Lê Thiết Cương: Có những ngón dài, đôi khi, buông, hẫng…

Thứ Hai, 12/09/2016, 15:14
Vì cuộc đời không hoàn toàn theo một thứ tự anh Cương có thể sắp đặt được trên mặt bàn nên có những lần anh không thể đưa đôi bàn tay mình ra để chỉn chu lại mọi thứ... Đó là lúc đôi bàn tay buông, hẫng.

Khi bóng đêm sập xuống giá vẽ, 
đó là lúc không chỉ sắc mầu trong tranh họ Lê đứng lên
bước ra và, 
đi tới à thế giới. (D.T.L)

Đôi bàn tay trắng trẻo, với những ngón gầy, dài, đẩy những chiếc ly không thành một hàng ngang thẳng tắp trên bàn. Ba chiếc ly ấy, nếu nhìn từ trên cao, theo một chiều thẳng đứng, nằm cân xứng ở chính giữa chiếc bàn gỗ mặt kính ngả màu cũ kỹ.

Lại đôi bàn tay ấy, vươn ra thêm một chút, đẩy những ly để nến theo một hàng dọc, cũng thẳng tắp, cũng trên mặt bàn đó, và cũng cân-xứng-tuyệt-đối. Những ánh sáng của nến xuyên qua lớp thuỷ tinh mosaic chườm mình xuống mặt bàn, lập, loè. Tôi khẽ cựa mình vì cái lạnh len lén tràn qua khe cửa nhỏ sau lưng mình. Cài lại tấm áo, tôi nhìn xuống những đốm sáng ấy và tự hỏi: “Chúng đang vẽ gì?”…

Hà Nội bữa ấy ẩm ướt đến khó chịu. Cái nồm sau Tết bao giờ cũng khó chịu đến thế. Nó khiến con người ta cảm giác chính mình cũng ẩm ướt, mốc thếch. Lâu rồi tôi không về Hà nội. Lần ấy về, gặp đúng bữa nồm, thấy lòng nản đến lạ thường.

Nhưng trong chính thời khắc đó, trên căn gác rộng và mờ mờ tối đó, tự nhiên cảm giác ẩm ướt, mốc thếch kia đã biến mất không còn vết dấu nào. Phải chăng từ màu đèn vàng dìu dịu toả xuống từ trần nhà? Phải chăng vì những đốm lập, loè của nến đang xâm chiếm mặt bàn kia? 

Không phải là như vậy. Tôi đã gặp đèn vàng đến quen, gặp ánh nến chập chờn đến thân mà cảm giác ấy chỉ có ở nơi này thôi, nơi của những ngón tay gầy, dài khe khẽ đẩy những chiếc ly kia, những ngọn nến này, thành hàng nghiêm cẩn và cân xứng tuyệt đối. 

Ảnh: Vương Ngọc Minh.

À, có lẽ là bởi sự nghiêm cẩn, bởi sự im lặng, bởi sự trang trọng như một lễ hiến tế mà mọi cảm giác khác đã bị trục xuất khỏi tâm trí tôi để nhường chỗ cho một sự tập trung đến cao độ. Đúng rồi, khi con người ta tập trung đến cao độ cho một nghiêm-cẩn-hành-lễ nào đó, người ta sẽ quên đi tất cả. Quên ẩm, mốc. Quên nóng cháy, nhớp nháp. Quên lạnh, buốt, tê dại. Quên mỏi, mệt, buồn, nản. Quên, quên hết. 

Và người duy nhất đã khiến tôi phải tập trung như thế, như một nghiêm-cẩn-hành-lễ kiểu đó, chính là Lê Thiết Cương, ở buổi đầu tiên tôi được gặp anh, quen anh, qua những va đập tình cờ, ngẫu nhĩ…

Để rồi, từ lần đầu tiên gặp anh giữa những ngày nồm sau Tết năm đó, tôi đã được may mắn trở thành đứa em của anh, được đồng hành cùng anh trong những ngày chóng vánh gặp nhau, rượu nhiều như chuyện, khói mờ nhân diện, khi thì giữa Hà Nội, lúc chìm trong Sài Gòn, gấp gáp ngồi đấy thôi, nhưng chẳng bao giờ vội, và lúc nào cũng như lúc nào, bạn bè, bằng hữu, tề tựu đủ xung quanh.

