Michelle Obama - Giá trị người kiến tạo

Chủ Nhật, 20/12/2020, 08:32
Là phụ nữ da màu ở đất nước xảy ra nhiều xung đột sắc tộc và giới tính, là vợ của người đàn ông quyền lực nhất thế giới, bà phải chịu đựng nỗi cô đơn, phải đương đầu với những định kiến dành cho người da màu và sự nghi ngờ thường trực mà mọi người luôn dành cho vợ chồng bà để rồi bằng một cách nào đó bà trở thành một trong những Đệ nhất phu nhân được yêu mến và ngưỡng mộ nhất trong lịch sử nước Mỹ.


Mùa hè năm 2019, một trong những hãng phim lâu đời nhất của Mỹ - Walt Disney đã gây chấn động giới mộ điệu khắp nơi trên thế giới khi công bố nàng tiên cá bản action (bản người đóng) sẽ do nữ ca sĩ diễn viên da màu Halle Bailey thủ vai. Bất chấp đạo diễn của bộ phim là Rob Marshall đã lên tiếng khẳng định: “Cô bé sở hữu sự kết hợp hiếm có giữa tinh thần trẻ trung và trái tim ngây thơ cùng một chất giọng tuyệt vời. 

Đây là tất cả những phẩm chất cần thiết để đảm nhận vai diễn mang tính biểu tượng này” thì khán giả nói chung đều lên tiếng phản đối kịch liệt. Nguyên nhân chủ yếu bởi nàng Ariel (tên của nàng tiên cá) kinh điển với phiên bản hoạt hình xuất hiện lần đầu vào năm 1989 là một người da trắng với mái tóc đỏ và đôi mắt xanh thăm thẳm.

Bỏ ngoài tai tất cả những lời bênh vực về nhan sắc và tài năng của Halle Bailey, những khán giả trung thành của bộ phim hoạt hình “The little mermaid” (1989) phẫn nộ cho rằng Walt Disney cần tôn trọng hình tượng gốc nhân vật như loạt series action của các nàng công chúa trước đó, thay vì cố gắng biện minh cho bộ phim này bằng sự đa dạng chủng tộc. Tuy nhiên có một sự thật là chính cha đẻ của Ariel - nhà văn người Đan Mạch Andersen cũng không hề ấn định màu da của cô công chúa biển cả. Và một bộ phận khán giả bênh vực cho Halle Bailey cùng nhà sản xuất khẳng định việc khiếu nại bộ phim Nàng tiên cá bản người đóng với sự diễn xuất của một nữ diễn viên da màu là hành động phân biệt chủng tộc, cần hiểu nàng tiên cá có thể thuộc về bất cứ dân tộc nào. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng và nâng cao quyền tự hào về màu da sắc tộc của mình đối với những cô gái nhỏ ở những mảnh đất xa xôi nhất thế giới.

Cũng trong mùa hè năm 2019, Việt Nam đón nhận phiên bản tiếng Việt của cuốn sách được NBC News đánh giá là đã phá vỡ mọi kỷ lục về số lượng ấn bản được bán ra của thể loại sách hồi ký, tự truyện trong lịch sử xuất bản thế giới – Chất Michelle của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ - Michelle Obama. 

Có lẽ điều khiến người ta tò mò nhấc cuốn sách lên là bởi họ muốn lắng nghe “hậu trường” từ một người phụ nữ quan trọng của chính trường Mỹ với những biến động căng thẳng thế giới những năm đầu thế kỉ 21. Nhưng thứ níu giữ khán giả tới những dòng sau cuối của cuốn sách có độ dày 500 trang, trở thành best seller tại nhiều quốc gia trong nhiều tuần liền chính là thứ cốt cách được bà Michelle tạo dựng không chỉ trong 8 năm làm đệ nhất phu nhân mà còn trong suốt cả chặng đường thơ ấu, nơi thực sự hun đúc nên một thứ chất gọi là Michelle.

