Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm: Từ cậu bé kỳ lạ đến thủ lĩnh phong trào yêu nước

Thứ Bảy, 20/07/2019, 11:12
Kỳ Đồng quả là một con người kỳ lạ. Cuộc đời của nhà yêu nước tiêu biểu trong phong trào khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được người dân với lòng tôn kính đã phủ lên một bức màn linh thiêng, huyền bí. 

Từ cuộc rước cờ năm Kỳ Đồng 13 tuổi đến cuộc mộ dân lập ấp ở Yên Thế;  từ những cuộc gặp gỡ với vua Hàm Nghi ở Algerie đến mối liên hệ với thủ lĩnh phong trào Yên Thế là Đề Thám; từ việc bị bắt trong đêm đến những tháng ngày lưu đày đằng đẵng ngoài biển khơi…

Trải qua những thăng trầm biến đổi, phải đối phó với những âm mưu, kế hoạch của thực dân Pháp, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm trước sau vẫn một lòng yêu nước, quyết chống xâm lăng.

Biệt hiệu “Kỳ Đồng”

Ngày 8-10-1875, tại làng Ngọc Đình, tổng Hà Lý, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng (nay là xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), một bé trai cất tiếng khóc chào đời trong gia đình nhà nho nghèo, được cha mẹ đặt tên là Nguyễn Văn Cẩm. Cha đứa bé là thầy đồ Tỵ, đỗ nhị trường, làm nghề dạy học và đan rổ rá, đóng cối xay. Lên 6 tuổi, Nguyễn Văn Cẩm đã được học chữ Nho, hàng ngày vừa nghe cha đọc sách vừa dò theo chữ, hay chất vấn nghĩa lý. 

Năm lên 8 tuổi, tư chất thông minh, khả năng sáng tác thơ phú và làm câu đối ứng khẩu của cậu bé Cẩm đã nổi tiếng khắp vùng khiến nhiều người ngạc nhiên.

Chuyện kể rằng một hôm ông huấn đạo huyện Duyên Hà là Bùi Tam Đồng cùng hai người khác đến xem mặt cậu bé kỳ lạ. Thấy cậu bé Cẩm đang ngồi ở cầu ao chơi thuyền vỏ trứng, ông liền nói: “Nghe nói cậu hay chữ lắm. Ta đến đây ra cho cậu một vế đối”. Thấy Cẩm tóc còn để chỏm, hai bên hai trái đào, ông huấn Đồng ra vế đối: “Một thằng ba chỏm tóc”. Cẩm lập tức ứng khẩu: “Ba cụ chín chòm râu”.

Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929).

Ông huấn đạo hết sức ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi cậu bé bảo chưa học một ông thầy nào cả, bèn báo cho các quan tỉnh biết về cậu bé khác thường này. Quan đầu tỉnh gọi cậu bé Cẩm đến ra câu đối “Khổng môn truyền đạo chư hiền: Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử”. Cẩm đối lại: “Chu thất khai cơ liệt thánh: Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương”.

Cũng năm này Cẩm được cha dẫn lên tỉnh dự kỳ khảo khóa để năm sau thi hương ở trường Nam Định và đã đạt loại “ưu”. Quan tỉnh tâu về triều, vua Tự Đức xuống dụ cấp cho trẻ lạ tức Nguyễn Văn Cẩm mỗi tháng ba quan tiền, một phương gạo, áo quần mỗi thứ hai cái, mỗi năm cho một lần.

Dân trong vùng còn ngưỡng mộ trước khả năng tiên tri của Kỳ Đồng, truyền tai nhau những câu sấm truyền của cậu bé. Giai thoại về “cậu bé kỳ lạ” (kỳ đồng) ngày một nhiều thêm và vang xa, “Kỳ Đồng” trở thành biệt hiệu của Nguyễn Văn Cẩm.

Đứa bé lớn lên trong bối cảnh thực dân Pháp chiếm thành Nam Định lần thứ nhất (1873) và lần thứ hai (1884). Phong trào chống Pháp diễn ra sôi nổi khắp Bắc Kỳ và bị đàn áp dã man, trong đó có Thái Bình quê Nguyễn Văn Cẩm. Những năm 1886-1887, Thái Bình chìm trong cảnh đói khát, khổ cực, người dân bị đánh đập, bắt bớ.

Nhưng cũng chính trong giai đoạn này, hiện tượng Kỳ Đồng như một luồng ánh sáng chiếu vào đêm đen. Người dân đói khổ hết lời ca ngợi và ngưỡng vọng trước tài năng của Kỳ Đồng, rủ nhau đến tận làng Ngọc Đình xem mặt cậu bé kỳ lạ. Trong số đó có cả những sĩ phu yêu nước khắp các vùng Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình. 

