Làm vua như Lê Thái Tổ

Thứ Sáu, 23/06/2006, 08:00

Có nhiều yếu tố đã giúp Lê Lợi trở thành vua Lê Thái Tổ. Một trong những yếu tố hàng đầu là hơn ai hết, ngay từ lúc còn "nương thân nơi hoang dã" đợi thiên thời, ông đã hiểu rằng, "một cây làm chẳng nên non". Và ngay sau khi lên ngôi năm Mậu Thân (1428), ông cũng đã nghĩ ngay tới việc chiêu hiền đãi sĩ.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư" (ĐVSKTT), Thái Tổ Cao Hoàng đế (1385 - 1433) “họ Lê, tên húy là Lợi, người hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, trấn Thanh Hóa. Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh. Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện, thu thập sách vở, mở mang trường học, có thể gọi là có mưu kế xa rộng mở mang cơ nghiệp". Sự nghiệp cứu nước của vua Lê Thái Tổ vô cùng oanh liệt và sự nghiệp dựng nước của ông cũng rất to lớn, mặc dầu ông chỉ ở ngôi có 5 năm, khi còn đang trong tuổi tứ thập.

Sự nghiệp hiển hách

Không rõ các tác giả của ĐVSKTT có quá lời không nhưng rõ ràng là ngay từ thuở nhỏ, Lê Lợi đã bộc lộ rõ những biểu hiện đế vương: "Vua sinh ra, thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước tựa hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường...".

Lúc Lê Lợi lớn lên, đất nước đang trong vòng cương tỏa của giặc Minh, nhân dân bị bắt làm tôi tớ, "luật pháp hình hà khắc nghiệt, thuế má lao dịch nặng nề...". Ngay cả các đại diện tinh hoa của con cháu Lạc Hồng, nếu ngoan ngoãn chấp nhận thân phận tôi đòi phương Bắc cũng bị đưa đi xa và chỉ được bày đặt làm những quan nhân hữu danh vô thực ở nơi đất khách quê người. Cũng có kẻ cứ tưởng thế là "vinh thân" và cam phận trâu ngựa trong nhung lụa. Cá nhân Lê Lợi nhờ "hiểu biết hơn hẳn mọi người, sáng suốt và kiên quyết" nên "không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục" (ĐVSKTT). Bởi vậy, ông vua đệ nhất tương lai của triều đại nhà Hậu Lê không hề bị lóa mắt bởi bả vinh hoa nhất thời mà quân xâm lược cố công bày đặt trước mình. Người Minh đã không chỉ một lần mang đủ thứ xông xênh đến để dụ dỗ Lê Lợi, nhưng ông vẫn lắc đầu. Ông từng nói: "Bậc trượng phu sinh ở đời phải cứu nạn lớn, lập công to, lưu tiếng thơm ngàn năm sau, sao lại chịu hèn nhát để cho người sai khiến?".

Trong lòng Lê Lợi đã không nguôi cháy bỏng ngọn lửa ái quốc nhằm khôi phục lại chủ quyền đã mất. Theo đúng phong độ hào trưởng, ngay từ khi còn âm thầm nuôi chí, Lê Lợi đã không chỉ "dụng tâm nghiền ngẫm thao lược" mà còn cố gắng "tìm mời những người mưu trí, chiêu tập dân chúng lưu ly, hăng hái dấy nghĩa binh, mong trừ loạn lớn. Vua từng bảo mọi người: Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược..." (ĐVSKTT).

Lê Lợi dấy binh dựng cờ nghĩa ở Lam Sơn vào mùa xuân, tháng giêng năm Bính Thân (1416), thề diệt giặc Minh giải phóng giang san. Phải mất tới 10 năm gian khó trôi qua thì mới giành lại được non sông khỏi tay quân xâm lược. Bắt đầu một triều đại ghi nhiều dấu ấn tốt đẹp vào lịch sử Việt Nam. Dẫu không phải lúc nào cũng mười phân vẹn mười trong "trị quốc, bình thiên hạ", có lúc đã "đa nghi, hiếu sát" (ĐVSKTT) làm hại tới một số công thần, nhưng vua Lê Thái Tổ đã thực sự hoàn thành được sứ mệnh đế vương vĩ đại của mình.

