Raul Castro được bầu làm Bí thư thứ nhất Đảng Công sản CuBa:

Kiên định và nhạy bén

Thứ Năm, 05/05/2011, 16:17
Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI, diễn ra từ ngày 16 tới ngày 19-4-2011, đã đánh dấu một bước chuyển biến lớn trên con đường phát triển của "hòn đảo Tự do". Trong ngày bế mạc, với sự có mặt của Lãnh tụ Cách mạng Cuba Fidel Castro, Chủ tịch Raul Castro đã được bầu làm Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba. Trong thực tế,  Đại tướng Raul Castro đã thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia từ năm 2006 và từ năm 2008, đã là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Cuba thay anh trai mình.

Tâm đầu ý hợp

Người nông dân Tây Ban Nha Angel Castro di cư sang Cuba vào đầu thế kỷ  XX. Thông minh, quyết đoán, lại cần cù lao động, ông đã nhanh chóng ăn nên làm ra trên vùng đất mới và lấy người phụ nữ nông dân Cuba Lina Ruz Gonsales làm vợ. Họ có với nhau 7 người con, trong đó có ba người con trai là  Ramon, Fidel và Raul, còn bốn người con gái là Angela (chị cả), Juanita, Emma và Agustina...

Sở thích của ba người con trai trong gia tộc Castro được xác định từ khá sớm. Ông Ramon, người anh trưởng, vốn rất yêu nghề nông và theo truyền thống Tây Ban Nha, đã nối nghiệp cha lo việc đồng áng. Chàng trai Raul tới tuổi gần trưởng thành đã được người cha cho vào học ở trường trung học bán quân sự tư thục. Fidel từ nhỏ đã theo học Trường Belen của các tu sĩ dòng Tên.

Về sau, khi đã trở thành sinh viên luật của Trường Đại học Tổng hợp La Habana, Fidel đã thuyết phục cha mẹ mình đồng ý cho người em Raul cũng vào học ở đó. Theo nhiều nhà nghiên cứu, chính môi trường gần gụi ấy đã giúp cho Fidel và Raul càng ngày càng trở nên tâm đầu ý hợp trong những khát khao cách mạng.

Và hai anh em đã trở thành đồng chí với nhau từ lúc nào chẳng rõ. Đầu những năm 50 của thế kỷ trước, khi mới bắt tay vào xây dựng những nền móng đầu tiên của phong trào cách mạng Cuba, Fidel trước hết trông cậy vào sự ủng hộ trước sau như một của em trai mình. Hai người cùng nhau lựa chọn những ứng cử viên cho đoàn quân cách mạng, dạy họ cách thức hoạt động bí mật và truyền bá học vấn quân sự cho họ.

Lãnh tụ Fidel và Chủ tịch Raul Castro.

Rồi tới ngày 26/7/1953, tất cả cùng tham gia cuộc tấn công trại lính Moncada nhưng thất bại. Cùng nhau trải qua những ngày gian khó trong tù ngục của kẻ thù, cả hai anh em đã không hề nao chí lớn. Không những thế, chỉ 6 năm sau đó, họ đã biết rút kinh nghiệm từ chiến bại để làm nên chiến thắng vang dội trên "hòn đảo Tự do".

Sau hai năm ở tù, họ đã thoát sang Mexico và ở đó, lại bắt tay vào chuẩn bị đoàn quân cách mạng để trở về giải phóng Tổ quốc khỏi ách thống trị của nhà độc tài tay sai ngoại bang Batista. Cũng chính ở Mexico, hai anh em nhà Castro đã gặp gỡ và lôi cuốn vào phong trào cách mạng vị bác sĩ trẻ người Argentina, Ernesto Che Guevara lừng lẫy.

Người đã có mắt xanh "anh hùng đoán giữa trần ai" đối với Che Guevara là Raul Castro. Sau này, Raul nhớ lại: "Tôi có cảm giác là anh ấy khác hẳn những người khác, ít ra thì anh ấy cũng biết cách diễn đạt tốt hơn tất cả, hơn thế nữa, anh ấy lại là người luôn tư duy theo cách của mình...".

Khi đó, Ernesto Guevara vẫn mang nặng trong mình những kinh nghiệm đắng đót của cuộc khởi nghĩa tả khuynh bất thành xảy ra tại Guatemala và đang nung nấu thêm một lần dấn thân vào cuộc đấu tranh vì một tương lai mới cho Mỹ Latinh.

