Mickey Spillane viết văn như bản năng

Thứ Năm, 17/03/2005, 08:43

Với Mickey , văn chương như là bản năng, khiến ông sớm nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay. Là người đa tài và hầu như ở lĩnh vực nào cũng thành công, ông được coi là một trong 10 nhà văn trinh thám lớn nhất thế kỷ XX, với số sách đã phát hành lên tới 130 triệu bản. Năm 1995, ông được tôn vinh là “Bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám”.

Tên thật của ông là Frank Morrison Spillane. Mickey là tên gọi thân mật trong nhà. Ông là công dân gốc New York, sinh ở Brooklyn ngày 9/3/1918, thời điểm kết thúc Thế chiến I. Mickey chính là cái tên ông dùng suốt đời viết văn sau này của mình. Như ông có lần tâm sự, nhiều bạn đọc đã quá quen với cái tên này, cứ nghĩ nó là tên thật của ông chứ không phải là bí danh hoặc tên đệm.

Khi đến trường, cậu bé Mickey chơi điền kinh, đá bóng và bơi giỏi. Học xong bậc trung cao, ông vào trường sư phạm bang Kansas một thời gian ngắn, song phần lớn thời gian chỉ dành cho việc đá bóng. Rời Kansas, trở về New York, ông kiếm được một việc làm trên đại lộ số 5 danh tiếng, nhưng chóng chán rồi lại bỏ việc. Định quay sang viết những truyện hài thì Thế chiến II bùng nổ, Mickey đăng lính vào không lực Hoa Kỳ ngay sau đó. Cấp trên sớm nhận ra chàng trai nhanh nhẹn, thông minh này, đã bổ nhiệm ông làm người dẫn đường cho máy bay chiến đấu.

Khi đồn trú ở Greenwood, bang Mississippi, ông đã gặp Mary Ann Pearce. Người vợ đầu này đã sinh cho ông 4 người con. Song cuộc hôn nhân này sớm tan vỡ vào năm 1945. Hai mươi năm sau (1965), cuộc hôn nhân thứ hai cũng kết thúc. Năm 1983, ông cưới bà Jane Rodgers Johnson và người vợ thứ ba này đã sinh cho ông hai cô con gái là Britt và Lisa.

Sau Thế chiến II, trở về New York, ông định kiếm mảnh đất xây nhà. Nhu cầu là 1.000 đôla. Mickey quyết định viết sách kiếm tiền. Dựa vào nhân vật Mike Danger mà ông viết lúc khởi nghiệp, Mickey đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Tôi, người bồi thẩm được viết với tốc độ kỷ lục: 9 ngày. Xung quanh cuốn tiểu thuyết “động trời” khiến tên tuổi ông trở nên lừng lẫy, Mickey đã kể trong một cuộc phỏng vấn của tờ Crime Time tại gia ngày 4/8/2004 rằng: “Thoạt tiên cuốn tiểu thuyết bị 4 nhà xuất bản từ chối vì bị chê là “quá bạo lực”. Cuối cùng, nhà E.P. Dutton quyết định xuất bản tác phẩm này. Họ trả tôi 250 đôla, nhưng tôi bảo, không được! Tôi cần 1.000 đôla để xây một ngôi nhà. Và rốt cuộc, tôi đã được ứng trước 1.000 đôla”. Tác phẩm đã được ấn hành tới một triệu cuốn.

Sau thành công vang dội của Tôi, người bồi thẩm ở tuổi 29 (1947), Mickey tiếp tục viết và thường hoàn thành một cuốn sách trong vòng 1 tháng. Với tốc độ viết như thế, bình quân một năm ông có thể cho ra đời không dưới mười cuốn tiểu thuyết. Song, sự nghiệp văn chương của ông không diễn ra liền mạch vì ông sống phóng túng, ngoài văn chương còn đam mê nhiều lĩnh vực khác.

