Đại tá, nhạc sĩ Trần Gia Cường:

Mỗi đời người là một đời cây...

Thứ Sáu, 29/04/2005, 08:14

Ông đang giữ cương vị là Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Công an, nhưng người ta lại biết đến ông nhiều hơn với vai trò là một nghệ sĩ thực thụ. Tư chất nghệ sĩ đã cho ông cái vẻ bề ngoài hào hoa và... trẻ hơn rất nhiều so với tuổi đời.

Vẻ phong sương, bụi bặm mà hồn hậu của Đại tá, nhạc sĩ, nhà điêu khắc Trần Gia Cường  luôn khiến ai một lần gặp ông đều thấy thật gần gũi, dễ mến. Ông sáng tác ca khúc, viết truyện ngắn, làm thơ, làm tượng, biên tập kịch bản và cố vấn cho hơn 100 tập trong xêri phim “Cảnh sát hình sự”...

Tính đến nay, ông Trần Gia Cường đã gia nhập lực lượng Công an được 33 năm. Nhưng trong suốt những năm tháng ấy, từ khi còn học trong các nhà trường, giấc mộng với nghệ thuật không bao giờ ngừng “đeo bám” ông.

Năm lên 6 tuổi, ông đã từng theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội. Ký ức tuổi thơ trải trên những phím đàn. Nhưng rồi hai lần chiến tranh đánh phá ác liệt với những lần sơ tán liên miên, ông đã rời xa cây đàn, rồi đăng ký tuyển vào ngành Công an - một cách thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc. Từ những năm còn là học viên Khóa 8 của Học viện An ninh, ông đã rất say sưa với các hoạt động văn hóa văn nghệ. Ông cùng các bạn sinh viên thành lập các câu lạc bộ và hoạt động rất tích cực, được thầy cô trong trường và học viên các khóa sau vẫn thường nhắc đến.

Ra trường với tấm bằng loại ưu, ông về nhận công tác tại tỉnh biên giới Lạng Sơn. Tưởng rằng, ở cái nơi đèo heo hút gió ấy, ước vọng thời trai trẻ của ông không có điều kiện trở thành hiện thực. Nhưng những năm tháng sống núi ngủ rừng với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và bạn bè da diết, ông đã cùng đồng đội nếm trải những khó khăn, gian khổ. Ông không thể quên cái lạnh sương muối thấu đến tận gan ruột, những cơn mưa rừng ẩm ướt lê thê, phải bận tâm về muỗi vắt... hình như đã khiến ông nhìn cuộc sống hôm nay giản dị và bao dung hơn. Đó cũng là lúc ông dành nhiều thời gian quan sát, chiêm nghiệm về đời sống của sinh linh vạn vật, của sự hoài thai, phát triển rồi lại lẫn vào cát bụi của “một đời cây và một đời người”.

Giữa những khoảng lặng của công việc, ông lại mải mê với nỗi niềm của mỗi gốc cây, ngọn cỏ giữa những vô tình của mưa nắng, thời gian. Và ông nhận ra, mỗi sinh linh trên đời dù nhỏ bé đến đâu, cũng đều mang những ý nghĩa riêng, giá trị riêng. Những gốc cây già nua, khô quắt lại và chết dần đi kia, vẫn như muốn gửi lại cho đời chút ơn nghĩa với đất đai...

Bức tượng "Quan Vân Trường" làm bằng gốc cây.

Rất tự nhiên, ông đến với nghệ thuật điêu khắc tự lúc nào. Ông mày mò tự học, học bạn bè, rồi có thời gian theo học các thầy ở Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Những lần đi rừng, ông gom nhặt về những gốc cây thô mộc xù xì to nặng, những chùm rễ lòa xòa, những cành cây khẳng khiu. Rồi đục đẽo, gọt giũa, chắp nối cho nên hình nên hài và trí tưởng tượng mặc sức thăng hoa. Trần Gia Cường quan niệm rằng, vạn vật tự nhiên đã là sản phẩm nghệ thuật của tạo hóa, nên ông chỉ “gia cố” để chúng trở thành những tác phẩm hàm chứa ý đồ của riêng tác giả. Ông cố gắng giữ cho tác phẩm thật tự nhiên, dè xẻn sự cắt gọt để không động chạm mà lại tôn vinh được những nét uốn lượn tài tình của tạo hóa.

Bộ sưu tập tượng chân dung các nhân vật có thực trong đời sống như Các Mác, Quan Vân Trường, cầu thủ Pêlê, Thánh Gióng... đến các tác phẩm của trí tưởng tượng bay bổng như “Nụ hôn qua khung cửa”, “Tiếng trống Tây Nguyên”, “Thiếu nữ và mùa xuân”, “Người đàn bà nổi giận”… của ông khiến nhiều người xem thích thú bởi những bố cục tinh tế, lạ mắt.

