Lạc giữa “miền A Sáng

Thứ Năm, 17/11/2016, 15:18
Nhiều người bất ngờ bởi Hoàng A Sáng ra mắt triển lãm tranh. Bất ngờ bởi đã quá lâu rồi, người ta vẫn biết đến một Hoàng A Sáng của những tờ báo... hơi hướng "lá cải" bán khá chạy trên thị trường.

Rồi một ngày cuối thu, anh mở triển lãm tranh, người ta bất ngờ bởi tranh bán rất chạy, chỉ trong mấy ngày triển lãm 25/43 bức tranh của anh đã được bán cho nhiều nhà sưu tập "khó tính" và cả những khách hàng thuộc các quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật Bản... 

Hoàng A Sáng thừa nhận rằng, bản thân anh cũng không nghĩ rằng, triển lãm tranh đầu tiên trong đời lại được đông đảo bạn bè, các họa sĩ, những người yêu tranh dành cho nhiều tình cảm như thế. Đối với Hoàng A Sáng, điều này như một liều thuốc tinh thần để anh kiên nhẫn tiếp bước trên con đường nghệ thuật đầy gian nan phía trước...

Hoàng A Sáng là người dân tộc Tày, sinh năm 1976 tại bản Pác Thay, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Anh học Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương, nhưng ra trường lại bén duyên với nghề báo. Đối với anh, nghề báo là cái duyên lành đến cho anh nuôi sống gia đình. Anh tự nhận mình là người làm báo chăm chỉ. 

Trước đây, A Sáng tham gia làm báo với tư cách là họa sỹ trình bày và đã kinh qua nhiều tờ báo. Anh kể lại: "Trong thời gian đó tôi tự học viết, rồi tham gia tổ chức khá nhiều tờ báo, đặc biệt là thời kỳ cùng Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Quyến... thực hiện những tờ: Cảnh sát toàn cầu, Pháp luật và Đời sống, Đang yêu... Bây giờ tôi và một số đối tác đang thực hiện khá tốt tờ Tuổi trẻ và Đời sống, Người giữ lửa và một số trang tin điện tử... 

Về cơ bản, hiện tại tôi vẫn sống bằng nghề báo, dành phần lớn thời gian cho công việc này và thực ra tôi cũng phải có năng khiếu báo chí chứ nhỉ? Nếu không sao tôi làm nổi. Như tôi đã nói, ban đầu tôi tham gia làm báo với tư cách là họa sỹ, bắt đầu quen với một quy trình làm báo như thế nào. 

Rồi thời gian rảnh rỗi tôi đọc tất cả các báo, và tôi bắt đầu đặt bút viết thử. Tôi nghĩ mình nên viết để kiếm thêm nhuận bút, tức là cái động cơ vì kiếm sống chứ không hẳn đam mê. Nhưng đó lại là một ân huệ, tôi viết khá tốt, được nhiều báo chấp nhận. Cứ thế tôi đi vào nghề báo một cách chuyên nghiệp lúc nào không biết. Tham gia rất nhiều tờ báo cho đến tận bây giờ. 

Xin nói lại, đây là một nghề như một ân huệ với cuộc đời tôi! Nghề này cho tôi nhiều thứ lắm! Tôi biết ơn vô cùng với nghề này, những người thầy như bác Hữu Ước, bác Thiều, Nguyễn Quyến, Song Toàn... nếu không có họ và những tờ báo họ cho phép tôi làm thì thực sự tôi không sống nổi ở phố phường này. 

Vì thế, bạn bè và nhiều người không nghĩ tôi vẽ, nhưng chuyên môn của tôi là hội họa, được đào tạo khá bài bản trong Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương. Tôi vẫn vẽ ngoài thời gian làm báo, chính xác là về đêm. Hầu như đêm nào tôi cũng vẽ. Đã hơn 15 năm nay chưa bao giờ tôi nghỉ vẽ về đêm. Công việc này như một cõi riêng của tôi, nó cuốn hút, mê dụ tôi vì lẽ gì tôi không biết, nhưng trong sâu thẳm tôi cần vẽ, thế thôi".

