Cố Tổng thống LB Nga B.Yeltsin trong con mắt của những người từng làm việc gần:

Lụy trên, mị dưới

Thứ Năm, 12/01/2012, 11:30
Dù muốn hay không cũng phải công nhận rằng, Boris Nikolayevich Yeltsin là một chính khách đã tạo nên dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử phát triển của nước Nga trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Tuy nhiên, cũng như vị Tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev, Yeltsin đã bị coi là một trong những tội đồ chính dẫn đến cảnh tan vỡ siêu cường hàng đầu thế giới, tạo nên những hệ lụy mà cho tới hôm nay vẫn còn tác động tiêu cực đến chính trường quốc tế.

Hơn thế nữa, là một chính trị gia tầm cỡ lớn nhưng ông Yeltsin đã không có đủ những phẩm hạnh đạo đức tương xứng. Vì thế, những người từng sát cánh với ông trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời rốt cuộc đều nhớ nhiều những điểm yếu của ông hơn là những điểm mạnh.

Đàn anh cũng hận

Ông Yakov Petrovich Ryabov (sinh ngày 24/3/1928) từng làm Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Sverdlovsk trong những năm 1971 tới 1976. Chính ông là người đã phát hiện ra vị cán bộ cấp dưới có tên họ là Boris Yeltsin rồi đưa lên làm người kế vị mình ở Sverdlovsk khi ông rời lên Moskva để gánh vác những vị trí trọng trách hơn. Tới giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông Ryabov đã lên tới chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Phó Thủ tướng) Liên bang Xô viết.

Năm 1986, trước khi về hưu, ông đã đi làm đại sứ Liên Xô ở Pháp cho tới năm 1990. Trả lời phỏng vấn tờ Fontanka xuất bản St. Peterburg mới đây, ông Ryabov đã tiết lộ  một số những câu chuyện ít được biết tới trong giai đoạn đầu của ông Yeltsin trên con đường sự nghiệp và một số nét tính cách của ông này mà về sau đã tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ tới số phận của nước Nga cuối thế kỷ XX.

- PV: Ông đã đưa Boris Yeltsin vào nền chính trị lớn khi giới thiệu ông ấy thay mình ở tỉnh Sverdlovsk.  Ông Brezhnev (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó) có ngạc nhiên với sự lựa chọn này không?

- Ông Ryabov:  Ông ấy đã rất ngạc nhiên. Chuyện là thế này. Tới thời điểm ấy, tôi đã bị lấy mất một số cán bộ rất khá lên Moskva, những người có thể được đề bạt để thay tôi tại Sverdlovsk. Người thì được cử làm Bộ trưởng, người thì bị thuyên chuyển đi đâu đó nữa, thí dụ như ông Ryzhkov chẳng hạn, được đề bạt làm Thứ trưởng. Mặc dù vậy nhưng khi ông Brezhnev mời tôi tới và hỏi: “Anh định đề nghị ai sẽ thay vào chỗ anh ở Tỉnh ủy Sverdlovsk?”, thì tôi vẫn nói: “Anh Kolbin”. Anh Kolbin vốn là phó thứ nhất của tôi, một người Ural, một nhà luyện kim, hiểu biết về tình hình ở tỉnh rất rõ nhưng ở thời điểm đó lại là phó cho ông Shevardnadze ở Gruzia. Chính vì thế nên nói, như đôi khi ai đó vẫn nói rằng, tôi gần như đã “chống lưng” để đưa Yeltsin lên làm Bí thư Tỉnh ủy là không đúng.

Hơn thế nữa, tôi thậm chí còn vật nài để ông Brezhnev trước mặt tôi gọi điện thoại tới Tbilisi và yêu cầu trả lại anh Kolbin về Sverdlovsk. Ông ấy đã gọi. Và tôi cầm lấy ống nghe và cố gắng thuyết phục ông Shevardnadze trả lại anh Konbin. Shevardnadze từ chối, mà ông Brezhnev lại ủng hộ ông ấy chứ không ủng hộ tôi. Còn biết phải làm gì nữa? Tôi đành đề cử Yeltsin. Ông Brezhnev không hề biết tí gì về Yeltsin cả, nhưng lúc ấy chúng tôi không còn thì giờ để lần chần nữa.

