Lãnh tụ Xôviết Stalin - Biểu tượng sống động

Thứ Hai, 07/01/2013, 15:05

Là một chính trị gia ở cấp độ cao, lại cầm lái con thuyền siêu cường Liên bang Xôviết trong thời điểm gay cấn nhất của lịch sử nhân loại thế kỷ XX, lãnh tụ Stalin đã để lại một di sản ký ức không đơn giản và một chiều. Nhưng muốn nói gì thì nói, ông vẫn là một trong những biểu tượng sáng chói nhất của sức mạnh siêu cường mà các thế hệ lãnh đạo sau trong Điện Kremli đã không thể vươn tới được.

Ngày 21/12/2012, nhân kỷ niệm 133 ngày sinh của lãnh tụ Xôviết Stalin, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản LB Nga (KPRF) và cơ quan Thành ủy KPRF Ở Moska đã tiến hành lên dâng hoa tại phần mộ của ông bên tường Điện Kremli. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay ở nước Nga và trên thế giới, những người cộng sản Nga cảm thấy rất cần thiết những hoạt động tôn vinh quá khứ  Xôviết nói chung và cá nhân những nhà lãnh đạo của đất nước Xôviết.

Là một chính trị gia ở cấp độ cao, lại cầm lái con thuyền siêu cường Liên bang Xôviết trong thời điểm gay cấn nhất của lịch sử nhân loại thế kỷ XX, lãnh tụ Stalin đã để lại một di sản ký ức không đơn giản và một chiều. Nhưng muốn nói gì thì nói, ông vẫn là một trong những biểu tượng sáng chói nhất của sức mạnh siêu cường mà các thế hệ lãnh đạo sau trong Điện Kremli đã không thể vươn tới được.

Có một thực tế rất bất công là, trong những thập niên gần đây ở nước Nga đã xuất hiện quá nhiều những thông tin tiêu cực và phần lớn là không trùng khít với sự thật về giai đoạn mà lãnh tụ Stalin cầm quyền ở quốc gia Xôviết, kéo dài từ năm 1923 tới năm 1953.  Trong những tài liệu đó, các thành tựu của chế độ xã hội chủ nghĩa đều bị bóp méo, còn những sai lầm lắm khi là bất khả kháng thì lại bị thổi phồng lên cực độ…

Khi đọc những tư liệu hư hư thực thực đó, những người Nga  chân chính không khỏi ngạc nhiên: vì đâu mà lại có thể bôi bẩn chính lịch sử của tổ quốc mình như thế?! Cũng do những tư liệu không xác thực được truyền bá một cách dai dẳng trong xã hội Nga hiện đại nên ngay chính các chính trị gia Nga thế hệ mới cũng không có được những đánh giá đúng về vai trò và đóng góp của Stalin trong sự phát triển của nước Nga nửa đầu thế XX.

Trong bài trả lời phỏng vấn cho báo Izvestia hồi tháng 5/2012, ông Dmitri Medvedev, khi đó vẫn là Tổng thống (hiện đang là Thủ tướng Nga), cũng cho rằng, có thể đánh giá vai trò của Stalin trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại theo những cách khác nhau.

Chính vì thế nên trong giai đoạn hiện nay, những người cộng sản Nga đã đặt ra cho mình nhiệm vụ khôi phục lại sự thật về quá khứ Xôviết nói chung và về lãnh tụ Stalin nói riêng. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một phần những tư liệu đó.

Chính trị gia xuất chúng

Nữ văn sĩ Xôviết Marietta Shaginyan (1888-1982), người gốc Armenia, một trí thức gốc, tác giả của nhiều tác phẩm, trong đó có những cuốn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Năm 1980, bà đã viết: “Tôi kính trọng và yêu đất nước, con người Gruzia còn bởi ở thành phố Gori, trong ngôi nhà nghèo nàn của một người lao động đã sinh ra ông Joseph Vissarionovich Stalin, một nhân vật lịch sử vạm vỡ, suốt hàng chục năm liền sau khi Lênin qua đời, đã hoàn thành nhiệm vụ vô cùng to lớn được đặt lên vai ông: duy trì được quốc gia xã hội chủ nghĩa của công nhân, nông dân và trí thức nhân dân đầu tiên và nhiều năm liền là duy nhất trên thế giới, bảo toàn đất nước trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945…  Không thể quên điều này, không thể vô ơn trước Stalin về việc ông đã bảo vệ được tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta… Giai đoạn đó sẽ còn lại trong lịch sử thế giới như  thời đại của Stalin vĩ đại”.

Rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới cũng đã từng nói những lời tương tự. Henry Ford (1863-1947), nhà tư bản Mỹ lớn, năm 1930 đã lên tiếng nhận định: “Các lãnh tụ cộng sản đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch mà theo dung lượng cũng như ý nghĩa của nó thì đều vượt lên tất cả những gì mà lịch sử đã biết tới trong lĩnh vực các công việc vĩ đại và táo bạo. Những dự án của Piotr Đại đế so với các kế hoạch của Stalin không là gì nếu xét theo tầm cỡ của chúng”.

Winston Churchill (1874-1965), Thủ tướng Anh thời Chiến tranh thế giới thứ hai, từng viết trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội Anh ngày 21/12/1959, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Stalin:

“Một hạnh phúc lớn lao đối với nước Nga là trong những năm thử thách khổng lồ, đất nước này được thiên tài, tướng quân sắt đá Stalin lãnh đạo. Ông ấy là nhân vật kiệt xuất nhất, bao trùm lên cái thời nhiều biến động mà cuộc đời ông ấy đã trôi qua. Stalin là con người nhiệt huyết phi thường và ý chí không gì bẻ gẫy nổi, cứng rắn, khốc liệt trong trò chuyện, người mà ngay cả tôi, kẻ được giáo dục tại nghị viện Anh, cũng không có gì cưỡng lại được. Stalin trước hết có một óc hài hước phong phú, khả năng thâu nhận những ý tưởng một cách chuẩn xác. Sức mạnh này trở nên vĩ đại ở Stalin đến nỗi ông ấy trở nên độc nhất vô nhị giữa những nhà lãnh đạo quốc gia mọi thời và mọi nơi.

Stalin đã gây cho chúng tôi một ấn tượng kỳ vĩ. Ông ấy có trí anh minh sâu sắc, tư duy hợp lý, không bao giờ biết hoảng loạn. Ông ấy là một nghệ nhân bất khả chiến bại trong những khoảnh khắc khó khăn kiếm tìm lối thoát từ những tình huống tuyệt vọng nhất. Ông ấy là một nhân vật rất phức tạp. Ông ấy xây dựng và thuần hoá một đế chế mênh mông. Đó là người biết tiêu diệt kẻ thù của mình bằng chính kẻ thù của mình... Lịch sử, dân tộc không bao giờ quên lãng những người như thế”.

Ở đây cũng cần phải nhớ rằng, sinh thời, Churchill là “kẻ thù số 1” của Stalin, như chính lời Stalin từng nhận xét…

Vị Tổng thống đã sáng lập ra nền đệ ngũ cộng hòa ở Pháp và cầm quyền trong Điện Élysée, tướng Charles De Gaull (1890-1970), một trong những “người hùng” của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đánh giá cao những phẩm chất cá nhân của Stalin. Trong cuốn Hồi ký chiến tranh của mình, tướng De Gaull viết: “Stalin có một uy tín to lớn, và không chỉ riêng ở nước Nga. Ông biết “thuần hóa” kẻ thù, không hoảng hốt khi núng thế và không say sưa thắng lợi. Mà ông lại là người có nhiều chiến thắng hơn thất bại...”.

Tướng De Gaull đặc biệt ấn tượng về cách hành xử của  Stalin trong thời gian tiến hành hội nghị ở Tehran năm 1943, khi lãnh đạo ba quốc gia Đồng minh lớn nhất là Liên Xô, Mỹ và Anh ngồi lại cùng nhau thống nhất kế hoạch kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ 2: “Stalin trò chuyện ở Tehran như một người có quyền đòi hỏi người ta phải báo cáo mình.  Không bộc lộ kế hoạch của mình cho hai thành viên khác tham gia cuộc họp là Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill, ông lại đạt được việc buộc họ phải trình bày với ông kế hoạch của họ để ông bổ sung những điều chỉnh. Roosevelt đã nghiêng về phía ông để bác bỏ ý tưởng của Churchill về việc các lực lượng vũ trang phương Tây tấn công rộng rãi qua Italia, Nam Tư và Hy Lạp tới Vienne, Praha và Budapest. Mặt khác, người Mỹ cùng đồng tình với người Xôviết,  bác bỏ, bất chấp những yêu cầu của người Anh, việc xem xét trong cuộc họp những vấn đề chính trị liên quan tới Trung  Âu, và đặc biệt là vấn đề về Ba Lan, nơi mà Hồng quân chuẩn bị tấn công...”.

