Nguyên soái Xô Viết George Zhukov:

Không có đảng, không có chiến thắng

Thứ Năm, 15/12/2011, 15:55
Nhân kỷ niệm 115 ngày sinh của vị Nguyên soái Xô viết lừng danh George Konstantinovich Zhukov (1/12/1896 – 18/6/1974), trên một số phương tiện thông tin đại chúng ở Nga đã công bố lại bài trả lời phỏng vấn của ông cho nhà báo Xô viết nổi tiếng Vasili Peskov. Bài phỏng vấn này được thực hiện vào tháng 4/1970. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Zhukov sau một thời gian dài phải im hơi lặng tiếng do những biến cố chính trị ở Moskva.  Xin trích giới thiệu với độc giả của chuyên đề ANTG CT.

Bị động vẫn không núng thế

- Đã trôi qua hai mươi nhăm năm kể từ ngày kết thúc cuộc chiến  tranh chống chủ nghĩa phát xít. Hôm nay ông có thể nói gì về ý nghĩa chiến thắng của chúng ta với những người trẻ?

- Để hiểu ý nghĩa của chiến thắng, cần phải hình dung rõ những gì đã đe dọa chúng ta. Khi đó mọi thứ đều bị đe dọa: cả mảnh đất mà trên đó chúng ta đang sống, quân phát xít cũng muốn chiếm đoạt nó đi; cả chế độ xã hội của chúng ta, đối với quân phát xít đó là trở ngại chính ngăn cản chúng tiến tới thống trị thế giới; cả sự tồn tại của nhân dân chúng ta cũng đã bị đe dọa. Theo kế hoạch của quân phát xít, người dân ở những vùng bị chiếm đóng sẽ phải bị tiêu diệt hoặc bị biến thành nhân công cho đế chế Quốc xã.

Chúng ta đã chiến đấu với chủ nghĩa phát xít khi gần như toàn bộ châu Âu đã bị chúng đô hộ. Đối với nhiều người và nhiều dân tộc chúng ta đã là niềm hy vọng cuối cùng. Thế giới đã nín thở năm 194: liệu chúng ta có đứng vững hay quân phát xít sẽ vượt lên trên? Đối với chính chúng ta đó đã là một thử thách nặng nề nhất. Mọi thứ đều bị đem ra thử thách hệ thống xã hội của chúng ta, đạo đức cộng sản của chúng ta, sức mạnh nền kinh tế của chúng ta, sự thống nhất dân tộc - nói tóm lại là tất cả những gì được xây dựng từ sau năm 1917.

Chúng ta đã chiến thắng. Quân đội của chúng ta không chỉ quét sạch lũ xâm lược ra khỏi tổ quốc mình mà còn giải phóng cả châu Âu khỏi chủ nghĩa phát xít. Uy tín của đất nước chúng ta gia tăng vượt bậc trên thế giới…

- Mỗi khi nhớ lại chiến tranh, chúng ta lại nhớ về những ngày đầu bùng nổ. Khi ấy ông là Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu. Ông đã biết gì về nguy cơ chiến tranh lại gần? Buổi sáng ngày 22/6/1941 đã như thế nào đối với ông?

- Tới giữa tháng 6/1941 những thông tin về việc nước Đức phát xít chuẩn bị chiến tranh chống chúng ta đã được tập hợp khá nhiều. Tất nhiên, mọi điều đều được báo cáo lên Stalin, nhưng ông ấy đã xem xét những thông tin này với một sự thận trọng thái quá.

Ngày 21/6/1941, từ Quân khu Kiev đã gọi điện về cho tôi: “Bộ đội biên phòng vừa tiếp nhận một lính đào ngũ, một thượng sĩ Đức. Anh ta khẳng định rằng, quân Đức đã chuyển sang vị trí xuất phát và chiến tranh sẽ bắt đầu vào rạng sáng ngày 22/6”. Tôi cùng Nguyên soái Timoshenko và Trung tướng Vatutin ngay lập tức đã tới chỗ Stalin để thuyết phục ông chuyển quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ông ấy đã phân vân.

