Lãnh tụ Cuba Fidel Castro: Người của nhân dân

Thứ Sáu, 11/04/2008, 14:00
Khi đoàn tàu chở Fidel tới ga Zima, hàng nghìn người dân địa phương đã tụ lại ở quảng trường sát sân ga và hô vang: "Fidel! Fidel!". Nghe thấy, Fidel đã ra khỏi toa tàu, trên mình chỉ mặc độc một tấm áo mỏng, niềm nở đáp lễ. Và một ai đó trong đám đông đã cởi tấm áo bông to sụ của mình và tất cả chuyền tay đưa tới chỗ Fidel đứng: "Dành cho Fidel! Dành cho Fidel!". Fidel mặc áo bông vào và trên đôi mắt Người lệ bỗng ứa ra…

Thực sự là một thời đại  lớn đã khép lại vào thời điểm nhân vật lớn nhất của Cách mạng Cuba Fidel Castro tuyên bố bàn giao lại quyền lực vào đôi bàn tay tin cậy của người em trai, Đại tướng Raul Castro. Và ở nhiều nơi trên thế giới, những người từng được dẫu chỉ một lần gặp gỡ hay ở gần Fidel đều nhớ tới ông với những tình cảm tốt đẹp và ấm áp.

Nếu ta tiếp xúc với những trang hồi ức về Fidel của một số người  Nga (vừa được công bố trên trang web báo Izvestia), ta sẽ không thể không trầm trồ: Fidel quả thực là một huyền thoại!

Lý tưởng tới cùng

Ông Sergo Mikoyan, con trai của vị Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô trước kia Anastas Mikoyan, nhớ lại: "Ngay trong buổi gặp đầu tiên với Fidel năm 1960, tôi đã ngạc nhiên khi thấy: một người chiến sĩ da đen to lớn lực lưỡng đứng dựa cùi tay lên vai vị Tư lệnh của Cách mạng Cuba và trò chuyện rất hồn nhiên.

Fidel là một người cao to và rất nhanh nhẹn. Ông là con người của những quyết định mau lẹ và bất ngờ. Ông có thể nói hàng giờ liền. Nhưng ông cũng biết nghe những người đối thoại nói rất chăm chú. Của đáng tội, không phải lúc nào Fidel cũng đủ kiên nhẫn để nghe người khác nói tới cùng. Nếu ông đã tin tưởng ở một điều gì đó, thì khó có ai có thể thuyết phục được ông nghĩ khác đi.

Tôi nhớ, một lần vào tháng 11/1962, sau khi hội đàm với Fidel về, cha tôi đã thốt lên: "Fidel, đó là một nhân vật cực lớn! Cha cũng không biết liệu có ai trong phong trào cách mạng thế giới có thể sánh được với anh ấy không. Có lẽ chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam!

Và dù Fidel còn rất trẻ, anh ấy vẫn đầy kinh nghiệm và thú vị trên mọi phương diện. Cha rất kính trọng anh ấy nhưng theo tính cách, có lẽ anh ấy là một người tự do chủ nghĩa. Nhưng cha cũng đã thuyết phục được anh ấy. Anh ấy rất trung thực và trong sáng, cha không thể nói bất cứ điều gì không hay về anh ấy…".

Lần cuối cùng tôi gặp và trò chuyện với Fidel là vào năm 2005. Khi đó tôi đã kinh ngạc vì thấy trong đôi mắt của ông vẫn nguyên ánh lửa sáng nóng như ngày trước. Ông vẫn không đánh mất lý tưởng của mình - đó là điều không phải ai ở vị trí của ông cũng làm được".

Độc lập trên hết

Cựu Đại sứ Nga tại Cuba Vitali Makarov năm 1964, khi đang là một sinh viên Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên Mikhail Lomonosov (MGU), thì được cử sang làm luận án ở La Habana. Một năm sau đó, ông Makarov mới được lần đầu nhìn thấy Fidel.

