Lê Thị Mây: Có một vết sẹo thơ

Thứ Hai, 17/12/2018, 17:02
Lê Thị Mây là một trong 10 nhà thơ nữ Việt Nam có thơ hay được bạn đọc yêu mến. Đó là nhận định của nhiều nhà phê bình. Nhưng, cuộc đời thơ của Lê Thị Mây lại có quá nhiều buồn đau, vất vả.


Nỗi buồn đau do chiến tranh và số phận đã thành sẹo trong thơ chị, làm nên hình hài và ruột gan thơ chị: “Ngồi buồn cầm hết mông lung/ Vết thương năm cũ thủy chung dễ gì”. Vết thương ấy là vết thương chiến tranh và đau hơn là những vết thương lòng đã nhiều lần mưng mủ.

Năm 17 tuổi, học hết phổ thông, Lê Thị Mây gia nhập thanh niên xung phong hoạt động ở vùng miền Tây Quảng Bình. Hiện, chị còn giữ cuốn nhật ký ghi lại những ngày ở Troóc, một vùng rừng Trường Sơn rất sôi động như là một chứng tích đời mình.

Chị kể: “Vừa rời nách mẹ mới 200 ngày đêm, bọn Mỹ đã bẻ gãy tuổi  17 của tôi bằng trận bom đầu tiên... Vết bom xuyên sâu vào mặt tôi, làm dị dạng gương mặt sắp đón nhận tuổi 20...”.

Tuổi 20 đẹp đẽ của chị cũng đã mang nỗi đau chia ly. Người yêu đầu tiên, một bác sĩ quê ở xứ Quảng đã chia tay chị đi B. Chị kể: “Ba năm sau tôi mới hay tin anh hy sinh ở chiến trường Quảng Trị”. Có lẽ đó là nỗi mong chờ đầu tiên, mối tình đầu tiên, khởi đầu cho bao mối tình ngang trái đi qua đời chị, hằn vết thương trong tim chị.

Ở thanh niên xung phong, Phạm Tuyết Bông (tên thật của chị) đã làm những bài thơ đầu tiên chép chi chít vào một cuốn sổ nhỏ. Bởi thế, năm 1972, khi rời đơn vị thanh niên xung phong về làm quản lý bếp ăn 600 học sinh ở Trường Y tế tỉnh Quảng Bình, Bông đã mạnh dạn tìm đến nhà thơ Xuân Hoàng, lúc đó là Hội trưởng Hội Văn nghệ Quảng Bình. 

Trong hồi ký Âm vang thời chưa xa (tập II), Xuân Hoàng kể rằng, không biết làm thế nào Bông xin được lá thư viết tay của ông Cổ Kim Thành, bí thư tỉnh ủy, gửi cho Xuân Hoàng, giới thiệu: “Đây là cô Bông, rất thích viết văn, cô ấy có nguyện vọng chuyển sang chỗ các anh, anh xét thấy nếu cô ấy có khả năng thực sự thì nhận về giúp đỡ...”. 

Xuân Hoàng hỏi: “Bông yêu văn nghệ nhưng đã có sáng tác nào chưa?”. Bông đã chuẩn bị sẵn cuốn sổ thơ trong túi liền lấy ra đưa cho nhà thơ. Xuân Hoàng đọc qua vài ba bài, thấy “thơ thật thà và sơ lược như thơ chung gửi về Hội lúc đó”.

Nhà thơ Lê Thị Mây trong những tháng ngày đẹp nhất của cuộc đời. Ảnh: L.G.

Nhưng, có lẽ nhà thơ nhận ra những câu chữ của Bông dù “thật thà” cũng đã ánh lên chút hy vọng ở tương lai, liền nói: “Nếu cô biết đánh máy, tôi sẽ nhận. Về đây, có không khí sáng tác và nhiều người sáng tác giỏi, cô sẽ có điều kiện học hỏi...”. 

Bông nhỏ nhẹ nhưng rất tự tin: ”Em không biết đánh máy nhưng học tại chỗ một thời gian thì có thể làm việc được”. Thế là Phạm Tuyết Bông trở thành nhân viên của Hội Văn nghệ.

Sau đó, Hội Văn nghệ nhận thêm một cô gái làm thơ nữa là Lâm Thị Mỹ Dạ. Mỹ Dạ trắng trẻo, xinh đẹp, nhỏ nhắn, từ quê đồng chiêm Lệ Thủy mới lên tỉnh nên rất rụt rè, gặp Phạm Tuyết Bông chững chạc, từng trải, liền “một chị Bông, hai chị Bông”. 

