Lê Công Vinh: Hai khát vọng, một cuộc đời

Thứ Sáu, 31/08/2012, 15:15
Nếu bây giờ treo bút (hoặc vì một lý do nào đó mà phải treo bút) chắc chắn tôi sẽ rơi vào quên lãng, vì càng lúc tôi càng tự thấy mình nhạt thếch và vô dụng trong cái thế giới bóng đá và cả cái thế giới chữ nghĩa phong phú, biến ảo này. Nhưng nếu bây giờ treo giày (hoặc vì một lý do nào đó mà phải treo giày) chắc chắn Lê Công Vinh sẽ được lưu danh trong những trang sử vàng bóng đá nước nhà, đơn giản bởi Công Vinh có được một bàn thắng mà ngoài anh ta, không ai có được: Bàn đánh đầu vào lưới Thái Lan trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008, giúp ĐTVN lần đầu tiên lên ngôi vàng khu vực.

Nói thế để thấy tôi viết những dòng này với tư cách của một người kém cỏi, hèn yếu viết về một người to lớn, vĩ đại hơn mình. Và có lẽ, giữa hai con người như thể mãi mãi không có được một đường biên giới nào chung chạ với nhau.

Từ vô danh đến vang danh

Ở đời, trong rất nhiều trường hợp người ta vẫn nói câu: “Thiên tài chỉ có 1% tài năng, còn 99% là do cần cù, lao động mà thành”, và trong gần như tất cả các trường hợp ấy, câu nói này đều…sai bét. Nhưng với Lê Công Vinh, câu này ứng nhiệm một cách chuẩn xác. Chuẩn xác tới mức… không thể chuẩn xác hơn. Vinh không thuộc mẫu cầu thủ “quí hiếm” kiểu như Phạm Văn Quyến – những cầu thủ mà cảm giác như được ông trời sinh ra là để múa bóng trước hàng phòng ngự đối phương, những cầu thủ mà người ta không thể cứ cố gắng đào tạo, cố gắng trui rèn là sản sinh ra được. Ở Công Vinh tất nhiên có những tố chất sẵn có của một tiền đạo, chẳng hạn như tốc độ hay khả năng bắn phá, nhưng nếu chỉ dựa vào mỗi cái tố chất ấy, Công Vinh cũng sẽ chỉ nhàng nhàng như nhiều cầu thủ khác, rồi…chấm hết. Sự khác biệt căn bản của Công Vinh so với những tiền đạo cũng có những tố chất và xuất phát điểm giống mình nằm trọn trong một từ: KHỔ LUYỆN!

Là người Nghệ An chính hiệu – vùng đất sản sinh ra những con người chăm chỉ, cần cù có tiếng; lại là một cậu bé nghèo, luôn thiếu thốn tình cảm – cái hoàn cảnh khiến người ta ý thức rất rõ về việc “phải sẵn sàng vượt khó”, Công Vinh đã thể hiện tinh thần vượt khó ngay từ khi còn là một cầu thủ năng khiếu của lò Nghệ An. Và tinh thần ấy gắn chặt với Công Vinh khi anh buộc phải cạnh tranh vị trí với các đồng đội trong màu ĐTQG, thậm chí đến tận bây giờ, khi anh đã trở thành một thương hiệu lớn.

Có quá nhiều những ví dụ chứng minh rõ điều này, nhưng ví dụ vẫn được nhắc tới nhiều nhất, đó là lần Công Vinh cùng ĐT U.23 Việt Nam dự SEA Games 23 tại Philipines, nhưng luôn bị xếp sau cái bóng của đồng đội Phạm Văn Quyến. Hồi ấy Vinh đặt quyết tâm phải lấy chỗ của Quyến, nên sau các buổi tập của đội, khi mọi người đã ra về, Vinh vẫn thường xuyên ở lại tập luyện một mình. Tập nhiều, tập mãi, tập vô hạn độ nhưng vẫn không được ông Reidl cho đá chính, đã có lần Vinh uất ức lao cả đầu vào tường, khiến cho người ở cùng phòng mình lúc đó là thủ môn Đức Cường phải thốt lên: “Công Vinh liệu có bị điên?”.

