Kỳ nghỉ hè cuối cùng của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Thứ Sáu, 28/03/2008, 13:00
Nói là đi nghỉ nhưng chỉ có Xuân Quỳnh, Bích Thu và hai cháu được nghỉ chứ Vũ và tôi có được nghỉ ngơi thực sự đâu. Đêm hôm đó khi cả nhà đi nghỉ rồi, hai chúng tôi còn ngồi rất lâu ở đầu hè để bàn về kịch bản và chuẩn bị cho công việc hôm sau, nhất là việc đọc duyệt kịch bản cho Sở Văn hóa Hải Phòng.

>> Kỷ niệm với Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Vào cuối những năm 80, tôi và Lưu Quang Vũ thường rất bận. Ngoài những vở làm với nhau ra, cả tôi và Vũ còn rất nhiều công việc với các đối tác khác. Vũ thì chạy sô rất nhiều đoàn chèo, cải lương…

Còn tôi thì sau khi cùng đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và Vũ hoàn thành vở "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" và một vài vở khác nữa, tôi lại phải đi Tiệp Khắc để dự Triển lãm Mỹ thuật Sân khấu Quốc tế, sau đó lại chuẩn bị bắt tay vào cùng đạo diễn Doãn Hoàng Giang triển khai vở kịch "Bệnh trắng" của tác giả Karel Tsapếch cho Nhà hát Kịch Việt Nam để thực hiện hợp tác văn hóa với nước bạn…

Công việc túi bụi nên những lúc tôi và Vũ gặp nhau rất hiếm hoi. Thời gian để ngồi cà phê, tán gẫu gần như rất ít so với trước kia…

Thế rồi bỗng nhiên tôi phát hiện ra trên một tờ báo có một câu chuyện rất hay nói về nỗi oan trái suốt 2.000 ngày của một người lương thiện. Tôi báo ngay cho Vũ, đồng thời đi kiếm đủ ngay mấy số báo có đăng câu chuyện đó để Vũ đọc và tham khảo.

Vũ thích lắm và thế là sau có hai ba tuần lễ, kịch bản "2.000 ngày oan trái" ra đời …

Tôi là người được đọc kịch bản trên đầu tiên. Tôi thích và phục Vũ quá vì từ ý định lúc đầu tới kịch bản đã được Vũ nâng lên tới độ đáng ngạc nhiên với tính tư tưởng cao và đầy sự hấp dẫn trong từng sự kiện, từng tình huống, từng tính cách nhân vật…

Thế là tôi điện ngay cho đạo diễn Ngọc Thủy, lúc đó đang phụ trách nghệ thuật của Đoàn Kịch nói Hải Phòng để báo tin về kịch bản mới.

Ngay hôm sau, anh Lân, Đoàn trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng cùng đạo diễn Ngọc Thủy lên ngay nhà Vũ để nghe đọc kịch bản “2.000 ngày oan trái”.

Nghe xong, cả hai anh rất mừng. Anh Lân ký tắt ngay cùng Vũ và hẹn ngày chúng tôi xuống để triển khai vở diễn.

Lúc này Quỳnh vừa ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô trở về sau đợt điều trị bệnh tim.

 Nhà thơ Lưu Quang Vũ cùng bạn bè văn nghệ sĩ.

Sau những ngày làm việc căng thẳng, cả tôi và Vũ đều cảm thấy cần phải có những giây phút thư giãn nên rất mong có dịp để cùng nhau nghỉ ngơi, xả hơi. Mặt khác, Vũ và tôi đều thương vợ, thương các con và muốn dành cho họ những tình cảm yêu thương bên chúng tôi sau những tháng ngày chúng tôi vì công việc mà đôi khi trở thành những ông chồng vô tình và thiếu trách nhiệm, thiếu sự chăm sóc cần thiết cho gia đình.