Cả trường đại học rộ lên vì tin: Chủ tịch Castro đã đến. Fidel ra cho sinh viên một câu hỏi về việc, liệu mọi người sẽ có thái độ như thế nào nếu Fidel sẽ phát biểu để bày tỏ sự không đồng tình với việc lãnh đạo một nước bạn có thái độ áp đặt đối với đường lối của chính phủ Cuba. Khi ấy, cả khán phòng ầm lên vì phẫn nộ. Và ngay ngày hôm sau, Fidel đã đưa ra tuyên bố không chấp nhận bất cứ một sự áp đặt nào từ bất cứ đâu.

Ông Makarov kể, cuối những năm 1960, ông đã làm việc ở Cuba với tư cách một nhà ngoại giao. Khi đó, tại Lliên Xô có một số ý kiến cho rằng Fidel không phải là một chiến sĩ cộng sản nhất quán và có ý định tác động  chỉnh sửa đến đường lối của La Habana từ Moskva.

Một quan chức Xôviết đã lỡ lời nói vào băng ghi âm: "Nếu chúng ta không cung cấp tới hòn đảo đó một tàu chở dầu duy nhất thì Cuba sẽ bị tê liệt".

Thông tin này loang ra. Chẳng bao lâu sau, trong một hội nghị nội bộ  ở Cuba, Đại tướng Raul Castro đã có bài phát biểu phê phán những ý kiến phản biện một cách nghiêm khắc đến mức các nhà ngoại giao Xôviết ở La Habana đều hiểu đó là lời nói dành cho Moskva.

Vốn rất muốn duy trì quan hệ đồng chí hữu hảo với Hòn đảo Tự do, Điện Kremli đã lập tức giao nhiệm vụ giải tỏa căng thẳng trong một chuyến thăm chính thức Cuba cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Xôviết là ông Aleksey Kosygin.

Khi tại Liên Xô trước đây bắt đầu công cuộc cải tổ, theo lời mời của Đảng Cộng sản Liên Xô, một phái đoàn của Đảng Cộng sản Cuba đã tới Moskva. Việc xảy ra trước khi bùng nổ chính biến tháng 8/1991, trước khi Liên bang Xôviết ran rã.

Theo chứng nhận của ông Makarov, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là Mikhail Gorbachev, quá mệt mỏi vì những cuộc tranh luận nội bộ với các đối thủ chính trị, tới gặp các vị khách Cuba vào buổi tối,  kể về các vấn đề đang cần giải quyết và bất ngờ tuyên bố khi chia tay: "Các đồng chí hãy về nói với Fidel rằng, Cuba không cần đi theo con đường của chúng tôi!".

Ngay cả vị Tổng thống đầu tiên của LB Nga, ông Boris Yeltsin, bất chấp những động thái xích lại gần Washington, vào đầu những năm 1990 cũng đã ra một quyết định trong một văn bản do Bộ Ngoại giao chuẩn bị: "Không được bỏ rơi Cuba!".

Ít ai biết rằng, chính Fidel trong một chuyến thăm Moskva ở thời cải tổ, mặc dầu biết ông Yeltsin lúc đó đã bị ông Gorbachev truất khỏi mọi vị trí lãnh đạo trong chính quyền Xôviết, vẫn đích thân tới chỗ nhà lãnh đạo Nga đang bị thất sủng và giữa thanh thiên bạch nhật, trước những ánh mắt ngạc nhiên của giới tinh hoa chính trị Xôviết trong Điện Kremli, chào hỏi và trò chuyện với ông Yeltsin rất thân mật. Cách hành xử đàng hoàng và duy tình này của Fidel rất gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ông Yeltsin.

Người của nhân dân

Trung tướng nghỉ hưu của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Nikolai Leonov từng có thời gian làm phiên dịch viên từ tiếng Tây Ban Nha và có nhiều dịp tháp tùng Fidel trong những lần ông sang thăm Liên Xô trước đây.

