Lãnh đạo Xôviết Leonid Brezhnev - Những đoạn đời khác biệt

Thứ Năm, 13/12/2012, 14:30

Cách đây 30 năm, ngày 10/11/1982, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô  Leonid Brezhnev đã qua đời ở tuổi 76 sau hơn 18 năm ở trên vị trí lãnh đạo cao nhất quốc gia. Khi công cuộc cải tổ mới bắt đầu và nhất là khi nước Nga vừa chuyển đổi sang thể chế mới, hình ảnh Brezhnev thường bị đồng nghĩa với sự trì trệ.

Thế nhưng, chính đã là một trong những nhà lãnh đạo Xôviết có vai trò tối quan trọng trong việc đưa Liên Xô trở thành một siêu cường hùng hậu và đại đa số các công dân Xôviết bình thường cảm thấy “ấm lưng” mà sống trong cơ chế xã hội chủ nghĩa thời đó.

Cái gì quá đi cũng dở

Cần phải nói rằng, con đường đi lên đỉnh cao quyền lực ở Liên Xô cũ của Brezhnev là một sự phát triển hợp lý. Ông đã trải qua những phấn đấu ghê gớm trong cả thời bình lẫn thời chiến. Và cũng đã bắt buộc phải gánh vác trách nhiệm lớn khi thời thế bắt buộc phải làm như vậy. Mối quan hệ không bằng phẳng và có nhiều xáo trộn của ông với người tiền nhiệm Nikita Khrushchev là một câu chuyện rất đáng để suy ngẫm. 

Nikita Khrushchev sinh năm 1894 tại tỉnh Kursk của nước Nga trong gia đình một người công nhân mỏ. Leonid Brezhnev sinh năm 1906 tại Ucraina. Hai người gặp nhau lần đầu vào năm 1931. Khi đó,  Khrushchev đang là Bí thư Quận ủy ở Moskva, còn Brezhnev chỉ mới là đảng viên trẻ, vừa được kết nạp cách đó không lâu. Tuy nhiên, chàng trai đang độ tuổi 20 đã lấy được cảm tình của ông anh nên từ đó luôn được quan tâm đúng mức.

Trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, cả hai người đều gia nhập Hồng quân và đều được giao những chức vụ quan trọng. Và họ đã có cơ hội chiến đấu gần với nhau cuối năm 1943, khi Tập đoàn quân 18 mà Thiếu tướng Brezhnev làm Chính ủy được phiên chế cho Phương diện quân Ucraina 1 mà Khrushchev là Ủy viên Hội đồng quân sự phụ trách chính trị. Những mối quan hệ thân tình giữa hai người đã càng được củng cố. Chính vì thế nên không có gì lạ nếu sau khi lãnh tụ Stalin qua đời tháng 3/1953 và Khrushchev trở thành người đứng đầu quốc gia Xôviết cả về phương diện Đảng lẫn nhà nước, Brezhnev dù không được làm một thành viên Bộ Chính trị nhưng vẫn được chỉ định làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Hồng quân và Hải quân với cấp bậc Trung tướng.

Tới ngày 7/5/1955, Brezhnev đã trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản nước CH Kazakhstan như một bước đệm để vươn lên những chức vụ cao hơn. Và chỉ nửa năm sau, tháng 2/1956, Brezhnev được gọi về Moskva và được đưa lên làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và chịu trách nhiệm kiểm soát ngành công nghiệp quốc phòng, chương trình không gian, công nghiệp nặng, và xây dựng thủ đô.

Và để tri ân bậc đàn anh, ông đã rất tích cực hỗ trợ cho những nỗ lực của Khrushchev để loại bỏ khỏi cuộc chơi một số các đảng viên kỳ cựu, các trưởng lão Bolshevich, lúc này bị liệt vào “nhóm chống Đảng” như Vyacheslav Molotov, Gregory Malenkov, Lazar Kaganovich… Phần thưởng cho ông là vị trí Ủy viên chính thức trong BCT. Tới tháng 5-1960, Brezhnev được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao, tức là vị trí nguyên thủ quốc gia dù quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay Tổng Bí thư Khrushchev. Tháng 6/1963, trong Hội nghị BCHTW Đảng, Tổng Bí thư Khrushchev đã  trao phận sự của chức vụ Bí thư thứ hai (trước đó do một người thân tín của ông là Frol Kozlov đảm nhận nhưng ông này lại bị lâm trọng bệnh) cho cùng một lúc hai thành viên Đoàn Chủ tịch thực hiện:  đó là Brezhnev và Nikolai Podgorny mới từ Kiev lên ngồi vào ghế Bí thư.