- Thế bây giờ ông có nhận thức ra rằng, chính ông đã dung dưỡng người mà về sau đã đào mồ chôn Liên bang Xô viết không?

- Theo tôi nghĩ, không nên cho rằng mọi việc ở đây đã phụ thuộc vào mỗi mình Yeltsin, rằng ông ta trong chuyện này là kẻ đứng đầu…

- Mà ông ta đã là sự tiếp nối hợp lý của Gorbachev?

- Không! Không phải của Gorbachev. Vấn đề là ở chỗ khi bắt đầu khai cuộc tất cả những quá trình gọi là dân chủ đó, đã xuất hiện một nhóm những gương mặt rất có học, rất được đào luyện, nhưng lại  không có tí chút gì kinh nghiệm sản xuất công nghiệp. Và chính họ đã làm rối cả mọi sự. Đó là những Popov (Gavriil Popov, một trong những thủ lĩnh phong trào dân chủ ở Liên Xô cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Thị trưởng Moskva từ tháng 6/1991 tới tháng 6/1992), Sobchak (Anatoli Sobchak, Thị trưởng St. Peterbug từ tháng 6/1991 tới tháng 7/1996), Afanasiev (Yuri Afanasiev, nhà nghiên cứu sử học, chính trị gia )… Tôi từng biết tất cả những người này và về sau, tôi đã nói chuyện với tất cả họ. Tôi hỏi: “Thế nào, các anh bạn, các anh đã thắng như thế ư?”. Afanasiev đã trả lời tôi về chuyện Yeltsin: “Phải, chúng tôi đã phạm sai lầm”.

- Vì sau Yeltsin lại gắn với tất cả “những gương mặt có học” này? Ông ta ngay từ trẻ cũng mang trong mình những mầm mống dân chủ ư?

- Không phải thế. Ông ta không bao giờ có những mầm mống ấy. Ông ta không bao giờ là nhà dân chủ cả. Ông ta cũng không thể được gọi là người có tính Đảng. Đó là một con người với những khiếm khuyết tính cách biệt dị, những tính cách đó đã buộc ông ta luôn luôn hành động chỉ vì lợi ích của cá nhân mình. Vì những lợi ích đó mà ông ta có thể nịnh người này, nạt người khác, phỉnh phờ người kia…

Tuy vậy, tôi vẫn không cho là khi đó tôi đã bị nhầm lẫn về Yeltsin, dù bây giờ tôi đã hiểu ra rằng, chính những nét tính cách ấy đã đóng vai trò chính trong việc tàn phá đất nước. Ở những năm 60, nhìn bên ngoài thì các khiếm khuyết nội tâm của Yeltsin còn chưa bị bộc lộ, ta không thể nào biết ngay được. Thí dụ, Yeltsin có thể vô cớ buông ra những lời lỗ mãng với người khác. Tôi đã biết Yeltsin từ khi ông ta còn là một kỹ sư xây dựng trơn, ông ta được cử đến nơi tôi là đội trưởng đảm nhận đường ống dẫn nước và hệ thống cống rãnh.

Nhìn bên ngoài thì Yeltsin trông như một thanh niên hoàn toàn bình thường, cao to, mạnh khỏe, dáng vóc thể thao, dù như bây giờ tôi hiểu, trong ông ta đã có mầm mống của cách cư xử lỗ mãng và nét tính cách đó đã bắt đầu từ lâu, từ khi ông ta còn là sinh viên.

- Một khi ông đã không loại bỏ Boris Yeltsin ngay trong giai đoạn làm việc đầu tiên với ông thì rõ ràng là, ông đã nhìn thấy trong ông ấy một số năng lực tích cực, hữu ích nào đấy?

- Ông ta rất kiên quyết. Nếu như mình nói: “Cậu Boris! Cần phải hoàn thành công trình trước thời hạn ngày 7/11!”, thì Yeltsin sẽ bằng mọi giá để công trình được thi công vượt tiến độ cho kịp ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Rồi ông ta sẽ còn cố gắng thuyết phục tôi, người đứng đầu Tỉnh ủy, huy động toàn bộ cán bộ đảng viên nòng cốt chung tay vào giúp công trình đó. Ông ta sẽ lôi kéo vào cuộc các đối tác của mình, các viện thiết kế, lãnh đạo các sở và tổ chức công việc trôi chảy nhất.

