Một liệt sỹ Cần Vương làng Quỳnh Đôi

Thứ Năm, 26/06/2008, 08:00
Đó là liệt sĩ, Lang trung Bộ Binh Phan Duy Thanh (1830 - 1885) quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là một trong những người được cụ Tôn Thất Thuyết - linh hồn của phong trào Cần Vương tin dùng.

Với phong trào "dân ta phải biết sử ta", hình như việc dạy sử trong các nhà trường có được cải tiến. Một dẫn chứng là, khi dạy về phong trào Cần Vương, cô giáo giao bài về nhà cho học sinh: "Em hãy kể về cuộc đời một liệt sỹ Cần Vương gắn với quê hương mình, hoặc mình hiểu rõ nhất".

Con trai tôi vốn không giỏi sử, đành hì hục lên mạng tìm thông tin. Việc tìm kiếm này làm cho nó thích thú hơn là mở sách học vẹt. Không yên tâm, nó nhờ tôi tìm thêm. Và thế là nhờ cái đề sử ấy, mà chúng tôi có dịp hiểu thấu đáo hơn về một nhân vật cùng quê hương, dòng tộc với mình.

Đó là liệt sĩ, Lang trung Bộ Binh Phan Duy Thanh (1830 - 1885) quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là một trong những người được cụ Tôn Thất Thuyết - linh hồn của phong trào Cần Vương tin dùng.

Linh hồn của phong trào Cần Vương: Tôn Thất Thuyết

    "Nước ta quan tướng anh hùng
Bá quan văn võ cũng không ai tày".

Quan tướng đây là Tôn Thất Thuyết. Nhân dân đã ca ngợi ông qua những lời trên, trích trong "Vè thất thủ kinh đô". 30 tuổi, Tôn Thất Thuyết đã là án sát tỉnh Hải Dương. 12 năm sau, do có nhiều công lao chinh chiến, ông được triều đình Tự Đức phong chức Thượng thư Bộ Binh, và sau đó 2 năm - ông là Đệ tam Phụ chính đại thần.

Lúc này, thực dân Pháp đã chiếm xong Nam Kỳ và đang âm mưu thôn tính cả nước. Triều đình nhà Nguyễn nhiều người chủ hoà, đầu hàng. Sau Hiệp ước Patơnốt năm 1884, triều đình đã dâng nốt Trung Kỳ và Bắc Kỳ cho thực dân Pháp. Tôn Thất Thuyết kiên trì chủ chiến và tích cực chuẩn bị lực lượng vật chất và tinh thần để chống Pháp.

Đặc biệt, dưới thời vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết thực sự trở thành cái gai mà người Pháp muốn nhổ ngay lập tức. Để giành thế chủ động, ông đã ra tay trước bằng cuộc tấn công Pháp tại Huế vào đêm 4/7/1885. Cuộc tấn công thất bại, kinh thành thất thủ. Sau đó, ông đã đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Tân Sở ở Quảng Trị, thay mặt vua hạ Chiếu Cần Vương ngày 13/7/1885.

Người Pháp treo giải 2.000 lạng bạc cho ai nộp đầu Tôn Thất Thuyết, và 500 lạng bạc cho ai bắt được vua Hàm Nghi. Sau khi giúp vua xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp đặt tại Hương Khê (Hà Tĩnh), Tôn Thất Thuyết đã để cho hai con trai mình tiếp tục duy trì "Triều đình Hàm Nghi" chống Pháp. Còn ông thì lên đường, qua một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hoá,… vừa để gây dựng và phát triển phong trào, vừa tìm đường sang cầu viện nhà Thanh giúp Việt Nam đánh Pháp. Việc cầu viện không thành, nhưng Tôn Thất Thuyết đã tranh thủ mua sắm vũ khí, đạn dược về cho nghĩa quân và tổ chức từ xa các hoạt động kháng Pháp.

Có thể nói, với 12 năm kiên cường chiến đấu chống Pháp (1885 - 1896), phong trào Cần Vương đã thu hút được đông đảo văn thân, sĩ phu yêu nước. Ngọn lửa kháng Pháp nhanh chóng được thổi bùng và lan rộng từ cực nam Trung Bộ, trải dài tới biên giới Việt - Trung và lan rộng tới biên giới Việt - Lào.

Lang trung Bộ Binh Phan Duy Thanh - một người được Tôn Thất Thuyết tin dùng

Nói đến phong trào Cần Vương ở Nghệ An, người ta hay nhắc tới cụ Nghè Nguyễn Xuân Ôn. Ít người biết đến ông Phan Duy Thanh như một đồ đệ trung thành của Tôn Thất Thuyết. Khi cụ Tôn là quan Thượng thư Bộ Binh (ngang hàm Bộ trưởng), thì ông Phan là Lang trung Bộ Binh - một chức quan tứ phẩm của triều đình Tự Đức (ngang với Cục trưởng bây giờ).