Trong giai đoạn đầu, Tổng Bí thư Khrushchev đã thực hiện khá trọn vẹn chức phận của mình. Thế nhưng, càng thêm tuổi thì tính khí của ông càng trở nên thất thường, bất trắc. Tới đầu năm 1964, uy tín của ông đã bị giảm mạnh trong xã hội.  Các vấn đề kinh tế ngày càng nghiêm trọng của Liên Xô cũng làm gia tăng sức ép lên chức vụ lãnh đạo của Khrushchev. Xuất hiện rất nhiều chuyện tiếu lâm về ông. Hầu như tầng lớp nào cũng có lý do để bất mãn với nhà lãnh đạo này.

Công nhân viên chức  thì không thể an lòng trước tình trạng giá cả leo thang và việc nâng cao yêu cầu sản xuất trong lúc tiền công bị giảm. Nông dân  bất mãn vì bị thu hẹp tỉ lệ ruộng tư.  Cư dân ở các thị trấn và làng xã không thích bị cấm nuôi gia súc. Giới trí thức văn nghệ sĩ xôn xao vì Tổng Bí thư tới một cuộc gặp gỡ đã lớn tiếng mắng mỏ họ vì những tìm tòi đổi mới trong sáng tác… Vụ thất bát mùa màng năm 1963 cũng làm gia tăng căng thẳng vì thiếu lương thực thực phẩm cung cấp cho các vùng đô thị.

Trong những điều kiện như thế, giữa đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô đã nảy sinh ý định loại bỏ Khrushchev khỏi quyền lực bằng con đường hợp pháp. Tích cực nhất trong việc ủng hộ ý định này lại là những lãnh đạo được coi là trẻ mà chính Khrushchev đã đưa lên, như Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Đảng và Nhà nước A. Shelepin và Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Vladimir Semichastny (cả hai người này đều thuộc cái gọi là “cán bộ Đoàn” vì đều từng là Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Lênin, tức Komsomol). Ý định này khi được đề cập tới trong các cuộc trò chuyện riêng tư cũng tìm thấy sự đồng cảm của Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Alexey Kosygin, Ủy viên Đoàn Chủ tịch  BCHTW Đảng Nikolai Podgorny và nhiều thành viên khác của ĐCT. Những người chống lại Khruschev đã đạt được những thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Rodion Malinovsky và cả nhà tư tưởng chủ đạo trong Đảng là ông Mikhail Suslov.  Và ngay cả Brezhnev, nhận thức ra yêu cầu khách quan của thời cuộc, cũng ngỏ ý ủng hộ ý định này.

Một kế hoạch bí mật đã hình thành.  Công việc được chuẩn bị trong gần một năm. Những người chủ trì đã  kín đáo thăm dò thái độ của từng thành viên một trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp nhất. Cho tới thời điểm cuối cùng chỉ có quan điểm của người cuối cùng trong số các trưởng lão Bolshevich còn ở trong Bộ Chính trị là Anastas Mikoyan là còn chưa rõ ràng. Ông Mikoyan rất được Khruschev và toàn Đảng kính trọng vì những kinh nghiệm phong phú trong cuộc đời dài lâu và hiệu quả. Ông không đồng tình với những biểu hiện độc đoán  của thời cũ nhưng cũng không hài lòng bởi sự ngẫu hứng khó lường của Khruschev. Tuy nhiên, ông vẫn không hề để lộ thái độ thực sự của mình đối với khả năng loại Khrushchev khỏi chức vụ tối cao.

