Kỷ niệm với Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Thứ Sáu, 21/03/2008, 14:30
Vũ và tôi tìm đến nhau như một lẽ tất nhiên của cuộc sống mà ở đó, sân khấu là một nghệ thuật tổng hợp cần nhiều yếu tố nghệ thuật khác nhau kết hợp lại làm nên tác phẩm... Tác giả Lưu Quang Vũ không thể nào đứng riêng, không thể nào làm nên vở diễn mà không có sự kết hợp của đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… Chính vì vậy mới có cụm từ "bộ sậu" hoặc "êkíp" làm vở.

Là một họa sĩ sân khấu cũng được lọt vào mắt xanh của nhiều đạo diễn nên ngày đó, trong các vở diễn của Lưu Quang Vũ, tôi luôn luôn được mời vào êkíp làm vở. Ngoài rất nhiều vở diễn của các tác giả khác mà tôi được cộng tác, tôi đã hạnh phúc được cùng Lưu Quang Vũ làm nên trên dưới 30 tác phẩm.

Thật vui khi trong thời gian đó, trên khắp các pano quảng cáo vở diễn của các nhà hát, các đoàn hát trong cả nước đều có tên tôi bên cạnh Lưu Quang Vũ. Lúc thì với đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, Phạm Thị Thành, khi thì với Lê Hùng, Dương Viết Bát, Ngọc Thủy… Chúng tôi "chiến đấu" bên nhau trên từng cây số, từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây, từ miền xuôi tới miền ngược… Và nói chung ở đâu cũng thu được những kết quả rất mỹ mãn.

Khi được tin vở "Nguồn sáng trong đời" của Đoàn Kịch Hà Bắc tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1985 đoạt giải nhất, chúng tôi ôm nhau khóc và đêm hôm đó thức suốt đêm để liên hoan mừng thắng lợi của vở.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi Đoàn Kịch Bộ Nội vụ tham gia Hội diễn với vở "Nữ ký giả", Đoàn thiếu diễn viên đóng vai quần chúng, thế là tôi và Vũ phải vào vai binh lính quân đội Sài Gòn thất trận. Vũ dùng băng quấn chặt toàn thân chỉ để hở hai con mắt, vậy mà khi ra sân khấu vẫn run như cầy sấy! Rồi những ngày cùng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dàn dựng vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", Vũ đã mất ăn, mất ngủ để lo cho số phận của vở kịch suốt hàng tháng trời.

Có một lần đi công tác với Nhà hát Kịch tại các tỉnh phía Nam, trong lúc chờ đợi ra máy bay để ra Bắc, tôi mua một chiếc bánh mì và ngồi ăn trong phòng lạnh. Vô tình, tôi đọc được ở tờ giấy gói bánh dính đầy mỡ một câu chuyện thú vị về một cậu bé da đen…

Tôi vuốt phẳng phiu tờ giấy và đưa về bàn với Vũ để khai thác câu chuyện trên và mời đạo diễn Ngọc Phương cộng tác để dàn dựng cho Nhà hát Cải lương Trung ương… Và thế là kịch bản "Đôi dòng sữa mẹ" ra đời với cái tên tác giả rất cảm động là Nguyễn Đỗ Lưu, có nghĩa là Nguyễn Ngọc Phương, Đỗ Doãn Châu và Lưu Quang Vũ …

Và cũng thật hài hước là những năm sau này, khi Vũ mất, có một ông Nguyễn Đỗ Lưu nào đó cứ khăng khăng nhận vở kịch đó là của mình(?!).

Trong những thành tựu sân khấu của tôi có phần đóng góp to lớn của Vũ và ngược lại, những thắng lợi trong lĩnh vực sân khấu của Vũ, tôi cũng vui vì thấy có phần nhỏ bé của tôi. Ngày đó, đi làm vở đâu có thuận lợi như bây giờ. Chúng tôi phải thường xuyên ăn cơm bụi, đi xe hàng, thậm chí tôi nhớ lần đi làm vở tại Hải Phòng, trên đường về, Vũ, tôi và cháu Mí đi cùng đã phải ngồi trên thùng của một chiếc xe tải gạo… Có lần Vũ nói đùa với Phạm Thị Thành: "Chị Thành ơi! Sau này cố gắng làm lãnh đạo để anh em được đi nhờ xe nhé!".

Sau này, khi Phạm Thị Thành trở thành Cục phó Cục Nghệ thuật Sân khấu và có thời gian tôi làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chúng tôi được cấp ôtô để đi công tác và mỗi lần ngồi trên xe, chúng tôi lại nhớ và thương Lưu Quang Vũ vô cùng.

Đi xa thì đã vậy, còn khi ở Hà Nội, hình ảnh Vũ luôn gắn liền với chiếc xe trâu cũ kỹ và xấu xí. Vũ thường nói đùa: "Mình cũng có đẹp gì đâu mà phải đi xe xịn làm gì, càng như thế này càng đỡ phải giữ!".

Suốt ngày, Vũ mặc quần bò, uống cà phê, hút thuốc lá và rất mê thuốc lào. Có những lần sang tận Liên Xô mà Vũ vẫn mang theo ống điếu cày và bọc thuốc lào Tiên Lãng to tướng để rít.