Người ta đồn rằng, Yeltsin từng bị đột quị tại nơi làm việc vì quá sức. Nói thực là tôi không biết. Tôi chỉ biết rằng Yeltsin có dồn mình tới tình trạng đột quị vì quá khát thèm quyền lực, quá muốn làm lãnh đạo. Chúng tôi cũng đã khuyến khích ông ta theo hướng đó, dù đã nhìn thấy những nét tiêu cực, thí dụ như ông ta rất hay thù vặt.

Tôi còn nhớ, khi nảy sinh vấn đề đề bạt một trưởng ban về xây dựng mới ở Tỉnh ủy, một người đã hỏi tôi: “Đồng chí muốn để Yeltsin thay Guseletov ư? Đồng chí có biết rằng anh ta sẵn sàng bước qua xác bất cứ ai không?”. Dù sao thì tôi vẫn đề bạt Yeltsin, dù cũng không quá cần tới ông ta và cùng lúc, tôi cũng phê bình ông ta về một số điều. Yeltsin hỏi lại tôi ngay: “Ai đã nói với đồng chí như vậy?”. Tôi đáp luôn: “Cậu đặt vấn đề không đúng rồi, Boris! Cậu phải nói rằng, cậu cần phải rút kinh nghiệm, chứ không được hỏi tôi là ai đã nói với tôi”.

- Quan hệ của ông với vị Tổng thống tương lai của nước Nga thời ấy chỉ thuần túy về mặt hình thức?

- Không. Trong giai đoạn làm việc ở Sverdlovsk, giữa tôi với Yeltsin đã có những quan hệ con người khá tốt. Tất cả những gì tôi nói, ông ta đều thực hiện. Ông ta cũng hay hỏi ý kiến của tôi. Tôi nhớ có lần ông ta tới: “Thưa đồng chí Yakov Petrovich, Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Kostroma đã mời tôi tới gặp”. (Tức là ông ta nói rằng ông ta được mời chuyển từ vị trí. Trưởng ban xây dựng ở Tỉnh ủy Sverdlovsk lên làm Bí thư Thứ nhất tỉnh Kostroma). Và ông ta hỏi: “Đồng chí đánh giá việc này như thế nào?”. Tôi trả lời: “Cậu phải tự quyết định, nhưng nếu cậu có ý muốn  trở thành Bí thư thì tôi không phản đối”. Ông ta cứ đi lại phân vân mãi… Rồi một hôm ông ta tới và nói: “Không! Tôi sẽ ở lại!”. Ông ta biết Kostroma là thế nào và Sverdlovsk là thế nào. Ngoài ra, ông ta cũng hiểu là tôi ở mức độ nào đó ủng hộ ông ta.

- Yeltsin lúc đó đã nghiền rượu chưa?

- Tôi với ông ta khi ấy thường xuyên gặp nhau, nhiều lúc cả bên ly rượu. Về tửu lượng thì Yeltsin có thể vượt lên trên tất cả. Nhưng tôi, bằng sự có mặt của mình, cũng đã hạn chế ông ta quá chén.

- Ông Yeltsin đã bao giờ theo thói quen nói năng lỗ mãng với ông chưa?

- Với tôi thì không, tất nhiên ông ta phải kiềm chế. Yeltsin nhìn từ một góc độ là người rất không khoan nhượng, nhưng nhìn từ góc độ khác thì lại là kẻ bon chen danh lợi điển hình và bợ đỡ. Nhưng ông ta cũng đã cố gắng nịnh bợ một cách không quá trắng trợn: “Đồng chí Yakov Petrovich, cần để đồng chí tham gia vào công việc này, nhưng đồng chí đừng lo ngại gì cả, chúng tôi sẽ chuẩn bị tất cả những tài liệu cần thiết. Chỉ cần đồng chí muốn tham gia là đủ…”.

- Và ông đã tham gia? Đã giúp đỡ một cán bộ đảng trẻ?