Thần thiêng nhờ bộ hạ

Có nhiều yếu tố đã giúp Lê Lợi trở thành vua Lê Thái Tổ. Một trong những yếu tố hàng đầu là hơn ai hết, ngay từ lúc còn "nương thân nơi hoang dã" đợi thiên thời, ông đã hiểu rằng, "một cây làm chẳng nên non". Hội thề Lũng Nhai mùa xuân năm Bính Thân bên cạnh Lê Lợi đã là 18 người bạn thân tín, trong đó có Nguyễn Trãi... Càng chiến đấu, đội quân khởi nghĩa từ đất Lam Sơn càng thu hút được nhiều tinh binh và anh tướng "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" (Bình Ngô Đại cáo, văn thần Nguyễn Trãi chắp bút, Bùi Kỷ dịch).

Lên ngôi năm Mậu Thân (1428), vua Lê Thái Tổ cũng đã nghĩ ngay tới việc chiêu hiền đãi sĩ. Tháng 5 năm Kỷ Dậu (1429), vua Lê Thái Tổ ban biển ngạch công thần cho 93 người có công lớn trong kháng chiến. Rồi nhà vua đã ra lệnh chỉ rằng "những văn võ hào kiệt nào còn bị bỏ sót, hoặc bị chìm đắm chưa có chức tước gì, hoặc không được ai tiến cử, hoặc vì thù hằn mà bị đè nén, vùi dập, thì đến ngay chỗ Thiếu phó Lê Văn Linh mà tự tiến, nếu xét thực có tài đức thì tâu trình để cất nhắc sử dụng, không cứ là ngụy quân hay sĩ thứ, cốt lấy tài đức là hơn" (ĐVSKTT). Nhà vua còn ra thêm lệnh chỉ: "Quân nhân các phủ lộ và những người ẩn dật ở núi rừng, nếu ai quả thực thông kinh sử, giỏi văn nghệ thì đến ngày 28 tới sảnh đường trình diện, chờ đến ngày cho vào trường thi hội, người nào đỗ sẽ được tuyển dùng" (ĐVSKTT).

Tới tháng 6 năm đó, nhà vua còn sai văn thần Nguyễn Trãi viết "Chiếu cầu hiền tài", nội dung có đoạn (bản dịch của học giả Đào Duy Anh):

"Trẫm nghĩ: Việc thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử. Bởi thế người làm vua thiên hạ phải lấy đó làm việc trước tiên. Ngày xưa, lúc thịnh thời, hiền sĩ đầy triều nhường nhau địa vị, cho nên dưới không sót nhân tài, trên không bỏ công việc, mà thành đời thịnh trị vui tươi... Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ, như gần vực sâu, chính vì cầu người hiền giúp việc mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các văn võ đại thần, công hầu, đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều cử một người, hoặc ở triều đình, hoặc ở thôn dã, bất cứ là đã xuất sĩ hay chưa, nếu có tài văn võ, có thể trị dân coi quân, thì trẫm sẽ tùy tài trao chức. Vả lại tiến hiền thì được thưởng, ngày xưa vẫn thế. Nếu cử được người trung tài thì thăng chức hai bực, nếu cử được người tài đức đều hơn người tột bực, tất được trọng thưởng. Tuy nhiên, người tài ở đời vốn không ít, mà cầu tài không phải chỉ một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở đồng nội, lẩn ở hàng binh lính, nếu không tự mình đề đạt thì trẫm bởi đâu mà biết được!..".--PageBreak--

Trọng dụng người tài nhưng vua Lê Thái Tổ cũng hiểu rất rõ rằng, không thể làm quan nếu không thường xuyên tu thân. "Chiếu cấm các đại thần, tổng quản cùng các quan ở viện, sảnh, cục tham lam lười biếng" đã chỉ rõ: "Làm việc theo lối trị, thế nào cũng nên; làm việc theo lối loạn, thế nào cũng hỏng. Vì thế người trị nước giỏi lấy cái giỏi mà theo. Sách Truyện có nói: "Người giỏi là thầy dạy người không giỏi, người không giỏi là bạn giúp người giỏi"... Trẫm đêm ngày lo nghĩ... Rất sợ xe trước đã đổ, mà xe sau cũng lại đổ theo. Cho nên phàm răn bảo các khanh, ta đều thành khẩn đinh ninh, nói đi nói lại không chỉ nghìn lời muôn lời chín bảo mười bảo. Thế mà các khanh xem là hư văn, không từng đổi lầm lỗi trước, không từng theo lời khuyên răn, thường làm trái phép, nhờn trên ngược dưới... Ngày nay từ các đại thần tổng quản, cho đến đội trưởng cùng các quan ở viện, sảnh, cục, phàm người có chức vụ coi quân trị dân, đều phải theo phép công bằng, làm việc cần mẫn, đối vua thì hết trung, đối dân thì hết hòa, đổi bỏ thói tham ô, sửa trừ tệ lười biếng. Bè đảng riêng tây phải dứt; thái độ cố phạm phải chừa. Coi công việc của quốc gia làm công việc của mình; lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ. Hết lòng hết sức giúp đỡ nhà vua. Khiến cho xã tắc yên như Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch, để cùng trẫm hưởng lộc vị trong ngày nay, truyền thanh danh về hậu thế. Vua tôi nghĩa lớn, trọn vẹn trước sau, như thế chẳng phải hay lắm sao! Ôi! cầm sắt không hòa; phải đổi điệu thay dây tìm tiếng đúng; xe trước đã đổ, nên đổi đường tránh vết theo lối ngay...". (Nguyễn Trãi chắp bút, ban hành vào tháng 7 năm Canh Tuất 1430, bản dịch của Đào Duy Anh).