Trận đấu của các cao nhân

Đầu tháng 10/1964, Khrushchev đi nghỉ ở Pitsunda. Ông Mikoyan cũng tới đó sau vài ngày. Bằng con đường riêng, Tổng Bí thư biết rằng đang có âm mưu chống lại ông ở Moskva, và ông cấp tốc quay về. Hay chuyện này,  những người chống lại ông đã ra tay hành động trước.  Hai Bí thư chịu trách nhiệm chính về công tác tổ chức trong Đảng là Brezhnev và Podgorny đã mau mắn triệu tập Đoàn Chủ tịch BCHTW cùng Ban Bí thư.

Khruschev cùng Mikoyan đã kịp tới Điện Kremli trước giờ khai mạc cuộc họp vào lúc ba rưỡi chiều. Khrushchev đã ngồi vào ghế chủ tọa quen thuộc của mình. Và không cầm chịch cuộc họp nhưng người lên tiếng phát biểu đầu tiên lại là Brezhnev, nêu rõ những vấn đề đã nảy sinh trong Đoàn Chủ tịch. Để Khrushchev hiểu rằng ông ấy đã trở thành thiểu số, Brezhnev nhấn mạnh rằng, các vấn đề sẽ được các Bí thư Tỉnh ủy nêu ra. Khrushchev cũng đã cố gắng biện minh cho mình. Một mặt ông công nhận là có nảy sinh vấn đề nhưng mặt khác, ông lại nêu bật sự cố gắng mang lại lợi ích chung của ông.

Cựu Chủ tịch KGB Vladimir Semichastny trong một bài trả lời phỏng vấn sau này đã tiết lộ một số chi tiết ít được biết tới về cuộc họp trên.

- PV: Khi các ông nghĩ tới việc loại bỏ ông Nikita Khrushchev thì các ông đã gọi đó là chiến dịch gì? Và các ông đã chuẩn bị như thế nào?

- Ông Semichastny: Đâu có chuẩn bị gì. Trong bộ máy KGB hầu như ít ai được biết về việc này. Chúng tôi thậm chí còn không coi đó là một chiến dịch nên nói chung cũng chẳng đặt ra tên gọi gì. Trong KGB chúng tôi nói chung đã không muốn để lại bất cứ vết tích gì ở bất cứ đâu. Việc đó là do Đoàn Chủ tịch BCHTW thực hiện. Còn chúng tôi, như người ta vẫn nói, chỉ hùa theo thôi. Trong thực tế thì chúng tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ mà ban lãnh đạo chính trị quốc gia giao cho. Vì thế tất cả những việc này chúng tôi đã không đưa vào khuôn khổ một chiến dịch hoàn chỉnh nào.

- Nhưng dẫu sao khi đó các ông đã không báo cáo với ông Nikita Khrushchev (trên danh nghĩa là lãnh đạo cao cấp nhất quốc gia) những việc đang được chuẩn bị để chống lại ông ấy thì có nghĩa là đã có một âm mưu.

- Thì tất nhiên là đã có một âm mưu. Tuy nhiên chỉ theo nghĩa là bất cứ một cuộc họp không hay nào được triệu tập khi đó thì đều bị coi là một âm mưu, nếu như nó được  chuẩn bị nội dung trước và tính đến thành phần sẽ tham dự.

- Điều gì đã diễn ra khi ông Khrushchev và ông Mikoyan tới Điện Kremli?

- Khoảng gần bốn giờ chiều họ tới dự hội nghị của Đoàn Chủ tịch BCH TW. Và cũng lạ lùng thay là chính ông Khrushchev đã khai mạc hội nghị này. Nhưng Brezhnev đã là người xin được phát biểu đầu tiên và đã bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc phê phán và phân tích những khuyết điểm mà ông Khrushchev đã phạm phải. Tiếp theo ông ấy là ông Podgorny và các thành viên khác của Đoàn Chủ tịch. Mỗi người trong số họ đều phát biểu tới cả tiếng với tiếng rưỡi đồng hồ. Và cứ như vậy cho tới gần nửa đêm.  Phiên họp kết thúc thì Brezhnev gọi điện thoại tới cho tôi  và hỏi: “Ông ta đi về đâu?”. Tôi trả lời: “Cứ để ông ta đi về đâu cũng được. Muốn về căn hộ thì về căn hộ. Muốn về trang trại thì về trang trại. Còn muốn về biệt thự thì cứ về biệt thự…”. Khi đó ông Khrushchev còn có cả biệt thự trên đồi Lê nin, tại đó cũng có nhà của Mikoyan… Khi thấy Brezhnev ngạc nhiên thì tôi đã trấn tĩnh ông ấy bằng thông báo là tôi đã đổi toàn bộ đội ngũ bảo vệ ở tất cả mọi nơi: cả ở căn hộ, cả ở trang trại, cả ở văn phòng làm việc và tôi còn thay đổi cả đội ngũ lái xe. Mọi việc đã được chuẩn bị để không thể xảy ra bất cứ một sự bất ngờ nào.

