Luật sư - Bộ trưởng Phan Anh: Những ngày tháng Tám

Thứ Năm, 29/08/2013, 15:21
Luật sư Phan Anh (1912-1990) là một trí thức nổi tiếng, từng là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ Trần Trọng Kim ở giai đoạn trung tuần tháng 4/1945 cho tới ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong những ngày mùa thu lịch sử đó, với tinh thần yêu nước đích thực, luật sư Phan Anh đã nhanh chóng hòa nhập với phong trào Việt Minh và trở thành một trong những gương mặt trí thức quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo chính phủ mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thành phần chính phủ liên hiệp kháng chiến, ông đã đảm nhận cương vị Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 3 tới tháng 11/1946… Trưởng thành cùng cách mạng, nhà trí thức Phan Anh đã từng gánh vác trách nhiệm Bộ trưởng ở nhiều Bộ trong những giai đoạn khác nhau và từng là Phó chủ tịch Quốc hội…

Trong hồi ký viết về chồng mình, bà Hồng Chỉnh, phu nhân của luật sư Phan Anh đã dành rất nhiều dòng chân thực và ấm áp để kể về những ngày luật sư Phan Anh đến với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Khi đó, tuy là một trong những thành viên của nội các mang tiếng là “thân Nhật”, nhưng luật sư Phan Anh với tư tưởng ái quốc của mình vẫn là nhân vật mà lực lượng “Thiên hoàng”, như chính ông nhận xét, “nửa tin nửa ngờ”.

Ông cũng đã biết tận dụng cương vị đang có để thực hiện các chuyến công tác tới các địa phương, diễn thuyết tuyên truyền về phong trào Độc lập cũng như đường lối của chính phủ mà ông đang là thành viên. Ông đã liên tục diễn thuyết ở Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá…

Cuộc diễn thuyết ở Hà Nội với sự tham gia của luật sư Phan Anh lôi cuốn được hàng vạn công chức, trí thức và nhiều  người dân lao động với khẩu hiệu: Đuổi người Pháp ra khỏi các cơ quan Nhà nước… Cuộc đấu tranh đòi lại đất thuộc địa mà chính phủ Trần Trọng Kim tiến hành cũng thu được một số kết quả nhất định…

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc.

Tuy nhiên, là một trí thức uyên bác và giàu trải nghiệm, luật sư Phan Anh ngay từ khi đó đã hiểu rằng không thể nuôi ảo vọng ở lực lượng Nhật đang chiếm giữ nước ta. Và vì thế, khi hay tin bùng nổ phong trào đấu tranh cách mạng do Việt minh đứng đầu, ông cùng toàn bộ chính phủ Trần Trọng Kim liền đệ đơn từ chức lên vua Bảo Đại.

Ông vua cuối cùng của triều Nguyễn đã yêu cầu các thành viên trong chính phủ nán lại để tiếp tục một số công việc. Trong tình hình đó, theo hồi ký của bà Hồng Chỉnh, nội các Trần Trọng Kim cũng đã cố gắng làm thêm được hai việc đáng kể. Đó là khuyên vua Bảo Đại không nên cố giữ ngai vàng mà đi ngược lại trào lưu lịch sử. Và, nên trung thành với ý chí của nhân dân, tránh dựa vào lực lượng bên ngoài, gây cảnh “tương tàn cốt nhục”.

Tiếp theo, kèm theo lời tuyên bố từ chức giao trả chính quyền cho nhân dân, chính phủ Trần Trọng Kim đã lập ra được một danh sách những nhân sĩ, trí thức có tiếng tăm phục vụ cho việc thành lập chính phủ mới trong tương lai. Như ở phía Bắc có Đặng Thai Mai, và phía Nam có Bùi Công Trừng, Lê Văn Hiến...

