Một thế kỷ, một lý tưởng, một đời người
Bất khuất
Cụ Phạm Thị Trinh (tức Lân) sinh ngày 8-3-1914 (tức 22 tháng Chạp năm Quý Sửu) tại xã An Phú (nay là Tịnh Minh), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nơi chôn nhau cắt rốn của cụ là ven sông Trà, nhiều người con của ngôi làng nhỏ ấy đã ngã xuống trong phong trào Văn thân - Cần Vương chống Pháp.
Cha mẹ tham gia phong trào Văn thân, các anh trai đều thuộc lớp cách mạng lão thành là các ông Phạm Ngọc Trân (Sáu Trân), Trưởng Ty Công an đầu tiên của Quảng Ngãi năm 1945; Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang.
Cụ kể: “Hồi mới 14 tuổi, đêm đêm canh gác cho các anh và đồng chí hội họp mà trong lòng tôi cứ ấm ức rằng, sao các anh không cho mình đi làm cách mạng cùng? Đến khi 16 tuổi, tôi trực tiếp đi rải truyền đơn, dán áp phích chống Pháp và Nam triều, treo cờ đỏ búa liềm trong thôn xóm. Ngày 19-1-1930, tôi cầm cờ chỉ huy cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng của Đảng tại địa phương với hơn 2.000 người tham gia tại huyện Sơn Tịnh và đã giành thắng lợi. Từ đó, tôi càng hăng hái tham gia cách mạng”.
Đến Xôviết 1930-1931, chánh thanh tra mật thám Li-véc-xê thẳng thừng đe dọa: “Tao biết lũ dân Quảng Ngãi nghèo đói chúng bay rất liều mạng, chúng bay có chết cũng chỉ mất cái khố rách nên không sợ súng đạn”.
Đau đầu Tuần vũ lúc khai cung
Được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, ngày 27-7-1931 (âm lịch), Phạm Thị Trinh bị giam vào xà lim tỉnh Quảng Ngãi. Trong hồi ký, cụ viết: “Tuần vũ Nguyễn Bá Trác gọi tôi lên hỏi cung (...) thằng cáo già phản quốc ấy lúc nào cũng cố làm cho mọi người hàng phục hắn và muốn “tẩy sạch 2 tiếng cộng sản” trong đầu óc mọi người”.
Thế rồi cuộc đấu khẩu tay đôi giữa Tuần vũ và cô gái 17 tuổi diễn ra bao lần không kết quả. “Tuần Trác lại đưa tôi xuống bàn giấy để lấy cung nhưng không đi đến đâu. Hắn bèn dùng thủ đoạn dỗ dành ngọt ngào:
- Mẹ con bây giờ đói không ai nuôi lại cũng bị bắt lên bắt xuống nhiều lần và buồn rầu vì thằng Kiệt (tức Trung tướng Phạm Kiệt - PV) bị kết án tử hình, thằng Trân (tức Phạm Ngọc Trân - PV). Con khai đi, con vạch mặt mấy thằng lừa phỉnh con. Quan thương con vì con nhỏ, quan sẽ cho con về với mẹ con...”.
Dụ dỗ không được, Phạm Thị Trinh được đưa đến dinh Nguyễn Đình Chi - Án sát tỉnh Quảng Ngãi - hỏi cung và tra tấn.
“Chúng treo tôi lên và đánh, tôi kêu gầm lên: “Các ông văn minh thật! Nước Pháp bảo hộ nhân đạo thật! Tôi là con gái 16-17 tuổi mà các ông tra tấn dã man như vậy”. Về sau tôi réo lên tên Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chi, Ly-véc-xê: “Chúng bay là bọn vô nhân đạo, là lũ giết người mượn danh bảo hộ, lừa phỉnh nhân dân, bay tra tấn trẻ con mà dám nhận là văn minh à?”.