- Thế nhưng ông Khrushchev cũng đã nhận ra việc này?

- Làm sao mà lại không nhận ra… Ngay từ những bài phát biểu của Brezhnev và Podgorny đã có thể thấy rõ là mọi sự sẽ dẫn tới việc cách chức ông ấy. Khrushchev bắt đầu cắt ngang lời, phản bác nhưng ông ấy đã bị chặn họng ngay: “Chúng tôi sẽ để cho đồng chí phát biểu sau nhưng bây giờ đồng chí phải nghe các đồng chí khác phát biểu đã”. Cứ thế cho tới nửa đêm. Và sang ngày hôm sau hội nghị vẫn tiếp tục. Nhưng ngày hôm sau thì đã có những cú điện thoại gọi tới tôi. Với tư cách cá nhân. Từ những Ủy viên khác nhau của BCHTW Đảng, họ kéo về Moskva vì nhận được tin báo từ Văn phòng Trung ương: lên Moskva để giải quyết công việc cấp bách. Và họ bắt đầu gọi điện tới cho tôi nói: Đấy, đang diễn ra hội nghị mà chúng tôi lại không biết có gì xảy ra ở đó…  Họ không gọi được cho ai trong ban lãnh đạo vì tất cả các thành viên Đoàn Chủ tịch và các Bí thư TW đều ở trong hội nghị, chỉ còn tôi là ở ngoài…

Và xuất hiện cả những đề nghị: “Khrushchev đang ở đó giành thế thượng phong. Cần phải lập ra một nhóm để tới cứu những người khác…”.

Nhưng cũng có những đề nghị ngược lại theo kiểu: “Sao anh còn ngồi đấy? Người ta đang định tước chức vụ của Khrushchev! Tất cả bọn họ đang ở đó. Vậy mà anh lại ngồi bó tay thúc thủ?!”.

- Thế ông đã trả lời như thế nào?

- Tôi đáp rằng, tôi không biết có chuyện gì xảy ra cả vì đó là hội nghị của Đoàn Chủ tịch BCHTW. Và nhiệm vụ của tôi là đảm bảo mọi điều kiện bên ngoài để Hội nghị diễn ra bình thường. Trách nhiệm của tôi không phải là tác động vào bất cứ việc gì diễn ra ở sau cánh cửa đóng kín. Tôi không có mặt ở đó và tôi không bắt buộc phải biết ở đó đang định cách chức ai hay định thay ai. Tôi chịu trách nhiệm về công việc nhà nước chứ tôi không phụ trách các vấn đề về công tác Đảng mà ở đó đang giải quyết.

Thế nhưng tới khoảng gần một giờ chiều vì chịu không nổi sức ép của các cú điện thoại gọi tới, tôi đã tìm cách liên lạc với Brezhnev. Tôi kể rằng đã có những cú điện thoại như thế: “Đồng chí nên biết rằng, nếu có một nhóm các Ủy viên BCHTW tới thì tôi sẽ không thể cản trở được họ.  Tôi sẽ không thể dùng các biện pháp trấn áp. Mà trong số đó có người muốn cứu đồng chí, cũng có những người lại muốn cứu đồng chí Khrushchev. Rốt cuộc là sẽ có thể kết thúc bằng cảnh nồi da nấu thịt. Phía bên kia rất muốn tôi can thiệp vào và kêu gọi đồng chí thôi không gây áp lực với Khrushchev nữa”. Brezhnev đáp: “Tất cả các thành viên Đoàn Chủ tịch đã phát biểu rồi. Bây giờ đến lượt các thành viên dự khuyết và các Bí thư. Chúng tôi sẽ thảo luận một chút và để cho những ai chưa được phát biểu thì lên phát biểu, mỗi người mất độ 5 - 7  phút để bày tỏ thái độ đối với vấn đề đang được thảo luận. Rồi sau đó tôi sẽ gọi lại cho anh…”.