- Tôi đã không chỉ đơn giản là giúp đỡ Yeltsin mà còn phái đến giúp ông ta hàng tập đoàn, xí nghiệp, nhà máy hùng hậu. Bản chất Yeltsin hay kêu ca than thở lắm: “Lại thiếu cái này,  lại thiếu cái nọ…”. Vì thế làm việc dưới tôi thì Yeltsin rất ấm chỗ như trên thiên đường. Và bởi vậy nên tôi đã phải làm rất nhiều việc cho ông ta. Chúng tôi đã đưa Yeltsin từ chức Đội trưởng công trình lên làm Phó giám đốc xí nghiệp rồi làm Giám đốc xí nghiệp. Tôi, với tư cách Bí thư Thứ nhất Tỉnh ủy Sverdlovsk, đã phải quan tâm tới mọi việc nhưng tôi đã đặc biệt chú trọng tới các công trình xây dựng lớn. Vì thế, làm việc dưới tôi là Yeltsin đã rất gặp may.

- Có thực người ta đồn rằng, Boris Yeltsin đã gần như có sáng kiến xóa bỏ ngôi nhà Iganatiev không (đây là ngôi nhà từng nằm trên đại lộ Vznesensky trong thành phố Ekaterinbur, thủ phủ tỉnh Sverdlovsk, nơi Sa hoàng cuối cùng của nước Nga Nikolai cùng gia đình đã bị xử bắn đêm 16 rạng ngày 17/11/1918)?

- Quyết định của Moskva xóa sổ ngôi nhà Iganatiev đã được đưa ra từ khi tôi còn làm Bí thư Thứ nhất. Nhưng tôi đã không vội thực hiện. Việc gì phải động tới ngôi nhà đó. Đấy là một ngôi nhà ở vùng thấp, chẳng làm phiền ai cả. Tôi đã mời Chủ tịch Xô viết thành phố lên và nói: “KGB đã buộc tôi vào ngôi nhà Ignatiev rồi, nhưng việc gì chúng ta phải vội? Hãy đợi tới sau này, khi chúng ta làm đường ở chỗ đó và nếu ngôi nhà Ignatiev làm phiền chúng ta thì khi ấy chúng ta mới nên quay trở lại vấn đề này”. Khi ấy trong ngôi nhà đó là nơi lưu trữ sách và nó còn được sử dụng làm thêm việc gì đó nữa. Tức là nếu phá nó thì tôi đã phải đi tìm thêm chỗ khác để chuyển tất cả những thứ ấy.

Yeltsin và Poltoranin lúc còn thân thiết.

Yeltsin biết tất cả những việc này. Hơn thế nữa, ông ta đã ủng hộ ý kiến của tôi. Thế nhưng, sau khi vừa trở thành Bí thư của Sverdlovsk và nhận được điện thoại từ Moskva là Yeltsin chỉ sau vài ngày đã xóa sổ ngôi nhà Ignatiev. Đấy là thêm một thí dụ  rõ nét về tính lụy trên của ông ta.

- Ông có nhận được thông tin về cách hành xử của ông Yeltsin ở tỉnh Sverdlovsk khi ông ấy trở thành nhân vật số 1 trong tỉnh?

- Về việc Yeltsin là một Bí thư Thứ nhất của Tỉnh ủy Sverdlovsk như thế nào, nhà báo cần phải trò chuyện không phải với tôi mà với những ai từng làm việc với ông ta ở đó. Nhưng tất nhiên, những cán bộ ấy về sau cũng kêu ca với tôi về ông ta, kể những trò mà ông ta đã bày ra tại Sverdlovsk. Không có tôi ở trong tỉnh, Yeltsin đã đánh mất sự tự chủ và tôi đã nói thẳng với ông ta về việc này. Nói qua điện thoại và khi về gặp trực tiếp. Tôi bảo: “Anh phải hiểu rằng ở một ý nghĩa nào đó thì anh còn chưa trưởng thành đủ tầm làm Bí thư Thứ nhất. Nói về bản chất thì  anh chỉ là một thợ xây. Thế nào là hệ thống cống rãnh, thế nào là gỗ lạt thì anh biết rất rõ, nhưng thế nào là chính trị thì anh lại chẳng hiểu gì cả. Anh cần phải tiếp tục trau dồi hơn nữa. Anh không biết về ngành chế tạo máy, về kinh tế. Anh còn cần phải học nhiều. Chứ không chỉ đơn giản là thế này thế nọ…”.

Và Yeltsin đã cảm thấy mình là ông chủ toàn phần của tỉnh khi tôi thôi là Bí thư BCH TW và chuyển sang làm Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên bang Xô viết. Và Yeltsin, như người ta vẫn nói, đã rộng chân rộng tay làm đủ mọi chuyện. Muốn gì thì làm nấy. Tất nhiên điều này bộc lộ trước hết vẫn là sự thô bạo rất Yeltsin và thái độ “mục hạ vô nhân” cố hữu.

