MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng: "Sầu nữ" trong thế giới nhạc tình

Thứ Năm, 02/04/2015, 12:13
Điều gì ý nghĩa nhất với một con hát? Thì là hát chứ còn là cái gì. Chỉ cần được hát hoặc đôi khi chỉ cần một người nghe mình hát thôi, con hát đã sung sướng với giấc mơ bé xíu của mình. Thế nhưng, không giống như mọi con hát trên đời, Thắng rồ dại, điên si, yếu gầy khi hát. Và chẳng biết tại sao, cái vẻ đanh đá, chua ngoa thường ngày đi đâu mất, trên sân khấu nhạc tình Thắng đích thị là một “sầu nữ”.

Nếu dạo trang Facebook cá nhân của Thắng một vòng, nhất là vào đúng những ngày đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước sông Đà vỡ làm 7 vạn con dân đang sống tại thủ đô Hà Nội không có nước sạch để dùng vừa qua thì ôi thôi, có thể sẽ có người cười ngặt nghẽo khi tôi viết rằng Thắng yếu đuối. Vì Thắng ngoa ngoắt, đanh đá hơn thiên hạ tưởng rất nhiều. Ngoa ngoắt đến rùng mình. Thắng mà chửi thì chỉ còn nước đứng bất động một chỗ mà nghe; và chửi cùng một sự vật, hiện tượng mà chẳng bài chửi nào giống bài chửi nào. Thắng bảo Thắng là đứa con của phố phường, lớn lên đã bị văn hóa nhà ga ảnh hưởng (nhà anh gần ga Hà Nội).

Và mỗi lần chửi, đều có nguyên nhân, không phải tự dưng mà Thắng chửi. Riêng lần đó, Thắng chửi đến khi có nước dùng thì thôi. Nói xong, Thắng lại toe miệng cười. Nụ cười dính dưới một đuôi mắt rất tình.

Thắng ghê gớm ở ngoài đời sống bao nhiêu thì trong thế giới nhạc tình, Thắng rồ dại, điên si và yếu đuối bấy nhiêu. Để rồi trong những bản tình ca đầu đời, tình già trên đầu non ấy, Thắng đã đi vào một con đường thương nhớ cũ để xây lại mộng ước năm nào bằng lòng mộ đạo của một người lỡ mắc nợ với đời sống, với sự giản mộc của mình. Đó cũng là lần Thắng thiết tha nhất. Thiết tha tới những ngày sau.

Có một người bạn thấy Thắng đi hát ở các phòng trà mới nói rằng cái mặt Thắng sao lại có thể chường ra ở những nơi như thế. Nhưng Thắng cười xòa: “Tôi thích thì tôi hát”. Thắng hát không cần nổi tiếng, “ngứa” miệng thì hát, có người nghe Thắng hát thì Thắng hát và hát vì thích hát thôi. Ở đây con người chức vụ mà thiên hạ vẫn thấy ở anh đã biến mất. Thắng hoàn toàn là một “con hát”.

Sở dĩ tôi gọi Thắng là “con hát” mà không phải là ca sỹ là bởi ở Thắng, niềm đam mê hát, riết róng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời. Anh lao vào niềm đam mê ấy không toan tính, không vụ lợi như những con thiêu thân lao vào ánh sáng. Thứ ánh sáng mà Thắng hiểu rõ ngay từ ngày đầu tương ngộ, rằng nó sẽ sưởi ấm con người vong thân giữa những nỗi cô đơn của số kiếp.

Và hơn ai hết, Thắng biết rằng mình được hạnh phúc khi hát. Với anh, mỗi người đều có một chỗ, một góc để hát, để vẫy vùng cái đam mê của mình nếu như người đó thực sự yêu thích nó. May mắn thay, khi rất nhiều thứ rời bỏ anh, âm nhạc vẫn ở lại, cho anh một nơi “lui về nương náu” và “để quên rất nhiều ngày tháng tiêu điều” như một bản nhạc tình của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà Thắng từng ca.