Kết quả đạt được tại Tehran năm 1943 với cách hành xử khôn khéo của Stalin đã tạo cho Liên Xô có được những yếu tố thuận lợi hơn trong cuộc hành binh chống lại chủ nghĩa phát xít và xây dựng mô hình mới cho châu  Âu sau này.

Còn bá tước xứ Avon, Anthony Eden, Bộ trưởng Ngoại giao Anh trong thời gian chiến tranh đã nhận xét như sau về lãnh tụ Xôviết: “Stalin ngay từ đầu đã gây được ấn tượng mạnh mẽ với tôi bởi tài năng của ông, và ấn tượng này trong tôi tới nay vẫn không thay đổi. Tầm cỡ của ông tự nói được về mình và ở đây không cần một sự phóng đại nào cả. Ông có những cử chỉ hay rất tự nhiên, có lẽ xuất xứ từ Gruzia. Tôi biết ông rất cứng rắn nhưng tôi kính trọng trí tuệ của ông và có cảm tình với ông, thậm chí cũng không thể giải thích rõ tới tận cùng là vì sao... Tôi luôn luôn tìm thấy trong ông một người đối thoại thú vị, hơi u ám và nghiêm khắc... Tôi chưa từng thấy ai có thể tự chủ được như thế trong các cuộc họp. Stalin được thông tin đầy đủ về mọi vấn đề có liên quan tới ông nên ông luôn cẩn trọng và nhạy bén... Đằng sau tất cả những cái đó chắc chắn là một sức mạnh”.

Sau này, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Henry Kissinger, một trong những “nhà thiết kế” Chiến tranh lạnh cũng buộc phải công nhận những phẩm chất chính trị gai góc nổi trội của lãnh tụ Xôviết: “Hơn bất cứ một thủ lĩnh nào của thế giới dân chủ, Stalin sẵn sàng trong bất cứ lúc nào bắt tay vào tìm hiểu cán cân lực lượng. Chính vì luôn tin tưởng rằng ông là người mang trong mình sự thật lịch sử mà hệ tư tưởng của ông phục vụ nên ông cứng cỏi và kiên quyết bảo vệ quyền lợi dân tộc Xôviết, không chịu tuân theo những thói đạo đức mà ông cho là giả hay những quan hệ cá nhân”.

Tất cả những ai có cách nhìn nhận nghiêm túc về Stalin đều phải công nhận rằng, thế giới đã “gặp may” khi có ông làm lãnh tụ của Liên Xô vào đúng cơn thử thách sinh tử của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, vì xét trên mọi phương diện, ông là người cầm quân thích hợp để đưa Hồng quân Liên Xô tới chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Piter Ustinov, một chuyên gia lịch sử, đã nhận xét: “Có lẽ không thể có một ai khác ngoài Stalin có thể làm được những việc như thế trong chiến tranh: quyết liệt, mềm dẻo,  nhất quán, như yêu cầu đánh thắng trong những kích cỡ phi thường như thế...”.