Cũng trong thời điểm đó, do biết các mối quan hệ thân hữu của luật sư Phan Anh với một số nhân vật có vai trò quan trọng trong phong trào Việt minh, một số thành viên cũ của nội các Trần Trọng Kim đã đề nghị ông tìm cách sớm liên lạc được với Hà Nội. Và luật sư Phan Anh đã nhận lời. Ông đã lên đường từ Huế ra Hà Nội cùng với người bạn trí thức thân thiết là Tạ Quang Bửu…

Đó là chuyến đi để lại cho ông những ấn tượng sâu đậm về cuộc cách mạng đang diễn ra. Khi xe về gần Hà Tĩnh quê ông, ông đã rất xúc động trước cả một rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên các phố. Bà Hồng Chỉnh thuật lại theo lời ông kể: “Cảnh phố nhộn nhịp, nhưng trật tự. Anh đến ngay Trụ sở Ủy ban, trong đó - thấy những anh em quen biết. Anh được Chính quyền Cách mạng tiếp đón, trao đổi tình hình. Sau đó anh lại đi ngay. Tâm trạng anh trên đoạn đường này là trong sáng, trong sáng như mặt nước biển Đông vào buổi bình minh, trời quang mây tạnh… Gặp chính quyền cách mạng ở Hà Tĩnh, anh càng thêm yên tâm tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc. Trên đường đi từ thị xã Hà Tĩnh đến Vinh, xe anh gặp những đoàn biểu tình dài hàng cây số, trống dong, cờ mở, biểu ngữ trùng trùng, điệp điệp, hàng ngũ chỉnh tề. Mỗi khi anh ngồi trên xe giơ nắm tay ra ngoài để chào thì cả đoàn người cùng giơ cao nắm tay chào lại và hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam Độc lập muôn năm”…

Đến Vinh, rừng cờ đỏ sao vàng lại rậm hơn, tuy rằng ở đây chưa cướp chính quyền, nhưng mọi công việc trong thành phố đã do chính quyền mới sắp thành lập thực sự nắm cả trong tay. Anh báo cáo tình hình trong cuộc mít tinh nhỏ, ngay từ buổi chiều hôm đến ở trụ sở của Tỉnh trưởng do lực lượng thanh niên của Việt minh tổ chức. Tổ chức đó còn mời anh ở lại đến ngày hôm sau để dự một cuộc mít tinh lớn chính thức đón chào chính quyền mới ở sân vận động. Nhưng, vì vấn đề thời gian và mong sao ngày 16-8 đoàn về được tới Hà Nội, nên anh lại lên đường…”.

Một vài trục trặc nhỏ trên đường đã khiến luật sư Phan Anh cùng các bạn đồng hành chỉ tới được Hà Nội vào những ngày cuối tháng 8-1945. Lúc này Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị đón ngày tuyên bố độc lập. Luật sư Phan Anh cùng ông Tạ Quang Bửu ở lại trong căn nhà tại 74 phố Hàng Bạc. Bà Hồng Chỉnh kể: “Các anh theo dõi diễn biến tình hình ở Hà Nội và được tin ngày 2/9/1945 sẽ có cuộc mít tinh lớn, Bác Hồ ra mắt nhân dân.

Vì, ngày 28/8, Bác Hồ chính thức lập Chính phủ Cách mạng lâm thời, trong đó có vài ba bốn người bạn của anh trong nhóm Thanh Nghị (Luật sư Phan Anh từng là đồng sáng lập ra báo Thanh Nghị năm 1940 và là một trong năm cây bút chính của cơ quan ngôn luận này - KH). Tư tưởng của các anh lúc đó thì nửa mừng nửa lo… Tuy vậy, các anh vẫn vững tâm chia sẻ với nhau niềm tin vào tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch…”.

Sau Lễ độc lập mấy ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời Vũ Trọng Khánh đã tìm gặp luật sư Phan Anh thông báo rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tổ chức cuộc gặp mặt nhân sĩ, các giới trí thức”. Bà Hồng Chỉnh thuật lại lời kể của luật sư Phan Anh về cuộc gặp đó: “Đã đến hôm anh Vũ Trọng Khánh cùng một số luật sư, trong đó có anh, đến gặp Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ. Anh nghĩ, có lẽ cũng như mọi người nghĩ: Chắc đến là để nghe những lời chỉ bảo của Bác. Nhưng, khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, thì Bác lại nói: “Tôi xin được nghe ý kiến của các vị”. Đến nay, anh không còn nhớ rõ các anh em khác nói gì, nhưng vẫn nhớ vắn tắt mấy ý của mình đã nói. Đại ý là: Nhân dân ta đứng trước thế giới, cần đoàn kết lại. Cách mạng, nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Nay, để bảo vệ chính quyền, xây dựng độc lập, chống những âm mưu của những thế lực ngoại bang, thì điều chủ yếu là phải giữ vững đoàn kết và tăng cường đoàn kết. Và, sau khi đã nghe mọi người phát biểu, Bác tỏ lời tin tưởng vào lòng yêu nước của giới trí thức và động viên mọi người tham gia vào sự nghiệp cách mạng mới của đất nước…”.