Trong phòng làm việc và tại tư gia, luôn có hàng trăm tác phẩm nhỏ xinh được bàn tay khéo léo, tài tình của ông cắt gọt, gửi hồn vào đó. Mỗi bức tượng của ông luôn hàm chứa những câu chuyện với những điểm nhấn lãng mạn, gửi gắm một hoài bão hay khát vọng trong cuộc đời. Thế là từ những vật tưởng chừng như bỏ đi hoặc sắp hóa giải vào lòng đất, được họa sĩ hiện sinh vào một cuộc đời khác, góp phần làm đẹp cho đời.--PageBreak--

Nhưng có lẽ chiếm nhiều thời gian và tâm huyết của ông nhất đó là lĩnh vực sáng tác âm nhạc. Đã trót mang chút duyên nghiệp với âm nhạc từ thuở thiếu thời, lại là người dễ xúc cảm, cho nên dẫu con đường đến với âm nhạc của ông có vòng vèo, xa xôi một chút, nhưng ông vẫn được sống với giấc mơ thời trai trẻ của mình. Ghi dấu trong ký ức ông là tuổi thơ với những năm tháng vất vả, cực nhọc, nhưng mọi người vẫn sống với nhau thật hồn nhiên, nhân hậu. Thiếu thốn áo cơm vẫn không khiến người ta quá nặng lòng. Lớn lên, những mất mát, hy sinh của bạn bè, đồng đội để lại những ấn tượng mạnh trong ông. Rồi những ngày tháng xa nhà dằng dặc, xa tất cả những gì thân thương nhất đã cho nhạc sĩ Trần Gia Cường một hoài niệm đẹp về Hà Nội, về những miền quê dịu hiền xinh tươi mà ông đã sống. Nhạc sĩ Trần Gia Cường nói: “Có những đêm không ngủ và cũng không thể tải những cảm xúc của mình vào con chữ, tôi lại tìm đến cây đàn. Để tâm hồn, cảm xúc mình lắng lại đằng sau những con chữ. Và thế là lại thấy thanh thản...”.

Hằng đêm, trong những khoảng lặng của tâm hồn, với cây ghi ta mộc mạc hay cây đàn pianô cũ kỹ đã cùng ông gắn bó bao nhiêu năm, ông nắn nót nốt nhạc của lòng mình. Đôi bàn tay vừa chật vật với những gốc cây, những đục, chạm, giờ lại nắn cung đàn say sưa, điệu nghệ như một tay chơi ghi ta thực thụ, như là sinh ra để đắm mình vào những nốt thăng, nốt trầm.

Trần Gia Cường cho biết trong quá trình sáng tác, ông thường viết cho mình, cho những tâm sự và những kỷ niệm của riêng mình. “Tôi viết về đồng đội, về người thân yêu của mình, nhất là trong những năm tháng xa cách. Tôi cũng chỉ mong viết được những điều đó thật giản dị như những gì đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày”. Đó là các bài như “Nỗi nhớ Hà Nội”, “Có một thời như thế”, “Tiếng hát trên đường Hồ Chí Minh”  hay “Bây giờ em ở nơi đâu”... là những nghĩa tình tri ân cùng bạn bè, đồng đội. Trong đó, có một mảng sáng tác về đề tài người chiến sĩ công an như “Những ngôi sao không tắt”, “Chúng tôi là chiến sĩ công an Việt Nam”, “Bài ca người cảnh sát giao thông”...

Là người làm việc lâu năm trong ngành, từng đảm nhiệm những nhiệm vụ và trọng trách khác nhau, ông có những tình cảm chân thành, sự cảm thông sâu sắc với những chiến sĩ đang đứng giữa cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu (mà đôi khi ranh giới ấy cũng thật mong manh).

Với lối viết trong sáng, giản dị như hát cho bạn bè, đồng đội, đồng nghiệp; những sáng tác của ông khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ rất tự hào với màu áo của mình. Ông tâm sự: “Mình rất sợ những gì đao to búa lớn, cường điệu đến khô cứng. Mình muốn đến với anh em bằng tình cảm thật dung dị, nhưng lại nhớ lâu và ngấm thật sâu...”. Có những bài hát đã trở thành ca khúc truyền thống của ngành, được nhiều cán bộ chiến sĩ thuộc và luôn được các đoàn cơ sở dàn dựng, đem đi dự các kỳ hội diễn toàn lực lượng.

Bài hát “Chúng tôi là chiến sĩ công an Việt Nam” trong đó có câu “Tổ quốc mến yêu ơi, một lòng tin với chúng tôi, có chúng tôi những người chiến sĩ công an” đã được nhiều người nhớ như một lời thề của lực lượng với đất nước, với nhân dân.

Nhạc sĩ Trần Gia Cường cho biết khi cần tập trung suy nghĩ một điều gì, anh tìm đến nghệ thuật tạo hình. Khi muốn trải lòng mình, ông viết truyện ngắn, tìm đến vần điệu của thơ. Truyện ngắn của ông giản dị và hiền lành, có chút hồn nhiên của một tâm hồn như không biết đến tuổi tác và năm tháng thăng trầm của đời người mà ai cũng phải vượt qua. Khi không thể nói thành lời để diễn tả những cảm xúc, anh tìm đến âm nhạc. Và âm nhạc lại là những câu chuyện về hành trình sáng tạo, là những thăng hoa của những câu thơ, những tứ trong từng truyện ngắn mà trước đó ông từng gửi gắm. Tất cả đều rất thật. Từ nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ người em gái đến những đau đáu về thế thái nhân tình... mà người đọc, người nghe và người xem không cảm thấy khiên cưỡng mà thật hào hoa, phong tình.

Nhạc sĩ, nhà điêu khắc Trần Gia Cường có niềm hạnh phúc là khi đến các đơn vị được anh em trẻ đón nhận thân tình như người anh, người bạn. Và với họ. ông luôn là người đồng chí, đồng đội. Những ấn tượng đẹp, những tình cảm mà anh em cán bộ, chiến sĩ các đơn vị dành cho ông đã trở thành niềm động viên để ông tiếp tục con đường sáng tạo mà ông đã dành tâm nguyện trong suốt cuộc đời bận rộn của mình

Nguyệt Hà
.
.