Cảm giác đầu tiên mà anh Cương tạo ra cho tôi ấy là sự khó tính, khó tới mức tưởng như anh phải là một nhà sư phạm chứ không phải là một nghệ sỹ. Nhưng thực ra, đó là cái kỹ lưỡng của một người thích quan tâm đến các chi tiết thì đúng hơn. Và đó là điều khiến tôi thấy ngạc nhiên ở anh. Tôi không am hiểu nhiều về hội họa, nhưng ngắm những bức tranh của anh Cương, tôi thấy sự tối giản đến mức gần như là tuyệt đối.

Sự tối giản ấy, với cực ít chi tiết, khiến tôi bị chìm trong không gian của bức tranh như thể mình đang sống trong nó thì đúng hơn. Vậy mà người vẽ nên những bức tranh tối giản, ít chi tiết như thế lại là một người vô cùng chi tiết trong đời sống. 

Anh chi tiết từ chiếc nhẫn đeo ở ngón cái trở đi cho tới việc đẩy từng vật thể nhỏ trên mặt bàn cho nó phải nằm ở đúng vị-trí-chủ-nhân-mong-muốn. Và bàn tay anh luôn luôn có việc để làm, kể cả khi đó là cuộc chơi với những người bạn tại “bar rượu 39A” theo cách mà anh gọi căn nhà của mình.

Bất kỳ một vết nước đọng nào, một dấu rượu vang mờ mờ nào, một chút bụi tàn thuốc nào vương trên mặt bàn, anh đều lập tức lau sạch nó, một cách kín đáo nhưng đầy tỉ mẩn. Điểm này thì tôi thấy mình có cái chung với anh. Tôi cũng thích như thế. Thích một mặt bàn phải theo đúng thứ tự mà tôi muốn. Thích một mặt bàn phải sạch khi đang uống rượu cùng ai đó. Thích một mặt bàn không có chi tiết dư thừa nào.

Nhưng anh Cương còn kỹ hơn bất kỳ ai tôi đã từng thấy, từng gặp trong đời. Giữa cuộc chơi, nếu ai đó muốn nghe nhạc, anh sẵn sàng cặm cụi cầm chiếc chổi nhỏ quét sạch từng lớp bụi trên mâm đĩa vynil, quét sạch từng chiếc đĩa và trang trọng đặt nó lên một cách dịu dàng như thể anh đang đặt một cô gái đẹp lên tấm thảm tuyệt diệu dành cho nàng. Rồi sau đó là âm nhạc bay lên, đặc biệt là nhạc cổ điển, đặc biệt là đĩa Jonas Starker độc tấu cello những tác phẩm của Bach.

Và sau khi một mặt đĩa đã kết thúc nhiệm vụ trình tấu của nó, anh không bao giờ trở mặt đĩa thứ hai mà anh luôn để lại một khoảng dừng thật lâu. Sau đó, anh sẽ đổi một đĩa khác; nghe hết một mặt đĩa, hoặc một hai bản đầu, anh lại cho dừng lại. Âm nhạc trong căn phòng ấy luôn như thế. Vang lên. Dừng lại một lúc lâu. Rồi lại vang lên. Rồi lại dừng lại. 

Dường như anh Cương cần một khoảng lặng để dư âm của giai điệu được “thở” thì phải? Hay anh muốn có một khoảng lặng để cảm nhận nó sâu hơn, dù với anh, nó đã trở thành quen thân như máu thịt?

Ấy vậy mà trái với cái nghiêm cẩn như hành lễ ấy của những lúc nhập cuộc chơi, càng về sau anh Cương lại càng thể hiện cái sôi nổi của mình, cái sôi nổi hồn nhiên, cao ngạo nhưng lại đáng yêu vô cùng. Không phải men đã làm anh như thế bởi anh Cương không uống nhiều. Rượu với anh dường như chỉ là một phụ gia cuộc đời, cho nó thêm chút nồng, thêm chút hương thi vị.

Sự sôi nổi ấy chính là cái hạch tâm của Lê Thiết Cương trong khi cái nghiêm cẩn kia chỉ là lớp vỏ bao bọc bên ngoài mà thôi. Khi lớp vỏ bọc đã hoàn thành nhiệm vụ của nó, lớp hạch tâm mới theo đó hiện hình và nó cũng chỉ hiện hình đối với những người nhất định trong mắt anh mà thôi.

Anh Cương nói rất nhanh, và ngắn gọn, không dài dòng. Nhiều khi anh nói như một mệnh lệnh vậy. Nó là sự xác quyết cho vị thế của anh giữa một đám đông. 