Và sau đó khoảng 30 - 40 phút, ông ấy đã gọi lại: “Xong rồi! Đã thống nhất được ý kiến. Kết thúc rồi. 6 giờ sáng mai sẽ họp BCHTW”.

Đêm đó với tôi thực sự là một đêm mất ngủ vì phải nhận rất nhiều cú điện thoại gọi tới yêu cầu phải bắt giữ Brezhnev và những người khác trong nhóm đã tổ chức phát biểu chống lại Khrushchev.

Trong Hội nghị toàn thể của BCHTW, được tổ chức vào hai ngày 13 và 14/10/1964, Khruschev đã bị phê phán kịch liệt và bị buộc phải rời khỏi mọi  chức vụ. Trưởng lão Mikoyan cũng ủng hộ các đề nghị của Đoàn Chủ tịch BCHTW Đảng. Rốt cuộc Khruschev đã phải về hưu.

Sau khi về hưu, Khrushchev đã ở nhà viết hồi ký và qua đời vào ngày 11/9/1971…

Khrushchev đã không biết “tri túc” nên kéo quá dài thời hạn cầm quyền của mình. Và phải chịu một kết cục không thể gọi là hay. Tiếc rằng, sau này, khi Brezhnev lên nắm quyền tối cao, ông cũng không đủ tỉnh táo rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm. Và đó chính là lý do khiến cho tại Liên Xô đã có một giai đoạn trì trệ.

“Đó là một người siêu phàm”

Đúng là hoạt động của Brezhnev trong các giai đoạn khác nhau không được đánh giá đồng nhất. Nhưng đóng góp của ông vẫn là to lớn nên không ngẫu nhiên mà cho tới nay, nhiều người Nga vẫn nhớ tới ông với những tình cảm tốt đẹp. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Liên Xô, nguyên Thượng tướng Yuri Churbanov, từng là con rể của Brezhnev, cho tới hôm nay vẫn coi ông như một vĩ nhân. Sau khi Brezhnev qua đời, do những mưu mô chính trị của một số thế lực, năm 1986, Churbanov bị bắt và năm 1988, đã bị đưa vào tù với những tội danh vu vơ nhưng rất khó thanh minh. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, ông đã được trả lại tự do trước thời hạn. Và hiện nay, với tài trí của mình, Churbanov đang là một doanh nhân thành đạt ở Moskva. Ông không hề giận dữ ai và dùng những lời lẽ thán phục nhất khi kể về người bố vợ cũ. Khi biết chàng sĩ quan trẻ định cưới cô con gái đa đoan của mình, Brezhnev  chỉ đặt ra đúng một câu hỏi: “Anh chị đã suy nghĩ chín chắn chưa?”.  Tướng Churbanov kể tiếp:

- Tôi đáp, thưa, đã. Chúng tôi đăng ký tại một địa điểm bình thường của quận Gagarin, đó là quyết định của Brezhnev. Sau đó chúng tôi quay về khu trại nghỉ, tại đó khách khứa đã chờ sẵn. Brezhnev rất thích những cuộc họp mặt vui vẻ, ông ấy cũng là người hay bông đùa, thuộc rất nhiều thơ Esenin. Brezhnev lên nắm quyền ở tuổi 58, thời ấy thế là bình thường. Ông ấy trong gia đình là một người rất sống động, năng nổ và tuyệt vời.

- PV: Ông hình dung ra ông ấy đúng như thế ư?

