Lâm Tấn Lợi: Tấm lòng bao dung với người nghèo

Thứ Bảy, 25/11/2006, 10:00

Dạo cuối năm 2002, thấy Lâm Tấn Lợi quá nhiệt tình trong khi nhà ở, nhà xưởng đều còn phải thuê, anh Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND - Chuyên đề ANTG, ra "sắc lệnh": ngưng không nhận đóng góp của Duy Lợi nữa, nếu anh không chịu xây nhà, dựng xưởng cho riêng mình…

Trên Báo CAND và Chuyên đề ANTG mỗi khi đăng tin, bài về những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Công an hay người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm, về những hoàn cảnh khó khăn hay những nơi gặp thiên tai hoạn nạn, là ngay lập tức ông Lâm Tấn Lợi gọi điện đến Tòa soạn yêu cầu được đóng góp tài trợ. Cơn bão số 6 đổ bộ vào miền Trung vừa dứt, ông cho người đem 50 triệu đồng đến Tòa soạn; tin ban đầu về vụ đắm đò ở Con Cuông Nghệ An vừa đưa, ông điện ra yêu cầu cho ông chuyển tới giúp mỗi gia đình nạn nhân 1 triệu đồng…

Vốn nhát gan, tiếng chuông điện thoại không hẹn đổ giật lúc nửa đêm đã khiến tôi giật mình thon thót. Không chào hỏi hay giới thiệu gì sất, đầu dây bên kia hỏi ngay: "Xây một căn nhà cần bao nhiêu?". "Dạ, chắc anh nhầm, tôi có xây nhà cửa gì đâu!" "Nhầm gì mà nhầm, tôi muốn góp tiền xây nhà cho gia đình có  6 người điên ở Quảng Bình". Ra là thế. Chỉ chờ thêm chừng mươi giây, đủ thời gian cho tôi dè dặt nêu một con số, vị khách không quen đã dập máy ngay. Sáng, vừa vào cơ quan đã thấy khách chờ sẵn. Khi biết chắc chắn tôi là tác giả bài báo về gia đình có 6 người điên, anh đưa ngay cho tôi một gói giấy báo, bảo: "Gửi anh ba chục triệu, tiền xây nhà cho họ đấy", rồi đi thẳng. Hoảng quá, tôi vội lao theo: "Phiền anh chờ chút để thủ quĩ làm biên nhận, tôi là phóng viên, không nhận được đâu". Ngớ ra một lúc, vị khách hào phóng cũng quay lại cười: "Rắc rối, đi cho, lấy biên nhận làm gì?".

Đó là lần đầu tiên tôi quen biết Lâm Tấn Lợi, cũng là chuyến đóng góp đầu tiên của anh dành cho Quĩ công tác từ thiện của Báo An ninh thế giới. Kể từ đó, cứ hễ báo có chương trình xã hội từ thiện nào là Duy Lợi lập tức trở thành nhà hảo tâm đóng góp. Góp xong, anh thường hỏi: "Được nhiều chưa?". Nếu chưa nhiều, Duy Lợi lại mang thêm tiền tới và luôn miệng ca cẩm, lo không đủ giúp người nghèo.

Dạo cuối năm 2002, thấy Duy Lợi quá nhiệt tình trong khi nhà ở, nhà xưởng đều còn phải thuê, anh Hữu Ước, Tổng Biên tập Báo CAND - Chuyên đề ANTG, ra "sắc lệnh": ngưng không nhận đóng góp của Duy Lợi nữa, nếu anh không chịu xây nhà, dựng xưởng cho riêng mình. Áp Tết, Báo tổ chức vận động trợ giúp đồng bào nghèo ở Tây Nguyên, Duy Lợi lại mang tới 30 triệu đồng. Từ chối mãi không được, bộ phận tiếp nhận chỉ đồng ý cho anh đóng góp 10 triệu đồng, còn lại phải đem về. Ngớ ra một lúc, Duy Lợi cầm 20 triệu đồng và đi sang... gửi cho báo khác vì "đó là tiền cho người nghèo, ai lại cầm về".