Vũ nói với tôi: "Mình đã hứa với cháu Mí rất nhiều lần là cho cháu đi nghỉ mát mà đến hôm nay, gần hết hè rồi vẫn chưa thực hiện được. Thất hứa với con trẻ thì thật không hay chút nào. Mặt khác, Quỳnh cũng phải cần thay đổi không khí sau khi nằm viện nên có lẽ chúng mình nên đi đâu nghỉ mát chăng?". Tôi đồng ý.

Biết được mong muốn của chúng tôi, các anh lãnh đạo Đoàn Kịch Hải Phòng báo cáo ngay với Thành ủy và Sở Văn hóa Hải Phòng và lãnh đạo Sở rất sẵn sàng tổ chức cho chúng tôi đi nghỉ tại Đồ Sơn kết hợp với đọc duyệt kịch bản mới.

Được tin này, Xuân Quỳnh và Bích Thu (vợ tôi), cháu Mí, cháu Vinh vô cùng vui mừng. Quỳnh như rạng rỡ hẳn lên và ngay lập tức tất bật thu xếp, chuẩn bị rất chu đáo cho chuyến đi, từ bếp dầu, nồi nấu cho đến cà phê, đường, chè cho hai chúng tôi, rồi thức ăn của bé Mí, bé Vinh… Thôi thì lỉnh kỉnh đủ thứ.

Vũ thì hối hả đi lo xe của Đoàn xe 12, nơi Vũ thường xuyên hợp đồng xe mỗi khi phải đi công tác xa.

Chúng tôi dự định sẽ đi nghỉ vào ngày 16 âm lịch, tức là sau Tết Rằm tháng Bảy. Hai gia đình đã cùng đón Rằm tháng Bảy năm đó tại nhà tôi. Rất vui.

Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác, bên ngoài thì Quỳnh vui, nhưng trong sâu thẳm, chị vẫn có một cái gì đó khang khác và đôi lúc ánh mắt dường như nhìn vào nơi vô định, từ ánh mắt đó ẩn chứa một điều gì đó khác thường. Chị ăn rất nhanh và sau đó ngồi nhìn các con nô đùa mà hình như trong lòng đang dâng lên một điều gì đó như luyến tiếc, lo âu…        

Vũ cũng cảm thấy điều đó nên Vũ tìm mọi cách nói chuyện, pha trò để Quỳnh vui và xua đi những ám ảnh về bệnh tật và những điều khác nữa...

Rồi chúng tôi bàn về chuyến đi và những dự định trong tương lai của hai gia đình, về những câu chuyện vui buồn của cuộc đời nghệ sĩ…

Chỉ riêng Mí và Vinh thì thực sự vui. Nhìn chúng quấn quít bên nhau mà chúng tôi quên hết mệt nhọc, quên hết mọi vướng bận của công việc, mọi nỗi vất vả của đời thường…

Theo xe của Đoàn xe 12, chiều 16 tháng bảy âm lịch (27/8/1988) chúng tôi về tới Đồ Sơn và được bố trí ăn ở rất chu đáo.

Nói là đi nghỉ nhưng chỉ có Xuân Quỳnh, Bích Thu và hai cháu được nghỉ chứ Vũ và tôi có được nghỉ ngơi thực sự đâu. Đêm hôm đó khi cả nhà đi nghỉ rồi, hai chúng tôi còn ngồi rất lâu ở đầu hè để bàn về kịch bản và chuẩn bị cho công việc hôm sau, nhất là việc đọc duyệt kịch bản cho Sở Văn hóa Hải Phòng.

Sáng 17 âm lịch, buổi đọc kịch bản diễn ra rất suôn sẻ. Gần như tất cả lãnh đạo Sở và Đoàn kịch đều rất tâm đắc với kịch bản của Vũ và buổi trưa hôm đó có ngay một cuộc chiêu đãi rất trọng thể dành cho hai gia đình chúng tôi.