- Thế ở Moskva ông có bao giờ gặp ông Yeltsin không?

- Có, vào khoảng năm 1984 - 1985, khi tôi được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Yeltsin đã tự gọi điện thoại tới: “Đồng chí Yakov Petrovich, tôi muốn được gặp đồng chí, đã lâu rồi chúng ta không ngồi với nhau, tôi thấy nhớ…”. Ông ta đến trang trại của tôi. Và cùng nhau chén chú chén anh…

- Người ta có tham khảo ý kiến của ông về việc chuyển ông Yeltsin lên Moskva không?

- Không. Và thế là rất không đúng. Tôi đã nói điều này với Gorbachev tại hội nghị BCH TW, khi Yeltsin đã bắt đầu quay như chong chóng đường lối riêng của mình. Tôi khi đó đang là đại sứ Liên Xô tại Pháp, nhưng cấp hàm của tôi cao hơn bất cứ một Bộ trưởng nào, vì tôi là Ủy viên Trung ương và đại biểu Xô viết Tối cao.

Yeltsin thời trẻ (thứ hai từ trái sang).

Cũng trong giai đoạn làm đại sứ ở Paris, tôi đã không tiếp Yeltsin. Chuyện như thế này. Ông ta đến cùng một đoàn đại biểu và nhân thể quảng cáo cho cuốn sách đầu tiên của mình Tự thú theo chủ đề định sẵn. Ông ta gọi điện thoại cho tôi vào giữa đêm ba lần. Tôi đáp: “Mai chúng ta sẽ gặp nhau nhé, anh Boris. Thế anh có bay về dự hội nghị Trung ương ở Moskva không? Tôi sẽ bay về đấy và chúng ta sẽ nói chuyện với nhau trên máy bay”. Yeltsin: “Thế thì chúng ta sẽ không gặp nhau được rồi vì tôi bay bằng máy bay Pháp”. Tôi đáp: “Không có vấn đề gì. Bây giờ tôi gọi điện cho lãnh đạo Aeroflot và anh ấy sẽ chuyển vé cho anh trong nửa giờ thôi. Và tôi sẽ đón để anh ngồi cạnh chỗ tôi”. Nhưng Yeltsin mặc dù lúc ấy đã là hai giờ sáng vẫn tiếp tục nài nỉ: “Thôi nào, để tôi rẽ vào và chúng ta sẽ ngồi nói chuyện”. Nhưng tôi vẫn cương quyết từ chối. Và từ đó, tôi với ông ta không bao giờ gặp nhau nữa.

- Ngay cả khi ông Yeltsin tự xếp chỗ cho mình như một nhà dân chủ?

- Khi Yeltsin được bầu làm Chủ tịch Xô viết Tối cao CHLB Nga, tôi đã rất muốn gặp ông ta. Vì tôi nhìn rõ là ông ta đang đi không đúng hướng. Tôi đã gọi cho ông ấy mấy lần. Nhưng họ đã không nối máy. Chính gã Korzhakov (Aleksandr Korzhakov, tướng cận vệ của ông Yeltsin) cứ nói: “Chúng tôi đã báo cho ông ấy nhưng ông ấy bận, ông hãy hiểu giùm…”. Tôi bảo: “Hãy nói với anh Boris Yeltsin là tôi muốn gặp anh ấy!”. Vẫn không được tích sự gì. Tôi tìm cách khác. Khi đó,. Yeltsin có hai trợ lý là Petrov (về sau trở thành lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Nga) và Ylyushin (về sau trở thành Phó Thủ tướng Nga). Tôi nhấn máy gọi cho Petro: “Anh là trợ lý thứ nhất, lãnh đạo văn phòng của ông ấy, hãy nói với Yeltsin rằng tôi muốn gặp ông ấy! Hãy xếp sắp làm sao để ông ấy tiếp tôi!”. Cứ thế trong hai hay ba tháng! Cho đến khi Petrov cuối cùng gọi điện thoại cho tôi: “Ông Yeltsin sẽ không tiếp ông đâu!”. Tôi gọi cho Ylyushin. Cũng vẫn là công dã tràng.

- Ông ấy hãi ông ư?