Sau này biết Bông cùng tuổi với mình, Lâm Mỹ Dạ đề nghị đổi lại cách xưng hô cho bạn bè nhưng Bông không chịu. Đến bây giờ Dạ vẫn gọi Bông là “chị”. Năm sau, Bông và Dạ được nhà thơ Xuân Hoàng cho đi học lớp Bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội. Đi học về, Phạm Thị Bông có bút danh mới là Lê Thị Mây. 

Theo Xuân Hoàng thì cái tên Mây có liên quan đến hai chữ bông và mây trong câu ca dao của Ngô Văn Phú mà Bông hay đọc: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây”.

Như vậy, với con mắt tinh đời, Hội Văn nghệ Quảng Bình đã phát hiện và vun đắp cho đất nước hai nhà thơ nữ nổi tiếng. Thời đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Binh đoàn 559, hay ghé thăm. 

Gặp hai nữ thi sĩ, nhà thơ liền “nhại” hai câu kết trong bài thơ Đèo Ngang của mình thành “Nằm ngửa nhớ Bông (Lê Thị Mây), Nằm nghiêng nhớ Dạ (Lâm Thị Mỹ Dạ)/ Nôn nao ngồi dậy, nhớ Xuân Hoàng!”.

Như bao người con gái lớn lên, Lê Thị Mây luôn mơ đến một người yêu, một tấm chồng, một gia đình, những đứa con, mơ được làm vợ, làm mẹ... 

Khát vọng đó cháy bỏng, nhức nhối, kết tủa thành sẹo trong thơ chị: “Nỡ nào bứt cọng cỏ xanh/ Đau em chợt trút cho thành đau cây”. Khát vọng đó ám ảnh đến mức nhìn thấy lá trầu cũng nghĩ đến cưới xin, đến chuyện làm mẹ: “Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ/ Mà lá trầu còn xanh với người mua”.

Những câu thơ làm nao lòng người ấy là những vết sẹo của nỗi chờ mong thăm thẳm. Và, trên thực tế, đường tình duyên của chị lại quá nhiều trắc trở. 

Nhà thơ của chúng ta mong chờ mười năm, hai mươi năm, mong chờ qua thời con gái: “Vậy là em phải mang theo những câu chuyện tình đã tắt/ Như mang theo tro, như mang theo than...”. 

Mong đợi khát khao thế mà vẫn trắng tay.  Người miền Trung nói dấu “ô” lẫn dấu “o”, họ thương nhà thơ nên cho rằng bài thơ Những mùa trăng mong chờ như là một định mệnh, vì đó là những mùa trăng “mơ chồng”: “Buồn đâu như nón không quai/ Một mình em với đêm dài gió to”.  Nón không quai là chiếc nón trong câu ca dao: “Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái, như ai không chồng”.

Dạo đó Mây yêu một nhà giáo làm thơ. Trong một cuộc rượu chàng say, Mây phải thuê xích lô, khuân chàng lên rồi hai người cùng về. Mây phải bồng chàng lên tường, rồi nhảy vào trong đỡ, tôi và Nguyễn Quang Lập đẩy bên ngoài mới đưa được người say ấy vào nơi trọ. 

Cái thời ấy, nhiều đêm Mây thức cùng các con chàng bóc lạc nhập cho ngoại thương để có thêm đôi đồng cho những bữa ăn nghèo khó. Tôi cứ đinh  ninh mối tình sẽ đơm hoa kết trái. Rồi không hiểu tại sao hai người chia tay nhau mà tôi không hề hay biết.

Một lần đi làm về trưa, đạp xe ngang Liễu Quán, tôi thấy phòng Mây mở. Tôi ghé, vô tư, vồn vã hỏi thăm “chàng”. Bỗng dưng Lê Thị Mây mặt tái nhợt, rồi ngất xỉu té nhào khỏi ghế. Tôi đang lúng túng không biết xử trí ra sao thì may có cô Duyên, biên tập viên của Nhà xuất bản Thuận Hóa vào. Tôi nhờ cô ấy đỡ Mây rồi chạy đi tìm nữ bác sĩ Thủy quen biết. 

Bác sĩ đến khám và bảo tôi: “Chị Mây không việc gì đâu. Bị ngất do xúc động. Uống chút thuốc là đỡ. Anh đi mua cho chị ấy một tô phở nóng”. Đi mua phở nóng mà tôi lại đoảng, chỉ đưa cái cà-mèn mà quên móc quai xách vào. 

Tôi đạp xe ra tiệm, mua một tô phở Hà Nội bốc khói. Chiếc cà-mèn nóng bỏng nhưng vì bạn, tôi một tay cầm cà-mèn phở, một tay lái xe đạp, cố đạp thật nhanh. Đạp về tới nơi, bàn tay trái của tôi chín phỏng!