- Có thể kẻ đào ngũ đó được ném sang ta để bày trò khiêu khích?

- Mệnh lệnh về chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu đã được chuyển tới các đơn vị vào nửa đêm rạng ngày 22/6. Các cán bộ Bộ Tổng Tham mưu đêm đó nhận được lệnh phải ở lại cơ quan. Liên tục diễn ra các cuộc điệm đàm với các Tư lệnh quân khu. Vào lúc 12 giờ đêm từ Quân khu Kiev có tin về là, lại có thêm một lính Đức tới chỗ quân ta. Anh ta bơi vượt sông và báo, vào lúc 4 giờ sáng quân Đức sẽ bắt đầu tấn công…

3h 17', Tư lệnh Hạm đội Biển Đen gọi điện về: “Từ phía ngoài khơi đang có một nhóm rất đông máy bay lạ bay vào…”.

Zhukov trong lễ ký đầu hàng của phát xít Đức ngày 8/5/1945.

Chiến tranh rồi… Tôi liền gọi điện thoại tới chỗ Stalin và báo cáo tình hình, xin phép được triển khai những hành động quân sự đáp trả. Ông ấy đã không trả lời hồi lâu. Cuối cùng thì ông ấy nói: “Anh hãy vào Điện Kremli…”.

4h 30' sáng, chúng tôi cùng Timoshenko bước vào phòng làm việc của Stalin. Tại đó đã có mặt đủ các Ủy viên Bộ Chính trị. Stalin ngồi sau bàn, gương mặt tái, với cái tẩu thuốc còn chưa hút hết. Ông ấy bảo: “Cần phải gọi điện thoại tới đại sứ quán Đức…”. Người của đại sứ quán trả lời rằng, Đại sứ bá tước Von Schulenburg yêu cầu được tiếp để chuyển một thông báo khẩn cấp…

- Như vậy là hơi thở chiến tranh đã sát mang tai. Vậy nguyên do nào khiến chậm đưa đất nước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu?

- Một trong những lý do quan trọng là, Stalin tin chắc rằng, sẽ có thể trì hoãn chiến tranh, có thể hoàn tất công việc cải cách và hoàn tất trang bị quân đội. Ông ấy ngại rằng nếu chuyển trạng thái vội sẽ trở thành cái cớ để kẻ thù khai chiến.

Khi đánh giá về thời điểm trước chiến tranh, cần phải tính tới bầu không khí quốc tế phức tạp lúc bấy giờ. Nhiều điều đã không rõ ràng. Nước Anh và nước Pháp chơi trò thò lò hai mặt. Họ dùng đủ mọi cách để kích Hitler chuyển lửa sang phía đông. Có đầy đủ các lý do để đề phòng các kiểu khiêu khích. Nhưng tất nhiên cảnh giác thế thì hơi quá. Chúng tôi, các quân nhân, có lẽ đã không làm hết sức để thuyết phục Stalin tin vào sự không thể tránh khỏi của sự đụng độ đang tới gần. Nói chung là có những nguyên nhân rất khách quan dẫn tới sự trì hoãn chiến tranh gây nên những thiệt hại cực kỳ to lớn đối với chúng ta.

- Những nguyên nhân đó là gì vậy?

- Không thể trả lời ngắn gọn về chuyện này được. Nhiều điều có thể được giải thích bởi sự không thể tránh khỏi được mang tính lịch sử của tình hình lúc đó.

Hiện nay, nhìn lại phía sau và cân nhắc kỹ lưỡng mọi sự, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, sự nghiệp quốc phòng của đất nước đã được tiến hành đúng hướng trong những nét chính yếu, chủ đạo nhất. Trong suốt những năm dài về góc độ kinh tế và xã hội đã thực hiện mọi việc hoặc gần như mọi việc có thể. Còn trong giai đoạn từ năm 1939 tới giữa năm 1941, nhân dân và Đảng đã nỗ lực vượt bậc để củng cố sự nghiệp quốc phòng, đầu tư mọi nguồn lực vật chất và nhân lực.