Là phụ nữ da màu ở đất nước xảy ra nhiều xung đột sắc tộc và giới tính, là vợ của người đàn ông quyền lực nhất thế giới, bà phải chịu đựng nỗi cô đơn, phải đương đầu với những định kiến dành cho người da màu và sự nghi ngờ thường trực mà mọi người luôn dành cho vợ chồng bà để rồi bằng một cách nào đó bà trở thành một trong những Đệ nhất phu nhân được yêu mến và ngưỡng mộ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

First Lady của tòa Bạch ốc – danh xưng mà bất cứ người phụ nữ nào trong mơ cũng muốn một lần có được. Vậy mà Michelle Obama đã có được nó ngoài đời thật, trong suốt 8 năm. Thế nhưng Michelle Obama không phải nàng công chúa kiều diễm của Walt Disney để chỉ cần ngồi ước là có bà tiên hiện ra trao cho vương miện Đệ nhất phu nhân. Trước khi được đeo chiếc vương miện ấy, bà chỉ là cô bé Michelle LaVaughn Robinson sống trong một căn bungalow ốp gạch ở khu South Shore của thành phố Chicago – thành phố của gió. Bà là con thứ hai trong một gia đình thuần da đen có cha mắc chứng bệnh đa xơ cứng là công nhân nhà máy nước và mẹ là người nội trợ toàn thời gian.

Theo dấu chân Michelle, ta dễ dàng thấy thành phần nội ngoại của bà đều là những người công nhân da màu, là con cháu của những người nô lệ da đen trực tiếp tham gia vào Cuộc đại di cư (1916 – 1940) từ miền Nam lên miền Bắc nước Mỹ”. Mặc dù vậy, gốc gác hay sắc tố của da chưa bao giờ là rào cản trong công cuộc nỗ lực để đạt được thành tựu của cô bé Michelle Robinson. Cô đã từng nằng nặc bắt cô giáo phải cho mình đọc lại bảng chữ cái để được nhận một ngôi sao tưởng thưởng, chỉ vì hôm trước quá hồi hộp khiến Michelle đọc nhầm một chữ, dẫn đến vị trí dẫn đầu rơi vào tay một người bạn học khác.

Hay năm 10 tuổi, cô bé nhà Robinson đã sẵn sàng vung nắm đấm với DeeDee – một cô bạn da trắng học trường Công giáo bởi cô này luôn bình phẩm cay độc về Michelle mỗi khi cô đi ngang qua, để rồi khi cả hai đứa trẻ đều lấm lem bùn đất, chúng xác định sẽ không thể trở thành bạn của nhau, nhưng chí ít Michelle Robinson cũng có được sự tôn trọng từ cô bạn da trắng.

Tuy nhiên, một sự kiện thực sự thay đổi nhãn quan của cô bé Michelle Robinson đó là vào năm 14 tuổi, khi cô  ngồi bên thềm nhà tán dóc với đám chị em họ trạc tuổi. Bất ngờ một cô gái trong nhóm bực dọc nói với Michelle:?Tại sao chị nói năng như một đứa con gái da trắng vậy?”. Tất nhiên cô bé Michelle da đen năm 14 tuổi sẽ phủ nhận mình đang nói “cách nói giống người da trắng”, bởi việc đó bị xem là một sự phản bội, trịch thượng, là ít nhiều chối bỏ văn hóa da đen.

Và hiển nhiên điều này xuất hiện cả trong tâm thức của người da đen lẫn người da trắng trên khắp nước Mỹ, đó là nhu cầu đóng khung ai đó trong khuôn khổ chủng tộc của họ, đó là sự khó chịu của một cô nhóc khi niềm tin này bị phản bội một cách mơ hồ. Thời khắc Michelle Robinson  bị chính những  người cùng màu da với mình phản ứng về cách ứng xử được cho là ngoại lai, chính là lúc một Michelle Obama của sau này sẽ phải trăn trở trong việc khẳng định giá trị của một người phụ nữ da màu giữa một xã hội luôn cuộn trào những đợt sóng ngầm về vấn nạn phân biệt chủng tộc.

Michelle Obama là minh chứng rõ ràng nhất cho thông điệp mọi cô gái đều có thể trở thành công chúa mà chẳng cần đến những bà tiên hay một chàng hoàng tử. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, cộng hưởng với sự giáo dục của gia đình, bà Michelle đã thi đỗ vào Đại học Princeton – trường đại học danh tiếng nằm trong Ivy Leage – nơi hội tụ của phần lớn những nam sinh viên da trắng, và thậm chí có hẳn một tòa nhà mang tên Third World Center (Trung tâm thế giới thứ ba) để làm kí túc xá riêng cho những sinh viên da màu.