Chuyến đi đầy nguy hiểm trên con tàu Granma tháng 12/1956 đã thắt chặt thêm liên minh ba thủ lĩnh nòng cốt và tâm đầu ý hợp của cách mạng Cuba Fidel Castro, Raul Castro, Che Guevara, - yếu tố tối quan trọng dẫn tới thắng lợi hoàn toàn tháng giêng năm 1959 trên "hòn đảo Tự do".

Đó đã là những biểu tượng lớn lao của một thời sôi nổi tả khuynh của vùng đất nồng nàn và đắm đuối nhất châu Mỹ. Thực tế cho thấy, Raul Castro đã luôn là người đồng chí sát cánh hàng đầu của Chủ tịch Fidel Castro, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp chung của cách mạng.

Vững tay chèo lái

Các nhà quan sát am tường tình hình Cuba trong những thập niên gần đây đều nhất trí nhận định rằng, Fidel Castro và Raul Castro trong suốt chặng đường xây dựng xã hội mới trên "hòn đảo Tự do" đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Cả hai đều là những thủ lĩnh theo cách riêng của mình và đều là những nhà quản lý tài ba.

Chủ tịch Fidel là nhà tư tưởng, nhà ngoại giao, nhà hùng biện, biểu tượng của cách mạng Cuba. Đại tướng Raul Castro trên cương vị nhân vật thứ hai của bộ máy quyền lực thực tế đã đóng vai trò đầu tàu của cả hệ thống chính trị, "kiểm soát viên trưởng" của nước cộng hòa, coi sóc tất cả các lĩnh vực an ninh và vũ trang, trưởng ban tổ chức của Đảng và Nhà nước.

Ngay từ "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" của cách mạng Cuba, Raul Castro đã được giữ toàn quyền tối đa trong cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất. Và ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Là một người mácxít kiên định nhưng nhạy bén với thời cuộc, Đại tướng Raul Castro không xa lạ với tư duy kinh tế thị trường. Chính ông là người đã gắn bó tên tuổi của mình với việc Cuba trong vòng 15 năm gần đây đã tạo nên được những bước thăng tiến đầy hiệu quả trong không gian kinh tế thị trường quốc tế.

Và  ngay sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước tháng 2/2008, ông đã cho thực hiện nhiều chính sách đổi mới, thí dụ như công tác khuyến nông với việc giao đất hoang cho nông dân, tăng giá thu mua nông phẩm, cắt giảm các bếp ăn tập thể, giảm dần bao cấp của nhà nước và xóa bỏ các chế độ miễn phí không hợp lý, cấp phép kinh doanh cho tư nhân, phá giá đồng peso chuyển đổi…

Những chính sách này đã là một phần quan trọng trong Dự thảo Đường lối chính sách kinh tế và xã hội mà các đại biểu Đại hội VI đã dành nhiều thời gian thảo luận và thông qua… Phát biểu trong phiên bế mạc, ông Raul trên cương vị tân Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba lại thêm một lần khẳng định nếu các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước không đổi mới tư duy, đây sẽ là rào cản lớn nhất đối với tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba.

Chủ trương này chú trọng tới công tác khuyến nông, mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, cắt giảm bao cấp, thực hiện chính sách thu thuế mới và phi tập trung quản lý của nhà nước và xóa bỏ hệ thống đồng tiền kép. Ông Raul cũng đã yêu cầu báo chí phát huy vai trò thông tin, giáo dục và phê phán những khuyết điểm, tiêu cực trong quản lý kinh tế và xã hội…

Cần phải thấy rằng, có sự đồng điệu gần như tuyệt đối giữa hai anh em gia đình Castro trong các công việc trị quốc. Trong chuyên mục thường kỳ "Suy ngẫm" trên tờ Granma số ra mới đây, lãnh tụ Fidel Castro kể rằng, ông biết trước những gì mà ông Raul sẽ nói tại Đại hội VI.

"Ông ấy đã đưa cho tôi xem bản báo cáo của mình vài ngày trước Đại hội theo chủ ý của ông ấy, như đã làm như thế nhiều lần trước đó mà không có sự yêu cầu từ phía tôi, dù tôi đã từ bỏ tất cả các quyền hành trong Đảng và trong Nhà nước, - Fidel viết.- Làm như thế là nghĩa vụ của tôi và tôi đã thực hiện nghĩa vụ này mà không hề xao động. Tôi biết rằng, tôi đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng tôi an tâm: Cách mạng vẫn tiếp diễn, và nay không phải là thời điểm nặng nề nhất đối với nó kể từ khi liên bang Xô viết và hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã".