Mùa xuân năm 1963, Fidel lần đầu đặt chân lên quê hương Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Khi đó lãnh đạo Liên Xô là ông Nikita Khrusov. Ngoài Moskva, Fidel còn đi tàu hỏa tới thăm những vùng xa xôi như Irkutsk, hồ Baikal, Nhà máy Thủy điện Bratsk… Trên đường tới Bratsk, bất ngờ Fidel muốn rẽ vào một nơi hẻo lánh nào đó, để xem rừng taiga.

Trung tướng Leonov kể: Mọi người định khuyên Fidel thôi làm thế vì vào tháng 5, trong rừng taiga vẫn rất ẩm ướt, không thể đi bộ được. Thế nhưng, Fidel cương quyết nói, taiga - đó là một hiện tượng quan trọng trên trái đất đến mức đã đến đây và không nhìn, không đo bằng chính bước chân của mình là một điều phung phí quá lớn, không được phép đối với ông.

Thế là mọi người phải chiều theo Fidel. Những người tháp tùng lật đật đi theo Fidel nhưng cả y phục lẫn giày dép của họ đều không thích hợp với việc đi vào những khu rừng như thế. Nhiều viên chức còn diện những đôi giày mỏng đánh vécni bóng loáng. Riêng Fidel thì đi một đôi ủng nhà binh cao cổ. Ông đi sâu vào trong rừng taiga tới nửa cây số.

Trong rừng la liệt cây khô bị gãy, Đội Bảo vệ rất khó khăn mới chịu được thử thách này. Còn Fidel, sau khi hoàn thành cuộc dạo chơi, trở về tàu, nói: "Giờ thì tôi đã được tận mắt thấy rừng taiga, đã được thở không khí của nó, đã được đi vào trong đó, và với tôi thế là đủ rồi!".

Khi đó, đoàn tàu tới gần ga Zima, nơi nhà thơ lừng danh Evgueni Evtushenko lớn lên từ thời thơ ấu. Trong giai đoạn đó, giữa nhà lãnh đạo Khrusov với nhà thơ Evtushenko có những điều cấn cá với nhau nên các cán bộ tháp tùng Fidel không muốn ông dừng lại ở ga Zima.

Tuy nhiên, hay tin Fidel sẽ đi qua đây, hàng nghìn người dân địa phương đã tụ lại ở quảng trường sát sân ga và khi thấy tàu đến, đã hô vang: "Fidel! Fidel!". Nghe thấy, Fidel đã ra khỏi toa tàu, trên mình chỉ mặc độc một tấm áo mỏng, niềm nở đáp lễ. Và một ai đó trong đám đông đã cởi tấm áo bông to sụ của mình và tất cả chuyền  tay đưa tới chỗ Fidel đứng: "Dành cho Fidel! Dành cho Fidel!".

Fidel mặc áo bông vào và trên đôi mắt Người lệ bỗng ứa ra. Ông nói: "Các bạn yêu quý! Nói thực thì tôi chưa xứng đáng với với tình yêu và sự đón tiếp trọng thị này đâu!". Rồi ông rút từ túi quần ra toàn bộ số xì gà dự trữ của mình, đâu có ba điếu  và đưa cho một người đàn ông Nga đứng gần mình nhất. Khi thấy mọi người cùng nhau hút hết cả ba điều xì gà ngay tại chỗ, Fidel không khỏi ngạc nhiên.

