũng có nhiều người quí mến nhưng tôi vẫn ở vậy. Ngồi một mình, nói một mình, hát một mình, múa một mình, cười một mình, khóc một mình và yêu cũng chỉ có một mình là chuyện thường tình của một đời làm diễn viên tuồng như tôi.

Nhiều đêm trong cơn mê tôi giật mình tự hỏi vì sao? Thú thực tôi cũng chẳng biết vì sao. Chỉ biết rằng điều ấy đã luôn thức tỉnh tôi, nhắc tôi phải giữ được cái tên Đàm Liên mà cha mẹ đặt cho để hôm nay tôi tự hào và hạnh phúc với cái tên của mình. Tôi luôn khao khát đêm đêm có người ôm tôi vào lòng. 15 năm qua, người đàn bà trong tôi cũng có lúc rung động, nhưng tôi cưỡng lại và cứ để thế. “Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu /Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu /Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết”.

- Đó là thơ Xuân Diệu…

- Đúng thế. Tôi sợ sự đổ vỡ. Rồi tôi cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ về, dùng lý trí nén chặt tình cảm. Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi câu thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang: "Một mình sẽ một mình thôi, /Bao câu chữ cũ hát chơi một mình./ Hồng hoa đỏ cõi vô hình, /Trái tim vỡ vụn như bình pha lê…".

- Và bà đã sáng tác vở kịch ngắn "Tôi và Bóng" (tân cổ giao duyên) cũng là để giãi bày tâm trạng của mình?

- Có thể cho là như vậy. Ngàn cây ngủ hết rồi/ Làm sao nghe tôi khóc/ Làn môi tôi khô nóng/ Tình  tôi trong chơi vơi…

- Nhìn lại quãng đời đã qua, bà còn điều gì tiếc nuối không?

- Nghề thì tôi đã học quá nhiều, đến giờ vẫn tiếp tục học để truyền lại  cho diễn viên trẻ. Chỉ tiếc tình cảm của mình không được toại nguyện, nhiều lúc ước mình là cánh chim để bay về phương trời yêu thương.

- Xin cảm ơn bà!

Tố Lan
.
.