Lê Minh Sơn: Lang thang tìm “ngọc”

Thứ Bảy, 03/10/2015, 11:59
Gọi điện lần nào cũng thấy Sơn đang trên đường. Nay thì Bắc Ninh mai Bắc Giang, nay Hà Giang mai đã Nghệ An. Lại có lúc, anh bảo đang đi bộ đầm đìa mồ hôi ở Tây Nguyên. Tuổi gì chân đi như ngựa vậy. Sơn cười bảo, 63 tỉnh thành tôi đi đi lại lại trong mấy năm qua đến gần 200 lần rồi đấy. Mà toàn đi làng bản, chứ có phải phố xá ngựa xe gì đâu. Nhưng mà ngẫm lại, lãi lắm. Đời lãi nhất là những chuyến đi mà.

Sơn ngông thì ai cũng biết rồi. Cái ngông của Sơn không phải anh cố tình tỏ ra, mà là một phẩm chất đặc biệt trong con người anh, phẩm chất nghệ sĩ. Ngông là không chịu sống nhàn nhạt bình thường, không chịu viết những điều vô thưởng vô phạt, làm nghệ thuật theo kiểu son phấn cuộc đời. Cái gì lờ đờ nước hến Sơn nhanh chán, muốn chối bỏ, muốn vứt. Thỉnh thoảng cơn điên nổi lên, Sơn cũng nhảy ra ngồi ghế giám khảo chương trình này nọ, nói năng có lúc cũng xủng xẻng, ngoa ngôn, nhưng về cơ bản Sơn nhanh chán. Cứ thấy Sơn im lặng một thời gian lâu lâu là hiểu ngay gã ngông này đang ấp ủ một “âm mưu” gì đó trong nghệ thuật. Sơn là con người của bùng nổ, của khai phá. 

Hai năm trước Sơn khoe: “Anh có một ý tưởng cực hay, đang âm thầm làm rồi, khi nào thành hiện thực sẽ có nhiều ngạc nhiên đấy”. Kèm với đó là tới tấp những chuyến lên đường, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước hình chữ S. Hình dung Sơn giống hệt một người làm công tác nghiên cứu văn hóa dân gian đi điền dã, tôi đùa, dễ mà Hội Văn nghệ dân gian kết nạp anh làm hội viên không biết chừng.

Văn hóa dân gian vốn là cội nguồn, là cái gốc của văn hóa Việt. Trong âm nhạc, Lê Minh Sơn biết kế thừa và phát triển vốn liếng âm nhạc quý giá này của cha ông để lại trong phần lớn các sáng tác của mình. Sơn là một trong những nhạc sĩ trẻ hiểu được sự quan trọng của văn hóa dân gian trong đời sống nghệ thuật và có ý thức bảo vệ, giữ gìn, khơi nguồn cảm hứng mới từ các loại hình này. Dù vậy, không mấy người hình dung, Sơn sẽ thực hiện một chương trình truyền hình thực tế fomat hoàn toàn “made in Việt Nam” có quy mô rộng lớn như “Du ca Việt”. 

“Du ca Việt”- nơi mà sân khấu sẽ chỉ dành cho những con người bình thường yêu âm nhạc. Những con người mà nhờ họ, âm nhạc truyền thống, âm nhạc dân gian được nuôi nấng, bảo lưu, giữ gìn. Đi, tìm kiếm, giúp đỡ, chia sẻ, và đưa lên sân khấu người có khả năng âm nhạc trên khắp mọi miền, dù họ là ai, cụ già hay đứa trẻ, nông dân hay công nhân, người khiếm thị hay khiếm thính... 

Sơn nói, anh thích nhất là được gặp gỡ, trò chuyện với những con người bình thường như vậy. Những người tưởng như vô danh, nhưng trong họ ẩn chứa tình yêu rất lớn dành cho âm nhạc. Họ là những nghệ sĩ không cần ánh đèn, không cần sân khấu, thậm chí không cần khán giả. Họ sống trong niềm hạnh phúc của chính họ, và ca hát là máu thịt, là một phần làm nên cuộc đời họ, không lo lắng hay áp lực trước bất cứ tác nhân nào.