Còn Nguyên soái Xôviết Georgi Zhukov (1896-1974), vị tướng quân lừng danh bậc nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì hồi tưởng: “Tôi được  gần gụi Stalin sau năm 1940, khi tôi làm chỉ huy Bộ Tổng tham mưu và trong thời gian chiến tranh, khi tôi là Phó Tổng tư lệnh tối cao. Về ngoại hình của Stalin, người ta đã viết nhiều rồi. Là một người không cao lớn và có vẻ như không nổi trội, nhưng Stalin lại tạo nên được một ấn tượng mạnh mẽ. Không bao giờ tỏ vẻ này nọ, ông khiến người đối thoại phải thấy cảm tình với mình bằng sự giao tiếp giản dị. Cách trò chuyện thoải mái, khả năng diễn đạt rõ ràng ý tưởng, trí tuệ phân tích thiên phú, sự hiểu biết bách khoa rộng rãi và trí nhớ hiếm có đã buộc ngay cả những nhân vật lớn, lịch lãm khi trò chuyện với Stalin cũng phải tập trung nội tâm và luôn sẵn sàng đối đáp. Ông có vốn hiểu biết tiếng Nga rất xuất sắc và thích dùng những hình ảnh văn học giàu hình tượng, đầy ẩn ý. Ông thường tự viết tay. ông đọc rất nhiều và biết nhiều thứ trong các lĩnh vực khác nhau. Sức làm việc đáng kinh ngạc của ông, khả năng nhanh chóng nắm bắt thông tin cho phép ông trong một ngày xem xét và thấu hiểu một khối lượng tư liệu lớn đến mức chỉ những vĩ nhân mới có thể làm được như thế.

Thật khó nói nét tính cách nào là chủ đạo trong ông. Là một con người đa diện và tài năng, ông không bằng phẳng. Ông có ý chí mạnh mẽ, tính tình kín đáo, và giàu xung động. Thường ông điềm đạm và cẩn trọng, nhưng đôi khi lại hay cáu kỉnh. Khi không kiềm chế mình nữa, ông thay đổi rất nhanh chóng, mặt tái đi, cái nhìn trở nên lạnh lẽo và cứng rắn. Tôi chỉ biết có rất ít người dũng cảm chịu đựng được cơn cáu giận của Stalin và loại được nguy hiểm ra khỏi mình... Ông làm việc nhiều, khoảng 12-15 giờ trong một ngày.

Tôi đã nghiên cứu Stalin như một nhà hoạt động quân sự rất kỹ càng vì tôi đã cùng ông đi suốt cuộc chiến tranh. Stalin nắm chắc các vấn đề tổ chức chiến dịch mặt trận và các chiến dịch phối hợp giữa các nhóm mặt trận, và ông chỉ huy các chiến dịch này rất bài bản, vì biết rõ các vấn đề chiến lược lớn. Trong chỉ đạo chiến tranh nói chung, Stalin được giúp đỡ bởi trí tuệ thiên phú của ông và một linh tính rất phong phú. Ông biết tìm ra mắt xích chủ đạo trong tình huống chiến lược và nắm lấy nó, phản kích kẻ thù, tiến hành chiến dịch tấn công lớn này hay chiến dịch tấn công lớn khác. Không có gì hoài nghi nữa, ông là một Tổng tư lệnh tối cao xứng đáng.”

Còn Nguyên soái Xôviết Dmitri Ustinov (1908-1984), người từng có nhiều năm làm việc dưới quyền lãnh tụ Stalin, đã nhận xét: “Stalin có khả năng làm việc hiếm có, một sức mạnh ý chí to lớn, một tài năng tổ chức siêu việt. Hiểu rõ tất cả những phức tạp và đa chiều của công tác chỉ đạo chiến tranh, ông tin tưởng giao nhiều việc cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, lãnh đạo các bộ; biết cách tổ chức hoạt động rành mạch, đồng bộ, kịp thời của tất cả các khâu điều hành, kiên quyết đạt được sự thực hiện tuyệt đối những quyết định đã thông qua. Với tất cả những uy lực, nghiêm khắc, thậm chí cứng rắn của mình, ông vẫn hưởng ứng rất sống động với biểu hiện của những sáng kiến hợp lý, tính tự lập, ông còn đánh giá cao những lập luận thẳng thắn... Ông thuộc tên họ gần như tất cả các vị trí lãnh đạo lực lượng vũ trang và nền kinh tế, đến tận giám đốc các xí nghiệp và chỉ huy các sư đoàn; nhớ cả những chi tiết tiểu sử điển hình, đặc trưng cho tính cách, nhân thân của cá nhân họ cũng như của các cơ sở mà họ quản lý, chỉ huy”.

Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết từ năm 1957 tới năm 1985, Adrei Gromyko (1909-1989) đã đưa ra một đúc kết ngắn gọn rằng, Stalin “là con người của tư tưởng”. Tin vào lý tưởng của mình, tin vào lẽ phải của Tổ quốc mình, ông đã làm mọi việc để tôn vinh đất nước Xôviết. Và không phải ông không nhìn thấy trước được những hiểm họa có thể xảy ra nếu đất nước mà ông góp tay gây dựng nên không giữ vững được định hướng đã chọn sau khi ông và thế hệ của ông ra đi.

Theo hồi ức của bà Alexandra Kollontai (1872-1952), bà đại sứ nổi tiếng một thời, lúc còn sống, chính Stalin đã từng nói: “Nhiều công việc của Đảng ta và nhân dân ta rồi sẽ bị xuyên tạc và bôi bẩn trước tiên ở nước ngoài, và cả ở trong nước nữa.  Chủ nghĩa Sion đang hằn học muốn vươn lên thống trị thế giới sẽ trả thù chúng ta vì những thành tựu và thắng lợi của chúng ta. Nó vẫn còn coi nước Nga như một xứ man dại, một nơi cung cấp nguyên liệu. Và tên họ của tôi cũng sẽ bị vu cáo và bôi bác. Chúng sẽ gán cho tôi vô số những tội ác.

Chủ nghĩa Sion thế giới sẽ dùng mọi sức mạnh để tiêu hủy Liên bang của chúng ta, để nước Nga không bao giờ có thể gượng dậy được nữa. Sức mạnh của Liên bang Xôviết là ở trong tình hữu nghị của các dân tộc. Mũi nhọn của cuộc chiến sẽ nhằm vào việc trước hết phá vỡ tình hữu nghị đó, tách các vùng ngoại vi ra khỏi nước Nga. Tại đây, cũng phải công nhận rằng, chúng ta vẫn còn chưa làm xong tất cả mọi việc. Còn rất nhiều việc cần phải tiếp tục làm nữa. Chủ nghĩa dân tộc rồi sẽ ngóc đầu lên rất dữ dội. Nó có thể trong một thời gian nào đó át được chủ nghĩa quốc tế và tinh thần ái quốc, nhưng chỉ trong một thời gian thôi. Sẽ xuất hiện những nhóm dân tộc chủ nghĩa trong các dân tộc và các cuộc xung đột. Sẽ xuất hiện nhiều thủ lĩnh lùn, phản bội chính dân tộc mình.

Nhìn chung trong tương lai, sự phát triển sẽ trở nên phức tạp hơn và theo những con đường có thể rất rồ dại, những bước ngoặt sẽ rất khốc liệt. Sự kiện sẽ xảy tới là phương Đông, nơi đây sẽ nổi nóng cực kỳ. Và sẽ đụng độ mạnh mẽ với phương Tây.

Và dù có thế nào thì sau một thời gian trôi qua, các thế hệ mai sau sẽ hướng về những chiến thắng của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Rồi những thế hệ mới sẽ tới. Họ sẽ tiếp nối giương cao ngọn cờ của cha ông và sẽ tỏ lòng kính trọng xứng đáng đối với chúng ta.

Họ sẽ xây dựng tương lai trên quá khứ của chúng ta”. 

Đời thường sống động

Hầu hết tất cả những ai từng được làm việc bên cạnh Stalin đều rất ngại cái uy đầy nghiêm khắc của ông nhưng họ cũng thấy rất rõ những nét nhân văn của nhà lãnh đạo này trong các giao tiếp đời sống. Nhà văn  Nga Feliks Chuev đã ghi lại lời kể của những nhân chứng sống đó và kết luận, dù ngọn gió thời cuộc có xoay chiều theo hướng nào thì vẫn không thể nào bôi đen được nhân thân của Stalin. Đó là một con người rất biết trả nghĩa cho quá khứ, ăn quả luôn nhớ kẻ trồng cây.