Ông Lâm Tấn Lợi (người mang kính đứng giữa) cùng Đoàn công tác XH-TT Báo CAND trong chuyến đi giúp đỡ đồng bào nghèo ở Tuyên Quang, chụp ảnh trước di tích Nhà in Báo Rèn luyện tại khu di tích Nha CA Trung ương, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Thấy ai khó, ai nghèo hay bệnh tật hoạn nạn là Duy Lợi có mặt ngay. Ban đầu, anh theo chân các báo, sau thì tự tìm đi, tự bỏ tiền ra giúp để "khỏi mất công phải nêu tên trên báo". Cho cá không bằng cho cần câu, lưỡi câu, xây nhà cho gia đình 4 người bị HIV/AIDS ở Phú Yên, gia đình 5 người mù ở Hà Tĩnh xong, anh đưa luôn thằng cu Phát (Phú Yên) và cậu nhóc Hảo (con trai duy nhất trong gia đình có 5 người chị bị mù) về xưởng để "cho chúng học nghề, sau này còn có cái kiếm cơm". Ngày mới vào, cu Phát mới 15 tuổi, gầy quắt nhưng rất nghịch, luôn mồm chửi thề phèn phẹt. Để "dạy" nó, đi đâu chú Lợi cũng phải đưa nó đi. Như con nhái đu trên tàu chuối, cu Phát loắt choắt cứ bám yên sau chiếc Piagio X9 to xù, theo chú Lợi đi khắp cùng trời cuối đất. Bây giờ, nó đã gần 20 tuổi, rắn rỏi, tay nghề khá mà nói năng cũng chững chạc ra dáng lắm, nghe đâu lại vừa mới bị bồ bỏ! Anh chàng Hảo "quý tử con nhà nghèo" thì khác, suốt ngày không nói không cười, ruồi bâu vào mép còn không buồn đuổi. Cứ làm việc được vài tháng lại than "nhớ" cha mẹ, nằng nặc đòi về. Đầu năm 2004, nó xin anh Lợi về hẳn vì "cháu trót có vợ sắp cướp ngoài quê, phải về cưới sớm cho nó kịp... đẻ". Về thì về chứ sao. Gửi quà cưới cho nó xong, ông chủ Duy Lợi của nó còn dặn: "Xong xuôi thì đưa vợ vô đây, chú cho hai vợ chồng cùng làm, thuê nhà cho mà ở!".

Người ta bảo anh quá nuông chiều bọn trẻ, Lâm Tấn Lợi thở dài: "Gánh tai ương quá nặng, sau này ai khổ bằng chúng nó!". Cứ thế, trong 70 công nhân của anh, có không dưới 20 người được Lợi đưa về từ các tỉnh, người nào cũng hết sức "hoàn cảnh".

Trở thành một Mạnh Thường Quân nổi tiếng được báo, đài, truyền hình liên tục nhắc tên nhưng Duy Lợi chẳng bao giờ nhớ nổi mình đã giúp bao nhiêu người, bao nhiêu tiền. "Cho tiền mình chứ có cho tiền của Nhà nước đâu mà phải đếm", anh bảo thế.--PageBreak--

Hào sảng nhưng gàn dở, cách chơi, cách cho của anh khiến nhiều người cứ tin chắc tay này giàu kinh khủng lắm. Té ra không phải. Chỉ cách đây chừng 7, 8 năm thôi, Lâm Tấn Lợi vẫn còn là một anh công nhân thất nghiệp, xoay đủ tiền đóng học cho con cũng đã bở hơi tai. Năm 1980, vừa tốt nghiệp khóa 11, Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường Đại học Cơ điện Bắc Thái, anh vào bộ đội, năm 1984 mới chuyển ngành về Xí nghiệp liên hiệp Môtô - Xe đạp (thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM). Danh xưng khá "hoành tráng" nhưng công việc thì chỉ quanh quẩn ở mấy khâu sản xuất khung, vành, săm, lốp... xe đạp. Làm việc ở bộ phận sản xuất vành xe, Lâm Tấn Lợi đã phát kiến ra kiểu vành cuốn vành mép, vừa giữ cho mép lốp xe ít bị bung, va, lại vừa tiết kiệm nhiên liệu. Mỗi tấm tôn kích thước 1 x 2m cắt được 8,5 cặp vành, thay vì trước đây chỉ cắt được 8 cặp.

Với sáng kiến này, xưởng sản xuất vành làm ăn khấm khá hơn, nên cả xí nghiệp ganh tị đòi... chia ra, rất nhiều người muốn đổi về xưởng này. Lâm Tấn Lợi được đề bạt lên Quản đốc phân xưởng, cách cái ghế Phó Giám đốc xí nghiệp chỉ "chừng một bước chân". Nhưng, không muốn trở thành trung tâm của một sự kèn cựa, Lâm Tấn Lợi đã từ chối "một bước chân" này và sải cẳng bước thẳng ra đường làm một gã... thất nghiệp.

Gần 15 năm sau đó, dù tay nghề cao, có bằng kỹ sư và nhiều phát kiến, công ăn việc làm của Lâm Tấn Lợi vẫn hết sức lận đận, chỗ làm thay đổi xoành xoạch cả chục lần.

Lúc còn ở Công ty Giày Phú Lâm, một lần Lợi được ông Giám đốc Nguyễn Khắc Thành nhờ sửa giúp một khung võng bị hỏng. Khung võng này làm bằng thép góc chữ V, sửa mãi vẫn không xong, cứ long ra long vào như răng rụng. Bực mình, Lợi mày mò dùng ống nước thay thép chữ V làm một khung võng mới tặng "sếp", tiện thể làm luôn một cái cho nhà dùng. Khung võng mới của anh khá tiện dụng, ban đêm có thể gấp lại, dựng vào tường để lấy chỗ để xe (vì nhà chật).