“Du ca Việt” phát sóng trên truyền hình bắt đầu từ tháng 7/2015 và nhận được nhiều cảm tình của khán giả. Trong thời buổi tràn ngập game show, toàn fomat nhập khẩu nước ngoài, mọc ra một phiên bản Việt thuần túy như “Du ca Việt”, phải nói là đáng tự hào. Để có được một chương trình dài hơi như vậy, Lê Minh Sơn thực sự đã đổ biết bao mồ hôi công sức, và cả những  hy sinh thầm lặng trong công việc sáng tác. Anh gác lại toàn bộ những dự án mang tính cá nhân, để tập trung cho một công việc mà yếu tố cộng đồng, sự chạm gặp của tình thương được đặt lên hàng đầu. 

Vừa làm đạo diễn, Lê Minh Sơn cũng kiêm luôn vai trò người kể chuyện. Hỏi, sao không giao phần công việc này cho một MC xinh đẹp để đỡ bận rộn, Sơn chia sẻ, anh không muốn một MC, đơn giản chương trình của anh là một sự chia sẻ, thấu hiểu thì đúng hơn. 

Theo đó, không ai có thể thay thế anh kể câu chuyện về âm nhạc cùng với nhân vật được chọn. Vì anh hiểu hơn ai hết cuộc sống, tâm tư cũng như tình yêu dành cho âm nhạc của họ, những thăng trầm số phận mà họ đã tin tưởng gửi gắm, sẻ chia với nhạc sĩ, trong những lần anh khăn gói lặn lội đường xa đến gặp họ, cùng họ tháo gỡ những khó khăn và nâng niu các giá trị văn hóa, âm nhạc dân gian của địa phương đang bị mai một dần đi.

“Khi làm việc với những người ca hát nghiệp dư ở từng địa phương, tôi phải làm việc với họ bằng kinh nghiệm và sự đồng cảm. Tôi không thể để họ chơi những khúc du ca quá khó hay những ca khúc nặng về kỹ thuật. Đối với tôi, họ không chỉ là những người bình thường có niềm đam mê âm nhạc mà là những người nghệ sĩ đặc biệt. Tôi muốn để họ tự cất lên tiếng ca về cuộc sống của chính mình. Đặc biệt, tôi đã có dịp gặp gỡ một số nghệ nhân, họ là những cụ ông, cụ bà đã hơn 90 tuổi. Đối với họ, âm nhạc dân gian không thể dùng từ “hát” mà hãy dùng từ “ca”. Điều đó sẽ làm âm nhạc dân gian trở nên gần gũi hơn với mọi người, là tiếng ca trong đời sống hàng ngày. Bản thân tôi cũng phải tìm hiểu thêm rất nhiều về các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian ở các vùng miền. Từ đó, tôi mới có thể hiểu được tiếng ca của họ và thả hồn mình vào những khúc du ca trên mỗi chuyến hành trình”.

Kỷ niệm về những chuyến đi thì nhiều vô cùng. “Du ca Việt” đã cho Lê Minh Sơn gặp gỡ nhiều cảnh đời, nhiều phận người. Anh nhớ cậu bé Sùng A Lự ở Cao Bằng. Mẹ cậu bị bắt sang Trung Quốc, bố đưa hai anh em cậu vào trong hang đá cách thành phố gần 200 cây số. Rồi cậu bé được một trung tâm bảo trợ xã hội đón về nuôi. Cậu là một nhân vật được chọn của “Du ca Việt”, được thỏa mãn niềm đam mê ca hát và cảm nhận hơi ấm từ tình yêu thương của cộng đồng dành cho mình. 

Trong buổi ra mắt “Du ca Việt”, nhiều người ấn tượng với nhân vật là chị Đinh Thị Bông - một phụ nữ khiếm thị ở Na Rì, Bắc Kạn. Câu chuyện về chị thật cảm động, nhờ có giọng hát ngọt ngào mà chị tìm được người bạn đời yêu thương mình hết mực. Hơn nữa, chị lại được đứng trên sân khấu hát chung với thần tượng của mình, ca sĩ Việt Hoàn.