Bất bình trước sự yếu hèn của triều đình nhà Nguyễn, năm 1885 ông từ quan về quê, trước khi kinh thành thất thủ. Tháng 7 hạ Chiếu Cần Vương, thì tháng 8 năm ấy, cụ Tôn về Quỳnh Đôi bàn định việc Cần Vương. Được liên lạc mật báo tin này, ông Phan Duy Thanh bố trí đón tiếp cụ Tôn ở nhà thờ cụ tán lý Dương Doãn Hoài, người mà hơn 10 năm về trước đã cùng cụ Tôn phối hợp chỉ huy trận Cầu Giấy giành thắng lợi.

Biết tính "thủ trưởng" cũ của mình, ông Phan đã cùng con trai cụ Dương Doãn Hoài vận động các gia đình phân tán hết trâu, bò, lợn, gà, chó, mèo và diệt cả dế mèn, để giữ sự yên lặng tuyệt đối cho cụ Tôn suy nghĩ việc Cần Vương trong những ngày đêm lưu trú ở đây. Cùng bàn việc nước, ngoài hai ông họ Phan và họ Dương còn có cử nhân tri huyện Hương Khê Hồ Phi Tự. Bàn xong việc xây dựng làng chiến đấu, nhen nhóm ngọn lửa khởi nghĩa, thực hiện hịch Cần Vương, cụ Tôn về lại Hương Khê, gặp tướng quân Phan Đình Phùng.

Cụ Tôn đi rồi, bên tai ông Phan như vẫn còn văng vẳng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi: "Cứu nguy chống đỡ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại được bờ cõi chính là cơ hội này; phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau, há chẳng phải tốt lắm ư?". (Theo "Thơ văn Nguyễn Quang Bích").

Ông Phan nằm trong Bộ chỉ huy cuộc chiến đấu của hơn 200 thanh niên nghĩa dũng bảo vệ làng. Tháng 11/1885, một đội quân tay sai được Pháp trang bị súng ống, đã hung hãn đánh phá Quỳnh Đôi. 80 nghĩa sĩ của làng, trong đó có ông Phan Duy Thanh, đã hy sinh anh dũng.  

Như những người con của làng Quỳnh Đôi - Ông Phan không chỉ anh dũng, nghĩa khí trước quân xâm lược, mà còn giỏi giang việc học, trung nghĩa đạo làm người. Bốn lần đỗ tú tài, năm 1864 ông đỗ cử nhân, được bổ nhiệm làm Giáo thụ phủ Bình Giang (Hải Dương); làm tri huyện, tri phủ ở Quảng Bình, Bình Định; làm Đốc học ở Quảng Bình, rồi Lang trung Bộ Binh, thị giảng học sĩ. Tác phẩm của ông, về triết học có "Ngũ luân kim kinh lục" - khuyên răn đừng tham tiền, rượu, gái, và "Tam học châm" - gương sáng về đạo luân thường. Về sử học, có "Cổ danh thần sự tích", về xã hội học có "Quan phạm".--PageBreak--

Không chỉ viết sách để răn đời, trong cuộc sống hàng ngày, ông đã sống và dạy vợ con sống thanh liêm như vậy. Sách "Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương bên" còn ghi lại: "Nhà đói như chùi, lương tiền không đủ ăn, bà vợ chịu khổ đi vay tạm cho đủ ăn hàng ngày. Người ta thường biếu quà nhưng ông không lấy, làm quan không ăn của dân".

Học trò ông nhiều người thành đạt. Ba con trai của ông đều đỗ cử nhân như ông. Được thế là nhờ phúc thanh liêm của ông Phan. Ông là một trong "Quỳnh Đôi tứ hổ" - đại diện ưu tú cho bốn dòng họ Phan, Hoàng, Lê, Hồ. Nhà thờ ông có câu đối do học sinh cung tiến: "Làm quan thanh đạm hằng mong ước. Làm thầy không những giỏi văn chương".

Kẻ giỏi văn, người theo nghiệp võ, con cháu ông nhiều người đã thành danh trong sử sách. Một trong ba người con trai của ông là Phan Duy Phổ, hai lần đỗ Phó bảng. Đỗ đạt rồi, ông Phổ không ham công danh, cáo bệnh không ra làm quan, chỉ chuyên chú vào việc dạy học. Nối chí cha, ông cũng tích cực tham gia phong trào Cần Vương.

Con gái ông Phan Duy Thanh là bà Phan Thị Liễu - thân sinh nhà cách mạng lỗi lạc Hồ Tùng Mậu. Con rể ông là Hồ Bá Kiện - người vừa tổ chức các chuyến xuất dương du học, vừa chỉ đạo các cuộc quyên tiền cho Qũi Duy Tân Hội. Ông Kiện bị bắt và bị thực dân Pháp đày đi Lao Bảo. Tại đây, ông tổ chức phá ngục, cướp vũ khí, cùng các bạn tù vào rừng lập căn cứ địa. Năm 1915, ông hy sinh ở vùng biên giới Việt - Lào. Tên tuổi ông Hồ Bá Kiện được ghi trang trọng trong "Việt Nam nghĩa liệt sĩ" .