Vũ mừng lắm và chiều hôm đó anh nhảy xuống biển, nô giỡn như con trẻ. Anh cõng Mí, cõng Vinh trên vai và vừa chạy, vừa đá sóng, vừa la hét rất hồn nhiên…--PageBreak--

Tôi cũng mừng chẳng kém gì Vũ vì cũng đã góp được một phần của mình vào thành công vở diễn của Vũ và Đoàn Kịch Hải Phòng, nơi có người bạn yêu quý của tôi: Đạo diễn Ngọc Thủy.

Công việc thuận buồm xuôi gió, lại đáp ứng được tình cảm với Quỳnh và thỏa mãn điều mong muốn của cháu Mí nên Vũ vui lắm và sau đó là những giây phút chúng tôi gạt bỏ mọi lo toan để được nghỉ ngơi.

Một buổi chiều vô tư đùa giỡn trên sóng biển, một bữa ăn ngon không phải nghĩ đến công việc,… cả Vũ và tôi đều cảm thấy cực kỳ thỏa mãn.

Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới có được những giây phút thảnh thơi như vậy.

Sau bữa cơm chiều, chúng tôi kéo nhau ra biển.

Cuối hạ, đầu thu trời bắt đầu se lạnh. Sóng biển vỗ rì rầm, thủ thỉ… Quỳnh và vợ tôi ngồi trên kè đá. Hai cháu Mí và Vinh nô đùa và ngắm nước thủy triều lên trong đêm. Tôi và Vũ lững thững trên bãi cát…

Không biết có phải là trời xui đất khiến  hay không mà vào cái đêm đó, Vũ đã cùng tôi ôn lại tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời Vũ, trong cuộc đời tôi…

Vũ kể lại từng chi tiết nhỏ diễn ra trong những ngày bất hạnh của Vũ trước đó. Lúc đó tôi mới biết nó còn vất vả hơn nhiều những gì tôi được biết.

Ngày còn ở trong quân ngũ, có ông thủ trưởng đã từng không cho Vũ làm thơ vì cho làm thơ là yếu đuối và làm giảm sức chiến đấu của người lính (?!). Có lần Vũ đã phải viết bản kiểm điểm và hứa: Từ nay không làm thơ nữa!

Nhưng Vũ vẫn làm thơ và sau đó phải nhờ một người bạn lính nghỉ phép chuyển về nhà hai cuốn sổ tay trong đó là những bài thơ, vì sợ bị bắt quả tang. Cũng đêm hôm đó, tôi mới được biết đã có lúc Vũ từng phải đi vác nứa ở bến Phà Đen, có lúc phải đi chấm công cho một đơn vị ở Tổng cục Đường sắt, rồi đi vẽ tranh Bờ Hồ… để kiếm tiền sinh sống và làm thơ. Rồi chuyện hạnh phúc gia đình lần đầu tiên đổ vỡ với bao cay đắng…

Nhưng Vũ đâu có chịu khuất phục trước số phận. Vũ vẫn cắn răng và vươn lên…

Trong lúc chúng tôi tâm sự với nhau như vậy thì sau này, nghe vợ tôi kể lại, tôi cũng mới biết lúc đó hai người vợ của chúng tôi cũng kể hết cho nhau nghe về những nỗi gian truân, những vất vả mà họ gặp phải trong cuộc đời, trong tình yêu… Chỉ vì họ gặp chúng tôi, những nghệ sĩ tuy có chút tài năng nhưng cũng đầy những thói hư, tật xấu… cộng với bao nỗi bất hạnh của chúng tôi mà họ cũng phải gánh chịu!

Có thể nói, đêm đó là đêm chúng tôi tự bạch trước biển, phơi bày lòng mình ra cùng nhau để hiểu biết hết về nhau và để rồi mãi mãi xa nhau, mãi mãi chỉ còn là kỷ niệm trong nhau, sau cái giờ phút khắc nghiệt ấy trên chuyến xe định mệnh vào chiều hôm sau, ngày 29/8/1988 (tức ngày 18 tháng Bảy âm lịch).