Nhà văn Chuev kể: Một người thầy giáo cũ từng dạy Stalin hồi phổ thông viết thư cho nhà lãnh đạo tối cao của đất nước Xôviết, yêu cầu cấp tiền ngân sách cho 5 nghìn rúp để ông xây nhà. Chẳng bao lâu sau, người thầy nhận được một gói bưu phẩm, trên đề “Kính gửi nhà giáo nhân dân...”. Trước đó, danh từ “nhà giáo nhân dân” chưa được dùng bao giờ, chỉ từ sau đấy nó mới trở nên thông dụng. Trong thư gửi thầy giáo, Stalin viết rằng, luật pháp Xôviết không có điều khoản nào cho phép lấy tiền ngân sách như thế. “Thông thường, em không nhận nhuận bút từ các tác phẩm của mình, nhưng bây giờ em đã lấy nhuận bút và gửi cho thầy 3 nghìn rúp. Rất đáng tiếc là em không có hơn, nhưng em sẽ gọi điện cho Bí thư Trung ương Đảng Gruzia để đồng chí ấy tìm cách đưa cho thầy 2 nghìn rúp còn lại”. Quả nhiên là sau đấy, ông Beria, lúc đó đang là Bí thư Trung ương Đảng Gruzia, đã ra lệnh xây nhà cho “nhà giáo nhân dân” đầu tiên này…

Stalin cũng không phải là một nhà lãnh đạo háo danh như một số kẻ xấu muốn bôi bác. Sau chiến thắng của nhân dân Xôviết trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, để ghi nhận những đóng góp vĩ đại của ông, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản toàn Nga đã ra nghị quyết về việc đổi tên thủ đô Liên bang Xôviết thành thành phố Stalin, phong cho Stalin quân hàm Đại Nguyên soái Liên bang Xôviết, trao tặng cho ông huân chương Chiến thắng lần thứ hai và phong tặng ông danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Thế nhưng, Stalin đã kiên quyết bác bỏ những quyết định này. Về vấn đề thứ nhất, trong cuộc họp BCT, ông nhận được sự ủng hộ của ông Vyacheslav Molotov, cũng là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu trong Điện Kremli khi đó nên đã xóa bỏ được nó. Về vấn đề thứ hai, thì Nguyên soái lừng danh Rokossovsky đã lên tiếng:

- Đồng chí Stalin, đồng chí là Nguyên soái mà tôi cũng là Nguyên soái. Vậy thì làm sao đồng chí kỷ luật được tôi!

Nghe thấy vậy, Stalin mỉm cười rồi cho qua. Tuy nhiên, về sau, ông đã không chỉ một lần ngỏ ý hối tiếc vì đã dễ dãi nhận quân hàm Đại Nguyên soái. Ông than thở: “Tôi đâu là quân nhân. Vậy tôi đã nhận cái quân hàm đó để làm gì?!”.

Các đồng chí trong BCT cũng thuyết phục được Stalin nhận Huân chương Chiến thắng. Tuy nhiên, ông đã cương quyết không nhận danh hiệu Anh hùng. Ông nói:

- Tôi không xứng đáng để nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Vì thực ra tôi có làm được việc gì anh hùng đâu…

Dù bị đánh giá theo những góc độ khác nhau, nhưng Stalin luôn được biết tới như một người có tâm và tầm trong các vấn đề văn hóa. Và ông đã ra tay giúp Mikhail Sholokhov trong giai đoạn khó khăn của nhà văn. Về sau,  Sholokhov kể:

“Tại tòa soạn tạp chí Tháng 10 người ta dừng in tập tiếp theo của Sông Đông êm đềm. Họ ngại những tin đồn. Làm gì bây giờ? Tôi cứ loạn cả lên, chẳng biết nhờ ai giúp... Đành phải mang bản thảo đến Maxim Gorky. Sau một thời gian có điện thoại: “Ngày này ngày kia tới. Sẽ có đồng chí Stalin. Đấy mới là người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa”. Tôi rất sợ rằng đồng chí  Stalin không thích những nhân vật mà tôi cho là có lỗi trong việc chống Kulắc. Mà chính từ chuyện đó đã bắt đầu bộ tiểu thuyết.

Đúng hẹn, tôi tới nhà Gorky... Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: “Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?”. Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng lên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh, ông ta đã yêu Tổ quốc... Stalin kêu lên: “Sao, thế là danh dự? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!”. Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó”.