Anh em văn nghệ Quảng  Bình, Quảng Trị hay kể nhiều giai thoại vui về Lê Thị Mây. Những ngày đầu giải phóng miền Nam, tháng 6-1975, Mây vào Đông Hà, rồi dong tuốt vào Sài Gòn cho biết miền Nam ra sao. 

Khi về lại Quảng Bình, Mây mua mấy cái quần Âu nữ. Quần ống đứng, nghĩa là ống quần phía trên bằng dưới gấu, nên mặc vào, đùi bó thì thấy loe. Hồi đó có phong trào chống văn hóa đồi trụy. 

Cơ quan văn hóa họp phê bình Lê Thị Mây “mặc quần loe”. Mây uất quá, mắng: “Mắt các ông loe chứ quần tôi đâu có loe!”. Thế là những người phê bình tịt ngòi. Xin kể một giai thoại về “sự khó tính” của Mây, khi chị về làm Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt. 

Một lần Tạp chí mời cuộc họp để đề xuất xin kinh phí cho kế hoạch năm tới. Trước cuộc họp, Lê Thị Mây tặng mỗi đại biểu một cuốn Cửa Việt số mới. 

Nhưng đến cuối giờ, mức kinh phí mà Tổng Biên tập Cửa Việt đề xuất cho năm sau bị các đại biểu  giảm bớt nhiều quá, Mây đỏ mặt lẳng lặng đi thu lại cuốn tạp chí đã gửi các đại biểu trước đó, rồi nói: “Các anh không hiểu chi về lao động nghệ thuật, không xứng được đọc cuốn này!”. Tôi cho rằng, đó là phản xạ hồn nhiên của  con người trực cảm, của con người từng chịu nhiều nỗi buồn nhân thế.

Khi mới 20 tuổi, Mây đã có những câu thơ ám ảnh: “Hãy ngủ yên nỗi buồn/... Ngủ yên trong lau sậy lòng tôi". Cô gái thanh niên xung phong nhiều năm trên Trường Sơn ấy đến nay đã xuất bản 25 tác phẩm thơ văn; được giải thưởng Hội Nhà văn về tập thơ Riêng tặng một người (1990) và tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho truyện dài Huyết ngọc (1998). 

Chị có bài thơ nổi tiếng Những mùa trăng mong chờ được chọn vào 100 bài thơ hay nhất thế kỷ. Theo tôi là một trong số những bài thơ  hay nhất thời chống Mỹ. 

Có lẽ Lê Thị Mây là người sinh ra vì thơ, cho thơ. Chị đã lao động cật lực, đã chịu đựng biết bao mất mát đau thương của số phận, kể cả sự cô đơn và quyền được làm mẹ, để ghi tên mình vào danh sách những cây bút nữ xuất sắc nhất của làng thơ Việt thế kỷ XX. 

Âu đó cũng là một cách tồn tại. Mà tồn tại trong lòng người đọc là mơ ước của những người cầm bút bao đời...

Bài báo cuối cùng của Ngô Minh

Bạn đọc thân mến, khi bạn đang đọc bài viết này thì tác giả của nó - nhà thơ Ngô Minh đã đột ngột qua đời. Ngày 26-11, sau khi bị trượt ngã ở nhà riêng tại Huế, nhà thơ Ngô Minh đã được đưa vào viện cấp cứu nhưng không qua được cơn tai biến nên đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3-12. 

Trước đó, vào khoảng đầu tháng 11, nhà thơ Ngô Minh đã gửi bài viết này cho Báo An ninh thế giới Cuối tháng - Giữa tháng, một bài viết xúc động về một nữ đồng nghiệp cùng lời nhắn: "Đời người làm thơ nhiều khi buồn lắm".

Từ nhiều năm nay, nhà thơ Ngô Minh đã xuất hiện thường xuyên trên ấn phẩm này với những bài viết chân dung văn học giản dị và xúc động. Thật buồn và sốc khi đây lại là bài viết cuối cùng của ông. Và, cùng với bài viết cuối cùng này, những người thực hiện ấn phẩm này xin gửi lời chia buồn chân thành nhất tới gia đình, người thân nhà thơ.

Nhà thơ Ngô Minh là người gốc Quảng Bình. Sau năm 1975 ông vào Huế sinh sống và sớm được đánh giá là một giọng điệu riêng, đặc sắc của xứ Huế. Ông từng tự họa chân dung mình trong bài thơ Đứa con của cát được rất nhiều bạn bè sẻ chia, tâm đắc:

Đứa con của cát
Mắt quen mở ngang tầm gió sắc
Để nhận dạng trong mắt biển một chân trời
Kết tinh thành hột muối hồn tôi...

Đứa con của cát nay đã về với cát. Xin vĩnh biệt ông!

                                                                                 P.Đ.

Ngô Minh
.
.