Như cách anh đã nói trong buổi ra mắt phim ngắn Trốn tìm của anh ở Sài Gòn vậy. Và anh cũng viết giống như anh nói. Gãy gọn, súc tích, khúc chiết và không hề dài dòng. Những ý cần nói, anh nói đủ. Những rườm rà, thường anh chẳng bao giờ đụng tới. Hoá ra, anh nói và viết cũng như vẽ tranh. Tối giản. Tinh. Gọn gàng. Nhưng nhiều suy ngẫm.

Nhiều khi, tôi vẫn nghĩ, cuộc đời của người nghệ sỹ chính là tác phẩm lớn nhất mà người nghệ sỹ ấy thực hiện được, một tác phẩm chỉ kết thúc khi người nghệ sỹ đã nhắm mắt lại để từ giã cuộc đời này. Và anh Cương cũng đang miệt mài trong việc tạo nên hình hài tác phẩm ấy, bằng những gì anh đã và đang trải qua.

Thực ra, đằng sau vẻ sôi nổi, hoạt bát, nhanh nhẹn và mạnh mẽ của anh là cả một mảng màu khác mà ít ai biết tới, hoặc có biết tới cũng ngại ngần không dám sẻ chia cùng anh. Vẻ ngoài ấy như những khối màu đồ sộ, dàn trải khiến người ta dễ choáng ngợp. 

Còn những điều anh giấu, nó như những chi tiết mà anh Cương luôn muốn tối giản hóa như cách anh đã vẽ tranh. Khi cả hai được nhập vào nhau, đó sẽ là một tác phẩm của đời anh, một tác phẩm không mấy người có thể cảm nhận được.

Tôi luôn nhớ đêm Hà Nội hôm ấy. Bên ly rượu, dưới ánh đèn mờ, tôi đã đọc một bài thơ cũng của một người họ Lê tặng cho anh Cương. Tôi đã thấy đuôi mắt anh có chút lấp, lánh, ươn ướt khi bài thơ ấy kết thúc. Chưa bao giờ tôi thấy mắt anh Cương như thế. Không phải tại ánh đèn; không phải tại tôi say mà tôi biết, anh nhận ra một chút gì đó của mình, của người, một chút không hề bị tối giản chút nào mà vẫn mỗi ngày mỗi đang trải rộng ra hơn, với những đường nét đậm đầy hơn.

Tôi chợt nhớ lại thời khắc diệu kỳ của đêm ấy. Một bàn tay anh cầm lấy gọng kính. Còn bàn tay kia, anh khe khẽ gõ gõ lên mặt bàn kính, theo từng nhịp đọc của tôi, những cái gõ không thành tiếng, những cái gõ không muốn phá-tan-không-khí-yên-lặng mà anh muốn dành cho thơ. Anh Cương rất yêu thơ, yêu thơ Đặng Đình Hưng, yêu thơ Vũ Hoàng Chương, và nhiều khi, anh vẽ như thể cọ của anh thở trong những nhịp thơ như thế.

Đôi bàn tay với những ngón dài đẩy những chiếc ly.
Đôi bàn tay với những ngón dài đẩy những ngọn nến.
Đôi bàn tay với những ngón dài đặt trên mặt kính sạch bong.
Đôi bàn tay thực ra rụt rè hơn người ta tưởng.

Vì cuộc đời không hoàn toàn theo một thứ tự anh Cương có thể sắp đặt được trên mặt bàn nên có những lần anh không thể đưa đôi bàn tay mình ra để chỉn chu lại mọi thứ như anh mong muốn. Đó là lúc đôi bàn tay buông, hẫng. Khoảng lặng ấy anh không bao giờ chia sẻ với ai. Nhưng tôi tin, tôi đã nhìn thấy nó, đôi khi, trong dáng anh đi, trong tiếng anh nói, trong nét cười rất hiếm khi của anh và đặc biệt, trong đôi mắt ẩn chứa nhiều điều bí nhiệm.

Nhưng đôi bàn tay ấy đã cho tôi hiểu thêm một điều. Cuộc đời bộn bề lắm. Cuộc đời vẫn còn dài. Có gì còn thu xếp được, mình vẫn phải đưa tay ra thu xếp lấy. Dù đó chỉ là những việc nhỏ nhất, như chiếc ly, như chân nến, như chiếc hộp quẹt nằm trơ trên mặt bàn.

Đơn giản, nếu ta không đưa tay, chiếc ly rơi, có thể có nhiều điều khác, sẽ oan-uổng-vỡ…

Hà Quang Minh
.
.