Họ hy vọng tìm được một người xuất chúng làm thủ lĩnh mới để nhen nhóm lại phong trào chống Pháp. Tiếng tăm và ảnh hưởng của Kỳ Đồng khiến thực dân Pháp bắt đầu nghi ngại và chú ý đến cậu bé nhiều hơn.

Một sự kiện xảy ra đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời Nguyễn Văn Cẩm. Ngày 27-3-1887, một đám rước khoảng 100 người khăn áo chỉnh tề, giương cờ hiệu “Thiên binh thần tướng”, với kiếm gỗ, giáo gỗ, rước Kỳ Đồng khi đó là một cậu bé 13 tuổi tiến về thành Nam Định. Cuộc rước cờ đã bị binh lính bắn thị uy giải tán, Kỳ Đồng và 7 người khác bị bắt giữ.

Sau sự kiện này, Pháp lo sợ Kỳ Đồng có thể làm những điều nguy hiểm hơn, nên đã gửi cậu bé sang học tại Trường Trung học Alger ở Algerie (thuộc địa của Pháp lúc đó). Pháp lấy lí do coi trọng nhân tài thuộc địa nên gửi Kỳ Đồng sang mẫu quốc để cậu bé được tiếp cận học vấn châu Âu. Kỳ thực, chúng muốn tách Kỳ Đồng khỏi phong trào yêu nước của người dân và âm mưu biến Kỳ Đồng thành tay sai đắc lực.

Sau 9 năm (1887-1896) học tập tại Algerie, Kỳ Đồng tốt nghiệp tú tài khoa học toàn phần, tinh thông các ngành nghệ thuật quân sự, thành thạo tiếng Pháp. Cũng chính trong thời gian này, Kỳ Đồng đã bí mật gặp gỡ vua Hàm Nghi đang bị lưu đày tại đó và hai người thường trao đổi với nhau về tình hình trong nước.

Lưu đày biệt xứ

Tháng 11-1896, thực dân Pháp cho Kỳ Đồng về nước và tin rằng sau 9 năm “du học”, Kỳ Đồng đã là “người Pháp” thực thụ và trung thành với nước Pháp. Nhưng chúng không thể ngờ rằng, ngay khi về nước, Kỳ Đồng đã nhanh chóng trở thành thủ lĩnh của phong trào yêu nước ở Bắc Kỳ.

Lấy lí do “muốn làm điều tốt lành cho dân chúng An Nam và phụng sự người Pháp”, Kỳ Đồng đã khéo léo từ chối mọi công việc mà thực dân Pháp giao cho. Kỳ Đồng trở về Thái Bình, mở trường dạy chữ Nho và tiếng Pháp đồng thời soạn tài liệu chữ Nôm theo thể văn vần vừa để dạy tiếng Pháp, vừa để khơi gợi tinh thần yêu nước chống Pháp.

Tiếc rằng trường học mở ra chưa được bao lâu thì bị buộc phải đóng cửa. Kỳ Đồng làm giỗ cha rất trọng thể để tạo cớ hợp pháp gặp gỡ những nhà yêu nước trong vùng. Ông dành nhiều thời gian đi thăm hỏi bạn bè và các danh sĩ ở Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương nhằm tìm cách nhen nhóm phong trào chống Pháp.

Vì vậy ngay khi Kỳ Đồng trở về nước, tiếng tăm và những giai thoại về ông lại nổi lên, thu hút sự quan tâm của dân chúng. Đám cưới của Kỳ Đồng với cô Trai – người con gái nết na xinh đẹp nhất làng Ngọc Quế (huyện Quỳnh Côi, Thái Bình) được tổ chức linh đình, thu hút nhiều người đến tham dự. 

Để gây dựng cơ sở ở vùng trung du, Kỳ Đồng đề nghị người Pháp cho phép mộ dân lên khai khẩn đất hoang ở vùng Yên Thế (Bắc Giang) để tăng dân vùng thượng du, làm ra của cải để “Bắc Kỳ ngày càng thịnh vượng”.

Tranh dân gian về Kỳ Đồng được công bố tại Paris năm 1909, vẽ cảnh Kỳ Đồng ngồi nghe cha đọc sách và dò theo chữ.

Thực dân Pháp theo dõi nhất cử nhất động của Kỳ Đồng từ khi về nước, rất lo ngại trước những hoạt động của ông và muốn cách ly nhân vật này với phong trào yêu nước ở đồng bằng. Vì thế, chính quyền thực dân Pháp buộc phải đồng ý cho Kỳ Đồng lên mộ phu ở Yên Thế.

Đến tháng 9-1897, cuộc tuyển mộ người lên Yên Thế khai hoang do Kỳ Đồng tổ chức đã nhanh chóng biến thành phong trào di dân từ các tỉnh đồng bằng lên trung du. Trong số hàng ngàn người di dân có những thành phần đặc biệt, đó là các nho sĩ, trí thức, lính tập và lính khố đỏ. 

