Trung tướng Phạm Hồng Cư

Mãi khúc quân hành

Thứ Ba, 27/08/2013, 14:23
Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng là người yêu văn chương và am tường các sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là các sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông từng nhiều năm làm công tác quản lý ở lĩnh vực này và luôn tạo được niềm tin của đội ngũ văn nghệ sĩ. Các văn nghệ sĩ khi làm việc với ông đều tìm thấy ở ông sự đồng cảm, trân trọng người sáng tác một cách hiếm thấy.

Gặp ông nhiều nhưng lần nào trước ông tôi cũng có một cảm giác thanh thản và tự tin đến lạ. Ngay như lần gặp đầu tiên, khi ấy tôi còn trẻ lắm, mới hơn hai mươi tuổi mà ông đã trên bảy mươi, mới nghỉ hưu với quân hàm Trung tướng, từng đảm đương nhiều cương vị quan trọng, từng là thủ trưởng của các thủ trưởng trực tiếp nơi tôi công tác. Ông rất dễ gần. Ông luôn hiểu người đối thoại là ai và cần gì để ông chia sẻ, bộc bạch và giãi bày một cách tự nhiên, khúc chiết như một nhà nho uyên thâm nhưng lại rất giản dị trong từng lí lẽ, câu chữ. Được hỏi chuyện ông, nhất là những chuyện trong chiến tranh ở những bước ngoặt lịch sử quả là điều thú vị. Sau những cuộc ấy, thường thấy rất rõ kiến thức của mình được bồi đắp một cách vững chắc không phải qua sách vở mà là từ thực tiễn sinh động, những câu chuyện xúc động, những biểu tượng từ cuộc chiến đấu, từ người thật việc thật đã được khái quát, được chưng cất qua lăng kính của một trí thức.

Ông từng là người chiến sĩ, người chỉ huy những đơn vị đầu tiên của Đại đoàn Quân Tiên Phong.

Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư.

Tôi còn nhớ khi đến làm việc để hoàn tất kịch bản kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, câu đầu tiên không đợi tôi hỏi, ông đã nói: “Đối với tôi, ấn tượng sâu sắc nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên đến tận bây giờ, đó là: Nếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có một quyết định khó khăn, tức câu chuyện “Kéo pháo vào, kéo pháo ra” thì thế hệ chúng tôi đã nằm lại tại Mường Thanh, chứ không thể có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Sức khái quát của ông trong mỗi ý, mỗi câu thường là như thế.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó Chính ủy của Trung đoàn 36 - Trung đoàn Bắc Bắc - Đại đoàn Quân Tiên Phong. Lịch sử Trung đoàn Bắc Bắc rất hào hùng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Trung đoàn được thành lập. Cái tên Bắc Bắc đã như một nét son đậm không riêng gì trong Đại đoàn Quân Tiên Phong. Bắc Bắc là sự hợp nhất của các đơn vị quân sự vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1952), Tây Bắc - Thượng Lào (1953) và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ, dấu chân người lính Trung đoàn Bắc Bắc đã có mặt khắp các chiến trường. Gian khổ hy sinh kể sao cho xiết. Nhà thơ Lê Kim, nguyên Chính trị viên Đại đội của Trung đoàn Bắc Bắc, mùa đông năm 1948 từng viết:

Ba thằng một cái chăn bông

Nằm thẳng cũng khổ nằm cong cũng phiền

Đắp dọc thì hở hai bên

Đắp ngang thì lạnh như tiền cái chân

Mặc cho trời đất xoay vần

Thịt da ta lại đắp lần thịt da...

Người chiến sĩ Trung đoàn Bắc Bắc đã trải qua nhiều mùa đông như thế mà lập lên rất nhiều chiến công. Và một trong những người chiến sĩ, người chỉ huy kiên trung của Trung đoàn Bắc Bắc là Phó Chính ủy Phạm Hồng Cư.

Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Đại đoàn Quân Tiên Phong thực hiện mũi nghi binh chiến lược đánh sang Lào để ta tạo thế bất ngờ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính Quân Tiên Phong luôn có mặt ở những vị trí nóng bỏng nhất, chiến đấu anh dũng và chịu nhiều mất mát, hy sinh. Nói về sự hy sinh, tôi thấy mắt vị tướng nhìn sững xuống. Im lặng hồi lâu, giọng ông như nghẹn lại: “Những người lính Điện Biên Phủ, nhất là những người đã hy sinh, ai cũng xứng đáng là anh hùng”.

Tôi nhìn vị tướng trận. Mái tóc phong sương phơ phất của ông sao nói quá nhiều điều. Nếu không có chiến tranh, cá nhân ông, những người thuộc thế hệ ông hẳn không ít sẽ trở thành những nhà khoa học, trí thức lừng danh. Trung tướng Phạm Hồng Cư có dáng dấp của một người hiền. Người hiền luôn đặt Tổ quốc và nhân dân mình lên trước nhất. Chính những người lính thế hệ ông đã tạo nên danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ. Khi tôi hỏi ông về danh hiệu này, vị tướng dường như sôi nổi hẳn. Ông nói ngay: “Đó là dân phong. Chắc chắn đó là dân phong chứ không thể khác. Quân đội ta huyền thoại là huyền thoại ở những chỗ như thế”. Rồi ông chậm rãi nói như truyền lửa cho thế hệ trẻ: “Đã có rất nhiều những khoảnh khắc, những hình ảnh trở thành biểu tượng thể hiện phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ để dân phong danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Đó là ánh chớp bom ba càng của chiến sĩ ta khi lao vào quân giặc trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó là lời thề “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Đó là những con người bằng xương bằng thịt: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan, Phùng Văn Khầu… và hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ đã ngã xuống để làm nên chiến thắng. Đại đoàn Quân Tiên Phong, ngay từ những ngày đầu thành lập đã lập nhiều chiến công vang dội, đánh thắng hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông tinh nhuệ của thực dân Pháp trong chiến dịch Biên giới năm 1950 để từ đó liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cả hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc”.

