Mãi là miền của Sáng

Thứ Sáu, 27/09/2019, 17:35
Khi biết họa sĩ Hoàng A Sáng có triển lãm tranh "Miền A Sáng 2" tại số 20 Hàng Bài (Hà Nội) vào ngày 1-10 tới đây, tôi có chút ngỡ ngàng. Hẹn gặp Sáng, tôi mang theo sự ngỡ ngàng ấy và cả những điều thắc thỏm.

Nếu như triển lãm "Miền A Sáng" đầu tay năm 2016 là sự thể nghiệm, tìm tòi, sự ủ chín về nghệ thuật sau 20 năm cầm cọ, thì chưa đầy 3 năm sau, Sáng đã lại có thêm một gia tài hội họa. Phải chăng, khi vượt qua được cột mốc đầu tiên, nội lực và sự trải nghề đã tạo cho anh sức bật ngoạn mục?  Và liệu lần này, dấu ấn bản Pác Thay quê Sáng có hiện lên trong thế giới tranh của anh?

1."Dù tôi có mở bao nhiêu triển lãm đi nữa, thì vẫn mãi một cái tên "Miền A Sáng" mà thôi", Sáng bộc bạch như vậy. Bởi tranh của Sáng, trước khi đến với người thưởng lãm, đã phản chiếu những kí ức, những tâm sự ngổn ngang, những ước vọng xa xôi, là điệu hồn của riêng Sáng... 

Mỗi lần cầm cọ là mỗi lần Sáng dàn trải một góc tâm hồn mình, để rồi chính những mảng khối kia lại đi tìm niềm đồng điệu ở nhân gian. Đấy chính là cách Sáng - một người luôn nhận mình không có khiếu giao tiếp, quảng giao với cuộc sống. 

Một tác phẩm trong triển lãm "Miền A Sáng 2".

Chìm đắm vào thế giới nghệ thuật của Sáng qua 40 bức tranh trưng bày triển lãm lần này, nhận thấy rõ miền sống của Sáng chia ba mảng rõ rệt: mảng tranh thiền với sự ổn định của hình tượng người nữ - trăng - sen đã thể hiện trong triển lãm tranh đợt đầu, thêm mảng tranh phong cảnh miền núi đầy sức gợi và mảng tĩnh vật ấm áp. Sáng kì công cho đứa con tinh thần của anh. 

Thậm chí, Sáng đã nháp trước, xếp đặt, bày biện những bức tranh sao cho thuận mắt và hợp lí. Sáng cũng đã mời một vài người bạn am tường hội họa đến ngắm nghía và góp ý. Và Sáng khoe sẽ diện một chiếc áo chàm mới tinh trong ngày khai trương triển lãm...

Ở “Miền A Sáng 2”, Sáng vẫn trung thành với sơn dầu. Tuy nhiên, anh đã loại bỏ những hình nét rườm rà để hướng tới sự chắt lọc và hàm súc. Tự loại bỏ nét vẽ của mình, với người họa sĩ là một sự dũng cảm, và đó cũng là biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Điều dễ nhận thấy là lần này, Sáng sử dụng tông màu tươi sáng hơn, nhiều sắc độ hơn.

Một nhà tâm lý học từng nói: "Nơi đáy sâu tâm hồn mỗi người đàn ông đều có hình bóng người phụ nữ". Chính bởi vậy, những bức tranh thiền của Sáng mang vẻ đẹp tính nữ, tĩnh tại và thâm trầm qua chùm hình tượng người nữ - trăng - sen. Sen trong tranh Sáng chính là sự bừng nở tâm hồn anh, viên mãn đến tột bậc. Sen, trăng và hình tượng người nữ quyện hòa trong sự thánh thiện và trinh nguyên luôn gợi sự đức hạnh, đầm ấm, và yên an. 

Đặc biệt, sen hiển hiện ở cả ba trạng thái: nụ, hoa và hạt - là sự hội tụ giữa các trục thời gian quá khứ - hiện tại - tương lai. Sen sinh ra từ bùn tối và nở bừng ngoài ánh sáng, chính là sự thăng hoa tuyệt đối về tinh thần, bởi trái tim người họa sĩ như nụ hoa còn khép, sẽ gom đủ sức mạnh, niềm tin yêu để bung cánh và tỏa hương. Sen giữ được vẻ thanh khiết, trong trắng mà không phải lui về một nơi hoang vắng và thuần khiết, giống như con người giữ được thiện tâm giữa những xô bồ, nhiễu nhương.

