NSND Anh Tú: Tôi đi tìm tôi trong cơn mưa…

Thứ Ba, 25/12/2018, 10:27
Anh Tú đã mất rồi! Người con thực thụ của sân khấu đã mất rồi! Anh đi khi sự nghiệp ở trên đỉnh cao và tài năng đang chín muồi. Cái tin anh đi khiến cho bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ ai nấy đều sững sờ, nuối tiếc.

Đời là vô thường, chẳng ai ngờ sao lại nhanh đến thế: Mới hồi đầu năm nay, tháng 4, anh nhận được quyết định Quyền Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực tận tụy ở cương vị Phó Giám đốc Nghệ thuật của nhà hát kịch Việt Nam. 

Vậy mà, chỉ vài tháng sau bệnh tiểu đường của anh biến chứng rồi nhập viện, cả tháng trời điều trị, về nhà được mấy hôm lại vào viện nhưng lần này thì muộn mất rồi, bệnh tình đã trở nên quá nặng, các biện pháp y học cũng chẳng thể cứu vãn gì nữa, anh vĩnh viễn ra đi.

Nghiệp diễn ngấm vào máu từ thuở còn ấu thơ, tố chất hừng hực đầy say mê từ thuở còn là cậu học sinh ở lứa tuổi trăng tròn đến nay vẫn sôi sục một tình yêu sâu đậm, khắc cốt ghi tâm với sân khấu. 

Anh được tổ nghề ưu đãi nên tuổi trẻ đã rạng danh trên sân khấu kịch: Nào Trần Cảnh trong Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi. Hay Macbet trong vở kịch cùng tên của Shakespeare. Hoặc tể tướng trong vở Âm mưu và tình yêu của Sile... 

Và cả Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cùng hàng trăm vai diễn ấn tượng không kém khác. Ở vai diễn nào của anh cũng xung đột nội tâm, giằng xé mâu thuẫn dữ dội. 

Những vai diễn ấy được ví như một con sông sâu không thấy đáy của tầng tầng cảm xúc, nếu là rừng thì đấy quả là những ngọn núi trùng trùng, điệp điệp ý nghĩ và ý nghĩa của những nhân vật lịch sử anh hùng thời đại, nếu là mây thì nó bồng bềnh biến ảo kì diệu khôn lường.

Thế đấy, người ta nhớ đến anh bởi các vai diễn đã ăn sâu, nằm lòng trong công chúng, mà không chỉ ở địa hạt sân khấu, ngay trên phim trường điện ảnh, anh cũng có đóng góp không nhỏ. Lối diễn chân thật và dung dị cuốn hút người xem từ cái thời cách đây đã hơn 20 năm về trước.

Khi đấy phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều gia đình, anh điềm nhiên bước vào màn ảnh với cách thể hiện hào hoa trong các vai diễn gây nhiều thiện cảm, anh được đông đảo công chúng yêu mến là vì thế.

Trước nay, ai cũng biết anh nhiều bệnh, nên đã lâu Anh Tú không còn cái dáng vẻ thư sinh như hồi đầu xuất hiện, mà chuyển sang cốt cách phong trần, bụi bặm của một đạo diễn. 

Cách đây tròn 5 năm, khi anh đang dựng vở Trong mưa dông thấy nắng cho Nhà hát kịch Việt Nam, một vở mà theo anh người ta tìm thấy sự lãng mạn ngay cả ở trong những nơi tăm tối, cùng cực nhất. 

Trong giây phút hiếm hoi nghỉ ngơi, tại căn phòng nhỏ, anh đã nói với tôi:  “Anh nhiều bệnh lắm, lục phủ ngũ tạng đủ các loại bệnh, mà bệnh nào cũng nặng như nhau cả, mỡ trong máu, tiểu đường, dạ dày, viêm gan... Ngày nào cũng như ngày nào, cố định một vốc thuốc vào người...”.

Vậy nhưng con người này có nội lực rất lớn dẹp bỏ tất cả vấn đề về sức khỏe để hồ hởi dựng hàng loạt vở như Tai biến, Lâu đài cát, Trong mưa giông thấy nắng, Hăm-lét... Anh khuấy động lòng say mê nghề của thế hệ diễn viên trẻ, phả vào trong họ một suối nguồn huyết mạch của tổ nghề trao tặng và anh lại truyền cảm hứng cho họ. 

Những ngày nằm trong bệnh viện, đám trò nhỏ vây quanh thầy cả ngày lẫn đêm, thút thít khóc. Thầy nằm đó, dây dợ loằng ngoằng cắm quanh người, toàn thân bị phù, sưng phồng, không nói được. 

Rồi như chiếc lá lìa cành, rơi rụng xuống vào một ngày mùa đông giá lạnh. Trên trang facebook của đám trò nhỏ, đầy dòng chữ nghẹn ngào thương nhớ. 

Phạm Huệ viết: “Cát bụi lại trở về với cát bụi... Vĩnh biệt người thầy vĩ đại trong lòng con. Cảm ơn thầy đã dạy dỗ chúng con làm người, làm nghề. Mặc dù con không theo con đường nghệ thuật nữa nhưng con vẫn luôn nhớ thầy. Mãi nhớ về thầy, NSND Anh Tú, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Đạo diễn xuất chúng, đã dựng lên bao tác phẩm để đời”. 

Trong con mắt các học sinh của NSND Anh Tú, người thầy của mình thật ấm áp và tài năng, người thầy đấy là một bến đỗ tin cậy cho học sinh và là người tài giỏi nhất.

Không chỉ có học trò, mà những người bạn nghề từ thuở ấu thơ, những chàng trai và cô gái mộng mơ ngày ấy mới 13-14 tuổi đã đăng kí lớp diễn xuất của Nhà hát Tuổi trẻ.