Lê Minh Sơn chia sẻ, anh thích ngắm nhìn âm nhạc ở góc độ đời sống như vậy. Âm nhạc không thể nào chỉ được hình dung trên sân khấu lộng lẫy, với những mỹ nam mỹ nữ trang phục cầu kỳ, ánh đèn chói lóa và phải có tiền triệu mới có thể thưởng thức. Âm nhạc cần được tràn ngập đời sống theo cách giản dị nhất, an ủi những phận đời, xóa nhòa mọi khoảng cách hay làm lành những nỗi đau. Âm nhạc phải như niềm vui, niềm hân hoan cuộc đời mà ai cũng có thể sở hữu. Và tuyệt vời hơn nữa, là nó được vang lên trong tim, trong hồn người.

Lê Minh Sơn còn trẻ, nhưng cái hay của anh chàng nhạc sĩ ngông này là “đánh đu” được với những người bạn già danh tiếng, những người có thứ bậc trong làng nhạc, như Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh... Chính những người “bạn già” đó đã giúp Sơn rất nhiều trong tìm hiểu, tiếp cận với các nhân vật để làm nên “Du ca Việt”, với mục đích lan tỏa âm nhạc và tình người trong đời sống. 

Nói về yếu tố thương mại, mà bất cứ chương trình truyền hình nào cũng cần phải có, để thu hút khán giả, Lê Minh Sơn không hề lo ngại. Bản thân những câu chuyện của từng nhân vật đã đủ sức hấp dẫn thu hút khán giả rồi, không cần chiêu trò. Các nhân vật được mời xuất hiện, với mục đích chính là kết nối, sẻ chia, hoàn toàn không phải chuyện câu khách. Điều này có thể cảm nhận trong cách kể chuyện giản dị, ấm áp, giàu tính nhân văn mà “Du ca Việt” thể hiện.

Lê Minh Sơn trong chương trình Du ca Việt.

Trong bản đồ đời sống âm nhạc chằng chịt, rắc rối, có phần nhiễu loạn hiện nay, việc lựa chọn một con đường để đi, yên tâm với nó và tin tưởng vào nó không dễ. Không ít người sáng tác loay hoay lựa chọn, sốt sắng với sự nổi tiếng, ồn ào xuất hiện ở đám đông, tìm kiếm những giá trị bề nổi, những giá trị ảo.

Lê Minh Sơn ngay từ lúc xuất hiện đã là một riêng biệt trong âm nhạc. Anh hiểu được giá trị của nền tảng, của truyền thống, và chọn con đường ấy như một sự sống còn để đi theo. Với cá tính mạnh mẽ trong âm nhạc và trong cuộc đời, Lê Minh Sơn luôn tạo dấu ấn sâu đậm với công chúng. Có thể có người thích và có người không thích thứ âm nhạc Sơn cống hiến, nhưng ai cũng phải thừa nhận ở anh, một cái chất rất riêng, rất độc đáo, không thể trộn lẫn hay bắt chước. 

Trong tinh thần của Sơn, làm âm nhạc không hẳn để nổi tiếng, dù mong muốn tác phẩm của mình được công chúng biết đến là có. Với Sơn, làm âm nhạc là để được sống trong cõi của riêng mình, tìm ra mình và tìm ra giá trị cuộc đời mình đang mang. Sơn là một người trẻ sớm nhận ra sự vô nghĩa của những giá trị ảo trong showbiz. 

Thay vì chăm chút hình ảnh của mình cho bắt mắt để được một đám đông tung hô (mà nếu muốn anh dư sức làm), Sơn tìm đến những vẻ đẹp khiêm nhường bình dị nhất của âm nhạc. Đi, đọc, tìm hiểu, tiếp xúc với văn hóa, với số phận con người, đó chính là ngọc quý, là trầm hương, là “bảo bối” quan trọng cho một người làm công việc sáng tác có thể đi đường xa...

Bình Nguyên Trang
.
.