Đã nhiều lần báo chí phỏng vấn tôi và nhiều người cũng nhắc đến vụ tại nạn thảm khốc trên nên hôm nay, tôi cũng cảm thấy chẳng cần kể nữa vì cũng không muốn gợi lại đau buồn cho mọi người bằng những hình ảnh thương tâm mà trong sâu thẳm tình cảm của tôi, tôi muốn quên đi cái kỷ niệm chua xót đó.

Chỉ biết rằng: Sự ra đi đột ngột của Vũ, Quỳnh và cháu Mí đã để lại trong tôi một nỗi đau, một vết sẹo đời mà cho đến hôm nay, sau tròn 20 năm, tôi vẫn không thể nào nguôi ngoai được.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                     

Thế rồi sau khi Vũ, Quỳnh mất đi, biết bao dư luận, nghi vấn xung quanh vụ tai nạn. Những đồn đại đó của thuộc đủ các thành phần: Có người vì quá yêu Vũ, Quỳnh; có người hồ nghi, nhưng cũng có những kẻ xấu muốn xuyên tạc và muốn dùng sự kiện cái chết của Vũ, Quỳnh vào những mục đích không trong sáng.

Nhưng đi đến đâu, dù vào Nam ra Bắc, dù ở Paris hay London… cho đến sang tận Hoa Kỳ trong những lần đi biểu diễn, tôi vẫn nói bằng sự trung thực nhất của người bạn của Vũ, rằng đó chỉ là một tai nạn ngẫu nhiên!

Người lái xe đâm vào xe chúng tôi bị Tòa án xử 12 năm tù, nay chắc cũng đã được trả tự do lâu rồi. Nhưng tôi chắc rằng anh ta sẽ phải ám ảnh suốt đời vì những gì mà anh ta đã gây ra mà điều lớn nhất là anh ta đã cướp đi của đất nước này những tài năng lớn. Mất mát đó không gì có thể bù đắp được!

Tôi viết những dòng này vào những ngày Xuân Mậu Tý 2008 cũng là năm tuổi của Vũ (năm nay nếu còn sống, Vũ 61 tuổi ta).

Không khí xuân về càng làm lòng tôi nặng trĩu nhớ thương những người thân yêu của tôi đã ra đi…

Đất nước ta đã nhiều đổi thay, cuộc sống ngày một tốt lên, phải chi Vũ, Quỳnh còn sống để cùng chúng tôi hưởng những ngày tươi đẹp này?

Ấy vậy mà tôi vẫn băn khoăn với thực tại. Tôi cứ luôn luôn tự hỏi: Sao cuộc sống thì đi lên mà sân khấu nước nhà lại đi xuống? Phải chăng sân khấu của chúng ta hôm nay thiếu đi những Lưu Quang Vũ?

Giá Vũ còn sống đến ngày hôm nay thì chắc với đóng góp của anh, sân khấu cũng có thể sáng sủa hơn đôi chút chăng?

Nhưng tôi tin rằng với ảnh hưởng của Vũ và những gì tốt đẹp anh đã để lại trong di cảo của mình cho sân khấu nước nhà thì trước sau cũng sẽ có ngày chúng ta có được một thế hệ Lưu Quang Vũ mới để làm đẹp cho đời.

Không! Vũ không chết! Chim sâm cầm của chúng ta không chết!

Vũ đã từng viết: "Người ta chỉ thực sự chết đi khi không còn để lại điều gì trong nhau".

Thế thì, những “Người trong cõi nhớ” của tôi ơi, Vũ - Quỳnh luôn ở bên chúng tôi như ngày nào và mong các bạn ở nơi xa kia trong cõi nhớ, hãy nhận ở tôi tấm lòng của một người luôn thương nhớ các bạn…

NSND Doãn Châu
.
.