Trị gia để tề quốc

Nghiêm ngắn trong ứng xử với quần thần, vua Lê Thái Tổ cũng rất nghiêm khắc và công minh trong quan hệ gia đình, với các con cái và người thân. Người con trưởng của nhà vua là Tư Tề, được phong làm Quốc vương từ tháng 1 năm Kỷ Dậu (1429), lại dần dà tự mãn sinh hư "không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn đối với trời, không theo đạo của các đấng tiên vương" (ĐVSKTT). Thấy vậy, tới tháng 8 năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu giáng Tư Tề xuống thành quân vương và đưa người con thứ Nguyên Long lên làm Hoàng Thái tử. Và nhà vua căn dặn: "Truyền ngôi là việc lớn của quốc gia; dạy con là chí tình trong thiên hạ. Nghĩ việc quốc gia là lớn, lúc giao nhận không thể không tỏ lời; mà tình phụ tử thật sâu, lời răn bảo không thể không cặn kẽ. Xưa kia ta gặp thời tán loạn, dựng nghiệp khó khăn, hơn hai chục năm, mới nên nghiệp lớn. Tình dân đau khổ đều được tỏ tường, đường đời gian nan cũng đã từng trải. Thế mà đến lúc trị dân, tình ngay dối còn có điều khó rõ, việc nghi nan còn có chỗ chưa phân, đạo làm vua há chẳng khó lắm sao! Phương chi con lấy tư chất non dại, nối cơ nghiệp gian nan, kiến văn còn cạn nông, tư lự chưa chu đáo, phải hết lòng kính cẩn, để bụng sợ lo. Thờ trời đất phải nghĩ hết thành, thờ tôn miếu phải nghĩ hết hiếu. Cùng anh em phải thân mến, đối tôn tộc phải thuận hòa. Cả đến coi trăm quan, trị muôn dân, không việc gì không lo hết đạo. Chớ biến đổi thành pháp của tiên vương; đừng lãng quên cách ngôn của tiền triết. Chớ gần thanh sắc và tham của tiền; chớ ham chơi và thích dâm dật; chớ nghe sàm nịnh mà bỏ lời trung trực; chớ dùng tân tiến mà bỏ cựu thần. Bảo rằng trời khó tin, mệnh không thường, nghĩ sửa trị ở khi chưa loạn; bảo rằng công không thành, việc dễ hỏng, nghĩ giữ nước từ lúc chưa nguy. Ở cảnh yên vui, nghĩ đến việc gian nan từ ngày trước; hưởng điều sung sướng, nghĩ đến công tích lũy của tổ tông. Phải cẩn thận lúc trước để tính lúc sau; phải làm nên việc lớn từ việc nhỏ; phải hiểu chí trước mới giữ được nghiệp trước; phải thuận lòng trời mới hợp được lòng người. Theo thời thế mà thuận cơ vi, đừng thờ ơ cũng đừng bỏ việc..." (Nguyễn Trãi chắp bút, bản dịch của Đào Duy Anh).

Thái tử Nguyên Long lên ngôi, lấy hiệu là Lê Thái Tông, ở ngôi được 9 năm, từ khi 11 tuổi tới khi 20 tuổi. Không phụ lòng tin cậy của cha, vua Lê Thái Tông đã được sử sách ghi nhận như sau: "Ngài thông minh dũng cảm, còn vượt lên trên cả những vua anh minh đời xưa. Huống chi, ngài lại thể theo lòng trời đất nuôi sống muôn loài, ban hành chính sách xót thương bát nhẫn của bậc đế vương, xử kiện xét tù phần nhiều khoan thứ. Đức hiếu sinh của ngài là cái đức của vua Thuấn xưa. Ôi! những người như vua có thể gọi là hết lòng với việc trị nước vậy". Có lẽ dưới suối vàng, Đức Thái Tổ họ Lê cũng đã có thể ngậm cười
Lê Hoài Vọng
.
.