Năm 1999, xin làm hợp đồng với Công ty Tàu biển, Lợi được giao... tìm việc về cho công ty, lúc này đang ế ẩm chẳng có việc gì làm. Thấy võng mình chế, sau 6 năm vẫn dùng tốt, Lợi bèn đem ra hoàn chỉnh kỹ thuật, bàn với công ty hợp đồng sản xuất võng bán, tạo công ăn việc làm cho công nhân. Anh đề xuất làm thử 200 bộ, công ty sợ không bán được, chỉ duyệt làm 100 bộ, sau giảm xuống còn 50 bộ, Lợi chịu khâu kỹ thuật, cơ quan bỏ vốn. Võng làm xong, thiếu mất 1 kg sơn, phải mua ở ngoài. Báo cáo lên báo cáo xuống mãi, Phòng Vật tư vẫn không thể quyết toán nổi 1 kg sơn ngoài dự toán. Do đó, 50 bộ võng thành phẩm không thể nhập kho được, chỉ được phép gửi nhờ. Cả công ty họp hành, bàn bạc mãi vẫn không giải quyết được "vụ 1 kg sơn", cuối cùng đôi bên đành gật đầu với giải pháp: bán lại cho chính Lâm Tấn Lợi 50 bộ võng của anh với giá bằng với chi phí.

Để giải quyết "của nợ" ngày 29/2/1999, Lợi đành bỏ 600.000đ đăng quảng cáo cáo sản phẩm lên Báo Người Lao Động. Kết quả không ngờ: chỉ 2 ngày sau, số võng đã được mua sạch, trong khi điện thoại đặt hàng vẫn réo ngày cả trăm lần. Được đà, anh vay mượn vốn của bạn bè thuê 1 nửa gian kho rộng  75m2 của Công ty Bột giặt Net mở xưởng sản xuất.

Sản phẩm võng xếp nhãn hiệu Duy Lợi bán chạy như tôm tươi. Nhà xưởng được nới rộng dần lên 150m2, giải quyết việc làm cho hơn 70 công nhân. Rời bỏ các chức quản đốc, phó phòng... với mức lương 700.000đ/tháng, hiện nay Lâm Tấn Lợi đã trở thành ông chủ của một doanh nghiệp không nhỏ với sản phẩm mang nhãn hiệu Duy Lợi khá nổi tiếng. Quan trọng nhất là uy tín thương hiệu. Hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 12 kiểu dáng võng xếp thì riêng Lâm Tấn Lợi đã là tác giả của 5 kiểu, sự tiện dụng được đánh giá cao hơn hẳn các kiểu dáng cùng loại còn lại. Chưa kể, anh còn là tác giả của 3 kiểu giá phơi đồ, 3 kiểu giá phơi khăn, mắc áo đã đăng ký và 4 kiểu xích đu sắp xuất xưởng...

Không ban bệ gì cả, một mình Lâm Tấn Lợi quản lý tất tật mọi công việc của doanh nghiệp, chỉ nhận thêm người giúp việc ở từng bộ phận. Trong gần 6 năm làm doanh nghiệp, Duy Lợi chỉ đuổi việc hai người. Người thứ nhất là ông anh cả của ... chính anh. Ông này về hưu, vào xưởng phụ Lợi quản lý để tăng thu nhập nhưng làm việc không dứt khoát nên suốt ngày cứ phải cãi nhau với công nhân. Ông lại thích đọc báo nên hầu như chẳng để tâm đến việc quản lý. Lợi nhắc nhở, ông đưa báo từ mặt bàn xuống... gầm bàn, đọc tiếp. Không còn cách nào khác, Lâm Tấn Lợi đành phải "bố trí công tác khác". Người thứ hai là một "ông cháu", bị nghỉ việc vì kê khống giá vật tư... Sau hai người thân, tự công nhân xin nghỉ thì có, còn ông chủ Lâm Tấn Lợi thì tuyệt đối không đuổi ai nữa. Anh bảo: "Đuổi chi, toàn người tốt, làm ăn đàng hoàng, sao phải đuổi?".--PageBreak--

Ban đầu, làm "doanh nghiệp", Lâm Tấn Lợi chỉ hy vọng "ngày bán được dăm bộ võng", kiếm đủ tiền nuôi vợ nuôi con. Không ngờ, sự tiện dụng đã khiến sản phẩm của anh nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Cũng chính vì thế, anh bị hàng giả, hàng nhái cạnh tranh quyết liệt, cả trong lẫn ngoài nước. Hễ cho xuất xưởng sản phẩm mới nào, lập tức thị trường xuất hiện ngay sản phẩm ấy, có điều nhãn, mác thì loạn cào cào cả lên.