Tôi nhớ Thắng da diết, khàn khàn hát Gọi tên bốn mùa, Tiến thoái lưỡng nan, Hoa rụng ven sông, Như cánh vạc bay… trong một ngày Hà Nội cuối thu gió se sắt ở quán cà phê Cộng. Tôi cũng nhớ Thắng, người kể tôi nghe về chuyện tình, về một thời băng từ, băng nhựa nay chỉ còn trong ký ức ở Baos café. Những ngày nhớ mưa Huế khi nghe Cuối cùng cho một tình yêu, là những ngày bạn bè nhớ nhau, tìm đến nhau, đôi khi chỉ để hát với nhau mấy câu vu vơ hoặc kể đôi ba câu chuyện tầm phào.

Nguyễn Hữu Chiến Thắng, kẻ mê nhạc tình và thích hát nhạc tình.

Thắng bắt đầu nghe nhạc khi mới 12 tuổi. Trong kí ức non nớt ấy, ba anh - người nghe dòng nhạc này như một tín đồ nghe Thánh kinh. Còn anh lại bị ảnh hưởng bởi ba nên chẳng biết từ lúc nào, dòng nhạc đó đã chảy trong huyết quản của mình. Anh nói hồi đó mình còn quá nhỏ để hiểu được những nỗi phiền muộn, u uẩn trong ca từ. Nhưng rồi, chính cái sự khó hiểu ấy lại trở thành định mệnh, trở thành cơn mơ sâu nhất. Và đây cũng là cơn mơ mà Thắng đi về giữa một rừng mê lú để chọn lựa, để không muốn tỉnh giấc.

Và trong cơn mơ ấy, hình ảnh ngôi nhà có căn gác xép nhỏ của gia đình, một chiếc đài Nga cũ kỹ và rất nhiều băng đĩa nhựa mang từ Sài Gòn ra lúc nào cũng hiện về rõ ràng, rành rọt. Nguyễn Hữu Chiến Thắng của tuổi 12 đã nghe Khánh Ly, Thái Thanh, Thanh Tuyền, Mai Lệ Huyền, Tâm Vấn hát thì Nguyễn Hữu Chiến Thắng của tuổi 40 vẫn còn nghe nhạc tình và vẫn hát lại nhạc tình… Bởi với anh, dù đã đi gần nửa cuộc đời, đó vẫn là một miền thăm thẳm kỳ lạ, một miền rất đẹp mà anh chỉ có thể cảm, chỉ có thể chiêm bái và ngưỡng vọng. Đó là một miền, có đi trọn cuộc đời vẫn không thể nào đi hết, hát hết.

Thắng bảo, Thắng sợ một ngày mình trở thành người vô tích sự, không còn cần cho ai đó nữa và mình không còn muốn hát nữa. Cuộc đời khi ấy chắc hẳn thật buồn bã. Vậy nên, Thắng tham công tiếc việc. Thắng làm đủ thứ, từ MC, biên tập viên, đọc lời bình, từ thiện… cho đến cả những việc bếp núc tỉ mẩn như nấu cơm và muối dưa cà.

Chúng ta có thể thấy Thắng vừa mới dẫn một chương trình phát trên TV, chuyển kênh khác thấy giọng Thắng đang đọc lời bình; và có thể một kênh khác nữa, Thắng xuất hiện với vai trò khách mời trong một chương trình nào đó. Và rồi không lâu sau đó, vô tình ta đến quán cà phê Cộng, lại thấy Thắng ở trên sân khấu và hát. Thắng là vậy, không muốn cái sự rỗng không cào mòn thế giới vô nghĩa này.

Mê nhạc tình và thích hát nhạc tình nhưng không phải bản nhạc tình nào Thắng cũng hiểu được và không phải bài nào Thắng cũng hát được. Chẳng hạn như ca khúc Gửi gió cho mây ngàn bay của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Thắng bảo mặc dù vô cùng thích nhưng Thắng chịu bởi giọng mình mà hát thì làm mất đi vẻ lãng mạn, bay bổng của bài hát này.
Thắng và Tâm ca biểu diễn tại Thương xá cà phê.