M. Sholokhov kể tiếp: “Stalin ra câu hỏi mới: “Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chính trị sông Đông của Đảng và Ủy ban Cách mạng?” (Đây chính là chủ đề chống Kulắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi những sự việc này và đã kể chuyện Nội chiến không giống như sự thật cuộc đời... Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: “Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...”.

Rồi ông hỏi tôi và Gorky: “Hai đồng chí nói gì về chuyện này?”. Gorky trả lời: “Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xôviết”. Tôi cũng đáp: “Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban”. Khi ấy, Stalin mới nói: “Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của Sông Đông êm đềm hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng”. Rồi ông hứa là sách sẽ được in...

Stalin đã xử sự đúng như một người quân tử. Với kẻ thù, dù ta có làm gì thì bọn chúng cũng có thể “bới lông tìm vết”. Còn với những người có thiện chí, dù không hẳn đứng về phía ta, nếu ta có cách diễn giải tài hoa như Sholokhov đã làm thì họ cuối cùng sẽ hiểu đúng ta. Việc Sông Đông êm đềm được trao giải thưởng Nobel về văn học năm 1965 há chẳng phải là minh chứng cho nhận xét này sao?!

Cho tới cuối cuộc đời mình, Stalin luôn trân trọng Sholokhov, đến mức gần như “nuông” nhà văn vĩ đại này. Khi Sholokhov giữ cương vị chủ đạo ở Hội Nhà văn Liên Xô, ông hay cùng bạn đồng nghiệp Alexandr Fadeyev “chén anh, chén chú”. Thậm chí, có hôm được Stalin mời tới nói chuyện, Sholokhov vẫn chưa hả hết mùi rượu. Những kẻ xấu bụng tưởng như thế thì Sholokhov sẽ bị nhà lãnh đạo tối cao, vốn rất chỉn chu trong thủ tục hành chính, quở mắng. Thế nhưng, Stalin đã có cách hành xử khác. Một lần, gặp Sholokhov, Stalin cười cười hỏi:

- Thế nào, đồng chí nhà văn, một tuần đồng chí cùng đồng chí Fadeyev uống rượu mấy ngày?

Sholokhov không nói không rằng, chỉ cười trừ. Thấy vậy, Stalin bảo cô thư ký:

- Cô ghi lại đi! Quyết định của Bộ Chính trị. Mỗi tuần đồng chí M. Sholokhov và đồng chí A. Fadeyev chỉ uống rượu từ thứ hai tới thứ năm thôi, còn lại ngày thứ sáu phải làm việc! Đừng như bây giờ, bảy ngày rượu say cả bảy!

Nói đoạn, ông dứ dứ ngón tay về phía văn hào. Cả hai bật cười sảng khoái...

Một năm, vào đúng ngày sinh nhật của mình, Sholokhov mời bạn bè thân thiết nhất tới một nhà hàng ở Moskva uống rượu. Bất thình lình, người phục vụ tới nói nhỏ với ông:

- Thưa ông, ông có điện thoại từ Điện Kremli!

Sholokhov cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói đầy uy vũ:

- Thế nào, bạn mình có việc vui mà lại quên mình rồi hả?!

- Dạ, thưa... Tôi... - Sholokhov định biện bạch.

- Không có tôi gì cả, tôi đang chờ anh đây. Cho tôi uống mừng sinh nhật anh với. Xe đang chờ ở ngoài cửa đấy!

Sholokhov ra ngoài. Quả nhiên, một chiếc xe sang trọng đang chờ ngoài cửa. Hóa ra là, Stalin nghe ai đó nói tới lễ sinh nhật của Sholokhov nên đã quyết định là kiểu gì thì ông cũng đích thân mừng thọ nhà văn lớn. Trọng kẻ sĩ không bao giờ là việc vô ích đối với các chính trị gia!

Sau này, khi Stalin qua đời và bị những kẻ xu thời bêu riếu, Sholokhov đã dũng cảm lên tiếng: “Không được bôi bác và hạ thấp hoạt động của Stalin… Thứ nhất, làm thế là không trung thực. Thứ hai, làm thế là có hại cho đất nước, cho những người Xôviết.  Cũng không phải vì rằng không ai phán xét những người chiến thắng mà trước hết, việc “lật đổ thần tượng” không đúng với chân lý…”

Trần Phương – Phạm Quyết
.
.