Tại đây bà đã học tập và nỗ lực không ngừng nghỉ để rồi tiếp tục được tuyển thẳng vào khoa luật của đại học Harvard (cũng nằm trong Ivy Leage). Michelle tiếp tục tự trải hoa hồng trên con đường đi của mình khi bà được nhận vào một công ty Luật hàng đầu tại Chicago rồi gặp gỡ Barack Obama. Họ yêu nhau và kết hôn, nhưng đó cũng là lúc những thử thách thực sự bắt đầu. Khó khăn lắm họ mới có con, sau đó là chuỗi ngày tất bật mà như Michelle tự nhận bà là người mẹ toàn thời gian nhưng chỉ là người vợ bán thời gian bởi chồng thường xuyên vắng nhà vì công việc.

Đã có lúc, Michelle chìm trong mệt mỏi nhưng thay vì đổ lỗi cho chồng, đòi bình đẳng trong gia đình như bao người phụ nữ khác thì Michelle lại chia sẻ: “Khi những ý nghĩ mâu thuẫn trỗi dậy, nếu tôi phản ứng, đòi hỏi cho cá nhân tôi, mọi thứ sẽ khác. Tôi có hai con gái và tôi muốn các con hiểu rằng, cuộc đời một phụ nữ không nhất thiết phải bắt đầu khi người đàn ông rời công việc, trở về nhà. Chúng tôi không buộc mình chờ đợi. Việc của Barack là hãy nỗ lực “bắt kịp” mẹ con tôi”.

Năm 2010, Michelle Obama được tạp chí Forbes danh tiếng xếp hạng nhất trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh. Bà đã đưa ra sáng kiến “Let girls learn” nhằm giúp 62 triệu trẻ em gái được đi học. Bà đồng hành cùng chồng trong việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2015 hay thực hiện sáng kiến “Lets move” nhằm giúp trẻ em Mỹ nhận thức về ăn uống lành mạnh, chống béo phì…

Trong suốt 8 năm đương kim, Michelle Obama – 1 người phụ nữ gốc Phi ý thức rõ mối nghi hoặc mà cả nước Mỹ luôn dành cho gia đình mình nói riêng và cộng đồng người da màu nói chung. Bởi hơn ai hết, Michelle – 1 cô bé 18 tuổi đã từng bị giáo viên tư vấn tuyển sinh đại học tuyên bố chắc nịch: “Cô không chắc là em đủ khả năng học ở trường Princeton” – cô bé ấy hiểu rất rõ rằng khi liên tục bị gieo vào đầu cảm giác thất bại, bạn sẽ thất bại thật. Cảm giác đó bắt đầu từ sự nghi ngờ bản thân và sau đó thường cố tình bị đẩy lên cao bởi nỗi sợ hãi.

Michelle Obama trong chính những cột mốc quan trọng của cuộc đời đều thể hiện sự độc lập một cách rõ ràng, cả trong tư duy lẫn trong hành động. Rời Olympus, tháo chiếc vương miện của Đệ nhất phu nhân không phải là rơi xuống bên kia sườn dốc như nhiều người vẫn nghĩ. Michelle khiến mọi người thấy đó chỉ là cách bà dừng lại một đỉnh cao để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới với hàng loạt dự án phục vụ cho lợi ích cộng đồng và xã hội.

“Đừng đợi đến khi thế giới bình đẳng để họ chú ý đến bạn. Công cụ nằm ngay trong chính bản thân bạn. Nó là cách để bạn được nhìn nhận, được lắng nghe và được lên tiếng”. Những câu nói truyền cảm hứng của Michelle Obama chính là tuyên ngôn sống của hàng triệu người da màu và bà – bằng trí tuệ và bản lĩnh lật đổ mọi rào cản đã trở thành thần tượng của rất nhiều cô gái trên toàn thế giới.

Hãng phim Walt Disney chưa công bố ngày ra rạp của bộ phim “Nàng tiên cá” bản người đóng nhưng có điều chắc chắn rằng vai Ariel vẫn sẽ thuộc về nữ diễn viên da màu xinh đẹp Halle Bailey. Người ta có thể ngờ vực về độ phù hợp vai diễn nhưng giọng hát cao vút như mũi tên xuyên thủng biển khơi mà bay vút lên không trung của cô vẫn cứ ngân vang dẫu hàng ngàn cuộc tranh luận có nổ ra liên hồi kì trận.

Trong một thế giới bùng nổ công nghệ thông tin, khi trí tuệ nhân tạo lên ngôi, và AI sẽ thay con người làm ra các hệ giá trị chất, có lẽ lúc bấy giờ, người ta cũng không còn quá bận tâm đến việc màu da hay giới tính mà sẽ đi kiếm tìm những người có khả năng kiến tạo nên những giấc mơ cho nhân loại.

Phan Chân
.
.