Mảnh đời của Phụng…

Thứ Năm, 13/12/2012, 11:10

Tôi cảm nhận được một điều gì đó rất lạ ở anh: Một Nguyễn Văn Phụng đau đáu - một Nguyễn Văn Phụng lặng thầm - và cả một Nguyễn Văn Phụng cô đơn thì phải…

Những buổi tập của ĐTVN tại Bangkok Thái Lan (AFF Suzuki Cup) những ngày này, khi cả đội chia đôi đội hình đá đối kháng thì anh thường ngồi ở ngoài đường piste - ở cái góc mà ít người nhìn thấy mình nhất. Anh đội sụp mũ, khiến cho gương mặt đen nhẻm như càng đen hơn, rồi cứ thế nhìn chằm chặp vào trong sân. Những lúc ấy, tôi lại đến ngồi cùng anh – người mà tôi đã biết, đã để ý,  đã hâm mộ từ rất lâu nhưng thật lạ là phải đến bây giờ mới có dịp ngồi cùng.

Mà ngồi cùng anh cũng chỉ có thể nói chuyện một cách nhát gừng, bởi anh vẫn phải quan sát màn thể hiện của các thủ môn trong bài tập đối kháng. Nhưng chắp nối lại những “tập hợp nhát gừng” ấy, tôi cảm nhận được một điều gì đó rất lạ ở anh: Một Nguyễn Văn Phụng đau đáu - một Nguyễn Văn Phụng lặng thầm - và cả một Nguyễn Văn Phụng cô đơn thì phải…

1. Nguyễn Văn Phụng – cái tên ấy lần đầu tiên vang lên trong tâm trí tôi cùng rất nhiều những người hâm mộ bóng đá cùng thời với tôi vào năm 1996, trong trận tranh HCĐ Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup bây giờ) giữa ĐTVN với ĐT Indonesia. Tôi nhớ mãi là sau khi dẫn trước đối phương 3-1 rồi 3-2, ĐTVN co xuống đá theo kiểu tử thủ, giữ tỉ số. Khoảng thời gian nguy nan, hồi hộp ấy, các chân sút cự phách một thời của Indonesia thả sức bắn phá khung thành Việt Nam, nhưng tất cả những cú bắn phá đều không thắng nổi đôi tay thần sầu của Nguyễn Văn Phụng. Hình ảnh một Nguyễn Văn Phụng bay nhảy như làm xiếc giữa hai trụ thành rồi bắt đúng, bắt trúng, bắt dính quả bóng (chứ không vội vàng đấm bóng như người tiền nhiệm Nguyễn Văn Cường…) là một hình ảnh mà sau này các cầu thủ thuộc “thế hệ vàng” của BĐVN như Hồng Sơn, Huỳnh Đức…vẫn thường xuýt xoa nhắc lại.

Chính vì quá ấn tượng với Nguyễn Văn Phụng ở trận tranh đồng Tiger Cup 1996 ấy, mà khi ngồi chuyện trò cùng anh – HLV thủ môn Nguyễn Văn Phụng của ĐTVN bây giờ thì tôi lập tức “đụng” ngay tới trận đấu này: “Trận ấy, anh bắt quá ấn tượng, vậy tại sao suốt từ đầu giải cho tới trước trận đấu ấy, anh cứ phải ngồi dự bị?”. Phụng trầm ngâm đáp: “Trước khi vào giải, thầy Weigang nói rõ rằng thủ thành số 1 là Nguyễn Văn Cường. Mà công nhận hồi đó Nguyễn Văn Cường bắt hay, bản lĩnh lắm. Nhưng đến trận bán kết với Thái Lan thì anh Cường lại để lọt lưới những bàn không đáng có, thế nên thầy Weigang quyết định trao cơ hội cho tôi…”.