Đi công tác cùng Vũ, ngoài giờ làm việc, Vũ thích la cà các vùng chợ quê, tìm ăn các thứ quà quê để "ăn kỷ niệm, nhai quá khứ". Lần vào Đà Nẵng, đi chợ cùng Vũ mà thoắt cái đã chẳng thấy Vũ đâu. Tìm mãi mới thấy Vũ đang say sưa gặm kẹo cu đơ ở một quán nhỏ ven đường. 

Vũ không thích các hàng quán sang trọng mà chỉ thích ngồi ở những nơi dân dã, bụi bặm. Đặc biệt khi đi ăn cơm hàng, Vũ rất mê món lưỡi lợn hấp ăn với rau húng chấm mắm tôm và Vũ gọi đó là "món Êdốp"…                                                                                

Ngay cả khi thành đạt và kinh tế đã khấm khá hơn trước, thì Vũ vẫn sống giản dị, không cầu kỳ và rất khiêm nhường.

Có thời kỳ, các đồng nghiệp và đối tác của Vũ đã gọi Vũ là "Kẻ nói dối đáng yêu". Mà quả thật, ai chơi với Vũ, làm việc với Vũ cũng đều đã từng bị Vũ nói dối không dưới vài ba lần. Nhưng Vũ không phải nói dối, thất hẹn vì không trung thực mà xét cho cùng chỉ vì tính cả nể, không muốn mất lòng ai của Vũ. Đến ngay như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi là người Vũ rất kính trọng mà cũng đã có lần nổi cáu và nói với Xuân Quỳnh: "Hay là Vũ không thích cộng tác với tôi thì cứ nói thẳng!". Quỳnh cứ phải thanh minh cho Vũ mãi...

Rồi tôi cũng hiểu, Vũ làm sao mà có thể đúng hẹn, có thể thực hiện được mọi lời hứa chính xác khi cùng một lúc phải hứa, phải hẹn với hàng chục đoàn đợi kịch bản, hàng chục bạn bè, người thân đến để xin vé đi xem kịch…

Có lần Vũ hẹn một đoàn trưởng đến để giao kịch bản. Viết chưa xong nhưng từ 5h sáng, vị đoàn trưởng nọ đã có mặt để nhận kịch bản theo lời hứa của Vũ. Nhưng tới nơi thì chỉ nhận được một mảnh giấy trước cửa nhà với lời xin lỗi của Vũ. Thực ra, Vũ đang ngồi "cày" ở trong nhà và phải nhịn cả ho để khỏi lộ lời nói dối.

Với tôi, cũng không ít lần bị Vũ nói dối nhưng lâu dần cũng thành quen và đôi khi tôi còn vào hùa với Vũ để nói dối các đoàn đến đòi nợ kịch bản của Vũ.

Một lần, tôi và Vũ chờ tàu hỏa đi công tác, chờ mãi, chờ mãi mà tàu vẫn chưa khởi hành. Vũ nhận xét: "Tàu hỏa của Việt Nam giống tính mình, thông báo chính xác từng giây nhưng lại chậm hàng giờ, hàng buổi".

Khi viết xong kịch bản "Lời nói dối cuối cùng", Vũ đưa cho tôi đọc. Đọc xong tôi hỏi Vũ: "Vũ ơi, liệu có thực hiện được như thế không", thì Vũ cười và bảo: "Có lẽ cũng khó!"...

Ngoài sự tinh tế, giỏi giang khi làm nghệ thuật, trong cuộc sống hàng ngày, đôi lúc Vũ lại rất vụng về một cách rất hồn nhiên, trẻ thơ…

Đã có lần Vũ - Quỳnh mua được xe máy và đó là sự kiện rất "hoành tráng" với họ vào lúc đó… Nhưng thật hài hước! Cái xe Mobylette cũ nào có ra hồn cái xe! Nó cọc cạch, nhem nhuốc. Mỗi lần Vũ đèo Quỳnh đi thì lại phải đẩy gần hết hơi. Dựng nó ở nhà, bao giờ cũng phải dựng nghiêng để khỏi chảy dầu và thật vui nghe Quỳnh kể lại rằng từ khi Vũ có xe máy, Vũ  toàn phải bắt tay bạn bằng cổ tay vì lúc nào bàn tay cũng dính dầu mỡ nhem nhuốc và đi đâu cũng phải sửa chữa tùm lum!   

Cuối cùng thì Vũ cũng bán lại được cái xe cà khổ ấy. Nhưng sau khi bán xong xe, hai vợ chồng cứ phải nhìn qua khe cửa chỉ sợ người mua xe quay lại trả xe! Phải hai ngày sau, Vũ - Quỳnh mới thở phào nhẹ nhõm vì người mua không quay lại.

Cũng ngẫu nhiên là cả hai gia đình chúng tôi đều sinh con trai.