Có hai giai đoạn Mickey Spillane ngừng hẳn việc viết tiểu thuyết. Lần thứ nhất, sau thành công của 5 trong 6 cuốn tiểu thuyết công bố trong những năm 1950-1952; trong đó, cuốn Đợi mãi (1951) bán được 3 triệu bản trong vòng 1 tuần vào năm 1952, Mickey đã ngừng viết trong 8 năm, từ 1953-1961, vì năm 1952 ông đã cải đạo theo phái Nhân chứng Jehovah (một giáo phái tin rằng, ngày tận thế đã đến gần, mọi người sẽ bị sa hỏa ngục, trừ các thành viên của tổ chức này). Lần thứ hai, kéo dài gấp đôi, trong vòng 16 năm (1973-1989), khi ông nhận quảng cáo cho Hãng bia Miller Lite, đã góp phần đưa hãng này từ vị trí vô danh lên ngôi vị cao trên thế giới.

Năm 1962, Mickey trở lại với những cuốn tiểu thuyết về Mike Hammer, nhân vật trụ cột của ông, mở đầu bằng cuốn Những kẻ săn gái và 4 cuốn nữa... Năm 1970, một lần nữa, ông trở lại với nhân vật này trong cuốn Kẻ giết người.

Trong cuộc đời cầm bút của mình, ông còn dựng một nhân vật “để đời” cho tiểu thuyết trường thiên khác, là Tiger Mann, lấy cảm hứng từ nhân vật huyền thoại, thám tử James Bond. Mann phục vụ cho một tổ chức gián điệp do một tỉ phú tài trợ. Cuốn đầu tiên trong chuỗi tiểu thuyết này là Ngày nổ súng (1964). Trong tiểu thuyết tham vọng nhất và cũng là dài nhất của ông ra đời lúc ông 54 tuổi, Mickey Spillane đã tiếp nối con đường của Harold Robbins và Irving Wallace - những người nổi tiếng của chủ nghĩa tình cảm.

Điều đáng nói là tác phẩm của Mickey càng được bạn đọc đón nhận nhiệt thành bao nhiêu thì càng bị giới phê bình chính thống công kích bấy nhiêu. Lý do chính mà họ đưa ra, tựu trung là tác phẩm của ông có quá nhiều yếu tố bạo lực và sex. Nhưng cho dù giới phê bình cố tình hạ thấp những thành công của ông, Mickey vẫn có những “thầy cãi”, những người nhiệt tình ngợi ca và bảo vệ ông. Như Ayn Rand đã từng tuyên bố:“Mickey cho tôi cái cảm giác được nghe cả một dàn quân nhạc trong một công viên lớn”. Mickey đã có lần trả lời các nhà phê bình rằng, nếu bảo đó là văn chương ba xu thì “đó là một thứ văn chương ba xu hay!”.

Trong một danh mục phát hành năm 1967 về tất cả các cuốn sách bán chạy nhất ở Hoa Kỳ trong thời gian 70 năm (1895-1965), 7/29 cuốn sách hàng đầu thuộc về Mickey. Sức mạnh của Mickey thật kỳ lạ. Những lúc ông ngừng viết, bạn đọc vẫn đón đợi ông. Ví dụ, khi Mickey trở lại với tiểu thuyết với các tác phẩm Ngủ say (1961) và Kẻ săn gái (1962), độc giả đã vồ vập đón đọc, thậm chí những nhà phê bình đối địch cũng phải dịu giọng. Một trong số đó, Anthony Boucher, đã phải thốt ra rằng: “Thậm chí có những kẻ thù cũ của ông, như tôi, cũng có cách nhìn mới mẻ về ông. Tôi thừa nhận rằng ông thực sự có sức mạnh và sự thuyết phục mà những kẻ muốn bắt chước ông không thể có”.