- Đối với tôi, ông ấy là một người siêu phàm. Bằng cách nào mà tôi, một trung tá nội vụ lại có thể có mặt trong một gia tộc như thế?! Nhưng giữa chúng tôi đã hình thành những mối quan hệ rất hồn hậu. Một lần, ông ấy bảo: “Sao con lại làm việc trong cơ quan coi tù nhỉ? Phương Tây người ta không thể hiểu được đâu!”. Ngay ngày hôm sau, Bộ trưởng Shelokov gọi tôi lên và đưa ra hai vị trí còn trống để lựa chọn: Cục Nhà trường Bộ Nội vụ và Cục Chính trị lực lượng nội vụ. Thế là tôi trở thành Cục phó Cục Chính trị với quân hàm đại tá trước thời hạn. Đến giờ tôi vẫn ngạc nhiên, làm thế nào mà khi ấy tôi đang là đại tá mà hơn nửa năm sau đã trở thành thượng tướng?! Tôi không thể nào hiểu nổi có những động cơ nào mà có thể đẩy người ta lên nhanh được như thế!

- Brezhnev rất thích xe hơi. Ông từng có xe hơi loại gì?

- Ông ấy từng tặng tôi xe Renau 16. Xe tốt lắm. Tôi thích lái nó. Brezhnev cũng rất thích phóng xe nhanh. Nhà lãnh đạo thứ hai thích xe phóng nhanh là nguyên soái Ustinov (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng). Còn Suslov lại không thể chịu được tốc độ cao, xe ông ấy chỉ đi với tốc độ 40 km/giờ...

- Ông đánh giá “vị giáo chủ xám” (biệt danh mà những người ác ý đặt cho Suslov) như thế nào?

- Không, ông ấy không có chút gì “giáo chủ xám” cả. Đó là một trong những chính khách thông minh nhất thời Xôviết. Ông ấy đã sống lâu hơn Stalin, Khrushchev, ông ấy làm việc dưới thời Brezhnev. Dẫu ông ấy là một người có trí tuệ rất khôn ngoan nhưng làm việc với ông ấy rất dễ chịu. Có lần tôi ghé vào nhà ông ấy, tôi đã ngạc nhiên vì mọi đồ đạc đều là công dụng rất giản dị. Ông ấy sống cùng con trai và con dâu, và đã duy trì mọi thứ rất khắc khổ.

- Suslov quả thực đã nổi tiếng khắc khổ. Nhưng chính thời gian đó có rất nhiều vụ tham nhũng.

- Có tham nhũng nhưng không đến mức như bây giờ. Dẫu mọi thứ chưa hoàn thiện nhưng lúc đó người ta trừng phạt tội lãng phí và tham nhũng rất nghiêm khắc.

- Thậm chí còn xử bắn nữa. Phải chăng nguyên nhân của tham nhũng là ở chính sách kinh tế thời đó?

- Vấn đề không phải ở kinh tế. Tôi từng sống thời đó, tôi đang sống trong thời nay. Khi đó, người ta nhận mức lương 120 rúp một tháng và có thể để dành chút ít. Có những cơ sở đặt hàng để mua những món ăn ngon cho bữa tiệc ngày lễ. Sai lầm của chúng ta trên phương diện kinh tế là ở chỗ chúng ta đã cho phép mình quá nhiều thứ và ít suy tư. Hiển nhiên là đã xuất hiện nhu cầu thay đổi đường lối kinh tế. Đã có quyết định triệu tập hội nghị vào ngày 15/12/1982. Nhưng Brezhnev đã không sống được tới ngày đó.

- Ông nhận tin về sự qua đời của Brezhnev như thế nào?

- Tôi đang ở chỗ làm việc. Galina gọi điện thoại tới và tôi quay trở về khu trại nghỉ. Khi tôi tới, mọi sự đã muộn. Khi đó tôi đã hiểu ra ngay rằng, mọi sự sẽ tồi tệ, cho cả gia đình và cả nhân dân...

Lực bất tòng tâm

Trong ký ức của Andrei  Brezhnev, hình ảnh ông nội luôn tốt đẹp. Anh kể:

“Chúng tôi với ông nội đã có những mối quan hệ thật gần gụi, thân mật. Ông tôi không bao giờ lẫn lộn việc công với việc nhà. Ở nhà, chúng tôi không bao giờ đả động đến công việc của ông. Đó là điều cấm kị. Ông nội không bao giờ đưa người nhà đi theo trong các chuyến công tác ra nước ngoài. Nếu theo nghi thức cần phải đưa phu nhân theo thì chỉ khi đó, bà nội mới đi cùng ông. Theo trí nhớ của tôi thì chỉ có 1-2 lần cô tôi đi tháp tùng ông, nhưng cũng theo chương trình làm việc riêng của mình.