Tháng 8/2002, khi đạt đến con số xuất khẩu 3.000 - 4.000 bộ võng/tháng, đột ngột Duy Lợi nhận được "yêu cầu đơn giản" của một Công ty Johnson Miki nào đó từ Nhật Bản đòi "công ty của ông phải ngừng ngay việc sản xuất và bán sản phẩm võng xếp và bồi thường mọi thất bại...", kèm theo là bản vẽ kiểu dáng võng của chính Duy Lợi. Buộc lòng, Duy Lợi phải phát đơn kiện để chống bị kiện.

Với 8.000 USD và sự trợ giúp pháp lý của Công ty Luật Phạm và liên danh, tháng 4/2003, Duy Lợi thắng kiện, Văn phòng sở hữu công nghiệp Nhật Bản đã ra phán quyết hủy toàn bộ hiệu lực văn bằng giải pháp hữu ích đã trao cho Công ty PBC của Nhật, bởi đích thực, công ty này đã ăn cắp kiểu dáng của Duy Lợi.

Đang hầu kiện vụ này, Duy Lợi lại phát hiện ra một vụ ăn cắp bản quyền khác. Sau một thời gian nhập sản phẩm của Duy Lợi về bán tại thị trường Mỹ, một tay người Đài Loan, tên là Chaeng Sen Wu đã phát hiện ra sản phẩm Duy Lợi chưa đăng ký bản quyền tại Mỹ. Thế là ông Cheng này bèn lấy ngay tên mình và đi đăng ký. Không còn cách nào khác, Duy Lợi lại phải đi kiện. Mà không kiện là không xong. Riêng tại Nhật Bản, nếu không thắng vụ kiện với Công ty PBC, mỗi bộ võng Duy Lợi xâm nhập thị trường Nhật Bản sẽ mất toi thêm 4 USD, nếu không muốn bị coi là... hàng giả và cấm cửa.

Một bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa hội nhập và toàn cầu hoá. Khi trình làng sản phẩm mới, hầu như doanh nghiệp nào cũng chỉ nghĩ đến mức "làm đủ ăn" không hề nghĩ tới việc có ngày đưa sản phẩm của mình ra chinh phục thị trường thế giới nên không thèm đăng ký quyền sở hữu. Với Duy Lợi, những bài học rút ra quá bổ ích khiến anh đâm nghiện đi kiện. Tại Nhật, anh đăng ký màu xanh, đỏ, tím vàng gì thì mặc, người ta cứ việc nhái, kiểu và vô tư sản xuất, lệch màu đi chút xíu là xong. Nhưng, chỉ cần đăng ký 2 màu đen, trắng là hành vi làm hàng giả, hàng nhái sẽ bị chặn lại ngay, vì đen và trắng có nghĩa là tất cả mọi màu!

Ăn cũng võng, ngủ cũng võng, đi đâu cũng võng, làm được bao nhiêu Lâm Tấn Lợi đem cho hết bấy nhiêu. Thấy kiểu kinh doanh và làm từ thiện của anh hay hay, tôi bèn gom tư liệu viết về anh một bài. Nửa đêm, điện thoại lại đổ chuông. Lâm Tấn Lợi la ầm: "Này, tôi là người nghiêm túc nhé. Anh bảo tôi là "gã đàn ông say mê đường cong và hình tam giác", nghĩa là sao?. “Ôi trời, thì cứ nhìn cho kỹ hình thù của chiếc võng xếp nhà anh đi, có phải "đường cong và hình tam giác không". Tôi gắt: "Có vậy mà anh cũng dựng tôi dậy lúc nửa đêm à, để sáng mai hãy hỏi không được sao?" Lợi bảo: "Không được. Ngày làm, đêm mới đọc báo, đọc hồi nào hỏi hồi đó. Tôi làm võng phải có bảo hành thì anh viết báo cũng phải... hậu mãi. Tôi thích là tôi hỏi, có gì sai không?". Tất nhiên là không, tôi phải phì cười. Cười, nghĩa là không phản đối.

Hình như Lâm Tấn Lợi nghĩ thế nên thỉnh thoảng anh lại gọi tôi dậy lúc nửa đêm. Hết những thắc mắc trên Báo ANTG, Báo CAND, anh lại bắt tôi "hậu mãi" luôn cho bất kỳ tờ nào khác mà anh đang đọc. Mất thì giờ nhưng tôi cũng không hơi đâu mà bực. Kể ra, với một người nhiệt tình và giàu lòng hảo tâm như Lâm Tấn Lợi thì nhường anh một chút phiền toái lúc nửa đêm, tôi nghĩ cũng chẳng có gì gọi là quá đáng

.
.