Mối tình cuối cùng của danh họa Trần Văn Cẩn

Thứ Ba, 11/09/2007, 09:00
Họa sỹ Trần Văn Cẩn không lập gia đình, sống đồng hành với nỗi cô đơn thường trực. Cô bé Trần Thị Hồng, xa quê hương, không gia đình, tâm hồn lúc này cũng đang chống chếnh một nỗi đau mất mát. Họ đến với nhau để cho cuộc đời đầy đơn độc của cả hai được bao bọc và chia sẻ.

Ngõ phố số 10 Nguyễn Thượng Hiền khiêm nhường và lạ quen như muôn ngàn ngõ nhỏ khác trên phố phường Hà Nội, ẩn mình trong dòng chảy cuồn cuộn và đông đúc của phố xá. Nơi đây ít nhất có 3 danh nhân đất Việt sinh sống, làm việc, nổi tiếng: danh họa Trần Văn Cẩn, nhà thơ Tế Hanh, nhà văn Nguyễn Văn Bổng...

Tôi tần ngần sau cánh cửa tôn đã xỉn đen vì thời gian trên tít lầu 3 của khu số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Lầu 3 có ba căn hộ, những khung cửa gỗ sạch sẽ và láng mịn sáng bóng lên dưới ánh sáng ban ngày.

Duy nhất cánh cửa phía bên tay trái ngay lối lên của cầu thang là vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của cuộc sống thời bao cấp cách đây mấy chục năm. Có vẻ như chủ nhân của ngôi nhà muốn giữ lại sự cũ kỹ, cổ lỗ quen thuộc của nó như một cách để níu giữ những ký ức.

Ở trên cánh cửa đó đóng một chiếc đinh đã han gỉ, trên đinh móc một đoạn dây thép cũng gỉ đen, trên dây thép treo lủng lẳng một cuốn lịch đã sờn cũ và cây bút bi cài sẵn. Tôi lật giở những tờ lịch ố màu. Hình như, đã từ lâu, trên đó không còn ghi lại những lời nhắn nhủ của người đi, kẻ ở phía sau cánh cửa kia... Những tờ lịch trống không cong lên khô khốc trong cái nắng tháng 7. Tôi đang đứng trước ngôi nhà của cố danh họa Trần Văn Cẩn.

Ngôi nhà có nút chuông, giật thót mình bởi tiếng chuông phát ra như một cơn gió khàn chạy rè rè phát ra từ phía sau cửa. Ngó lên, ôi cái chuông! Hẳn nó đã ở đây, kiêu hãnh trấn ngự trên cánh cửa này từ lẩu lâu lắm rồi, ngay cả khi chủ nhân đã đi xa.

Người đàn bà phía sau cánh cửa xuất hiện. Mái tóc ngang vai đen nhánh xõa đầy, đôi mắt to hun hút một nỗi buồn không cầm chừng được. Căn nhà cũ kỹ và bừa bộn. Đi qua cái ngổn ngang của bếp núc ngay cửa ra vào là căn phòng còn bề bộn hơn với đủ loại hòm xiểng trong đó chất đầy những bức tranh, tượng, bình phủ đầy bụi. Trên tường là những bức tranh đồ sộ của danh họa Trần Văn Cẩn đóng khung mạ vàng, trang nghiêm và im lặng cùng với những sợi tơ nhện thời gian đã giăng giăng.

Người đàn bà xoay xở trong căn phòng chật ních những kỷ vật, chồng chất những kỷ niệm với người tình quá cố, người đàn ông duy nhất bà sống theo nghĩa vợ chồng.

Người đàn bà ấy chính là nhà điêu khắc Trần Thị Hồng, rời xa quê hương Quảng Ngãi tập kết ra Bắc năm 9 tuổi theo diện con cán bộ, chiến sỹ đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Trần Thị Hồng mồ côi mẹ từ nhỏ. Cha đi đánh giặc, Hồng ở cùng với ông cậu bà mợ ở 22 Trần Quốc Toản. Mê hội họa và có năng khiếu đặc biệt về hội họa, cô bé Hồng được chọn vào lớp sơ trung hệ 7 năm Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ là họa sỹ Trần Văn Cẩn, một tên tuổi lớn của nền mỹ thuật nước nhà.

Tình yêu đến như một định mệnh khó cưỡng, vào những năm cuối cùng của khoá học. Lúc đó Hồng đã đủ lớn để trở thành một thiếu nữ xinh đẹp mặn mà, vừa trải qua một mối tình đau đớn với người bạn là nhà điêu khắc Nguyễn Quang Bưu đang theo học dở cùng trường vừa hy sinh ở chiến trường.

Ngày đó Hồng thường cùng đám bạn sinh viên ra công viên tập vẽ và ngồi chơi. Thầy Hiệu trưởng chính là họa sỹ Trần Văn Cẩn năm đó đã gần 60 tuổi, thỉnh thoảng đi làm về muộn vẫn ghé qua công viên xem các học trò của mình thực hành. Các sinh viên quý thầy, mến mộ thầy và xem thầy như một thần tượng cao quý.

