Một tấm lòng son

Thứ Ba, 31/03/2015, 12:15
Tôi có những lần gặp ông ở công sở, nơi ông có hơn một thập kỷ làm chức vụ Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, với một vẻ nghiêm khắc, luôn vì công việc, người có công lao xây dựng nên một “thương hiệu” mới cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Tôi vẫn nghĩ rằng, với một người như Nhà giáo Ưu tú Ngô Trần Ái, hẳn sẽ là một “ông quan” đầy nguyên tắc, lạnh lùng…Và điều đó đã mặc nhiên được mặc định, nếu như không có một lần tôi tình cờ gặp ông khi ông đang chăm sóc mẹ của mình, cụ bà Trần Thị Huynh với dáng vẻ ân cần, nhẹ nhàng. 

Cách ông “nựng” người mẹ già yêu thương của mình uống một chén thuốc chữa khớp, cách ông “dạ, thưa” lễ phép và đầy biết ơn người mẹ đầu đã bạc trắng vì tuổi tác… khiến tôi bỗng nhớ đến câu châm ngôn của nhà văn Balzac: “Hạnh phúc của người mẹ giống như đèn hiệu, soi sáng tương lai nhưng cũng phản chiếu lên quá khứ trong vỏ ngoài của những ký ức yêu thương”.

Dù đã ở tuổi 93, nhưng với vẻ nhanh nhẹn, minh mẫn và hài hước, cụ bà Trần Thị Huynh, vợ liệt sĩ Ngô Thái, hy sinh năm 1953 trong một trận càn của địch trên sông Tam Kỳ, vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh cướp đi người chồng yêu thương của mình, đất trời như sụp đổ trước mặt, cái thai trong bụng sắp đến này chào đời, lòng quặn đau như thắt vào tim gan. Lúc đó cụ đã ngất đi lúc nào không biết, đến nỗi cụ cũng không biết là dân làng, đồng đội chôn cất chồng mình lúc nào. Cụ đã khóc ròng cả một thời tuổi trẻ và cho đến nay, ở tuổi gần bách niên, cụ vẫn ứa nước mắt mỗi lần nhắc đến câu chuyện về sự hy sinh của người chồng thân yêu.

Nhưng dường như, những giọt nước mắt và những lời nói không đủ để diễn tả được nỗi mất mát của người đàn bà 28 tuổi với hai đứa con thơ và cái thai trong bụng sắp đến ngày chào đời phải chịu đựng cảnh mất chồng, mất cha. Và mạnh hơn thế, là niềm tin vào một ngày hòa bình của đất nước và sự kiên định của một người phụ nữ đất Quảng cộng với sức mạnh và sự bao bọc những đứa con thơ đã giúp cụ gạt nỗi đau mà đứng dậy để chăm lo cho cả phần thiếu hụt mà sắp tới những đứa con thơ của mình sẽ phải chịu để lớn khôn, trưởng thành.

Cụ bà Trần Thị Huynh nhớ lại: “Tôi nhớ năm 1948, khi anh Ngô Thái mới 27 tuổi và tôi mới 24, tôi đã đi theo chồng vào vùng tự do. Đó là những ngày gian khổ nhưng vô cùng hạnh phúc. Gian khổ vì giặc không ngừng bố ráp, máy bay giặc không ngừng ném bom và bắn phá, đời sống vật chất thiếu thốn. Nhưng hạnh phúc là tôi được sống trong tình yêu thương của chồng và của dân làng vùng tản cư. Chồng tôi lúc đó một mình vừa đi dạy ngày hai buổi ở hai trường cách xa nhau bằng những bãi cát dài, có khi bước tới mà tưởng chừng như đang đi thụt lùi. Tuy cực nhọc nhưng anh ấy vẫn luôn luôn vui vẻ, tươi cười, thân ái, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên ai cũng quý mến. Bù lại những tình cảm đó, đến mùa khoai sắn, bà con trong làng thường mang đến từng rổ khoai lang biếu gia đình tôi. Cả làng ai cũng nghèo như nhau, nhưng bù lại, tình cảm thì lúc nào cũng giàu có và dư thừa. Đối với tôi, những ngày tháng ấy nghèo khổ nhưng vui và đó là những ngày tháng quý giá như một vật báu tôi luôn giữ gìn trong tâm can mình”.

Cụ bà Trần Thị Huynh.