Có một sự thực là sau trận đấu đáng nhớ ấy thì ai cũng nghĩ vị trí thủ thành số 1 của ĐTVN nghiễm nhiên thuộc về Nguyễn Văn Phụng, nhưng ở những giải đấu sau đó, chẳng hạn như kỳ Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy thì đứng trong khung thành ĐT lại không phải là…Phụng, mà là Trần Tiến Anh. Phụng  nói về “sự vô lý” này: “Chuyện diễn ra lâu quá rồi nên Phan Đăng không nhớ. Một ngày trước khi cả đội đá trận đầu tiên ở Tiger Cup 1998, HLV Riedl vẫn hoàn toàn tin tưởng mình. Nhưng trong buổi tập cuối cùng, từ một pha lao ra cản phá bóng, mình đã va chạm nặng với Thiện Quang, và lập tức gãy xương bàn tay. Thế là mất luôn Tiger Cup…”. Thực tế thì lần gãy xương bàn tay tai ác đó, Phụng không những “mất luôn Tiger Cup”, mà còn mất luôn những tháng ngày bay nhảy hào hoa trong màu áo Tuyển. Thế nên, nói về cuộc đời ĐT của Phụng, đã có một HLV kỳ cựu nhận xét rằng: “Nó là thằng bắt được, rất được. Nhưng số nó đen quá. Đen như màu da nó vậy”.

HLV thủ môn ĐTVN Nguyễn Văn Phụng.

2. Mà ngẫm ra thì vận đen không chỉ ám Phụng trong hành trình lên Tuyển, khoác màu áo Tuyển, mà còn ám lấy anh trong cả cuộc đời bóng đá nói chung. Hồi còn là một cậu bé, Phụng đã rất yêu bóng đá và thi vào trường bóng đá năng khiếu Bình Định, nhưng…trượt thẳng cẳng. Thế là Phụng chuyển qua…sự nghiệp bóng chuyền và cho đến năm 24 tuổi vẫn gắn bó với đội bóng chuyền Quảng Ngãi quê hương. Chỉ đến khi đội bóng đá Quảng Ngãi dự giải A2 toàn quốc (tương đương giải hạng Nhất bây giờ) thiếu người, và Phụng được điều động bất đắc dĩ từ “bóng chuyền” qua “bóng đá” thì anh mới bắt đầu sự nghiệp bóng đá ở vị trí…hậu vệ biên. Cho đến một ngày, ông HLV trưởng nhận thấy “thằng này đánh bóng chuyền, dùng tay quen, cho nó làm thủ môn” thì Phụng lại chuyển qua vị trí…đứng trong khung thành. Chính vì những ngã rẽ dọc ngang – ngang dọc không giống ai như thế mà Phụng là một trong hiếm hoi những thủ môn tài danh của BĐVN không được đào tạo bài bản. Phụng nói về điều này: “Không được đào tạo bài bản, thiệt thòi lắm. Nhưng bù lại mình có đam mê và luôn sẵn sàng học hỏi. Do đó từ chỗ lóng nga lóng ngóng, mình cũng dần dần tự tin với vị trí lạ lẫm nhưng đầy thích thú này”.

Sự tự tin giúp Phụng 2 năm liền được bầu là thủ môn xuất sắc nhất giải A2 toàn quốc, và do đó, đến năm 28 tuổi đã được đội bóng danh tiếng Cảng Sài Gòn lấy về. Cho đến bây giờ Phụng nhớ mãi trận đấu đầu tiên bắt cho Cảng Sài Gòn, trận đấu với Đà Nẵng, và coi đấy là một trận đấu – một sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầu thủ của mình. Đáng nhớ không phải vì trận đấu ấy đánh dấu bước trưởng thành của một cầu thủ từ giải A2 lên giải A1, mà vì đấy là trận đấu Phụng đã có tình huống lao ra bắt bài cú tạt bóng của tiền vệ tài hoa Phan Công Thìn, nhưng không ngờ rằng quả bóng từ chân Thìn lại là quả “mu lái má”, do vậy thay vì bay ngang trước khung thành, nó lại từ từ cuộn vào góc lưới. Phụng bảo: “Chính vì bàn thua ngớ ngẩn đó mà tôi bị HLV trưởng cho ngồi ngoài cả mùa. Đau lắm, đau vô cùng, nhưng nghĩ lại mới thấy nó chính là cú va vấp cần thiết, giúp mình trưởng thành hơn”. Sự trưởng thành giúp Phụng có 10 năm liên tiếp đứng gôn  Cảng Sài Gòn, rồi sau đó lại làm HLV thủ môn của những đội bóng được coi là hậu duệ của Cảng như Thép – Cảng rồi CLB TPHCM, và gần nhất là Sài Gòn Xuân Thành. Nhưng sau mùa giải vừa rồi thì hợp đồng giữa Phụng với SG.XT đã hết, và vì thế sau khi rời ĐT, Phụng là một trong không dưới 5 thành viên của ĐT đợt này sẽ gia nhập đội ngũ…những người bơ vơ. 