Vũ và Quỳnh thì có cháu Quỳnh Thơ và sau khi ly hôn với Tố Uyên, Vũ nhận nuôi thêm cháu Kít (Lưu Minh Vũ). Còn vợ chồng tôi thì có cháu lớn là Doãn Bằng và 1979 thì sinh thêm Doãn Vinh… Thế là hai gia đình, như Quỳnh nói, đều là "dương cực thịnh".

Năm 1980, Bằng lên 11 và Lưu Minh Vũ lên 10 tuổi. Chúng tôi "dũng cảm" để cho hai cháu đi Nam theo Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội để biểu diễn các tiết mục kịch câm và những ngày đó, Xuân Quỳnh và Bích Thu được một mẻ lo hết hồn khi được tin hai cậu trên tàu hỏa vào Nam, mỗi cậu đã ăn hết 7 quả trứng vịt luộc và uống hết nước hai quả dừa… (Bây giờ các cháu đều đã trưởng thành, Doãn Bằng đang là họa sĩ của Nhà hát Kịch và Lưu Minh Vũ là MC của VTV với chương trình rất duyên dáng: "Hãy chọn giá đúng". Doãn Vinh là kiến trúc sư).

Tôi dành những dòng thân yêu để nói về cháu Lưu Quỳnh Thơ (tức cháu Mí).

Mí được sinh ra trong tình thương yêu vô bờ bến của Vũ - Quỳnh. Mí là tác phẩm quý giá của cuộc tình gian nan, lận đận của Vũ - Quỳnh như chúng ta đã biết, nên bù lại, Mí đã nhận được tất cả những gì thân thương và trìu mến nhất của bà nội, của cha mẹ và những người thân. Và cũng thật ngẫu nhiên, ngày sinh của Mí trùng với ngày sinh của tôi (ngày 3/2) nên Vũ - Quỳnh lại càng vui và Quỳnh đặt tên là Doãn Mí Quỳnh Thơ để tôi kèm cặp thêm cho cháu về hội họa và âm nhạc và luôn luôn gọi tôi là bố của cháu Mí.  

Mí rất thông minh và giỏi đàn, giỏi vẽ từ thuở nhỏ và theo như Quỳnh nhận xét thì cháu cũng "lắm chuyện như bố Châu của Mí"…

 Hàng năm, hai gia đình tổ chức sinh nhật cho chúng tôi (tôi và cháu Mí) rất to và vui.

Ngay từ năm 3 tuổi, Mí đã từng đoạt giải cuộc thi vẽ tranh Quốc tế "Năm 2000 em sẽ sống như thế nào"… Mí còn minh họa cho tập thơ "Bầu trời trong quả trứng" của mẹ với những nét vẽ rất ngộ nghĩnh, đáng yêu.

 Mí cầm đàn ghita và tấu lên những bài nhạc cổ điển rất trơn tru, tình cảm…

Chúng tôi sống với nhau như anh em ruột thịt trong gia đình.

Ngày Tết, hai nhà chung nhau gói bánh chưng. Đêm đêm, Bằng và Kít phải ngồi canh bánh chưng, trong khi đó hai ông bố ngồi nhâm nhi ly rượu để bàn luận về cuộc đời, về sân khấu; hai bà mẹ thì cơm cơm nước nước chuẩn bị đón xuân…

Khi đi học ở nước ngoài về, tôi có dành dụm mua được một chiếc máy khâu cũ và vào thời đó, có được chiếc máy khâu đã là một hạnh phúc lớn cho các bà nội trợ.

Ngày ngày, Quỳnh lên nhà tôi may vá quần áo cho các con "thằng lớn, thằng nhỏ". Quần áo của Bằng, Kít thì được chuyển lại cho Mí và quần áo của Mí lại bàn giao cho Vinh mặc…

Cứ thế, chúng tôi tíu tít suốt ngày và tự cảm thấy lúc đó so với thiên hạ thì chúng tôi đã là những người sung sướng lắm rồi.

Quỳnh cũng bảo vệ hạnh phúc của chúng tôi như bảo vệ hạnh phúc của chính mình vậy. Nhưng đôi khi hơi thái quá!

Có một lần, sau khi làm xong việc ở rạp Đại Nam, một nữ diễn viên nhờ tôi tiện đường đưa về nhà ở mạn phố trên.

Ngay tối hôm đó, Xuân Quỳnh đã gặp Bích Thu và nhắc nhở Thu phải cẩn thận với tôi vì hôm nay thấy tôi chở một "con yêu tinh áo hồng" đi ròng ròng ngoài phố!

Sau khi biết rằng đó là nữ nghệ sĩ T.T. của Đoàn Chèo Hà Nội thì cả nhà được một trận cười no nê.

Chúng tôi những tưởng rằng cuộc đời cứ thế mà đi lên và hai gia đình chúng tôi sẽ mãi mãi bên nhau… Nhưng tất cả đã thay đổi sau một tai họa giáng xuống hai gia đình chúng tôi và chúng tôi thật may mắn còn sống tới hôm nay để ôn lại cái ngày, cái giờ, cái giây phút định mệnh khủng khiếp đó mà suốt đời tôi luôn bị ám ảnh. Đó là buổi chiều 29/8/1988…

NSND Doãn Châu
.
.