Thắng cũng biết rằng mình chưa đủ trải nghiệm, cũng không được học thanh nhạc bài bản và anh cũng không phải là người quá sâu sắc hay tinh tế để có thể cảm nhận được hết cái hồn của bài hát mà người viết nhạc thế hệ trước để lại; nên anh chỉ có thể hát bằng tư cảm của mình, để thấu hiểu, để tiệm tiến và cũng là một cách hoài vọng lại một thời đã qua. Thắng hát cho người cũng chính là hát cho mình để gọi lại một cơn mơ xưa quay về. Thắng bảo mình may mắn vì mình còn ký ức khi nhiều người khác đã lãng quên.

Những bài Thắng chọn để hát là những bài nổi tiếng nhưng ít người hát lại và anh hát theo cách của riêng mình. Anh bảo anh có ý thức đó không phải để được nổi tiếng như bài hát đó. Nó là bản năng, bản năng ấy khiến mình phải làm thế. Và mỗi lần hát, cũng là mỗi lần tìm thấy mình trong bài hát. Mình đã từng như thế, từng có thứ cảm xúc đó, từng có thứ ký ức đó và anh đã hát bằng chính ký ức của mình. Hát rồi mừng vui, chờ đợi một lần lòng mình thay lá. Cũng là để nghe lòng mình lắng lại sau một trăm năm chết trên căn phần mà mỗi con người là một huyệt đạo của đời sống.

Sau những đêm diễn, sau những lần chạy show tất bật, Thắng lại về ngôi nhà nhỏ của mình để sám nguyện, để một mình. Những ngôi nhà xộc xệch, của mình mà chẳng phải của mình. Vì đó là ngôi nhà thiếu vắng hơi ấm của người mẹ. Có một lần anh nói với tôi, nỗi đau buồn của đời người là nỗi đau mất mẹ. Thắng cười đó, nói đó, bị thời gian băm vằm thành những phân mảnh nhỏ nhặt đó nhưng cũng là Thắng đó, ngơ ngơ, ngác ngác, cô đơn đi về giữa phận mình.

Hát, không mang lại tiền bạc, và chắc hẳn Thắng cũng không mong hát để rồi ngày nào đó ai đó gọi anh là danh ca. Anh phải làm những công việc khác nhau để nuôi đam mê của mình. Anh đi hát cho người nhưng lắm lúc, anh thương cả người trả tiền cát-sê cho nhóm hát của anh vì quán bữa đó vắng khách quá. Thắng là người mà tôi biết không một lần tính toán thiệt hơn với đời. Và anh đã mang cái tâm giản phác ấy vào âm nhạc, vào những bản nhạc tình để hát, để được là chính mình.

Thắng bảo anh có một mơ ước khác nữa, đó là bao giờ già, sẽ cùng với người yêu đến khoảnh đất rộng bằng nửa quả đồi nào đó ở Hòa Bình trồng rau nuôi gà. Hai con người sống một cuộc đời giản dị rồi cứ thế mà ra đi. Nhẹ nhàng, lặng lẽ. Khi ngồi viết những dòng này, tôi nghĩ đến giấc mơ nhỏ ấy của anh và mỉm cười. Hẳn trong giấc mơ đó, ngôi nhà mà anh kể sẽ có căn xép nhỏ, một chiếc âm ly cổ hoặc một chiếc đài cũ với băng từ, đĩa nhạc từ những thập niên cũ xếp ngổn ngang. Và hẳn, trong ngôi nhà đó, anh cũng đang mỉm cười vì đã đi qua vũng lầy mà bên ngoài, nắng vẫn lên mau…

Người hát ca trù được gọi là ca nương. Thắng hát nhạc tình, nhạc sến nên Thắng gọi mình là “sến nương”. Đó cũng là tên facebook của anh. Và tôi tin, “sến nương” đến cuối cuộc đời, vẫn mê mải trong những bản nhạc tình.

Đậu Dung
.
.