NSND Anh Tú trong vở “Vũ Như Tô”.Ảnh: L.G

Sinh năm 1962, Nhâm Dần, ra nhập đội ngũ dàn diễn viên thế hệ đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ, cùng với các bạn diễn mà ai nấy sau này cũng đã thành danh, Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Hải, An Ninh... 

Quay đầu nhìn lại giờ đã hơn bốn thập niên anh gắn bó với nghệ thuật, với ánh đèn sân khấu, với chuyến đi phim trường biết bao kỉ niệm với bạn diễn. 

Cả lứa đấy, số phận đẩy đưa, dù gì anh là người lên cao nhất, trong đám con trai, anh là NSND đầu tiên, với cả gái cả trai thì anh chức vụ cũng cao nhất: Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam - một thời mang tên Anh cả đỏ. Vậy mà anh lại là người đi sớm nhất: Khi tuổi đời 56. 

An Ninh, một đồng nghiệp đã cùng chung nhà hát, chung đoàn kịch I của Nhà hát Tuổi trẻ, gần bốn mươi năm gần gũi bên nhau, gửi nỗi niềm thương cảm vào trang viết cho Tú: “Tôi đi tìm tôi trong cơn mưa, tôi đi tìm tôi trên con đường vô định, tôi sẽ tắm mình trong bão tố, mặc cho dòng đời trôi nổi đầy vơi, để cuối cùng... tôi vẫn là tôi... Nhớ ngày ấy, sau mỗi đêm diễn vở Anh là ai về, hai thằng lại lọc cọc trên chiếc xe đạp về Thụy Khuê rồi hì hụi ăn ngon lành mỗi thằng một bát cơm nguội mà bố mẹ để phần... Rồi những ngày hai đứa rong ruổi trên khắp đất nước bán từng cái vé xem biểu diễn mà không quản mưa nắng hay giá rét để lo từng đêm diễn cho đoàn... Hai đứa kể cho nhau nghe những ước mơ và dự định hành nghề diễn viên. Vậy mà một đứa chuyển nghề làm quản lý, một thằng bỏ diễn tập tọe viết lách... Khi thăm bạn ở viện, Tú hẹn năm nay sẽ dựng kịch bản của mình cho Nhà hát kịch Việt Nam, vậy mà Tú bỏ đi vội vã khi còn quá trẻ, khi tài năng đang độ chín rực... Tú ơi... an nghỉ nhé, còn mình vẫn phải làm đây. Làm để tồn tại”. 

NSND Anh Tú trong vở “Rừng trúc”. Ảnh: L.G

Nghệ sĩ, diễn viên, nhà biên kịch An Ninh đã nhớ về Tú như vậy. Diễn viên Mai Huê bảo vừa cách đây mấy hôm đến thăm anh, anh chẳng nói được gì nhưng có cảm giác là anh đang hiểu hết. 

Sao xót xa đến thế, nhớ ngày ra trường đó là năm cuối của thập niên 90 thế kỉ trước. Truyền thông hồi đó chưa phát triển như bây giờ, người nghệ sĩ phải đi bán từng vé kịch cho khán giả. 

Anh Tú lúc đấy là trưởng đoàn kịch I của Nhà hát Tuổi trẻ, dẫn đoàn lưu diễn từ Bắc vào Nam, đến địa phận Tam Kì, Quảng Nam, tối đấy đến giờ mở màn, khi bức rèm sân khấu kéo lên, dưới hàng ghế ngồi có đúng 2 khán giả, mà đội ngũ diễn viên đến hơn hai chục người, anh Tú vẫn quyết đoán nói: “Tất cả vì khán giả, phải diễn thật hay vào”. 

Và, cả buổi diễn hai tiếng đồng hồ, những diễn viên nhờ có tiếng nói động viên của người anh, người thầy Anh Tú, vở diễn diễn ra tốt đẹp. Hai khán giả vỗ tay ngạc nhiên và cả đoàn diễn viên có kỉ niệm thật đáng nhớ suốt đời không quên.

NSND Lan Hương (Em bé Hà Nội), một người đồng nghiệp vô cùng thân thiết với NSND Anh Tú, hai người đã học cùng nhau từ hồi ở ngôi trường cấp III Hà Nội, rồi cùng nhau vào Nhà hát Tuổi trẻ, đã đi cùng nhau qua bao năm tháng với bao nhiêu vai diễn. 

Lan Hương vẫn xưng với Anh Tú bằng tên: “Thị”. Họ yêu nhau, tình yêu sâu đậm dạt dào với sân khấu. Những ngày Anh Tú trên giường bệnh chuẩn bị từ giã cõi trần, “Thị” vẫn ngồi bên cạnh như chưa từng xa nhau. 

Trong lúc tang thương buồn đau nhất, “Thị” đã nhớ về người bạn tri kỉ của mình và những kỉ niệm xưa ùa đến dạt dào, cả một miền thương cảm bao la. Nào những cái tát nổ đom đóm mắt trên sân khấu vì vai diễn, nào những mày tao chí tớ thuở vô ưu, nào những ánh mắt, nụ cười năm tháng, ùa về và rồi Tú sẽ đi về nơi xa lắm, chỉ còn lại mỗi “Thị” ở bên đường.

Những ngày Tú gần đất xa trời, “Thị” đã ở bên cạnh, đã cất tiếng hát bên Tú nhưng nước mắt làm câu hát nghẹn lại...

Tú ơi, bạn ra đi thanh thản nơi suối ngàn mãi nhé!

Trần Mỹ Hiền
.
.