Tôi giờ nhớ lại những năm tháng đó và thực sự khâm phục vì những gì chúng ta đã làm được thật là nhiều. Một nền công nghiệp phát triển, chế độ nông trang, phổ cập biết chữ, sự thống nhất của nhân dân, tinh thần yêu nước cao cả, ban lãnh đạo Đảng sẵn sàng hòa quyện hậu phương và tiền tuyến.

Đó đã là một cơ sở tuyệt vời trong khả năng quốc phòng của một quốc gia vĩ đại. Nhưng lịch sử lại chỉ dành một khoảng thời gian hòa bình không dài để đưa mọi việc trở vào đúng chỗ của chúng. Chúng ta đã bắt đầu nhiều việc đúng nhưng còn nhiều việc chưa kịp hoàn tất.

Và cả về khía cạnh quân sự cũng đã làm được rất nhiều việc. Sau nội chiến, chúng ta còn chưa có các nhà máy sản xuất xe tăng, máy bay, phương tiện thông tin liên lạc. Chiến tranh đã bùng nổ đúng vào thời điểm cải cách một cách căn bản quân đội. Chúng ta đã nhận được những loại vũ khí mới nhất. Nhưng những giàn tên lửa lừng danh Katyusha, xe tăng T-34, máy bay tiêm kích và nhiều vũ khí khác chỉ mới được đưa vào sử dụng. Cả hệ thống đào tạo quân nhân cũng mới được chuyển đổi. Hitler biết rõ điều này và rất vội vã…

Giờ thì hãy nhìn vào kẻ thù của chúng ta. Quân Đức ở thời điểm đó được trang bị tốt hơn chúng ta nhiều, tính cơ động cũng cao hơn nhiều, có kinh nghiệm chiến đấu hơn, lại đang được khích lệ bởi những chiến thắng vừa giành được. Khả năng chiến đấu của binh lính Đức, việc đào tạo và huấn luyện chúng trong mọi quân binh chủng đều rất xuất sắc, nhưng đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu là các đơn vị tăng thiết giáp và không quân. Biết rõ điều này là việc quan trọng để hình dung ra, quân đội ta đã phải đối địch với một sức mạnh như thế nào.

Sự bất ngờ của đòn tấn công cũng đã có ý nghĩa lớn. Sự chủ động chiến lược đã ngay lập tức rơi vào tay quân đội phát xít và để giành lại nó là một công việc cực kỳ không đơn giản.

Nhưng ngay cả trong những chiến thắng đã hiện hình, bộ máy chiến tranh dầu mỡ trơn tru của nước Đức phát xít vẫn bị trục trặc. Trong các bộ tham mưu của quân đội Hitler đã cảm thấy điều này ngay. Chẳng hạn như viên tướng Đức Kurt von Tippenskirch đã viết:

“Người Nga đã trụ lại với sự vững vàng và nhẫn nại bất ngờ, ngay cả khi họ bị lướt qua hay vây kín. Chính nhờ thế nên họ đã tranh thủ được thời gian và chuyển để phản công từ phía sâu hậu phương lực lượng dự trữ, thêm vào đó, lại mạnh hơn là ta tưởng… Đối thủ đã trình diễn một khả năng kháng cự cực kỳ bất ngờ…”.

Tỉnh táo đánh giá chưa? Tỉnh táo và rất đúng.--PageBreak--

Những trận chiến oai hùng

- Bộ Tư lệnh Tối cao đã đưa ông tới những chiến trường ác liệt và quan trọng nhất. Ông có thể nói tới những trận chiến đấu nào trong hoàn cảnh đó?