Hình tượng người nữ trong tranh Sáng có nguyên mẫu từ những người phụ nữ trong cuộc sống của anh. Đó là mẹ anh nay đã bước sang tuổi bát thập, sống giữa mây ngàn gió núi Trùng Khánh phủ. Hỏi rằng anh có ý định đưa mẹ xuống Hà Nội ở cùng vợ chồng anh? Sáng bảo, cả cuộc đời mẹ anh quen với rừng với suối, với cọn nước, với chiếc áo chàm, với những lần đón con cháu trở về vui vầy mỗi dịp lễ tết. 

Bởi vậy, anh sẽ không bao giờ dám ngắt ngọn gió núi, tách dải mây rừng quen thuộc ra khỏi cuộc sống của mẹ anh. Làm như thế là tàn nhẫn với tâm hồn mẹ. Bởi chính anh, giữa phố thị, còn luôn ngóng về, thì làm sao mẹ có thể rời xa. Vậy nên, anh chỉ đón mẹ xuống Hà Nội chơi, rồi lại đưa mẹ về quê. Vợ chồng anh và các con cũng thường hay về thăm mẹ. 

Những ngày tết, cả gia đình Sáng bỏ lại Hà Nội sau lưng, ngược non về với mẹ, với anh em họ hàng từ 26-27 đến tận mùng 4 - mùng 5 mới rời đi. Sáng muốn được hít hà không khí tết trọn vẹn quê anh. Bởi thế, không có gì lạ, ở “Miền A Sáng 2”, mảnh hồn quê hương hiện hữu sắc nét và ấn tượng. Người nữ trong tranh Sáng còn là bóng dáng của hai cô con gái xinh xắn đang lớn lên từng ngày, có tiếng cười của con khi anh pha trò trêu chúng, là khi chúng đàn hát, làm việc nhà, là khi quấn quýt và làm nũng cha... 

Và còn có cả bóng dáng vợ anh - một người đồng hương, là con gái của nhà thơ Y Phương, luôn hiểu và đồng hành trong cuộc sống của Sáng. Quỹ “Miền yêu thương” do Sáng lập ra bao năm qua vẫn bền bỉ hỗ trợ cho các em nhỏ mồ côi Cao Bằng có sự góp sức không nhỏ của vợ con anh. Hàng năm, gia đình Sáng đều tổ chức trại hè bổ ích cho các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Cao Bằng. Vợ anh lo khâu tổ chức, hai con gái dẫn chương trình, niềm vui đến giản dị và ý nghĩa.

2. Sáng sống trong tâm thế của một người yêu làng bản quê hương nhưng phải ở nơi thành thị. Chính vì yêu mà khi xa quê, nỗi nhớ núi rừng luôn đeo đẳng. Sáng vẫn hay nghĩ, hay mơ về bản Pác Thay, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng quê hương anh. 

Và như một tất lẽ, Sáng vẽ về nơi ấy. Những bức tranh miền núi, Sáng đều gọi là “Miền kí ức” hay "Kí ức". Mỗi bức tranh là một chớp vụt của quá khứ, bởi thế, trong tranh Sáng, những áng mây lúc sáng tinh sương và lúc hoàng hôn cũng ánh lên màu thổ cẩm nơi vạt váy sơn nữ, nơi chiếc địu trẻ con của người Tày...

Họa sĩ Hoàng A Sáng.

Vẽ chính là cách Sáng hồi tưởng, níu kéo, cất giữ những kí ức một thời gắn bó. Kí ức ấy ẩn chứa những gì? Đó là một cái cây, đơn lẻ và to lớn. Ngày bé, Sáng cùng đàn bò rong ruổi, có lúc ngả lưng dưới gốc cây cổ thụ ở đầu bản, ngước mắt lên mê mải ngắm vòm xanh bất tận, lấp lóa ánh mặt trời. 

Đó là cái cây to nhất và đơn lẻ nhất trong tuổi thơ của Sáng, nó đối lập với những con người bé xíu ở bản anh hằng ngày vẫn dắt ngựa thồ hàng đi qua. Cái cây ấy còn vô cùng đặc biệt, bởi nó là một thân cây rỗng, là nơi Sáng và chúng bạn chui vào đó trú ẩn khi mưa gió, như một mái nhà. Cây là điểm tựa tinh thần cho dân làng, là cánh tay lực lưỡng che chở cho dân làng khi mưa to gió lớn. 