Lần khổ luyện ấy rốt cuộc cũng đem lại cho Công Vinh một kết quả mãn nhãn, đó là khi anh được tung vào sân thay Văn Quyến ở trận bán kết với Malaysia, và đã bất ngờ ghi bàn đưa ĐT U.23 Việt Nam vào chung kết. Cho tới trước năm 2008 – khi có được “cú đánh đầu bằng vàng” vào lưới Thái Lan để cùng ĐTVN lên ngôi vàng ĐNA thì mỗi khi được hỏi “bàn thắng nào quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình?”, trước sau như một, Vinh luôn nói về bàn thắng vào lưới U.23 Malaysia tại SEA Games năm đó.

Điều đó cho thấy, với Công Vinh sự “khổ luyện thành tài” có ý nghĩa quan trọng nhường nào, và những kết quả đến từ một sự khổ luyện như thế có giá trị tỏa sáng tới đâu. Đến tận bây giờ, khi đã định hình rõ chỗ đứng của mình trên trận địa bóng đá Việt Nam, Công Vinh vẫn không ngừng khổ luyện. Bằng chứng là rất nhiều lần, Vinh nán lại tập đi tập lại một cú sút phạt hoặc tập đi tập lại khả năng sút bóng bằng hai chân, khiến cho chính những đồng đội của mình cũng phải ít nhiều thán phục.

Chính cái vũ khí KHỔ LUYỆN, cái TINH THẦN VƯỢT KHÓ nói trên đã khiến Lê Công Vinh từ một cầu thủ vô danh trở thành một cầu thủ vang danh.

Từ bình dân đến tri thức

Có một sự thực mà dù yêu quý Công Vinh tới bao nhiêu chăng nữa người ta cũng không thể không thừa nhận, đó là sau năm 2008, khi đã đứng trên cái đỉnh cao chói lọi của tiền tài và danh tiếng thì Công Vinh vẫn là một người bình dân về…tri thức. Quá trình đào tạo một cầu thủ của bóng đá Việt Nam thời đó không cho phép Công Vinh và những đồng đội của Vinh vừa có thể trở thành một tài năng sân cỏ, vừa có được một bản lĩnh văn hóa dày dặn giữa trường đời.

Thế cho nên có một giai đoạn ngắn Công Vinh ít nhiều rơi vào trạng thái ảo tưởng về suy nghĩ, về lời nói, và cả hành động. Chẳng hạn như sau sự cố vái lạy trọng tài Vũ Bảo Linh trên sân Cao Lãnh, khi bị VFF treo giò Vinh không ngại ngần lên tiếng rằng VFF đã đối xử “bạc” với mình, và rằng nếu không giảm án Vinh sẽ treo giày. Hoặc khi có một vài va chạm với PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nam Định trên sân Thiên Trường – một người đáng tuổi cha, chú mình thì Vinh cũng không ngại ngần “sử dụng” một bộ phận báo chí nhất định để thông báo về việc… “tôi sẵn sàng đối chất với ông ta”.

Giai đoạn này, sự bay bổng trên sân bóng cùng hàng loạt những mối quan hệ bay bổng ngoài sân bóng, chẳng hạn như những quan hệ với những doanh nhân giàu có hay những anh ca sĩ thành đạt, tiếng tăm – những mối quan hệ mà chỉ một vài năm trước có nằm mơ cũng không thấy khiến Công Vinh tưởng rằng mình thực sự đã thuộc vào một…đẳng cấp khác. Nhưng đẳng cấp trong rất nhiều trường hợp không được quyết định bởi tính chất của các mối quan hệ (đặc biệt là những mối quan hệ “cần phải dựa vào nhau” rất đặc thù của xã hội hiện đại), mà dựa chủ yếu vào bản lĩnh văn hóa cùng nội lực tri thức của mỗi cá nhân.

Rất may, khác với những cầu thủ nổi tiếng (nhưng lại tai tiếng) trước mình, những người không đủ tỉnh táo nhận ra điều này, Công Vinh đã sớm nhận ra nó, hoặc được tư vấn, được dạy dỗ để nhận ra nó. Thế nên sau một giai đoạn ngắn tự biến mình thành tâm điểm của rất nhiều sự chỉ trích, Công Vinh đã trầm lại, và đã trở nên đáng yêu, đáng trọng hơn. Trong một phát biểu sau khi trở lại bóng đá (Vinh nghỉ gần một năm vì chấn thương), cầu thủ người Nghệ An nói rằng, những bão tố vừa qua với mình là rất cần thiết, bởi nhờ thế mà mình đã lớn lên rất nhiều.