Với vỏ bọc “đồn điền” hợp pháp, Kỳ Đồng đã xây dựng khu Chợ Kỳ (Yên Thế) thành một căn cứ tích trữ lương thực, rèn vũ khí, liên lạc với các địa phương, chỉ đạo phong trào chống Pháp ở đồng bằng. Không phải ngẫu nhiên mà Kỳ Đồng lại chọn vùng Yên Thế làm nơi khẩn hoang, bởi ông muốn bắt liên lạc với Hoàng Hoa Thám – thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa nông dân tại vùng này.

Thực tế sau khi lập đồn điền Chợ Kỳ, Kỳ Đồng đã hỗ trợ lương thực và củng cố lực lượng cho nghĩa quân Đề Thám. Những sáng tác thơ ca của Kỳ Đồng thời kì này nhằm động viên nghĩa quân khẩn hoang và tuyên truyền tinh thần chống Pháp lan truyền khắp nơi. Nhân dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Kỳ nhất nhất tin theo hai vị thủ lĩnh và lan truyền câu “Nhất ông Kỳ, nhì ông Thám”. Thực dân Pháp đã đánh hơi được mối liên hệ này và theo dõi sát sao.

Ngày 21-9-1897, mật thám phát hiện người của Kỳ Đồng đang khẩn trương dỡ những kiện hàng dài nhưng vẫn để lộ ra những nòng súng xếp chéo. Mối nghi ngờ của Pháp rằng đồn điền Chợ Kỳ là một “căn cứ trá hình” của “ông chủ đồn điền” Kỳ Đồng đã được làm sáng tỏ. 

Pháp đã cho người bí mật bắt Kỳ Đồng vào đêm 22-9-1897 ngay tại căn cứ Chợ Kỳ và thu được nhiều tài liệu, tiền bạc, vũ khí và cả bản tuyên cáo về một cuộc nổi dậy đồng loạt mà nghĩa quân chưa kịp tiêu hủy.

Sau khi bắt Kỳ Đồng, Pháp vội vàng đưa ông lên một chiếc thuyền máy chờ sẵn ở phủ Lạng Thương để chở ra Hải Phòng, sau đó vào Sài Gòn. 

Thực dân Pháp một mặt không đưa Kỳ Đồng ra tòa án xét xử nhằm bưng bít dư luận, đề phòng phản ứng của dân chúng, một mặt muốn đưa Kỳ Đồng đến một nơi cách biệt với Đông Dương để loại bỏ hoàn toàn khả năng nổi dậy của ông nên sau khi giam ông ở Sài Gòn 3 tháng đã đày ông đi biệt xứ vào đầu năm 1898. Mặc dù kế hoạch nổi dậy của Kỳ Đồng thất bại nhưng đã để lại tiếng vang và tầm ảnh hưởng với các phong trào tại Bắc Kỳ sau này.

Kỳ Đồng bị đưa đi lưu đày ở quần đảo Polynesie – là thuộc địa của Pháp ngoài đại dương mênh mông thuộc vùng châu Đại Dương. Thời gian đầu, Kỳ Đồng bị đưa đến Papeete thuộc quần đảo trên. Nhưng mấy năm sau, Pháp nhận thấy để một tù nhân chính trị trẻ tuổi lại giỏi tiếng Pháp ở đây không có lợi nên đã phái ông đến quần đảo Marquises làm y tá lưu động phụ trách việc tiêm chích và phát thuốc cho dân bản xứ.

Tại đây, một sự tình cờ thú vị đã đến với Kỳ Đồng. Khoảng giữa tháng 9-1901, một họa sĩ Pháp tên là Paul Gauguin đã đến đảo. Giữa vị họa sĩ tài hoa muốn xa lánh cuộc sống châu Âu giả tạo, phản đối chính quyền thuộc địa, bênh vực người bản xứ và người thanh niên yêu nước Kỳ Đồng nhanh chóng có sự gặp gỡ, đồng cảm và thân tình. Họ trở thành đôi bạn thân thiết dù cách biệt về mặt tuổi tác (Kỳ Đồng kém họa sĩ Gauguin 27 tuổi). 

Cũng trong thời kì này Kỳ Đồng đã sáng tác một vở kịch thơ bằng tiếng Pháp có nhan đề Những mối tình của người họa sĩ già trên quần đảo Marquise dựa trên câu chuyện thực của ông bạn họa sĩ già trên đảo.

Cuộc sống lưu đày của Kỳ Đồng kéo dài 30 năm ở một nơi xa tổ quốc. Trong những năm tháng xa xứ, Kỳ Đồng đã lấy vợ người bản địa và sinh con. Ngay cả khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17-7-1929 lúc 54 tuổi, Kỳ Đồng vẫn mang trong lòng niềm ái quốc và nỗi u uất khi không thể trở về đất mẹ Việt Nam.

Huyền Châm
.
.