Tôi có hạnh phúc sinh ra trong một gia đình được trọng vọng. Chỉ tới năm 15-16 tuổi, tôi mới mơ hồ hiểu ra rằng, ông nội tôi không chỉ là một người ông, mà còn là một nhà lãnh đạo quốc gia. Tôi luôn luôn nhớ điều này. Cha mẹ tôi và cô tôi luôn nhắc nhở rằng, tôi cần phải học giỏi, ăn mặc gọn gàng, vì mọi người luôn để ý tới tôi, một thành viên của gia đình. Thoạt đầu cũng cảm thấy gò bó vì thế nhưng dần dần rồi cũng quen.

Tôi không bao giờ phải nhờ ông nội làm hộ việc gì, riêng cái họ cũng đủ giải quyết xong xuôi mọi việc. Nhưng tôi cũng không quá lợi dụng cái họ của mình - tôi học trong một trường trung học bình thường, rồi thi vào Học viện Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), trúng tuyển một nửa nhờ kiến thức cá nhân, một nửa nhờ cái họ của mình. Cha tôi có mua cho tôi một chiếc xe hơi nội Zhiguli- tôi đã không thể cho phép mình đi xe ôtô ngoại vì mọi người sẽ để ý. Xin được cấp nhà ư? Để làm gì? Khi đó tôi còn chưa lập gia đình. Khi anh tôi cưới vợ, anh tôi nhờ qua bà nội và ông nội đã giúp anh được cấp căn hộ. Chúng tôi đã sống trong một hệ quy chiếu của một thời khác, với những tiêu chí khác. Giờ bạn có thể cười nhưng ngày đó, tôi không thể đi nước ngoài chỉ vì tôi là thành viên gia đình.

Tôi không thể kể là ông nội đã có thời giờ đọc sách cho tôi nghe hay chơi đùa với tôi. Có thể khi tôi còn bé tí thì ông nội đã làm thế với tôi nhưng giờ tôi không nhớ nổi nữa. Tôi chỉ nhớ là ông nội lúc nào cũng rất quan tâm tới con cháu. Khi tôi còn nhỏ, ông tặng quà cho tôi, toàn những thứ quà bình thường thôi: chú lính chì,  rồi xe đạp. Có lần ông nội tặng tôi đồng hồ. Giờ tôi vẫn lưu giữ những cái bình hay lọ hoa mà ông nội đã tặng.

Ông nội là một người vui tính. Khi chúng tôi theo ông đi câu cá hay đi săn, ông rất hay kể chuyện tiếu lâm. Nếu không phải là công việc hay cương vị của ông thì nhìn từ bên ngoài vào, có thể nghĩ ông chỉ là một người dân thường.

Ngày làm việc của ông thường diễn ra như sau: Sáng dậy,  ăn sáng. Nói chung, ông ăn bữa sáng hay bữa trưa hoặc tối cũng chỉ mất có 8 phút. Tôi không rõ ông lấy từ đâu thói quen đó. Có thể từ thời chiến tranh. Sau bữa sáng, ông chuẩn bị đi làm và tới 9 giờ đã có mặt ở văn phòng. Tối trở về nhà, ông thay đồ và mặc vào bộ quần áo thể thao màu xanh mà người ta đã may riêng cho ông. Sau bữa tối, ông xem truyền hình, chủ yếu là chương trình thời sự; ông rất thích xem loạt phim châm biếm Fitil. Khi ông còn chưa nhiều tuổi, ông hay đi dạo cùng bà hoặc ngồi ngoài vườn. Nhưng thường thì ông lên tầng hai, vào phòng làm việc, các sĩ quan tuỳ tùng mang lên theo ông cặp tài liệu. Ông làm việc tới khuya. Thế là hết một ngày. Ông hầu như không còn phút nào dành riêng cho cá nhân mình nữa. Nếu ông có thời gian rảnh dành cho việc săn sóc mình, hẳn ông trông đã khỏe hơn và đã sống được lâu hơn!