Họ gặp gỡ nhau trong bàn tay xếp đặt của số phận. Hai tâm hồn dù một trẻ trung và một đã xế bóng cuộc đời gặp nhau ở tình yêu nghệ thuật, và còn nữa đó là nỗi cô đơn thẳm sâu, vời vợi...

Họa sỹ Trần Văn Cẩn không lập gia đình, sống đồng hành với nỗi cô đơn thường trực. Cô bé Trần Thị Hồng, xa quê hương, không gia đình, tâm hồn lúc này cũng đang chống chếnh một nỗi đau mất mát. Họ đến với nhau để cho cuộc đời đầy đơn độc của cả hai  được bao bọc và chia sẻ.

Người đàn ông đã lớn tuổi, từng trải và cô đơn ấy lại rất cần sự mạnh mẽ, trong trẻo và thanh tân của một thiếu nữ trẻ trung. Họ mang đến đầy đủ cho nhau những thứ mà người kia cần, và tìm thấy cho mình những thứ mà mình không có. Họ chấp nhận và đón đợi tình yêu như một định-mệnh-khó-cưỡng.

Tình yêu trong trắng, mạnh mẽ và tha thiết của cô gái trẻ đã làm mềm lòng vị họa sỹ danh tiếng Trần Văn Cẩn. Cô đã lặng lẽ rời bỏ căn nhà của ông bà ở 22 Trần Quốc Toản, lặng lẽ khước từ mọi sự sắp đặt của ông bà về nhân duyên, công việc và đến tại ngôi nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền để mang tặng cho người tình cả cuộc đời mình.

Cô và họa sỹ Trần Văn Cẩn đều là những người tự do, chưa vợ chưa chồng, thế nhưng tình yêu trái khoáy bởi sự cách biệt tuổi tác giữa hai người đã làm cho chính họ không dám thừa nhận với thiên hạ tình yêu của mình. Cô xưng hô với họa sỹ là bác và cháu, mối quan hệ vẫn được ông và cô phơi bày ra bên ngoài thiên hạ là mối quan hệ bác cháu. Cô đã nhập hộ khẩu vào ngôi nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền của họa sỹ Trần Văn Cẩn dưới danh nghĩa là cháu ruột.

Một tình yêu sóng gió và đầy đau đớn bởi vì nó sống dẫu mãnh liệt biết bao nhiêu thì vẫn là tồn tại trong-bóng-tối và không ít sự dè bỉu, đàm tiếu, thị phi của thiên hạ cho rằng bà Hồng tham danh hám lợi đến nỗi đánh đổi cả tuổi trẻ của mình.

Lúc này, uy tín của Trần Văn Cẩn đương chức Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam và là cộng tác viên của Viện Mỹ thuật nước CHDC Đức từ năm 1978, được bầu là Viện sỹ Thông tấn Viện hàn lâm Nghệ thuật CHDC Đức, và là đại biểu Quốc hội khoá II.  --PageBreak--

Bà Hồng lần giở lại những kỷ niệm tình yêu của bà và họa sỹ Trần Văn Cẩn. Những chồng thư tình yêu hai người gửi cho nhau từ thời chiến tranh vẫn còn đó, ngoài bì thư vẫn là những dòng chữ giản dị “Bác Trần Văn Cẩn gửi cháu Trần Thị Hồng”, hay “Cháu Trần Thị Hồng gửi bác Trần Văn Cẩn” như những bằng chứng của tình yêu vượt qua những lực cản vô hình để đến với nhau một cách quyết liệt, tha thiết.

"3/1/1973: Hoa rất thương! Mấy ngày bận rộn suốt cả ngày đêm... hết họp hành công việc buổi sáng rồi đến thức đêm để vẽ. Nhớ đến mấy câu thơ Xuân Diệu, A nhớ lại lúc này sao mà hợp cảnh Hoa ạ. Anh đi công tác đường xa/ Những nơi bom đạn hay là hiểm nguy/ Cả tình em dõi theo đi/ Ấm trên trăm dặm sợ gì chông gai/ Núi chẳng thẳm, sông chẳng dài/ Một người chiến đấu với hai tâm hồn". Đúng cho cả A, đúng cho cả Hoa, phải thế không? Hoa rất thương yêu của A. Hoa ở trên này sáng tác cũng là chiến đấu đấy. Hoa nhớ giữ sức khoẻ cho tốt và chiến đấu hăng vào nhé".

Tất cả những bức thư Trần Văn Cẩn đều gọi bà Hồng bằng tên Diệu Hoa, đó là tên nhà chùa Tây Phương đặt cho bà Hồng dịp cô và họa sỹ Trần Văn Cẩn cùng họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung lên công tác ở chùa Tây Phương.

“8/1/1972: Hoa rất thương của A. Bận rộn suốt cả đêm lẫn ngày chưa viết thư cho Hoa được. Hôm kia A nhận được liền 3 lá thư của Hoa, sướng quá. Một lá do ông Quang mang đến... Ông Quang ngồi với A một lát nhưng A chỉ hỏi được rất ít về Hoa. Vả lại, A không dám xoắn lấy ông ấy mà hỏi, sợ ông ấy lại nghi... Cái ý mà Hoa nói trong thư thì tuỳ Hoa. Gọi thế nào cũng được. À mà xưng hô như vậy đối với mọi người cũng gọn. Cốt yếu là tình thực của ta với nhau, còn thì kêu kiểu gì cũng được. A hiểu Hoa và đồng ý nếu Hoa thích".