Fidel viết tiếp: "Tôi sẽ nói một cách đơn giản, tôi cho rằng nghĩa vụ của những người cách mạng Cuba: đất nước càng nhỏ và khó khăn càng nghiêm trọng, thì càng không được phạm sai lầm".

Fidel cũng thổ lộ rằng ông "chưa từng bao giờ nghĩ về thời hạn giữ chức vụ" Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Bí thư Thứ nhất trong Đảng của mình, cũng như chức Tổng Tư lệnh, nhưng ông không định tiếp tục giữ một chức vụ nào nữa. "Raul biết rằng giờ đây tôi sẽ không đồng ý giữ bất cứ một chức vụ gì trong Đảng. Ông ấy luôn gọi tôi là Bí thư Thứ nhất và Tổng tư lệnh, dù tôi đã từ bỏ những trách nhiệm này khi tôi lâm bệnh nặng. Tôi cũng không khi nào thử lại và cũng không có thể thực hiện được những trách nhiệm đó nữa, ngay cả khi tôi đã phục hồi được khả năng phân tích và viết".

Một trong những nhiệm vụ của Đại hội VI là bầu chọn BCH Trung ương. "Một số đồng chí do tuổi tác và thực trạng sức khỏe không còn có thể giúp Đảng được nhiều, thế nhưng, Raul cho rằng, sẽ là tàn nhẫn nếu không đưa những người này vào danh sách để bầu.

Tôi đã không lưỡng lự khuyên ông ấy không tước bỏ của các đồng chí đó vinh dự này và nói thêm là, quan trọng nhất là không có tên tôi trong danh sách để bầu. Tôi cho rằng, tôi đã nhận được đủ các niềm vinh dự. Tôi chưa từng nghĩ là mình lại sống lâu được như thế. Kẻ thù đã cố công làm đủ mọi việc để điều này không diễn ra".

Trong Đại hội VI, Bộ Chính trị mới được bầu gồm 15 ủy viên, ít hơn so với 24 ủy viên của khóa trước. Trong danh sách này, có 12 người là ủy viên Bộ Chính trị khóa V, có nhiều vị tướng và một nữ duy nhất.

Trong số 115 ủy viên Trung ương Đảng khóa VI có 48 nữ, chiếm tỷ lệ 41,7%, gấp hơn 3 lần so với tỷ lệ nữ khóa trước (13,3%); 36 ủy viên Trung ương là người da đen và người lai, chiếm 31,3% và tăng 10% so với khóa trước. Như vậy là ý tưởng của Raul về việc tăng số những ủy viên Trung ương là phụ nữ và hậu duệ của những người gốc châu Phi đã được Đại hội  VI đồng tình ở mức độ cao…

Ở đoạn cuối bài báo trên, lãnh tụ Fidel Castro tiết lộ là hiện ông đang viết cuốn sách về lịch sử trận chiến đấu trên bãi biển Girón, và cũng đang dự định viết "về một sự kiện quan trọng diễn ra sau đó".

Đời thường dễ mến

Năm nay, Chủ tịch Raul đã bước sang tuổi 80 tuổi (ông sinh năm 1931). Ông có 4 người con (ba con gái, một con trai) và 8 người cháu. Cuộc sống thường nhật của ông với các người thân mặc dù không được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhìn chung, tất cả đều biết rõ rằng trong mọi tình huống, ông luôn luôn là người có tính thân thiện và nhân hậu trong đời thường, mặc dù là một nhà quản lý cứng rắn và kiên quyết.

Chủ tịch Raul cũng là người ít nói, cư xử khiêm nhường. Ông nhiều khi tự lái xe hơi và đi ra phố không cần tới đội cảnh vệ. Ông thường có phản ứng rất nhanh với mọi sự việc diễn ra xung quanh, cả trong lĩnh vực tinh thần lẫn thể chất - đây là một nhà quân sự bẩm sinh và thường xuyên "văn ôn võ luyện".

Ông từ trẻ đã mê đọc sách và đọc rất nhiều loại sách khác nhau. Những người ở gần ông đều thích thú với khiếu hài hước  tinh tế của Chủ tịch và sau lưng ông hay gọi ông là "kỹ sư tâm hồn". Theo tạp chí Nga "Ogoniok", ông thích uống nước trà pha theo kiểu Nga và món mỡ muối vốn luôn luôn đi kèm với rượu vodka. Ông bỏ thuốc lá từ lâu, thậm chí không mấy khi đụng tới xì gà, đặc sản nổi tiếng thế giới của "hòn đảo Tự do"...

Nguyễn Trung Phú
.
.