- Cực kỳ hãi. Tôi cảm thấy điều này. Và cả Ylyushin lẫn Petrov cũng hãi tôi vì tôi biết họ từ thời còn ở Sverdlovsk. Ylyushin từng là Bí thư Thành Đoàn ở Tagil (một thành phố nhỏ ở tỉnh Sverdlovsk), còn về Petrov thì tôi còn biết rõ cả bố anh ta nữa cơ.

- Khi ông Yeltsin trở thành Tổng thống Nga, có khi nào ông bị nhắc nhở là phải giữ mồm giữ miệng không?

- Không. Không bao giờ, mà không nhắc thì tôi cũng không bao giờ bạ đâu nói đấy.

- Ông sợ ư?

- Tôi đã không sợ Yeltsin và bây giờ thì lại càng không sợ. Ông ta đã bị đào sâu chôn chặt hơn tất cả mọi người. Yeltsin không thể trở thành kẻ thù của tôi. Ông ta đã không thể ổn thỏa với tôi. Và nói chung, nói về ông ta nhiều thì tôi chỉ đau đầu thôi. Từ một thời điểm nào đó, tôi không còn cảm thấy thú vị khi nói về ông ta nữa.

Bạn hữu bỏ đi

Mikhail Poltoranin là Bộ trưởng Truyền thông đầu tiên của nước Nga hiện đại, từng giúp ông Yeltsin rất nhiều việc quan trọng trong thời gian lập nghiệp ở Moskva với những khát khao dân chủ hóa xã hội. Thế nhưng, tới giữa những năm 90 của thế kỷ trước, nhận rõ chân tướng của ông Yeltsin, ông Poltoranin đã li khai và trở thành một nhân vật chống lại người bạn cũ.

Trả lời phỏng vấn báo Fontanka xuất bản tại St. Peterburg mới đây, ông Poltoranin cho rằng, trong vụ ký Hiệp ước Belovesh cách đây 20 năm, chấm dứt sự tồn tại của LB Xô viết, vai trò thủ phạm chính đã thuộc về ông Yeltsin. Ông cũng bóc trần sự câu kết giữa ông Yeltsin với ông Gorbachev trong âm mưu đó”. “Khi ấy ông ấy (tức Yeltsin) chẳng biết xót xa gì cả. Với ông ấy mọi sự như nhau, dù là đứng đầu một quốc gia dân chủ, phát xít gì cũng được, miễn là phải đứng đầu. Miễn là không ở dưới quyền của ai cả. Ông ấy đã chung đường với Gorbachev, người nói chung thì cũng phỉ nhổ lên mọi sự và hai người này đã làm ra vẻ như “chiến đấu” với nhau. Những thực ra chẳng có cuộc chiến đấu nào cả! Hai người đó đã ngồi bàn mưu tính kế với nhau hằng đêm ròng, theo đúng nghĩa đen của từ này.

Yeltsin đã ngồi lỳ trong phòng Gorbachev tới gần 4 tiếng trước khi đi Belarus. Trong lúc đó chờ ông là những nhân vật như Gaidar (Yegor Gaidar, 1956-2009, nhà kinh tế được coi là số một trong đội hình phò tá ông Yeltsin), Shakhrai (Sergrey Shakhrai, một trong ba tác giả của bản Hiến pháp hiện hành của LB Nga), Burbulis (Gennady Burbulis, Quốc vụ khanh trực thuộc Tổng thống Nga). Toàn bộ đội hình đã tập trung nhưng Yeltsin vẫn ngồi để nhận những chỉ thị cuối cùng từ Gorbachev trước cuộc gặp tại Belovesh. Rồi ông ta đứng bật dậy: “Tôi cần phải đi, gặp gỡ với Kravchuk!”. Gorbachev nói: “Anh hãy nói chuyện với ông ấy tại đó!”. Chuyện này là thế nào? Đi gặp để nói chuyện với Kravchuk ở tận Belarus, khi ông này đang đứng đầu Ukraina. Không phải trong Điện Kremli, không phải ở Moskva, mà lại với một đội hình được tuyển chọn đặc biệt cho mục đích này. Tất nhiên, làm thế tức là đã chuẩn bị mọi thứ rồi.