“8/3/1971: Hoa thương! Mình viết thư này để ở nhà để tin Hoa biết. Theo chương trình mình sẽ đi công tác 10 ngày. Hoa đi công tác về cứ yên tâm nhé. Dặn Hoa mấy việc này đây: Tem gạo, sổ gạo, tem phiếu, tiền, chìa khoá các thứ hòm xiểng mình để cả ở cái xắc cốt đen treo ở tủ sách ấy. Dầu tháng 3 mua rồi, gạo chưa mua. Tem gạo anh Khang nhận cho Hoa mình vẫn giữ. Mang đi phòng có phải trả ở trong đó. Mình lấy đi 6 cân gạo. Có hộp kẹo Liên Xô họ biếu mình đang cất dành cho Hoa, Hoa về mở ra kẻo nó chảy nước. Mình cũng chưa biết là kẹo gì".

“16/6/1974: Hoa rất thương của A. Có một việc quan trọng A dặn E, E nhớ nhé chớ ăn liều. Sao E dám ăn lòng trâu vào mùa hè nóng nực này. Đi công tác vất vả, E chịu khó mua đậu xanh mà nấu canh chan với cơm, đậu xanh giải nhiệt tốt lắm. Từ nay đến cuối tháng còn 2 tuần nữa thôi. E ráng chịu đựng nhé. E thương A thì em nghe anh với E nhé".

Tình yêu thời chiến tranh là những chuyến đi công tác thực tế liên miên không mấy khi được ở cạnh nhau. Vì thế mà trên cánh cửa nhà họa sỹ Trần Văn Cẩn bao giờ cũng để sẵn một xếp giấy, cuốn lịch và cái bút bi thường trực.

Đây là một trong những lời dặn dò của họa sỹ với người tình: "Rosa yêu! Mình đi sáng 17/6/1981. Các món Rosa dặn đều chấp hành nghiêm chỉnh cả. Cửa trong ngoài đều đã khoá, cài kỹ. Tiền điện đã thanh toán. Cái cà mèn để ở cô Thông, Rosa về cô sẽ trả. Chìa khoá để ở chỗ tượng. Tủ lạnh đã dọn sạch, Rosa kiểm tra lại xem. Còn tôm thì chưa phơi được vì bận và vội quá".

Nước mắt vẫn rơi trên những dòng thư tình cũ chưa bớt nét phôi pha. Nhiều khi, không hẳn là cứ đau khổ thì nước mắt mới chảy... Nước mắt của người đàn bà ngồi trước mặt tôi là vậy, hạnh phúc cũng là một thứ đau-khổ-vĩnh-viễn.

6h50' sáng 31/7/1994, họa sỹ Trần Văn Cẩn trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Việt Xô, bên cạnh người tình cuối cùng của mình. Tờ lịch hôm đó bà Hồng xé xuống vẫn giữ nguyên phẳng phiu trong chiếc hộp cất giữ những kỷ vật của người quá cố, trên đó ghi rằng: "Sáng mưa, trưa nắng, chiều nồm/ Trời còn luân chuyển huống mồm thế gian".

Bà Hồng kể lại rằng, ông đi rất nhanh, chỉ ốm sơ sơ có mấy ngày, thấy bụng chướng to, đưa vào viện, bác sỹ kết luận bị viêm bể cầu thận, không thể mổ được vì tuổi tác đã cao. Mấy ngày sau đó ông mất. Bà Hồng chỉ lên bàn thờ Phật kể rằng trước đó 4 năm, Trần Văn Cẩn bị một trận ốm thập tử nhất sinh do cảm thương hàn. Bác sỹ tiên lượng có thể rất xấu. Những đêm chăm ông trong bệnh viện, bà thức suốt đêm ở hành lang chắp tay khấn Phật. Một lần tự dưng bà nhìn thấy bàn tay mình tỏa sắc cầu vồng. Sáng hôm sau, họa sỹ qua cơn nguy kịch. Từ hôm đó, bà về lập trong nhà bàn thờ Phật. Ông nằm viện mất mấy tháng và sau đó khỏe mạnh trở về nhà sống thêm được 4 năm nữa mới bị bệnh chỉ trong mấy ngày và mất.

Về cuộc tình "kinh thiên động địa" của mình, bà Hồng nói rằng: "Tôi đã chọn một cuộc sống như vậy mà không hề hối tiếc, và tôi hạnh phúc. Mỗi người như một mảnh thiên thạch rơi lang thang, nếu may mắn sẽ rơi đúng vị trí và vừa ráp với mảnh còn lại. Cuộc đời tôi để ráp được với họa sỹ, được sống với nhau đã là quà tặng của số phận. Đám cưới là chuyện hình thức. Tôi bằng lòng với tình yêu của ông và chỉ cần có ông"

Như Bình
.
.