- Phòng thủ Leningrad. Trận chiến đấu bảo vệ Moskva. Trận Stalingrad. Trận vòng cung Kursk. Chiến dịch Belarus năm 1944. Và tất nhiên, chiến dịch giải phóng Berlin. Những chiến dịch đó đều do tôi hoặc là đích thân chỉ huy hoặc là theo lệnh của Stalin cùng các Tư lệnh các mặt trận chuẩn bị cho chúng.

- Điều gì khiến ông nhớ nhất từ các chiến dịch đó?

- Người ta rất hay hỏi tôi câu này và tôi luôn trả lời là: trận chiến đấu bảo vệ Moskva. Đó đã là thời điểm quan trọng nhất trong chiến tranh. Tôi tiếp nhận quyền chỉ huy mặt trận ở những ngày mà thực chất là mặt trận chính là ở khu ngoại ô Moskva. Từ Điện Kremli tới Bộ Tư lệnh mặt trận tại Perkhushkovo chỉ cần đi xe khoảng gần một giờ là tới nơi.

Đó là những ngày thử thách nặng nề nhất. Mối nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu thủ đô đã là cực kỳ to lớn. Chúng ta đã phải sơ tán về Siberi và sang phía bên kia sông Volga những nhà máy quan trọng nhất, một số cơ quan nhà nước cũng như đoàn ngoại giao. Nhưng trong thành phố vẫn còn ban lãnh đạo Đảng, vẫn còn Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, Tổng Hành dinh Bộ Tư lệnh Tối cao. Tham gia bảo vệ Moskva là tất cả những ai còn có thể cầm súng, cầm xẻng, tất cả những ai còn có thể đứng máy để sản xuất vũ khí, khí tài.

Tôi không nhớ là hôm nào nhưng có một lần Stalin đã gọi điện thoại tới Bộ Tham mưu mặt trận: “Đồng chí có tin rằng chúng ta sẽ giữ được Moskva không? Tôi hỏi điều này với sự đau đớn trong lòng. Đồng chí hãy trả lời thật trung thực như một người cộng sản?”. Tôi đáp: “Chúng ta sẽ giữ được Moskva…”.

Trên mỗi một chiến sĩ bảo vệ Moska trong những ngày đó đã là trách nhiệm lịch sử.

Sự hoành tráng của chiến công bảo vệ Moskva là ở chỗ, về sức mạnh, chúng ta không hề hơn quân Đức.  Bọn phát xít đã ném vào hướng thủ đô lực lượng chính, những đơn vị tinh nhuệ nhất. Quan trọng đối với chúng ta là phải trụ lại được cho tới khi lực lượng dự trữ đang được chuyển cấp tốc từ phía đông đến kịp. Lúc đó chúng ta đã mạo hiểm. Ở phía đông khi ấy cũng là một hàng xóm nguy hiểm, Nhật Bản. Nhưng đã không còn cách nào khác nữa. Chúng ta đã rất thiếu xe tăng và đạn dược. Bây giờ nghe thật khó tin nhưng ở cuối chiến dịch bảo vệ Moskva đã phải đưa ra cơ số: một khẩu pháo chỉ được bắn một vài viên một ngày đêm!

- Chiến tranh thực không phải trò đùa. Ông có thể cho biết, với cá nhân ông trên cương vị Tư lệnh mặt trận bảo vệ Moskva, tình hình chiến sự đã nặng nề như thế nào?

- Tôi sẽ trả lời như Eisenhower  (Đại tướng Dwight Eisenhower từng là Tư lệnh lực lượng Mỹ - Anh đổ bộ xuống bờ biển Normandy năm 1944 - PHD) nói năm 1945. Chiến dịch bảo vệ Moskva đều nặng nhọc như nhau đối với cả anh binh nhì lẫn ông Tư lệnh. Trong giai đoạn chiến đấu ác liệt nhất  (từ 16/11 tới 8/12/1941) tôi chỉ được ngủ không quá hai tiếng trong một ngày đêm.

