Một người chân chính

Thứ Bảy, 29/08/2009, 11:03
Trưởng thành trong lò lửa đấu tranh cách mạng, Trung tướng Lê Quang Đạo xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù ở cương vị công tác nào, Lê Quang Đạo cũng đã làm hết mình vì sự nghiệp chung. Lúc hoạt động bí mật trong lòng địch, sự mưu trí dũng cảm kiên cường đã thắng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.

Dấn thân từ thuở thiếu thời…

Làng Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nơi sinh ra tám vị vua đời Lý, thế kỷ XX, đã sinh cho đất nước một người con ưu tú Lê Quang Đạo. Tại Trường Tiểu học làng Đình Bảng, Nguyễn Đức Nguyện (tên khai sinh của Lê Quang Đạo) nổi tiếng là học trò giỏi. Năm 1938, khi đương học Trường Thăng Long Hà Nội, được tiếp xúc với không khí cách mạng ở Thủ đô, người thanh niên Nguyễn Đức Nguyện đã bắt đầu bước vào con đường hoạt động bằng những việc làm đầu tiên là vận động người dân đi học.

Một đám rước đèn mà thực chất là một cuộc tuyên truyền chủ trương của Đảng, của Mặt trận Dân chủ. Sau năm 1940, Lê Quang Đạo bắt đầu thoát ly hoạt động và công tác của người thanh niên cộng sản này ở tầm cao hơn.

Ông Nguyễn Đức Nghiêm, người em trai duy nhất của ông nhớ lại: "Nhiều lần quan huyện đưa lính về khám nhà tôi, thầy đẻ tôi bị bắt lên trình diện về sự vắng mặt của anh…".

Năm 20 tuổi, Nguyễn Đức Nguyện đã là Bí thư Chi bộ xã Đình Bảng, sau đó là Bí thư Ban cán sự tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc và là xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ… Mới 25 tuổi đời người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Nguyện đã giữ các chức vụ quan trọng: Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông… Năm 1949, khi chưa đầy 30 tuổi ông giữ chức vụ Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.

30 tuổi, Lê Quang Đạo bắt đầu chuyển công tác vào trong quân đội và bắt đầu chặng đường hơn một phần tư thế kỷ dày dạn trong lò lửa chiến tranh cách mạng. Biết bao trọng trách đã đi qua đời hoạt động cách mạng của ông: Cục trưởng Cục Tuyên huấn quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch Điện Biên phủ, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chính ủy mặt trận Quảng Trị… Cuộc đời hoạt động oanh liệt và vẻ vang của Lê Quang Đạo có thể nói như một cuốn tiểu thuyết lãng mạn và vô cùng hấp dẫn.

Dấn thân làm cách mạng từ thuở thiếu thời, người thanh niên gốc quê hương phát tích nhà Lý ấy đã sớm nuôi trong mình dòng máu anh hùng. Từ những năm hoạt động bí mật nhiều gian nguy đày ải cho đến những năm khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng, Lê Quang Đạo luôn sống và chiến đấu với khí phách người cộng sản trẻ tuổi. Không một trở lực nào ngăn được bước chân người cán bộ quân đội nhân dân anh hùng.

Tình yêu và cách mạng 

Cuộc đời hoạt động sôi nổi những ngày đầu cách mạng ở Hà Nội đã đưa đôi trai tài gái sắc đến với nhau. Chị là Nguyệt Tú, là ái nữ của nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh; còn anh là Bí thư Thành ủy Hà Nội trẻ tuổi. Lần đầu gặp nhau nào ai dám nói lời yêu. Họ bối rối làm quen và rồi sau đó phải nhờ đến "mai mối" của tổ chức, mà những người nhận trách nhiệm "ông tơ bà nguyệt" ấy không ai khác là ông Lê Đức Thọ, sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và cả bà Lê Thị Xuyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sau này…

Ngôi làng có tên làng Trinh Tiết bên bờ sông Đáy nơi cơ quan Thành ủy Hà Nội đóng đã trở thành điểm hẹn của đôi uyên ương. Trong căn buồng của một nhà dân, họ lần đầu được bố trí cho gặp gỡ nhau. Khi anh kéo người yêu vào lòng thì cũng là lúc giường bên có tiếng ho, làm cách trở câu chuyện đương hồi mặn nồng.

Bà Nguyệt Tú nhớ lại đêm ấy bà đã chép tặng người yêu bài thơ "Đợi anh về" của Ximônốp. Lời hẹn năm năm sẽ cưới nhau của Nguyệt Tú đã được Lê Quang Đạo chấp thuận, nhưng… Bà Nguyệt Tú viết: Sau khi chia tay anh, tôi cảm thấy áy náy, lo mất anh. Có ngày tôi viết cho anh hai lá thư liền… "Anh Đạo! Xa anh nhiều lúc thấy nhớ thương anh. Mong anh luôn mạnh và vui hơn, công tác tiến bộ. Yêu anh. Chỉ mong có thế. Anh đừng nghĩ quẩn quanh và buồn lúc xa nhau. Anh hiểu Tuệ yêu anh là đủ…".