Sau một thời gian, Án sát Nguyễn Đình Chi trả Phạm Thị Trinh về dinh Tuần vũ Nguyễn Bá Trác. “Lần này, tên Trác gặp tôi vẫn giở giọng dụ dỗ. Hắn nói:
- Con không có học nên không biết gì. Con còn nhỏ, đừng nghe chúng nó lừa phỉnh. Con làm cách mạng mà thời thế chưa đến thì không bao giờ thành công được.
Tôi biết tên Trác trước đây từng xuất dương, sau phản bội, chúng cho làm quan nên tôi nói:
- Tôi còn nhỏ, không có học thức nhưng không như những người “học thức rộng”, “tài năng” nhiều mà đầu hàng giặc.
Tên Trác nghe tôi nói đến chỗ đó tái mặt, từ đó hắn không gọi tôi lên nữa”.
Khi Đội du kích Ba Tơ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa (tháng 3-1945), Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Phạm Thị Trinh đã trao thanh gươm cho Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ - Nguyễn Chánh - cũng chính là chồng cụ.
Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi thành công ngày 30-8-1945, Phạm Thị Trinh là phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. Năm đó, người phụ nữ quê hương núi Ấn, sông Trà mới 31 tuổi.
Nghĩa nước tình nhà
Chồng cụ Phạm Thị Trinh vốn là người bạn tù cùng nhau họa thơ - tướng Nguyễn Chánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong hồi ký của mình, cụ Phạm Thị Trinh có viết: “Hôm nay anh đi nhận huân chương của Đảng, Chính phủ tặng”. Rồi anh mở chiếc hộp nhỏ ra nói:
- Riêng Bác thì Bác tặng anh một cái đồng hồ có khắc tên Bác đây này. Em xem.
Anh nói tiếp:
- Đáng lẽ những huân chương này Đảng tặng cho em thì đúng hơn là tặng cho anh”.
Nghe anh nói thế tôi giật mình thốt lên:
- Anh đừng nói thế, anh thắng giặc thì được Bác Hồ, Đảng khen thưởng chứ em làm được gì mà tặng cho em?
Anh Chánh nhìn tôi rồi chầm chậm nói:
- Anh nói thật, nói những ý nghĩ của anh từ trước tới giờ, nếu trong quá trình hoạt động cách mạng mà không có sự giúp đỡ của em thì anh không được tặng huân chương này.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Huân chương Quân công mà anh Chánh được tặng. Tôi vừa mừng, vừa lúng túng không biết nói gì hơn nên cứ cầm lên để xuống, mở ra rồi đậy lại. Anh Chánh lại nói tiếp:
- Anh nhận huân chương này cảm thấy vinh dự của mình nhưng cũng không bao giờ quên trong đó có công lao của cán bộ và chiến sĩ toàn quân khu đóng góp trong những chiến công thắng giặc.
Nghe anh nói, tôi chợt nhớ, dạo này anh Chánh hay nói với tôi:
- Tuy mình làm việc vất vả nhưng chưa xứng đáng với trách nhiệm của Đảng giao phó, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương là vinh dự nhưng anh hiểu: sự tiến bộ ấy là nhờ đồng đội, nhân dân giúp đỡ.
Thái độ khiêm tốn của anh đã nhắc nhở tôi không được thỏa mãn trong công tác, làm tôi suy nghĩ nhiều hơn về quê hương...
* * *
Tướng Nguyễn Chánh lâm bệnh và mất năm 1957 khi mới 43 tuổi. Bà tảo tần thay chồng nuôi dạy 6 người con nên người có ít nhiều đóng góp cho xã hội.
5 người con của hai cụ là cán bộ Quân đội nhân dân Việt Nam: Thượng tá Nguyễn Chí Trực, Trung tá Nguyễn Ngọc Sương, Đại tá Nguyễn Anh Tường, công nhân quốc phòng Nguyễn Chí Dũng, cựu chiến binh Quân chủng Hải quân Nguyễn Chí Hòa. Có lẽ, cụ Phạm Thị Trinh là một trong những người đầu tiên tự nguyện trả biệt thự cho Nhà nước.