Ngày chồng hy sinh, nén lại nỗi đau, cụ tiếp tục sống, làm việc để nuôi hai người con lớn khôn và chờ đợi sự ra đời của người con út. Người con chào đời không kịp nhìn thấy mặt cha mình. Sinh con được nửa tháng, dù sức còn yếu, tay cụ vẫn run run viết đơn xin đi dạy học, vì cụ nghĩ không thể nhờ cậy vào lòng tốt của bà con lối xóm mãi được.

Ông Hồ Huyến, Trưởng Ty Giáo dục tỉnh Quảng Đà hồi ấy đã chấp thuận. Thế là, khi người con trai út vừa tròn tháng, cô giáo Huynh đã đến trường dạy học. Đó là một lớp học cấp 1, nấp dưới những tàng cây rậm, máy bay địch khó phát hiện được. Hàng tháng, bà được các phụ huynh đem đến cho gạo. Những lon gạo tình nghĩa ấy, cụ xay ra, làm bánh tráng, lọn mì đổi lại gạo cho bà con.

Rồi ngày tháng cũng qua mau, bằng sự chắt bóp và tình thương yêu của mình, bà đã cùng 3 người con trai vượt qua những tháng ngày gian khó nhất để chờ mong ngày chiến thắng trở về.

Năm 1954, cụ đem ba người con về quê chồng sinh sống. Cụ tiếp tục đi dạy học, một mặt khi về nhà tăng gia thêm, làm lụng tất cả mọi việc dù nặng nhọc, khó khăn để có thể kiếm đủ tiền nuôi con ăn học. Bởi vì, chỉ có đi học thì  mới thành đạt, nên người.

Cụ bảo, để dạy dỗ các con, cụ đã kìm nén tình yêu thương ủy mị của tấm lòng người mẹ, nghiêm khắc đến độ khắc nghiệt, thậm chí là dùng roi vọt để dạy bảo ba người con trai vốn nghịch ngợm, hiếu động của mình. Giờ đây họ trưởng thành ngoài cả sự mong đợi của cụ, nhưng cụ vẫn luôn bảo ban các con rằng, làm gì, ở đâu cũng luôn luôn ngẩng mặt nhìn đời, đừng bao giờ làm điều gì để hổ thẹn với lương tâm của chính mình cũng như đừng làm phiền lòng người cha là liệt sỹ đã yên nghỉ nơi chín suối. Có nhiều đêm dài thức trắng ngồi một mình ngắm các con chìm trong giấc ngủ say, cụ nhớ chồng, thương chồng, lại càng gắng sức nuôi các con trưởng thành cho đúng tâm nguyện mà thời còn sống người chồng yêu thương đã từng mong muốn.

Nhà giáo Ngô Trần Ái là một người con có hiếu khi đã hiểu được tấm lòng người mẹ, nối nghiệp nghề giáo của gia đình. Khi cha mất, cậu bé Ngô Trần Ái mới 4 tuổi. Dù tuổi nhỏ nhưng ông không bao giờ quên được giây phút cuối cùng được gặp cha của mình trong sự tiếc nuối, những tiếng khóc than của những người xung quanh. Cả tuổi thơ nhọc nhằn và mất mát là động lực cho ông trên con đường đã chọn sau này. Giúp ông trở thành một nhà giáo ưu tú, từng nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Những lời khuyên bảo của bà cụ thân sinh đã là ngọn đèn dẫn dắt ông trong suốt cả chặng hành trình đã qua của cuộc sống, từ thời còn là thầy giáo giảng dạy tại Trường THPT Hòa Vang (Quảng Nam), điều mà ông tâm niệm vẫn là muốn làm những bộ sách giáo khoa tốt nhất với giá thành hợp lý cho mọi thế hệ học sinh. Bởi vì ông thấm đẫm cả một tuổi thơ nhọc nhằn của những đứa trẻ nơi làng quê nghèo khổ, khi ông và hai người em dùng chung một bộ sách giáo khoa suốt cả những năm tháng học trò, vì mẹ làm lụng vất vả không đủ dư giả để mua cho mỗi anh em một bộ sách mới vào năm học.

Những cuốn sách cũ mèm cứ vọng về một tuổi thơ nghèo mà ấm áp. Làm sách giáo khoa thế nào để có nội dung giáo dục, thẩm mỹ tốt nhất cho các em học sinh và giá cả hợp lý nhất cho các bậc phụ huynh... thực sự là một điều khiến ông trăn trở. Bởi vì ông hiểu rằng, trên đất nước chúng ta, vẫn có nhiều gia đình nghèo khó, nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhiều đứa trẻ không được đến trường, nhiều em không có được một quyển sách mới vào năm học.