Là một người nóng tính, nhưng lại khá cẩn trọng, nghiêm túc với nghề, vì vậy dù 15 năm qua luôn luôn vẽ song ít khi A Sáng công bố hoặc tham gia triển lãm tập thể. Ngay cả trên Facebook cá nhân, anh cũng ít khi "khoe" tranh của mình. Vì đơn giản, anh thấy nó chưa đẹp, chưa thực là mình, còn một cái gì đó chưa ổn…

Đôi lúc, anh đã nghĩ mình không đủ duyên để sáng tạo ra những bức tranh như mong muốn. Anh đã từng tuyệt vọng, rồi lại hy vọng. Nhưng A Sáng là người khá "lỳ", cứ kiên nhẫn vẽ, từng tí một, lay hoay với thế giới màu sắc, mảng miếng, đường nét… của riêng mình trong suốt 15 năm qua. 

Rồi A Sáng khẳng định: "Đến ngày hôm nay, tôi bắt đầu tìm ra chính mình trong hội họa. Một "miền" rất riêng biệt, ít nhất nhìn tranh tôi không lẫn với bất kỳ họa sỹ nào. Đẹp hay xấu tôi không khẳng định, nhưng đã có phong cách riêng, cái chất rất riêng là tôi thấy yên tâm vô cùng, thế nên tôi chọn tháng 10 này tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên, với cái tên Miền A Sáng.

Tôi chỉ có những suy nghĩ rất đơn giản về hội họa: tĩnh lặng, nhẹ nhàng, huyền ảo, dễ chịu và lãng mạn. Tôi không đưa triết lý vào hội họa, ngôn ngữ của nó rất đặc thù: đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… vì thế nó là nghệ thuật tuyệt đối hình thức, không nên suy diễn về nội dung, áp đặt ngôn ngữ kiểu văn học. 

Tôi vẽ những điều giản dị, hoặc hướng đến cõi tâm linh bằng hình thức "thiền" trong tranh. Tôi thích những bức tranh của mình có sự tĩnh lặng, ấm cúng, nhẹ nhàng. Như tôi đã nói, tôi được đào tạo bài bản về hội họa, nghĩa là tôi yêu thích từ bé, có đôi chút năng khiếu bẩm sinh. Tôi sinh ra và lớn lên ở tận bản Pác Thay xa tít tắp. 

Ở đó chẳng có ai vẽ cả, gia đình tôi không ai làm nghệ thuật, cũng không một trường lớp nào dạy về hội họa. Nhưng tôi là người may mắn vì được đi học ở trường nội trú của tỉnh Cao Bằng. Bắt đầu được tiếp xúc với một số ít người có nghề vẽ, tôi học từ họ, được tư vấn nên thi vào trường nào để học...

Tôi có một người "thầy", bạn, hay gọi là đồng nghiêp cũng được, đó là họa sỹ Thành Chương. Đây là con người tôi vô cùng kính trọng, thân thiết, và hiểu nhau vô cùng. Bình thường tôi ít khi nói về ông ấy, vì tế nhị rằng, bác Chương là người nổi tiếng, nếu nói về bác ấy thì như một sự "bắt quàng" làm sang. 

Nhưng bây giờ tôi cần phải nói, vì bác Chương là người "theo dõi" quá trình vẽ của tôi dài nhất, từ những ngày đầu cho đến nay. Thỉnh thoảng tôi có đưa tranh của mình cho bác ấy xem, bác ấy không khen, không chê, chỉ nói rằng: tiếp tục vẽ… 

Tôi biết sâu thẳm bác Chương nghĩ gì, tôi cũng biết mình chưa thật sự là mình. Tôi cứ thế làm việc. Một người nữa là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi gặp bác Thiều vì nghề báo, như một học trò trong nghề báo, nhưng thật may mắn bác Thiều lại là người mê hội họa, cũng vẽ rất nhiều. May mắn hơn, tôi sống ở Hà Đông, cạnh nhà bác Thiều, tham gia nhóm "Nhân sỹ Hà Đông" - toàn những người yêu hội họa.

Đó là nơi tạo ra năng lượng nghệ thuật rất tốt, chúng tôi vẽ cùng nhau, mỗi khi có bức tranh ưng ý thì cùng chiêm ngưỡng, đôi lúc tổ chức những cuộc "triển lãm" nhỏ của nhóm. Thế nên bác ấy cũng là người "theo dõi" tôi lâu như bác Chương. 

Bác Thiều cũng như bác Chương, trong suốt thời gian dài đằng đẵng như vậy, họ không khen, không chê, hãn hữu lắm mới nhận xét vài điều nhỏ. Họ chỉ động viên tôi: tiếp tục vẽ! Tôi không lấy thương hiệu của hai người nổi tiếng này làm sự bảo đảm cho tranh của mình. Tôi chỉ kể trung thực về họ, vì họ là thầy, là bạn của tôi. Trong sâu thẳm tôi tin tưởng họ, nhưng tôi phải tin tôi trước. 