3. Tôi mạo muội hỏi Phụng về sự bơ vơ ấy, rồi lại lan man hỏi về “sự bơ vơ” của một người đàn ông 45 tuổi mà chưa gia đình, vợ con. Trước câu hỏi có thể khiến cho nhiều người ở vào cảnh của Phụng “nổi điên” hoặc “xù lông nhím” thì Phụng chỉ cười. Một nụ cười rất hiền. Kiểu cười của những con người luôn ứng xử nhẹ bẫng trước mọi biến động chông gai, khó nhọc nhất của cuộc đời. Sau nụ cười hiền hậu, Phụng cũng nói một cách nhẹ bẫng – nhẹ như gió thổi: “Vợ con cũng hay. Nhưng vợ con đôi khi càng khiến mình bị cùm chân chứ nhỉ!”.

Những người gần gũi Phụng nói rằng hồi mới chuyển từ Quảng Ngãi lên Sài Gòn khoác áo Cảng, Phụng nói giọng Quảng Ngãi rất khó nghe. Và cũng chính cái giọng “rất khó nghe” ấy khiến Phụng mất tự tin mỗi khi…đứng trước các cô gái Sài thành. Cái đặc điểm rất riêng của một “cầu thủ tỉnh lẻ lên thành phố” cộng với những đặc điểm chung của nghề cầu thủ (cả ngày lăn lộn với quả bóng, rồi đi tập huấn, thi đấu hết chỗ này tới chỗ kia…) khiến Phụng… “sống kiếp độc thân” mãi tới bây giờ.

Như đã nói, Phụng chỉ cười hiền, rồi tung hứng những câu mang tính chất vui vẻ mỗi khi ai đó hỏi về “kiếp độc thân” của mình.  Vì thế tôi tin bất luận là “kiếp độc thân” được đánh giá là tích cực hay tiêu cực thì Phụng cũng đối diện và ứng xử với nó một cách dịu dàng, nhẹ bẫng. Duy chỉ có điều này: trong một khoảnh khắc nào đó, lúc tự thoại nội tâm, hay lúc nhìn thấy ai đó trạc tuổi mình đang dắt con cháu đi chơi thì Phụng và những người như Phụng sẽ cảm thấy trống trải một chút, hoặc chạnh lòng một chút – vậy thôi. Và những lúc ấy, những người như Phụng thường tìm đến café hay thuốc lá, vì trong thế giới của “café và thuốc lá” họ tìm được một sự chia sẻ vô vi – một sự chia sẻ không lời – một kiểu chia sẻ dường như không tồn tại trong “thế giới con người”.


Tôi mạo muội viết như thế, vì tôi thấy Phụng hay hút thuốc. Và nữa, khi tôi nói đến café Hàng Hành (phố café nổi tiếng ở Hà Nội) thì mắt Phụng sáng hẳn, và những tín hiệu phát đi từ Phụng cũng hào hứng hẳn: “Ồ, café Hàng Hành hay đấy! Mỗi lần ra Hà Nội, mình cũng hay café Hàng Hành”.

OK. Kiểu gì cũng sẽ có ngày tôi và Phụng không hẹn mà gặp ở café Hàng Hành – tôi nghĩ lung tung thế…!

Thần tượng thủ thành Peter Schmeichel

Nguyễn Văn Phụng nói rằng trong số những thủ môn danh tiếng trong thế giới bóng đá này thì anh đặc biệt ngưỡng mộ, thậm chí có thể coi là thần tượng thủ thành người Đan Mạch, người đã có nhiều năm bảo vệ khung thành CLB nổi tiếng Manchester Unietd: Peter Schmeichel. Phụng lý giải: “Anh ấy không bay lượn nhiều, nhưng bắt bóng chính xác, hiệu quả. Tôi rất thích kiểu bắt bóng như thế, và khi làm HLV thủ môn ở CLB cũng như ở ĐTQG, tôi thường hướng các học trò của mình đến kiểu bắt bóng này. Theo tôi, thế giới bóng đá còn lâu lắm mới có thể sản sinh ra được một Schmeichel thứ hai…”.

Phan Đăng
.
.