Thế rồi cái đám cưới lịch sử trong những ngày hoạt động bí mật đã được tổ chức, mà chủ hôn là ông Lê Đức Thọ. Căn phòng nhỏ được bài trí đơn sơ, có hoa rừng cắm vào cái cốc thủy tinh. Chú rể trong bộ đồ nâu giản dị, còn cô dâu thì mượn được cái áo nâu mới của chị Hoàng Ngân - Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc, nguyên là chỉ huy Đội Du kích Hoàng Ngân nổi tiếng đường số Năm, chiếc quần lụa đen thì mượn của chị Bội Hoàn. Mọi người xúm vào chúc tụng đôi uyên ương mới…

Đêm ấy trong căn nhà lá mượn của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trân (sau này là Bí thư Thành ủy Hà Nội), họ đã có một đêm hạnh phúc. Chị Nguyệt Tú nằm ép sát vào chồng, một đêm bình yên ấm áp… Rồi tiếp đó là những ngày tháng xa nhau vì công tác, người lên Việt Bắc, người trở lại Hà Tĩnh sinh con và học tiếp ở Trường Huỳnh Thúc Kháng… Họ đã có với nhau bốn người con, ba trai một gái.

Mối tình đầu tiên ấy đã cùng họ đi suốt chặng đường hơn 50 năm có lẻ cho đến ngày chung cuộc khi ông vĩnh viễn ra đi ở tuổi 78. Bà Nguyệt Tú, người con gái yêu của nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh đã dành trọn tình yêu cho người chồng rất mực yêu thương chung thủy. Bà từng là phóng viên Báo Nhân Dân, Báo Phụ nữ Việt Nam, Giám đốc NXB Phụ Nữ…

Một cuộc đời hoạt động quên mình

Trưởng thành trong lò lửa đấu tranh cách mạng, Trung tướng Lê Quang Đạo xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù ở cương vị công tác nào, Lê Quang Đạo cũng đã làm hết mình vì sự nghiệp chung. Lúc hoạt động bí mật trong lòng địch, sự mưu trí dũng cảm kiên cường đã thắng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù. Con người mà thực dân Pháp gọi là ông "Đốc lý đỏ" đã vào sinh ra tử xông pha khắp các địa bàn, coi khinh sự hiểm nguy cũng như cái chết luôn rình rập cận kề.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã kể lại chuyện Lê Quang Đạo thoát hiểm ở nhà Vũ Quốc Uy gần hồ Trúc Bạch. Bữa ấy anh mặc bộ quần áo cánh vải đã cũ. Khi bước vào căn nhà quen thuộc bỗng  thấy ở phòng khách có hai tên mật thám Pháp. Nhưng chúng chỉ nhìn anh rồi ngồi yên, có lẽ chúng ngỡ anh là gia nhân hay đầy tớ vì vóc người anh nhỏ thó lại mặc bộ đồ xuềnh xoàng. Linh tính báo anh biết có điều chẳng lành đương rình rập. Ngay lập tức anh đi vào nhà trong và nhanh nhẹn trèo tường vượt ra ngoài. Khi đã thoát hiểm anh vẫn còn nghe tiếng hai tên mật thám léo nhéo ở sân trong.

Trong công tác, tác phong gần gũi, chân thành, thẳng thắn và nghiêm khắc luôn tạo cho Lê Quang Đạo một uy tín lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết: "Bản thân Lê Quang Đạo là một con người tiêu biểu cho phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ". Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung như Bác Hồ từng dạy…".

Thật vậy, "suốt 28 năm trong quân đội, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng, và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hoá xuất sắc của quân đội và của Đảng"… Người Chính ủy mặt trận liên tục nhiều năm ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng chí đồng đội.

Anh xuất hiện trong vai trò Chính ủy vào những thời điểm cam go nhất của cuộc chiến đấu: Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Điện Biên, rồi sang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước thì đó là Chính ủy của mặt trận đường 9 - Nam Lào, mặt trận Quảng Trị và sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Chiến tranh kết thúc, Trung ương điều động Trung tướng Lê Quang Đạo ra ngoài quân đội đảm trách những công việc nặng nề. Chính trong khoảng thời gian hai thập niên cuối đời mình, Lê Quang Đạo đã phát  huy tài năng và phẩm chất cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong hoà bình… Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Lịch sử sẽ ghi nhớ con người có công lớn trong công cuộc đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội và của Mặt trận dân tộc thống nhất…". Tấm gương về đạo đức và sự trung thành của Lê Quang Đạo đã được ngợi ca nhiều sau khi ông mất.

Còn nhớ lần chuẩn bị nhân sự cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV, ông Ba Nghĩa, tức Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, khi được xin ý kiến đề xuất người kế nhiệm ông, vị Chủ tịch đã có sự lựa chọn khá dứt khoát: "Hiện giờ không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Anh Đạo rất xứng đáng"…

Về phía mình, vì đặt lợi ích chung lên trên hết, Lê Quang Đạo đã bày tỏ ý kiến một cách hết sức chân thành: "Tôi tha thiết mong muốn có được một vị nhân sĩ trí thức ở phía Nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh như anh Ba Nghĩa hay được gần như anh Ba Nghĩa ở trọng trách này".

Những năm cuối đời với cương vị của mình, Chủ tịch Lê Quang đạo đã làm hết sức mình ở cương vị Chủ tịch Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Người cộng sản ấy đã cống hiến sức mình cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc đến phút chót. Viết về Lê Quang Đạo sau khi ông mất, đồng chí Nông Đức Mạnh khi ấy là Chủ tịch Quốc hội đã có những câu cảm động: "Có thể nói hiếm người được như Anh: một ý nguyện không đổi thay, một tấm lòng nguyên như lúc ban đầu…".

Mười năm nhân ngày mất của Chủ tịch Lê Quang Đạo, ngồi viết những dòng này trong tôi dậy lên một tình cảm yêu mến đối với ông - một con người chân chính, một nhà cách mạng chân chính, một nhà hoạt động chính trị xã hội xuất sắc trong thời đại Hồ Chí Minh

Tân Linh
.
.