Rồi chẳng bao lâu sau đó người đã đã cử cho ông Yeltsin một người tên là Jeffrey Sachs – dưới vỏ bọc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, để lãnh đạo nhóm cố vấn kinh tế của ông ấy (Jeffrey Sachs, TS ở Harvard, tác giả của các chương trình “liệu pháp sốc” được thực hiện ở Peru, Ba Lan và Nga – TG). Đó chính là đội hình của ông Yeltsin.

- Ở Liên Xô trước kia những ai từng bị nghe lén?

- Nói chung là cơ quan chức năng có quyền nghe lén tất cả, ngoại trừ các đại biểu Xô viết Tối cao. Ngay cả các thành viên chính phủ cũng có thể bị nghe lén. Tất nhiên, cũng tùy người. Nếu đó là Bộ trưởng Văn hóa thì nghe lén ông ta làm gì! Còn nếu đấy là Bộ trưởng Bộ Vũ khí thì cần phải kiểm soát chặt để đề phòng những hồi chuông gọi tới không cần thiết.

- Người ta cũng đã nghe lén ông Yeltsin?

- Korzhakov (tướng chỉ huy đội bảo vệ cho ông Yeltsin – TG) đã nghe lén. Không phải nghe lén tất cả, mà chỉ ông Yeltsin thôi. Phải hiểu là, không phải tự bản thân ông Yeltsin chỉ huy. Nhìn từ một góc độ, bên cạnh ông ấy có Jeffrey Sachs mà tôi đã nói ở trên. Và ông này thì như mọi người đã biết, không phải chỉ có một mình. Nhìn từ góc độ khác, người ta đã tác động tới vợ ông Yeltsin. Tác động để can thiệp vào chính sách cán bộ của chính phủ. Một lần họ còn tới định can thiệp với tôi. Và phu nhân của ông Yeltsin, bà Naina, đã phán rằng phải cất nhắc người này, cách chức người nọ! Tôi tới gặp ông Yeltsin ngay: “Sao bà ấy lại ra lệnh như thế hả ông? Ông nên ngăn bà ấy lại!”. “Thôi nào, anh đừng để ý tới bà ấy!”. Thế nhưng rồi sau khi vợ rót mật vào tai và ông ấy nổi cáu: “Nào, hãy cất nhắc người này với cả người kia mau!”.

- Tôi hiểu đấy là ông đang nói tới sự xuất hiện của hiện tượng kinh dị “Gia đình Trưởng lão” (thuật ngữ chính trị chỉ đội hình những nhân vật thân cận với ông. Yeltsin, tác oai tác quái một thời khi ông này làm Tổng thống Nga). Nhưng trước khi trở nên như vậy, họ đã là những con người khiêm nhường?

- Họ chưa bao giờ là những người khiêm nhường cả. Họ luôn luôn là những người không chân thành. Họ lúc nào cũng diễn. Yeltsin đã diễn ra vẻ như ông ấy đi bộ và đi trên xe bus điện. Nhưng chạy theo sau cỗ xe bus điện ấy là xe hơi riêng của ông ấy. Ông ấy đi xe bus điện khoảng hai bến. Mọi người nhìn thấy và trầm trồ: Ô, ông Yeltsin lại đi bằng xe công cộng! Nhưng rồi ông ấy xuống khỏi xe bus điện, dùng cái khăn mùi xoa xức nước hoa chùi sạch dấu vết của những lần vừa bắt tay quần chúng rồi ngồi vào xe hơi riêng và đi tiếp.

Hoặc là có ai nhớ cảnh bà Naina tự đi mua thực phẩm ở những cửa hàng bình dân, đứng xếp hàng mua bánh mì. Thực ra thì, ngay cả khi ông Yeltsin đã bị cách chức (Bí thư Thành ủy Moskva), tất cả các chế độ vẫn được duy trì nguyên như cũ. Tôi nhớ có lần ông ấy nằm trong bệnh viện Michurin, chúng tôi tập trung cùng nhau để tới thăm ông ấy. Tôi đi bộ tới gần nhà ông Yeltsin và thấy, một xe hơi Chaika được đánh tới. Và bà Naina bước ra cửa. Chúng tôi cùng ngồi vào xe. Bà ấy nói với lái xe: “Chúng ta vào lấy hàng đặt ở cửa hàng Kremli nhé. Toàn thứ hàng chọn. Tức là họ vẫn hưởng mọi chế độ ưu tiên ưu đãi nhưng lại làm ra vẻ để xung quanh nghĩ rằng họ vẫn đi khám bệnh ở bệnh viện bình dân… Nhưng nào họ có đi đâu chứ!