Khi ông Nguyễn Chánh được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Cán bộ (Bộ Quốc phòng), được phân về ở 34 Lý Nam Đế, cả gia đình theo ông về sinh sống tại đây. Năm 1957, ông Nguyễn Chánh qua đời.
3 tháng sau, bà viết đơn gửi Bộ Quốc phòng trả lại ngôi nhà với lý do “đó không phải tiêu chuẩn của tôi” để chuyển về khu tập thể ở chung với mọi người. Biết chuyện, nhiều cán bộ quân đội, kể cả cán bộ phụ nữ, khuyên ngăn bà và các con cứ ở lại nhà 34 Lý Nam Đế.
“Anh Chánh vừa mất, chị đừng làm thế, các cháu nó lo lắng!”, có người chân tình bày tỏ. Dù biết đó là những lời nói chí tình, song bà vẫn tìm mọi cách đề đạt nguyện vọng của mình. Vì vậy, tổ chức đã bố trí cho gia đình về ở khu tập thể 38A Trần Phú.
Cụ Phạm Thị Trinh cùng các con tiếp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ra thăm. |
Không quân Mỹ đánh phá miền Bắc, các con đều đã trưởng thành, có người tham gia bộ đội, có người đi công tác, đi học xa nhà. Một mình ở Hà Nội, vừa làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vừa làm Đại biểu Quốc hội, bà lại xin trả nhà 38A Trần Phú, rồi đến ở ngay tại nơi làm việc trên phố Hàng Chuối.
Hạt ngọc sông Trà
Nghỉ hưu, cụ Phạm Thị Trinh chuyển hẳn ra khu vực ngoại thành ven sông Tô Lịch (nay là phố Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cụ tăng gia sản xuất để tự trang trải đời sống hằng ngày. Tuổi cao, cụ tập dưỡng sinh để giữ gìn sức khỏe, tham gia câu lạc bộ thơ để rèn luyện tinh thần. Rồi cụ viết sách về truyền thống cách mạng, về lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ để con cháu mai sau học tập. Cụ kiệm lời. PGS. TSKH. Nguyễn Tuyết Minh, con gái cụ chia sẻ:
- Tôi chỉ muốn nói một điều trong đời thường, bản chất người cộng sản thể hiện. Quả là cụ chẳng dạy bảo nhiều. Cứ nhìn tấm gương cụ, chúng tôi tự soi mình vào đấy và tự học tập.
Đông con, cụ Trinh dạy các con phương châm sống trong sạch và lương thiện ngay cả khi xã hội đang có nhiều phen chao đảo về giá trị: “Các con khó đến đâu, mẹ hỗ trợ đến đó. Còn khả năng chỉ có thế thì không nên cố tìm một vị trí cao hơn. Như thế vừa khổ mình, vừa khó cho tổ chức, lại tạo nên sự bất công trong xã hội”.
Anh Nguyễn Chí Hòa, con trai út của cụ kể, khi biết tin quê nhà mở đường. Dù được đền bù, nhưng cụ đã viết thư về, hiến toàn bộ phần đất con đường chạy qua cho Nhà nước. Thư hiến đất của cụ Phạm Thị Trinh được phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Ngãi càng khiến cho người dân quê hương thêm cảm phục. Đồng thời, cũng giúp tỉnh tháo gỡ được nhiều khó khăn trong công tác dân vận.
Cuối tuần nào con cháu cũng quây quần về bên ngôi nhà nhỏ của cụ nằm khiêm nhường trong ngõ phố Khương Trung. Bữa cơm đầm ấm càng khiến cụ Phạm Thị Trinh thêm nghị lực sống vui, sống khỏe cùng con, cháu, chắt. Nhiều người ví von rằng, cụ Phạm Thị Trinh được hưởng thiên tước trời ban: Tuổi cao, minh mẫn, con cháu đề huề quây quần.