Sau này, khi cái cây ấy bị bật gốc, người bản Pác Thay làm lễ tế cây, cưa cây ra từng khúc nhỏ và chia cho cả dân làng. Ám ảnh về cái cây đó đã theo Sáng và là niềm cảm hứng bất tận để anh vẽ về cây. 

A Sáng chuyển hóa một cái cây cụ thể trong đời sống của anh thành một cái cây mang lớp nghĩa biểu tượng, là cây đời, là nguồn sống, là một dân tộc đang không ngừng sinh sôi, vươn cao và tỏa rộng. Bởi thế, hình tượng cây trong tranh của Sáng đơn lẻ mà không cô độc, bởi chỉ một cái cây đó thôi cũng bao trọn cả dân tộc anh, bản làng anh, kí ức anh...

Đó còn là hình ảnh con ngựa nhỏ nhắn, nhanh nhẹn mà Sáng nuôi và cưỡi từ khi còn là cậu bé 13 tuổi. Cũng vì cưỡi ngựa mà Sáng bị ngã và bị thương. Sau đận ấy, bố bán ngựa đi, Sáng cứ tiếc mãi con ngựa có cái bờm dài. 

Đó là dáng hình của những người dân bản Pác Thay trên dốc núi, nhỏ bé mà rắn rỏi, bền bỉ vô cùng. Sáng tìm cách níu kéo kí ức và dấu ấn tộc người trong chính con người anh và trong tâm hồn các con anh. Sáng vẫn thường thủ thỉ nói chuyện với các con bằng thứ tiếng Tày thân thuộc. 

Những buổi tối trong bữa cơm gia đình, Sáng kể chuyện bằng tiếng Tày cho vợ con nghe. Sáng cùng các con mặc bộ quần áo chàm mỗi dịp lễ tết về quê. Sắc chàm khiến Sáng thấy thư thả và an nhiên, khiến các con anh thích thú. Có những buổi cả nhà ngược non thăm mẹ già, Sáng vừa lái xe vừa làm thơ và nói chuyện bản làng...

Sáng bảo, làm nghệ thuật, lại là hội họa, phải cực kì kiên nhẫn. Sự nhẫn nại và độ tĩnh tâm giống như khi nhuộm những mảnh vải màu chàm của người Tày quê anh. Ngâm mảnh vải dệt từ bông vào nước lá chàm. Qua mấy ngày, đem ra hong nắng hong gió cho khô. Rồi lại ngâm trong nước chàm mới, lại hong khô… 

Cứ như vậy dễ có đến 4-5 lần, khi mà màu chàm chín vào từng thớ vải, không thể phai ra nước nữa, là khi đó có một mảnh vải chàm may áo. Đó là kết quả của một quá trình hấp thu để đạt được sự lâu bền và vĩnh cửu. Với Sáng, những bức tranh kia là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và miệt mài, có không ít lần bỏ đi làm lại… 

ới Sáng, một người miền cao xuống nhập cư phố thị, phải làm việc với thể lực và tinh thần gấp đôi, sự nỗ lực và kiên trì gấp đôi. Vì như vậy sẽ giúp mình có sức chịu đựng tốt hơn, tự tin hơn, thấu hiểu giá trị bản thân và sẽ gặp được những cơ duyên.

Đã hơn 20 năm Sáng xuống núi làm công dân phố thị. Bắt đầu từ những ngày chân ướt chân ráo từ Trường Dân tộc Nội trú Cao Bằng xuống làm sinh viên của Trường Cao đẳng Nhạc Họa Trung ương (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bây giờ). Rồi đi học, đi làm báo, vẽ tranh, lấy vợ, sinh con. 

Bây giờ, Sáng có một gia đình tràn đầy tiếng cười, một xưởng vẽ để đêm đêm Sáng đắm mình trong hội họa. Niềm đam mê viết luôn thường trực. Sáng vẫn đang dở dang một cuốn tiểu thuyết, ấp ủ một cuốn tản văn. Với Sáng, làm báo như một cơ duyên, viết văn là đam mê, nhưng vẽ mới là điều mà anh tâm đắc...

Huyền Châm
.
.