NSND Châu Loan trong trái tim người con trai

Thứ Ba, 07/04/2009, 14:23
Nghệ sĩ kèn Quốc Trường là người con duy nhất trong số 5 người con của NSND Châu Loan nối nghiệp má, bước chân vào nghệ thuật. Dẫu không theo nghiệp cầm ca, ngâm thơ và ca Huế như má, nhưng tiếng kèn trompet của anh là sợi dây ràng rịt giữa quá khứ của má với hiện tại của anh, ràng rịt giữa tình yêu đắm đuối hết lòng với âm nhạc, nghệ thuật của hai thế hệ mẹ truyền con nối. Tình yêu ấy má anh, người  nữ nghệ sỹ nhân dân nức tiếng một thời đã truyền lại trọn vẹn cho con trai.

Buổi sáng ở phố Hàng Trống nhộn nhịp dòng người. Căn phòng làm việc nơi tầng hai của nhạc sỹ Quốc Trường ngợp tán xà cừ xanh ngút mắt. Phòng làm việc có nhiều cửa sổ nhìn chênh chếch về phía hồ Gươm. Buổi sáng tháng ba, Hà Nội hãy còn se lạnh, sương giăng kín hồ Gươm, sương bay lãng đãng trên mặt hồ như một làn khói mỏng nhẹ.

Tôi ngồi với nhạc sỹ Quốc Trường nơi một góc của phố cổ Hà Nội, ngó về hồ Gươm, đắm mình trong miên man những ký ức về má của anh mà trải lòng cùng tâm trạng của người nghệ sỹ tôn thờ má, yêu kính má và xót xa thương má một đời quên mình với nghiệp cầm ca.

Mỗi một lần nhắc đến má nghệ sỹ nhân dân Châu Loan, nhạc sỹ Quốc Trường lại bối rối xúc động. Trong những câu chuyện về má, anh không kịp nhớ trước sau, không kịp sắp đặt theo trật tự thời gian.

Tất cả tràn ngợi ra, và anh để cho ký ức tuôn chảy một cách ngẫu hứng và cuống quýt, như thể những mảng kỷ niệm ấy cứ xô nhau hiện về, sắp chặt đầy trong trái tim của anh, thổn thức trong nỗi nhớ của anh, đặng không đừng được. Người đàn ông, người nghệ sỹ đã qua tuổi tri thiên mệnh, đã từng trải cuộc đời, bỗng chốc vụt trở nên bé nhỏ, yếu đuối hẳn đi, run rẩy hơn khi nghĩ về má và nhớ về má.

Má nhạc sỹ Quốc Trường là bà Châu Loan, một nghệ nhân ngâm thơ và ca Huế. Bà được phong là Nghệ sỹ nhân dân vào đợt đầu tiên năm 1984. Bà Châu Loan tên thật là Bùi Thị Loan, sinh năm 1926 tại làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị.

Thân sinh ra bà Châu Loan, mà Quốc Trường gọi bằng ông ngoại là cụ Bùi Mè, học trò xuất sắc của cụ Nguyễn Như Bá. (Cụ Như Bá là người truyền bá nghề hát bội và hò Huế cho làng, là ông của Nghệ sỹ nhân dân Lệ Thi và Nghệ sỹ ưu tú Ái Chủng).

Cụ Bùi Mè chính là một nghệ nhân về ca Huế - một nhạc công nhạc cổ truyền có tiếng thời bấy giờ. Ông có một thời gian dài làm việc trong dàn nhạc cung đình Huế. Cụ Bùi Mè sinh được bốn người con, ba gái một trai. Bà Châu Loan là con gái cả.

Năm lên 7 tuổi, mấy chị em đã theo cha vô Huế sống. Kế bà Châu Loan là dì hai, bà Châu Phụng (tên thật là Bùi Thị Diệp). Dì ba là Bùi Thị Thảo tên nghệ nhân là Thanh Thảo. Cả ba cô con gái được ông Bùi Mè dày công dạy dỗ đàn hát. Ngoài học đàn, cụ Bùi Mè dạy cho các con học hát ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên và miền Trung.

Mấy chị em bà lớn lên đều có nhan sắc và giọng hát hay. Riêng bà Châu Loan có chất giọng đẹp hoàn hảo, êm dịu, hơi dài, vang vọng và uyển chuyển. Bà Châu Loan đi hát từ năm 15 tuổi.

Mười lăm tuổi, bà đã theo nghiệp cầm ca, và theo chân cha mình là cụ Bùi Mè cùng gánh hát ông Bội Uyển vào Kinh thành Huế đờn ca kiếm sống. Năm 1947, bà Châu Loan theo cha ra Bắc làm việc ở Đài Phát thanh Pháp Á.

Năm 1954, hòa bình lập lại, bà kiên quyết ở lại Hà Nội để cống hiến cho cách mạng. Bà làm việc tại Tổ Ca nhạc miền Trung, Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Cũng chính thời gian ra Bắc hoạt động, bà Châu Loan đã gặp gỡ và có tình cảm sâu nặng, sau này trở thành vợ của một người đàn ông tài danh.