Sau cuộc gặp đó ít lâu, Bác Hồ đã giao cho luật sư Phan Anh nhiệm vụ thành lập và làm chủ tịch một  tổ chức lấy tên là “Hội đồng Kiến thiết quốc gia”, gồm hầu hết trí thức Hà Nội. Người được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng là Bùi Công Trừng, một người cách mạng tả khuynh, đi theo Bác Hồ từ tuổi thanh niên và đã du học chính trị ở Liên Xô. Hai người gặp nhau, gần gụi và thân nhau ngay.

Bà Hồng Chỉnh kể tiếp: “Công việc trong Hội đồng Kiến thiết quốc gia không nhiều, vì tình hình chính trị diễn biến hàng ngày, không cho phép đề cập đến những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế. Xây dựng Hội đồng, ai nấy đều nhất trí với nhau rằng: Nhiệm vụ của Hội đồng Kiến thiết quốc gia, trước tiên là kiến thiết sự đoàn kết giữa những người trong một nước. Do đó, tổ chức này đã mở đầu bằng việc phát huy hiệu quả của một trong những bài học kinh nghiệm của Bác: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Về đối nội, Hội đồng Kiến thiết quốc gia thể hiện chủ trương của Cách mạng là coi trọng giới trí thức, động viên giới trí thức tham gia phong trào cách mạng, trong lúc tinh thần yêu nước, bảo vệ độc lập đang được dấy lên. Làm việc, tuy không lương, nhưng ai nấy đều nhiệt tình đóng góp sức mình vào công việc xây dựng đất nước. Giới trí thức lại có dịp gặp mặt nhau để trao đổi ý kiến về tình hình, đồng thời xây dựng quan hệ giữa những người thuộc các thành phần khác nhau, nhưng muốn cùng đi theo một con đường cứu nước. 

Nội dung sinh hoạt tư tưởng lúc đó chưa đặt ra những vấn đề chính trị  thuộc ý thức hệ. Tất cả mọi người đều nhằm vào một mục đích là cứu nước và xây dựng đất nước như Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau đó đã khẳng định. Về đối ngoại, với những kẻ muốn chia rẽ để tranh phần ảnh hưởng chính trị thì cũng phải thấy đây là một lực lượng tinh thần ủng hộ Cách mạng, gồm những thành phần khác nhau, nhưng cùng thống nhất về mục tiêu và công nhận vai trò lãnh tụ của Hồ Chủ tịch. Uy tín của Hồ Chủ tịch từ trong nước lan ra ngoài nước, ví dụ ở Pháp.

Trong Hội nghị Fontainebleau, cuộc mít tinh hàng chục vạn người, đa số là Việt kiều đón chào Hồ Chủ tịch là một biểu hiện cụ thể của tinh thần độc lập thống nhất của dân tộc Việt Nam, mà cụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ - Hồ Chủ tịch là một cá nhân xuất sắc mang tinh thần ấy. Khi kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, vai trò của Hội đồng Kiến thiết quốc gia là rõ rệt, vì đại bộ phận anh chị em là thành viên của Hội đồng đều đi theo kháng chiến. Trên cơ sở đó, đã tạo nên xương sống của Bộ Kinh tế sau này.

Nó gồm hai thành phần lớn: Phần thương mại (trong đó có nông nghiệp) và phần công kỹ nghệ. Điều đó, cũng có nghĩa là những nhà trí thức có tên tuổi lúc đó đều đi theo Chính phủ kháng chiến. Báo chí Pháp lúc bấy giờ đã phải ghi nhận: Tinh hoa của giới trí thức Việt Nam đều đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho Pháp khó có thể thành lập được bộ máy Việt Nam (cộng tác với Pháp) có uy tín…”

Khánh Hòa
.
.