Trung tướng Leonov nhớ lại: "Fidel Castro là nhà lãnh đạo nhà nước duy nhất trong số những người mà tôi từng gặp rất quan tâm tới lao động của các phiên dịch viên và cảm ơn họ. Ở Cuba không ai gọi Fidel là ông cả. Tất cả đều gọi Fidel bằng đại từ xưng hô thân mật như người nhà…".--PageBreak--

"Bớt những gì thừa thãi"

Nữ phóng viên Nga Elena Ovcharenko cho tới bây giờ vẫn nhớ tới chuyến đi đến Cuba tháng 9/1999, tháp tùng Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov. Khi đó, Fidel không được khoẻ lắm nhưng vì quý ông Ivanov nên vẫn tiếp ông này. Nữ nhà báo rất muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn Fidel nhưng trong tình hình đó, chị cảm thấy, đó gần như một nhiệm vụ bất khả thi. Chị kể:

"Buổi tối hôm đó sẽ có một cuộc tiếp đón với sự tham gia của hai Bộ trưởng và các nhà báo Nga cũng được tham dự. Trước khi vào phòng gặp, các nhà báo phải nộp lại máy ghi âm, máy ảnh và cả sổ tay. Thực  gay go!

Khi bước vào phòng thì thấy ngay Fidel đứng ở cửa. Theo thái độ ban đầu biểu cảm của những người tháp tùng ông, có thể hiểu rằng nếu ai đó định phỏng vấn Fidel thì sẽ bị đánh giá như một hành động mang tính khiêu khích. Hơn thế nữa, tới thời điểm đó, Fidel đã mấy năm liền không để cho các nhà báo Nga lại gần mình.

Tuy nhiên, đôi khi số phận hay mỉm cười với phụ nữ. Tôi là người phụ nữ duy nhất có mặt trong gian phòng đông đúc đó, và Fidel - dù đã cao tuổi như thế - vẫn nhận ra điều này. Bằng cái nhìn và nụ cười, ông lập tức khiến chúng tôi hiểu ra vấn đề. Chỉ cần tiếp cận đúng cách.

Fidel bắt đầu bước đi dọc theo cái bàn to. Và chắc chắn ông sẽ phải dừng lại ở cạnh hàng cột giữa gian phòng. Thế là tôi chờ sẵn ông ở đó. Và có lẽ Fidel đã đoán được ý tôi nên mỉm cười niềm nở hơn và bắt đầu di chuyển…".

Chắc cũng rất thông cảm với công việc của nữ nhà báo Nga nên Fidel đã cho phép chị lại gần ông để phỏng vấn. Và ở khoảng cách gần, chị đã thấy rõ hơn vẻ tươi tỉnh khỏe mạnh của Fidel: "Nếp da nhăn của tuổi tác trở nên mờ nhạt vì khi nhìn vào gương mặt của ông, ta chỉ thấy bộ râu quai nón và đôi mắt. Những đôi mắt sáng rõ và lấp lánh như thế thường chỉ có ở những người rất trẻ".

Chị Ovcharenko kể tiếp: "Fidel đứng sừng sững trước chúng tôi, còn chúng tôi thi nhau đưa ra những câu hỏi. Ông cười và đồng ý trả lời. Ông nói rằng ông là người cực kỳ mê Internet, rồi ông kể lại tất cả những tin tức mà ông mới đọc trên mạng về nước Nga.

Ông cũng trả lời mấy câu hỏi về Cuba. Ông nói rằng, mỗi ngày ông đọc tới 300 trang sách…. Chúng tôi đã nói với nhau tới 20 phút. Chúng tôi hỏi cả chuyện, làm sao ông lại vẫn duy trì được phong độ tốt như thế.

- Công việc, đó là câu trả lời cho câu hỏi của các bạn. Công việc và thêm vào đó, tính kỷ luật.

Ở trong tất cả mọi sự: trong thời gian biểu, trong công việc và cả trong ăn uống. Phải, cần chú ý cả đến chế độ ăn uống. Điều đó cũng giúp nhiều lắm. Ăn ít đồ ngọt, bớt rượu, bớt bơ… Bớt những gì thừa thãi!".

Và Fidel tinh nghịch nháy mắt với nữ nhà báo Nga rồi dang tay ôm đúng... Bộ trưởng Ngoại giao Nga Ivanov, lúc đó đang đi lại gần chỗ ông đứng cùng các nhà báo Nga

Ngô Hồng Phúc
.
.