Cá nhân tôi tin rằng Vinh nói câu này không phải nói theo kiểu “chót lưỡi đầu môi” như những gì một bộ phận dư luận vẫn nghi ngờ, mà nói rất thành thực, nói từ những trải nghiệm xương máu của cuộc đời. Bằng chứng là Công Vinh bây giờ không còn là một “Út Vinh trẻ con” của cái thời trước nổi tiếng, cũng chẳng phải là một “Công Vinh ngông nghênh” của cái thời mới nổi tiếng, mà là một Công Vinh điềm đạm, một Công Vinh có tri thức. Trong một đối thoại với một tờ tạp chí mới đây, Vinh đã nói rất “ngọt” về chuyện thời trang, về văn hóa đi bar hay văn hóa bia bọt – những điều mà chắc chắn không nhiều cầu thủ Việt Nam nói được. Hay trong cách ăn mặc cũng vậy, trong những cuộc “gặp gỡ lịch sự” gần đây,  Vinh thường  mặc quần âu, áo sơ mi, xịt một mùi nước hoa nhè nhẹ - một kiểu ăn mặc giản dị nhưng rất sang, chứ không mặc theo kiểu “lòe loẹt, khoe tiền” như một bộ phận những cầu thủ…mới có tiền.

Thông điệp sống từ một cuộc đời

Từ một cầu thủ vô danh đến một cầu thủ vang danh, Công Vinh đã phải trải qua một quá trình khổ luyện về thân xác. Còn từ một cầu thủ bình dân đến một cầu thủ tri thức – một trong hiếm hoi những cầu thủ tri thức của cái xã hội bóng đá nghiệt ngã này, Công Vinh cũng phải trải qua một quá trình khổ luyện về tinh thần, trí tuệ. Từ hai sự khổ luyện đặc thù như thế, ở Công Vinh toát lên một phẩm chất sống rất đáng quý: Sống là phải có nghị lực, phải có khát vọng vươn lên, và đấy dĩ nhiên là một sự vươn lên chính đáng, một sự vươn lên rất đàng hoàng.

Thú thật, đã có một thời gian không nhỏ, tôi gần gũi và yêu quí Công Vinh, rồi cũng có một thời gian không nhỏ lại dị ứng trầm trọng với Vinh. Nhưng bây giờ, khi nhìn lại cuộc đời của Vinh, nhìn lại khát vọng sống và nỗ lực vươn lên của cầu thủ sáng chói nhất trong đời sống bóng đá đương đại Việt Nam, ở tôi toát lên một sự cảm phục lớn lao.

Cảm phục về một trang nam nhi trong cuộc đời với một tài năng, một danh tiếng, một vị trí mà những kẻ viết lách nhạt nhẽo như tôi có lẽ không bao giờ chạm tới!

Thời thế…

Sự thành đạt của Công Vinh hiện nay, được quyết định chủ yếu bởi sự khổ luyện của cá nhân Vinh. Nhưng bên cạnh nguyên nhân chủ yếu còn một nguyên nhân thứ yếu khác không thể không nói đến, đó là yếu tố thời thế. Cho đến tận bây giờ, chính những đồng đội thân thiết của Vinh trong những cuộc trò chuyện vỉa hè vẫn phân vân trước hai câu hỏi: Nếu Văn Quyến không tự mình giết mình thì Công Vinh liệu có thể nức danh như bây giờ được không? Và nếu Văn Quyến không phải trả giá đắt để một người đi sau như Công Vinh có thể rút ra những bài học sống còn, thì ngay cả khi được nổi tiếng, Công Vinh liệu có thể không trượt dài trên đỉnh đài danh tiếng như phần lớn những cầu thủ danh tiếng khác hay không?

Ngẫm ra thì sự may rủi hay yếu tố thời thế luôn xuất hiện trong sự thăng tiến của một cuộc đời. Thành ra nhắc tới nó không phải để “hạ bệ” Công Vinh, mà để nhìn nhận sự thành đạt của Vinh một cách thực hơn, đời hơn, thay vì cứ tô vẽ cho nó những sắc màu không tưởng.

Phan Đăng
.
.