Chồng bà Châu Loan là cụ Nguyễn Văn Tư, trước cách mạng là thầy giáo giỏi có tiếng, dạy tại trường tư thục ở Hà Đông. Sau hòa bình lập lại, ông làm cán bộ quản lý Bệnh viện Vì dân, nay đổi tên là Bệnh viện Bạch Mai.

Ông bà có với nhau 5 người con, duy nhất người con trai thứ là nhạc sỹ Quốc Trường nối nghiệp má bước chân vào lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc. Dẫu không theo nghiệp cầm ca, nhưng tình yêu âm nhạc được má dày công truyền lửa cho anh cũng như suốt cả tuổi ấu thơ, anh lớn lên trong bầu không khí âm nhạc, ăn, ngủ, chơi cùng dàn nhạc nơi má làm việc nên âm nhạc đã ngấm vào máu thịt anh, ngấm sâu vào tâm hồn anh, để làm nên một nhạc sỹ Quốc Trường hôm nay.

Nhạc sỹ Quốc Trường không thể quên được những tháng ngày của ký ức diệu vợi. Chiến tranh ác liệt, bom đạn liên miên, Đài TNVN  phải đi sơ tán chạy giặc từng ngày. Khu tập thể nơi ở của cán bộ Đài TNVN chỉ cách phòng tập của dàn nhạc chừng mươi mét.

Sáng mở mắt ra đã nghe tiếng nhạc, tối trước khi chìm dần vào giấc ngủ cũng đắm mình trong tiếng nhạc, vì thế Quốc Trường có đôi tai thính nhạy và độ nhạy cảm về âm nhạc rất tốt. Không có giọng ca trời phú như má, nhưng môi trường âm nhạc và nghệ thuật đã dẫn dắt anh đi theo tình yêu lớn của má.

Năm 1969, lúc đó Quốc Trường mới mười bảy tuổi, bà Châu Loan đã hướng cho con trai vào học lớp Thể nghiệm của Dàn nhạc Đài PTTNVN. Vì con trai say mê nhạc nhẹ, mê cây kèn trompet nên bà Châu Loan để cho con trai lựa chọn điều mình thích. Khóa học hai năm nhưng Quốc Trường mới học hơn một năm, anh đã được chính thức chơi kèn trompet trong dàn nhạc của Đài PTTNVN như một nhạc công thực thụ.

Năng khiếu về âm nhạc, cộng với môi trường âm nhạc được tôi luyện hằng ngày từ bé, Quốc Trường đã nhanh chóng nhập cuộc và sớm  trở thành một người nghệ sỹ thực thụ.

Năm 1985, Quốc Trường chuyển sang Nhà hát Ca nhạc nhẹ Trung ương với khát vọng của tuổi trẻ được đi đây đi đó, và làm công tác biểu diễn. Như má anh, Nghệ sỹ nhân dân Châu Loan đã mang tiếng ca của bà đi phục vụ kháng chiến, phục vụ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt từ Việt Bắc, Tây Bắc, hải đảo cho đến vĩ tuyến 17.

Tài năng lớn của bà là đưa chất liệu âm nhạc Huế vào thơ, xử lý sáng tạo âm thanh ca Huế và chất liệu Huế trong thơ. Những bản thu của bà được phát sóng rộng trên sóng của Đài, đặc biệt là qua những bài thơ của Tố Hữu. Nhiều nghệ sỹ ngâm thơ đã học tập phong cách ngâm của bà.

Bà Châu Loan cũng vinh dự là người nhiều lần được gặp Bác và hát cho Bác Hồ nghe. Tiếng hát của bà được mọi người ví như chiếc cầu nối những tâm hồn không thể chia cắt của hai miền Nam Bắc. Đến thời bình, con trai bà, nhạc sỹ Quốc Trường, đã đi khắp mọi miền đất nước phục vụ nhân dân. --PageBreak--

Trong nỗi nhớ về má, người nghệ sỹ nức tiếng một thời, nhạc sỹ Quốc Trường không thể quên được những ký ức buồn. Má anh, Nghệ sỹ nhân dân Châu Loan bạo bệnh rồi mất khi bà còn trẻ. Bà ngã bệnh ung thư chỉ trong vòng 2 tháng rồi mất.

Đó là mùa thu năm 1972, bà cứ ngỡ như những lần ốm trước, vào viện điều trị vài bữa là khỏi rồi về. Khi nhập viện, bà còn mang theo gối đầu giường hai cuốn sách, một cuốn là những bài thơ ngâm và một cuốn sách ca Huế.

Vào viện, những buổi tối sau khi uống thuốc xong, bà buông mùng nằm đọc sách, nhớ nghề, bà còn ngân nga chỉ đủ mỗi mình nghe những làn điệu ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên và ngâm những bài thơ cách mạng.

Chồng bà, cha của nhạc sỹ Quốc Trường mất trước đó 2 năm, trong một tai nạn hy hữu khi ông vào Thanh Hóa thăm bà con họ hàng. Trên đường đi, ông bị tai biến mạch máu não và ngã xuống đập nước Bái Thượng ở Thanh Hóa. Ông ra đi đột ngột khiến cho má anh và các con rất đau buồn.