Thậm chí, đến năm 1996, khi ông sắp bước sang tuổi 80, cuốn Ngõ đen ra đời lại được hưởng ứng nhiệt liệt. Người ta lại đưa ra một thống kê mới: 7/15 ấn bản hàng đầu được phát hành trong 50 năm gần đây vẫn thuộc về Mickey. Ông nằm trong số những nhà văn được dịch nhiều nhất thế giới, sau Tolstoy và Jules Verne. Ông nói: “... Những người đó đều đã mất. Tôi không có những người hâm mộ. Bạn có biết tôi có ai không? Khách hàng! Khách hàng là bạn của tôi!”.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám, ông còn viết truyện hài, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và hai cuốn sách cho trẻ em, trong đó cuốn Ngày biển trở lại (1980) đã được tặng giải thưởng Văn học Thiếu nhi. Năm 1995, ông được Hội Văn bút trinh thám Hoa Kỳ tôn là “bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám” ở lễ nhận giải E.A. Poe.

Chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của ông là tội ác và hình phạt, như cách mà Dostoijevsky từng đề cập. Không giống như trang hiệp sĩ Philip Mallowe của R. Chandler, nhân vật Mike Hammer của ông đóng vai công cụ của một đấng Tối cao ra tay với tội ác, nhưng việc anh “xuống tay với tội ác” nhiều lúc đã bị những thế lực tượng trưng cho pháp quyền phán xét là bản thân tội ác vì tính chất quá mạnh mẽ, cứng rắn giống như những sự báo thù. Đây là điểm mấu chốt đã gây ra những cuộc tranh cãi quanh tác phẩm của Mickey.

Tính chất lưỡng đề của nhân vật Mike Hammer thực chất đã phản ánh một cách tài tình tính chất hai mặt của xã hội Mỹ đương đại, nơi bạo lực và những sự kích động bạo lực vẫn là những vấn đề nhức nhối. Trong tiểu thuyết Hôn em đến chết (1952), Mike Hammer định cứu một phụ nữ xinh đẹp trốn khỏi một trại an dưỡng của bác sĩ Somberin. Song, những kẻ săn đuổi cô đã đánh Hammer, tra tấn rồi giết cô. Rốt cuộc, trong quá trình điều tra vụ này, Hammer đã cứu được một cô gái khác và đồng thời phát hiện ra người tình của tên bác sĩ nọ đã từng lợi dụng y trong một vụ chuyên chở ma túy trị giá 2 triệu đôla. Đại loại, những tình tiết phức tạp trong tiểu thuyết của ông cũng phức tạp như bản thân những vụ án lớn…

Năm 1969, Mickey Spillane cùng nhà sản xuất Robert Fellows thành lập một hãng phim độc lập ở Nashville, mang tên Spillane – Fellows, chuyên sản xuất phim truyện nhựa và phim truyền hình. Ông cũng là người sáng tạo loạt phim truyền hình nhiều tập “Mike Hammer” trong những năm 1984-1987. Bạn thân và là người cộng tác đắc lực trong một số tác phẩm chung của hai người, là nhà văn trẻ cũng rất lừng danh Max Allain Collins, và phải chăng vì thế mà ông vẫn sôi động, vẫn trẻ trung.

Hình ảnh mới nhất của nhà văn được một phóng viên mô tả trong một cuộc tiếp xúc năm ngoái vẫn là dáng vẻ một chàng cao bồi, một tay chăn bò cưỡi một chiếc xe mustang cổ lỗ, cà tàng, hiểu biết tất cả, tường tận về thế giới này và không bao giờ bị già nua, yếu đuối. Bạn đọc vẫn chờ đón những tác phẩm mới, mà nghe nói, ông vẫn tiếp tục viết ở nhà riêng tại Nam Corolina, Hoa Kỳ. Gần đây nhất, ông đã tuyên bố việc đang thực hiện nốt cuốn tiểu thuyết cuối cùng về Mike Hammer, dù rằng, như chính ông thừa nhận, ở tuổi 87, ông không còn làm với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên như trước nữa

.
.