Người lính Điện Biên trong Đại đoàn Quân Tiên Phong năm xưa như một pho sử sống. Thế hệ cán bộ chiến sĩ trẻ chúng tôi, trong đó có những người làm văn, làm báo thường tìm đến để tường minh một chi tiết, một trận đánh, thậm chí một bước ngoặt trong chiến tranh. Cũng có khi, chúng tôi đến chỉ để tìm một chỗ dựa, một niềm tin vững chãi từ thế hệ đi trước đã từng qua mấy phen lửa đạn. Cũng có lúc, cơ quan phân tôi đem tới biếu ông một cuốn sách, một tờ lịch tết. Thế là lại được ngồi uống trà, nói những chuyện bình thường nhất với ông, một lão tướng quân, người chiến sĩ sớm có mặt từ buổi đầu cách mạng. Thì những lúc ấy, vẫn là những câu chuyện về người lính, nhất là những người lính Điện Biên năm xưa.

Không phải ai cũng biết, ông là anh trai của nhân vật “nàng” trong bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan.

Nàng có ba người anh

Đi bộ đội

Những em nàng

Có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh

Tôi người Vệ quốc quân

xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái...

Ba người anh đi bộ đội khi ấy ở chiến trường Đông Bắc đang đêm ngày quần nhau với giặc nào biết được em mình đã có chồng, chồng lại là một nhà thơ. Khi ấy, Hữu Loan vốn văn hay chữ tốt được cụ Lê Đỗ Kỳ (thân sinh Phạm Hồng Cư - Phạm Hồng Cư tên khai sinh là Lê Đỗ Nguyên) từng làm Tổng thanh tra xứ Đông Dương mời về làm gia sư cho các con. Năm 1939, khi Hữu Loan hai mươi tư tuổi thì Lê Đỗ Thị Ninh mới tám tuổi. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hữu Loan lập tức lên đường nhập ngũ đánh giặc khắp các chiến trường. Nhiều năm sau nhà thơ mới trở về và kết duyên với Lê Đỗ Thị Ninh nhưng cũng chỉ ở với nhau được vài ngày rồi nhà thơ lại lập tức hành quân trong đội hình Sư đoàn 304. Lúc này, Hữu Loan làm chủ bút tờ báo Chiến sĩ của Sư đoàn. Ba tháng sau, vợ nhà thơ Hữu Loan, em gái Phạm Hồng Cư mất. Ngay như việc em mất cũng phải đến một năm sau, trong một hội nghị của Bộ Quốc phòng về công tác chính trị, khi Phạm Hồng Cư gặp Võ Trí Sơn, cũng là bạn của nhà thơ Hữu Loan kể cho mới biết. Khi Võ Trí Sơn nói nhỏ: “Em Ninh mất rồi!” Phạm Hồng Cư đã lặng người đi rất lâu. Cũng đến lúc này ông mới biết em mình đã lấy nhà thơ Hữu Loan. Chiến tranh có những việc thật khó mà tưởng tượng hết.

Trung tướng Phạm Hồng Cư cũng là người yêu văn chương và am tường các sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là các sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Ông từng nhiều năm làm công tác quản lý ở lĩnh vực này và luôn tạo được niềm tin của đội ngũ văn nghệ sĩ. Các văn nghệ sĩ khi làm việc với ông đều tìm thấy ở ông sự đồng cảm, trân trọng người sáng tác một cách hiếm thấy. Ở cương vị như ông nếu nguyên tắc, cứng nhắc hoặc thiếu cởi mở với giới văn nghệ thì các hoạt động văn hóa văn học nghệ thuật trong toàn quân chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng. Đã gần hai mươi năm tôi công tác ở Tổng cục Chính trị vẫn luôn được nghe mọi người nhắc đến ông với một tình cảm đầy đặn. Điều đó với một con người, một vị tướng là rất đáng quý.

Có một chuyện, tuy rằng vị tướng hiếm khi nhắc đến, những tôi biết lúc nào cũng canh cánh trong tâm trí ông. Ông có một người anh trai hy sinh tại Điện Biên Phủ chỉ vài giờ trước khi lá cờ chiến thắng cắm trên nóc hầm Đờ Cát. Anh trai ông, liệt sĩ Lê Đỗ Khôi, khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, hy sinh tại đồi Him Lam, ngọn đồi giờ đã trở thành địa danh lịch sử. Trước khi hy sinh vài ngày, khi đơn vị của Phạm Hồng Cư vây đánh địch ở phía tây Điện Biên Phủ, hai anh em còn hẹn sẽ gặp nhau tại hầm Đờ Cát trong giờ chiến thắng. Đúng hẹn, Phạm Hồng Cư vào hầm của viên bại tướng ngồi chờ cả đêm không thấy anh đến. Hôm sau ông lập tức đi tìm, và đến khi gặp các đồng đội cùng đơn vị của anh mới biết Lê Đỗ Khôi đã hy sinh.

Những người lính dường như bao giờ cũng đồng hành với mất mát, hy sinh. Đối diện với những phút im lặng của người lính Đại đoàn Quân Tiên Phong năm xưa, những người trẻ tuổi chúng tôi, thế hệ chiến sĩ trẻ của Sư đoàn Quân Tiên Phong hôm nay, càng thấy rõ hơn con đường và trọng trách của mình

Phùng Văn Khai
.
.