Sau đó hai năm đến lượt má anh ngã bệnh. Cứ ngỡ rồi sẽ qua vì bà Châu Loan lúc đấy mới 47 tuổi, đang độ sung sức. Bà là người nghệ sỹ được hai miền Nam Bắc biết tiếng và ngưỡng mộ. Trưởng bộ môn ca Huế của Đài PTTNVN. Ủy viên BCH Trung ương Hội Nghệ sỹ Việt Nam.

Thế nhưng sức khỏe cứ yếu dần,  bệnh kịch phát hết sức nguy kịch. Những ngày cuối cùng của bà Châu Loan chính là lúc Hà Nội diễn ra trận bom B52 suốt 12 ngày đêm. Bà Châu Loan nằm hấp hối trên giường bệnh, giữa những cơn đau đớn cùng cực của căn bệnh ung thư đã di căn.

Nhạc sỹ Quốc Trường cùng các em thay nhau chăm sóc má ở bệnh viện. Anh nhớ như in, ngoài bệnh viện, máy bay Mỹ gầm rú quần đảo trút bom B52 xuống thành phố. Hà Nội chìm trong bão lửa. Khâm Thiên bị bom vùi, Đài TNVN nơi bà Châu Loan làm việc cũng bị bom cày xới, cơ quan phải sơ tán lên Lương Sơn, Hòa Bình.

Bà Châu Loan mất vào buổi chiều Noen, 24/12/1972. Khi đưa bà xuống nghĩa trang Văn Điển, bom thả rất nhiều. Việc chôn cất gần như phải chạy bom. Đám tang của bà có nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước dự. Trước khi mất, bà Châu Loan đau đáu một nỗi niềm riêng.

Em gái kề bà là bà Bùi Thị Diệp, cũng theo nghề cầm ca, nổi tiếng hát hay đàn giỏi, nhưng vì số phận của lịch sử, trong cuộc phiêu dạt của cuộc chiến tranh ấy, bà Diệp lại là giọng ca của Đài Sài Gòn. Bà lấy tên nghệ nhân là Châu Phụng.

Ngày ngày, bên kia chiến tuyến hai miền Nam Bắc, chị em bà, chung giọt máu đào, lại là người của hai trận tuyến. Mỗi lần cất tiếng hát gửi về bờ Nam, má Châu Loan của anh lại khóc. Cũng như tiếng khóc thổn thức của dì Châu Phụng, mỗi khi cất tiếng hát gửi về bờ Bắc.

Khi mất, má dặn mấy anh em Quốc Trường, sau này đất nước giành độc lập, các con nhớ vào Nam tìm dì Châu Phụng. Nghe lời má dặn, sau hòa bình lập lại, trong lần vào Sài Gòn công tác, Quốc Trường đã về Đà Nẵng tìm được dì Châu Phụng. Lúc đó Quốc Trường mới biết, dì anh vì hai miền chia cắt mà buộc phải đi làm ở Đài Sài Gòn. Chỉ một thời gian ngắn, dì bỏ về Đà Nẵng theo chồng, không còn làm nghề ca hát nữa. Bà sống cuộc đời lam lũ buôn bán nơi quê nhà. Bà vừa mất cách đây 3 năm.

Còn dì ba, em gái thứ 3 của má Châu Loan tên thật là Bùi Thị Thảo, lấy nghệ danh là Thanh Thảo được má Châu Loan đào tạo dạy dỗ và đưa vào công tác ở Đài TNVN cùng với má. Dì Thanh Thảo cũng vừa mất trong tháng 3 năm 2009 này.

Trong nỗi nhớ thương về má Châu Loan, nhạc sỹ Quốc Trường luôn xót xa một nỗi tiếc nuối vì thời chiến tranh loạn lạc, các tư liệu của má dường như đã bị thất lạc hết. Ngay cả những đĩa than ghi âm giọng ca của má cũng bị mất bởi trong chiến tranh, mấy lần Đài TNVN là trọng điểm bắn phá của Mỹ, mấy lần Đài phải chạy sơ tán. Phải cầu kỳ và khó khăn lắm, gia đình anh mới thu âm lại được giọng nói của má anh và những bài ca Huế, hay những bài ngâm thơ của má. Nhưng những tư liệu còn lại ấy thực quá ít ỏi so với cả sự nghiệp đồ sộ mà má Châu Loan cống hiến cho âm nhạc nước nhà.

Còn với Nhạc sỹ Quốc Trường, những gì anh sáng tạo và cống hiến cũng đủ cho tên anh được trân trọng nhắc tới trong những tác phẩm âm nhạc để đời. Đó là tác phẩm: "Hà Nội những công trình" anh viết tặng cho người vợ yêu quý của anh thời hai người mới yêu nhau được đưa vào trong tốp những bài hát 1.000 năm Thăng Long. Hay bài "Những phút giây qua" hát trong các kỳ thi của Sao Mai điểm hẹn, "Hoàng hôn", "Vinh quang tuổi trẻ Việt Nam", "Hát cho mùa xuân tương lai" là những ca khúc ít nhiều ghi lại tên tuổi của anh trong bầu trời âm nhạc

.
.