Vì thế tôi biết mình phải làm gì. Đến gần đây, khi tôi bắt đầu cảm thấy mình đủ tự tin, tôi đã mời họ tới xem tranh của mình. Cả hai bác đều gật đầu, thậm chí bác Chương còn sửng sốt vì thấy tranh của tôi. Và chính hai bác đã viết lời tựa cho cuốn catalog giới thiệu tranh của tôi. Rất thú vị là hai bác đều viết "tay" tức là viết bằng bút để in vào sách như một sự tôn trọng cậu học trò bé nhỏ này".

Họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Biết A Sáng từ ngày còn chân khô chân ướt mới rời miền cao xuống miền bằng, thoắt đã mấy mươi năm. Đầu lúc nào cũng ong ong trăn trở: A Sáng là ai? Nghệ thuật của A Sáng là gì? và rồi chợt sửng sốt ngỡ ngàng trước một Miền A Sáng đầy tràn những cảm xúc đắm say, đớn đau, ngây ngất với đàn bà. 

“Thiếu nữ với sen” - sơn dầu của A Sáng.

Rần rật trong máu với miền rừng sáng trong, hồn nhiên, chân chất. Bí ẩn, thâm trầm, vĩ diệu với cõi thần phật linh thiêng. Tất cả ào ạt tuôn trào, hòa quyện thành nơi chốn tạo hình lung linh đẹp đẽ. Một miền nghệ thuật hội họa rất độc đáo, rất riêng mang tên Miền A Sáng.

Một người dân tộc Tày bước đầu gặt hái được những thành công ở mảnh đất Thủ đô hoa lệ, nhưng A Sáng chỉ nhận mình là một người sống được, sống khá tốt ở Thủ đô bằng nghề báo. Còn với cố hương thì làm sao tôi có thể quên được! Anh bảo, tôi nhớ mọi thứ, cái cây, ngọn cỏ, mùi phân trâu trộn với bùn non, cánh đồng, sườn núi… và tôi vẫn còn mẹ già ở đó, tết nào tôi cũng về với mẹ. 

Tôi viết rất nhiều về bản Pác Thay yêu dấu của mình. Cái nền tảng làm ra một A Sáng hôm nay chính là bản Pác Thay yêu dấu ấy, mọi giấc mơ tôi đều thấy ngôi nhà của cố hương mình. 

Bạn bè thân thiết của tôi đều thấy được bản chất người Tày của tôi trong tranh dù tôi vẽ dưới bất cứ hình thức gì. Tôi nhớ lời của một ai đó rằng, ngày xưa tôi sống trong làng, bây giờ làng sống trong tôi. Hoàn toàn chuẩn xác về điều đó, bất cứ ai sống xa quê đều cảm nhận được điều đó.

Hoàng A Sáng khẳng định rằng, 41 năm sinh ra và lớn lên, đây là thời điểm anh cảm thấy được là chính mình nhất. Cũng như là khi, sau một ngày căng óc vì báo chí, khi mọi người trong nhà đi ngủ, màn đêm chùng xuống, anh bắt đầu vẽ, càng vẽ càng cảm thấy khỏe ra, tươi tắn hơn, tỉnh táo hơn, có nhiều năng lượng hơn. 

Nói cách khác đó là một cõi rất an lành, chỗ riêng tư, nơi anh có thể lấy lại năng lượng và thư dãn một cách tuyệt đối, thăng hoa tuyệt đối, để rồi anh gặp được sự đồng cảm của người thưởng thức. 

Và như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, khi xem tranh của Hoàng A Sáng: "Những bức tranh của Hoàng A Sáng đi qua tôi, hay tôi đang đi qua thế giới những bức tranh của anh, tôi thực sự không rõ. Nhưng cảm giác rõ nhất của tôi về thế giới những bức tranh ấy, là nó chỉ thuộc về anh và không thể thuộc về một ai khác. Một thế giới của màu sắc Hoàng A Sáng, rực rỡ nhưng chìm sâu của đường nét, mạnh mẽ nhưng run rẩy của những nhân vật Hoàng A Sáng, tĩnh lặng nhưng cô đơn và khắc khoải...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.