Những lúc đó ký ức tuổi thơ, những hình ảnh về người mẹ thân yêu, hình ảnh về người cha đã hy sinh cùng các em hồi còn thơ bé của ông lại trở về trong ký ức. Đã có những lúc ngồi tâm sự về tuổi thơ, tôi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má ông, những giọt nước mắt mặn mòi của tình yêu thương, của lòng trắc ẩn, của một người luôn hướng thiện và luôn mong muốn những điều tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

Điều may mắn lớn nhất của ông là có được người vợ hiền đảm đang, cô giáo Đoàn Phùng Thúy Liên. Bên cạnh người mẹ tảo tần khuya sớm ngày đêm vẫn dõi theo từng bước đi của con trai, thì bóng dáng của người vợ đảm đang, hiền hậu, một người phụ nữ yêu chồng thương con, người đã luôn ở bên cạnh ông từ những ngày đầu gian khó, cùng ông chia ngọt sẻ bùi và cùng ông vượt qua bao chông gai, vất vả trên con đường lập nghiệp. Bà đã là một hậu phương vững chắc, một chỗ dựa về tinh thần để ông yên tâm theo đuổi niềm đam mê của mình.

Có những thời điểm, chồng đi công tác xa, lâu ngày, một mình bà, vừa làm tròn công việc ở trường học, vừa chăm sóc các con. Những vất vả khó khăn một mình bà chịu. Chưa bao giờ bà để cho ông phải suy nghĩ hay vướng bận chuyện gia đình, con cái, đối nội đối ngoại, để nhà giáo Ngô Trần Ái yên tâm đến cùng vì sự nghiệp xuất bản.

Mỗi lần nhắc đến vợ, nhà giáo Ngô Trần Ái đều kể về bà với một niềm tự hào và đầy yêu thương, như thể thay lời cảm ơn vì bà đã đến với cuộc đời ông. Cô giáo Đoàn Phùng Thúy Liên chia sẻ: “Đã là phụ nữ và là vợ của một người có chức vụ, có trách nhiệm với công việc, thì người nào cũng chịu nhiều áp lực, vì có nhiều bổn phận: làm dâu trưởng, là người vợ, người mẹ của các con (nay là bà của 6 đứa cháu), là chị cả trong một gia đình đông anh em. Đối với người phụ nữ, bổn phận là câu chuyện dài, có vui, có buồn.

Nhưng tôi đã đọc đâu đó một câu nói rất hay: “Bổn phận là con đường một chiều, đi mãi, cho mãi là hạnh phúc”. Tôi thấy mình hạnh phúc với bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Tôi có một người mẹ chồng đầy nghị lực trong cuộc sống, cụ đã một mình chống chọi lại tất thảy những biến cố của cuộc đời từ năm 28 tuổi, nuôi dạy các con nên người, chịu đựng mọi nỗi đau, nỗi mất mát để có một ngày tươi sáng, ấm áp. Tôi học được ở cụ lòng nhân ái, cụ thương người lắm bởi vì trong cuộc đời cụ đã được hàm ơn nhiều người. Chúng tôi học được ở mẹ lòng trắc ẩn, bởi vậy chúng tôi vẫn đến khắp nơi trên mọi miền tổ quốc để làm từ thiện với một tấm lòng thiện nguyện để giúp đời, giúp người, đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội”.

Cụ Trần Thị Huynh đã bước sang tuổi 93 nhưng nhắc lại chuyện cũ, cụ bảo, đôi khi, biết là một mình thì cần ý chí, cần sự kiên định, cần nghị lực sống để chở che các con, nhưng cụ vẫn không hiểu vì sao mình lại vượt qua một chặng đường dài, hơn một nửa đời người, với nước mắt và những gian nan tưởng không bao giờ có thể vượt qua được.

Cụ nói trong những giọt nước mắt lưng tròng chắt chiu của tuổi già. Bàn tay gân guốc của cụ hằn lên những đường gân nhọc nhằn của những tháng năm gian khổ, vất vả và đầy nỗi đau tinh thần. Cụ bảo, trong mọi sự may mắn mà chặng đường vừa qua cụ đã gặp được, có lẽ ngoài một tình yêu lớn, ở một chân trời xa xôi, người chồng liệt sĩ vẫn dõi theo cụ và các con để phù hộ độ trì và mỉm cười khi thấy vợ con bình an, phương trưởng…

Huy Tuấn
.
.