- 20 năm trước, ông Yeltsin đã không chúc mừng năm mới người Nga. Người ta bảo, đó là do ông ấy đã “xử lý tài liệu” quá đà? (“xử lý tài liệu”, đó là cách nói lóng để chỉ việc uống rượu).

- Không phải thế, chỉ là do quá rối chuyện. Chưa từng xảy ra cảnh ông ấy quá chén đến mức say bí tỉ. Nhưng tôi nhớ lần họ chia nhau Ostankino (Trung tâm truyền hình liên bang ở Moskva). Năm 1992 tại Bishkek (thủ đô Kyrgzystan)  đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập). Nazarbayev (Tổng thống Kazakhstan), Yeltsin, Kravchuk, Shushkevich (lãnh đạo Belarus)… ngồi với nhau để chia kênh truyền hình Pervyi giữa các nước cộng hòa (trong thời Xô viết, đây là kênh truyền hình chủ đạo ở tầm liên bang). Khi ấy thì mọi thứ khác đã chia nhau xong rồi. Tôi lên phát biểu. Tôi nói rằng không thể cắt Ostankino ra thành từng mảnh vì đấy là một tổ hợp thống nhất. “Mỗi nước cộng hòa đều có riêng một hãng  truyền hình rồi, chỉ riêng nước Nga là chưa bao giờ có kênh truyền hình riêng cả. Vậy từ nay Ostankino sẽ là của riêng nước Nga”. Tôi nói khá lâu và khá thuyết phục. Mọi người đều đã đồng tình với tôi.

Rồi sau đó tôi có khắc khẩu với ông Kravchuk. Tôi bỏ ra ngoài. Còn họ ngồi vào uống rượu với nhau. Và bỗng nhiên Sasha Korzhakov chạy ra tìm tôi: “Họ gọi anh đấy!”. Tôi đi vào. Ông Yeltsin bắt đầu dàn hòa giữa tôi với ông Kravchuk. Chúng tôi cùng nâng ly và dàn hòa với nhau. Tiếp theo là phải đi để dự lễ khai trương Trường Đại học Tổng hợp Nga ở Bishkek. Nhưng ông Yeltsin lúc đó không thể nào đứng vững được nữa. Một bên thì ông Burbulis đỡ ông ấy, còn một bên là tôi. Nhưng ông ấy cứ rũ ra, không thốt được nên lời. Và tất cả các hãng truyền hình đều quay được cảnh này. Khi buổi lễ kết thúc, tôi nói với các phóng viên truyền hình: “Thứ nhất, ông Yeltsin đã mệt. Thứ hai, đây là phương Đông, vô cùng hiếu khách, mà không phải ai cũng có tửu lượng chịu nổi được. Vậy trên tinh thần anh em, tôi muốn yêu cầu các bạn đừng phát cảnh vừa rồi!”. Và phải nói rất trân trọng rằng, sau đó không một hãng truyền hình nào phát đi bất cứ một cảnh nào trong buổi hôm đó... Đấy là do lòng quý trọng của đồng nghiệp đối với nước Nga, với cá nhân tôi. Ông Yeltsin đã hiểu rõ điều này, đã nhớ điều này nhưng rồi ông ấy lại quên đi…

- Lần cuối ông gặp ông Yeltsin là khi nào?

- Tôi gặp ông ấy lần cuối là vào năm 1996. Khi chuẩn bị cuộc bầu cử Tổng thống, họ gọi tôi vào đội hình của ông ấy. Nhưng tôi nói rằng, tôi sẽ bỏ phiếu chống lại Yeltsin và tôi sẽ kêu gọi mọi người làm như thế. Từ đấy thì tôi không bao giờ liên hệ với ông ấy nữa.

Thực ra thì tôi đã hiểu từ sớm hơn thế về hướng mà Yeltsin sẽ dẫn đất nước sa vào. Và tôi bắt đầu chống lại việc này. Ông ấy không thích thế. Ông ấy cho rằng tôi với ông ấy là bạn bè. Phải đồng cam cộng khổ tới tận lúc chết. Ông ấy cho rằng vì thế tôi cũng phải trở thành một người tác quái như chính ông ấy…

Trần Thanh - Hữu Tịnh
.
.