Thế mà cái ông gọi là nhà sử học Roy Medvedev lại bảo rằng ông thích hưởng lạc?! Giá quý vị cũng được nhìn thấy khung cảnh mà họ gọi là xa hoa của ông nội tôi! Quý vị có biết ông tôi thích ăn món gì không? Có thể quý vị không tin,  nhưng đấy chỉ là món mì ống đen. Hẳn quý vị biết, đó là món mì ống mà khi nấu chín, dai nhoanh nhoách như cao su. Thế mà ông nội tôi lại thích ăn chúng thường xuyên. Đun nóng bơ cho bơ chảy ra, rưới lên mì và ăn. Ông còn thích ăn món nầm rán. Thế mà là xa hoa ư? Tại trang trại có các đầu bếp từ Điện Kremli tới, họ có thể nấu bất cứ món sơn hào hải vị nào. Nhưng bà nội đã “huấn luyện” lại họ và họ chỉ nấu những món mà thông thường bà nội ngày trước vẫn nấu - xúp củ cải đỏ, xúp rau chua, chả thịt băm... Vì ông nội răng không được tốt lắm nên ông chỉ thích những món mềm...

Tôi không nói là ở nhà, ông nội tôi hay động chân động tay. Không, ông không vẽ, không bào không cưa gì cả. Tôi nhớ, có giai đoạn ông nội thích chụp ảnh. Không hiểu sao giờ người ta lại viết rằng ông thích sưu tập ôtô. Hoàn toàn không phải thế! Người ta viết rằng ông thích phóng xe nhanh- sự thực không phải thế! Họ toàn bịa đặt!

Đi săn thì ông nội có thích thật. Biết điều này, nhiều người đã tặng ông súng săn. Tất cả những khẩu súng được tặng, ông đều mang xuống để trong tầng hầm được khoá cẩn thận. Ông còn có một thư viện rất tốt. Ông đọc nhiều sách lắm, đặc biệt là sách lịch sử.. Trong những năm 70 của thế kỷ trước xuất hiện bộ phim Giải phóng; khi xem phim, ông nội có lúc bình luận: “Không, chuyện này không phải như thế”. Hoặc: “Đúng rồi, điều này gần đúng sự thật”.

Ông nội tôi cũng không bao giờ thích được nhận nhiều huân chương. Ông đã thành thực tin rằng, những huân chương mà ông được nhận xứng đáng với những thành tích và đóng góp của ông vào sự nghiệp chung. Những huân chương đầu tiên mà ông được nhận là trong chiến tranh; khi ấy, không ai được trao huân chương một cách tình cờ cả. Những huân chương mà các nước khác trao tặng phần nhiều chỉ mang tính hình thức, tượng trưng...

Toàn bộ đại gia đình – cả những người thân nội ngoại của ông và bà - chỉ họp lại cùng nhau vào dịp đón năm mới và dịp sinh nhật của ông nội. Còn trong những ngày nghỉ hay những ngày lễ khác thì chỉ có ông bà nội, cha mẹ tôi, cô và chú tôi cùng bọn trẻ chúng tôi. Đôi khi trong những ngày lễ,  gia đình có thêm khách là các thành viên Bộ Chính trị như Yuri Andropov, Dmitri Ustinov, Adrey Gromyko... Quan hệ giữa các thành viên trong Bộ Chính trị mang tính thân hữu, đồng nghiệp. Sau giờ làm việc, ai về nhà nấy. Cũng có nhiều người mời ông nội tới thăm nhà nhưng theo tôi nhớ, hình như ông không đến nhà riêng của ai cả.

Người ta kể lại với tôi rằng, năm 1978, ông nội đã định nghỉ hưu; ông đã bàn việc này với cả bà nội. Thế nhưng, người ta lại không cho. Họ bảo: “Sao đồng chí lại thế, không ai thay được đồng chí đâu. Đồng chí rất tài năng, kiệt xuất, giàu kinh nghiệm...”. Thế là ông lại không về hưu…”

Ngọc Báu – Hưng Hà
.
.