Chỉ 5 năm sau khi Hồ Bá Kiện hy sinh, con trai ông là Hồ Tùng Mậu (và là cháu ngoại cụ Phan Duy Thanh) đã tiếp nối truyền thống gia đình, bí mật xuất dương. Bà con làng Quỳnh Đôi chưa biết rộng tin này, nhưng những người tâm huyết đã thì thầm với nhau: Anh cu Cự (tên cúng cơm của Hồ Tùng Mậu) đi trót lọt rồi!

Khi rời Quỳnh Đôi để lên đường xuất dương, Hồ Tùng Mậu chưa phải là đảng viên của một tổ chức cách mạng nào, nhưng sau đó 3 năm (1923), ông là người sáng lập ra Tâm Tâm xã. Và đến năm 1925, ông là một trong những trợ thủ chính của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Dòng tộc cụ Phan sau này đều đóng góp cho đất nước những liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, những Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Chuyện của dòng tộc cụ Phan cũng chỉ là chuyện của một trong rất nhiều dòng tộc bất khuất của làng Quỳnh Đôi - một cái làng mà ngay từ thế kỷ XV đã có nhiều người tham gia các phong trào yêu nước.

Anh hùng và văn hiến, làng Quỳnh Đôi xưa đã tự hào với câu ca: "Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi". Với hơn 600 năm lịch sử, hương ước và các khoán ước của làng đã đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trân trọng người tài: "Tháng giêng ngày mồng hai… ai có thầy học thì đến nhà thầy lễ Tết, không kể thầy còn sống hay đã chết", "Ai đậu Tam khôi, Tiến sĩ, Văn hội phải đi đón để tỏ ý trọng đạo Thánh hiền, quí người văn học đậu đạt".

Chính nhờ những chính sách đó mà từ giữa thế kỷ XV đến lúc bỏ chữ Nho (1918), làng Quỳnh Đôi có khoảng 1.000 người đậu từ tú tài cho đến tiến sĩ. Quỳnh Đôi là quê hương của các nhà văn nổi tiếng như Hồ Sĩ Đống, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Toái…

Từ năm 1945 đến nay, làng Quỳnh Đôi có gần 100 tiến sĩ và thạc sĩ, có hàng chục phó giáo sư, giáo sư, viện sĩ. Từ xưa, Quỳnh Đôi đã nổi danh, vì không hiếm trường hợp "một nhà ba trạng nguyên ngồi".

Ở làng Quỳnh Đôi, người ta hay nhắc đến một gia đình có 3 giáo sư, 2 viện sĩ quốc tế, với các tên tuổi khá nổi tiếng, là GS.TS.NGND Phan Cự Nhân, GS.VS. NGND Phan Cự Đệ, GS.VS Phan Cự Tiến. Đó là chắt 4 đời của cụ Phan Duy Thanh. Hay như trường hợp chút ngoại 5 đời của cụ Phan là hai anh em ruột Hồ Anh Dũng, Hồ Đức Việt, đều là đại biểu Quốc hội trong một khoá.

Truyền thống văn hiến, truyền thống yêu nước, trọng đạo nghĩa của làng Quỳnh cũng là bản sắc đặc thù, tạo nên sức sống bất diệt của cái làng Việt Nam suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Năm Chính hoà 23, Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích trong thư gửi về làng có viết: "Ăn ở với nhau cốt lấy thuận hoà làm đầu… lúc nào cũng lấy lễ nghĩa làm trọng hậu". Phép ứng xử nhân nghĩa phải bắt đầu từ những người có quyền lực. Lệ làng nghiêm trị những kẻ "cậy quyền thế ức hiếp con em làng", cậy mình có sức khoẻ mà hà hiếp người nghèo". "Khoán ước" của làng lấy công bằng, dân chủ làm trọng "Làng theo lẽ công mà xử, cốt thuận lòng người là hơn. Còn việc đút lót lễ vật để mong đảo lộn phải trái, làng cho là xấu, đáng hổ thẹn…". "Làng bàn việc gì phải hay không, thì phải nói ngay khi mọi người đông đủ ở đình, ở đình không nói gì, về nhà đem chuyện ra bàn bạc nơi ăn uống cỗ bàn, phỉ báng người đương sự thì phải phạt".

Chuyện liệt sĩ Cần Vương Phan Duy Thanh là chuyện của một làng. Chuyện làng Quỳnh Đôi là chuyện của nhiều làng Việt Nam với truyền thống và lịch sử đáng để cho hậu thế suy ngẫm

Phạn Quỳnh Anh
.
.