Để đủ sức mà trụ lại và làm việc, tôi đã phải liên tục thực hiện những bài tập thể dục ngắn, uống cà phê đặc, đôi khi là trượt tuyết khoảng 15-20 phút… Khi đã giành được bước chuyển căn bản trong chiến dịch, tôi đã thiếp đi say đến mức  cấp dưới không thể đánh thức tôi dậy được. Stalin hai lần gọi điện thoại đến đều nhận được câu trả lời: “Zhukov đang ngủ, chúng tôi không thể nào đánh thức đồng chí ấy dậy được!”.

- Thời điểm bước ngoặt của chiến tranh - đó là trận Stalingrad. Ý đồ về chiến dịch đáng nhớ này đã nảy sinh như thế nào?

- Ý đồ bao vây đạo quân của  Paulus nảy sinh trong bối cảnh tình hình đã hình thành vào mùa thu năm 1942. Stalingrad đã trở thành nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất. Theo tôi thì chỉ có thể so sánh nó với chiến dịch bảo vệ Moskva.

Sức chiến đấu kiên cường của quân đội ta đã cho phép chuyển tới sông Volga lực lượng dự trữ đã tập hợp được và đòn tấn công nhóm quân Đức ở khu vực này đã chín muồi. Tới thời điểm đó, đội ngũ cán bộ chỉ huy của chúng ta đã vượt qua được trường học nghiêm khắc của chiến tranh và đã học được nhiều điều. Trong hàng ngũ này đã nổi lên những gương mặt tài năng. Rất có thể là ý tưởng “chảo lửa” đã nảy sinh ở rất nhiều người. Và trong thực tế mọi việc đã diễn ra như vậy.

Khi thảo luận ở Tổng Hành dinh kế hoạch phản công, chúng tôi cùng Aleksandr Mikhailovich Vasilevsky (Nguyên soái, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu từ năm 1942 tới năm 1945 – PHD) đã hướng sự chú ý của Tổng Tư lệnh Tối cao tới khả năng bao vậy quân Đức ở Stalingrad. Việc này có thể làm thay đổi tình hình chiến lược có lợi cho chúng ta. Stalin chăm chú nghe rồi hỏi: “Liệu có đủ lực không?”.

Vài ngày sau khi đã tiến hành các tính toán cho thấy, đó là cách tốt nhất để kết thúc trận chiến Stalingrad. Ý đồ ngay lập tức được thực hiện: các lực lượng dự bị được kéo về, những đơn vị hùng hậu của ba mặt trận được đảo cánh, quân báo khai thác được rất nhiều thông tin trọng yếu về kẻ thù. Tất cả những hoạt động này đều được lãnh đạo bởi Tổng Hành dinh và Bộ Tổng Tham mưu.

- Trong lúc diễn ra trận chiến Stalingrad, ông đã lần nào phải có mặt tại thực địa không?

- Khi quân Đức tràn về phía sông Volga, tôi được cử làm Phó Tổng Tư lệnh Tối cao và ngay lập tức (ngày 29/8/1942) nhận được lệnh bay tới Bộ Tham mưu mặt trận Stalingrad. Với tư cách đại diện của Tổng Hành dinh, tôi đã tham gia vào việc chuẩn bị chiến dịch phản công. Việc này đòi hỏi phải có mặt cả ở các Bộ Tham mưu các cánh quân cũng như ở Tổng Hành dinh tại Moskva…

- Sau trận Stalingrad, những thay đổi về chất có hiện hình rõ trong quân đội hay không?

- Tất nhiên. Sau trận Stalingrad, quân đội như thể lưỡi dao đã được tôi luyện, có thể hạ thủ bất cứ một lực lượng nào. Trận chiến tại vòng cung Kursk đã chứng minh hết sức ngoạn mục điều này.

- Trận chiến ở vòng cung Kursk có gì khác với các trận trước đó?

- Tôi có thể nói thế này: khác ở sự chủ định từ cả hai phía. Cả hai phía đều đã chuẩn bị trước trong một thời gian dài. Quân Đức cho rằng chúng ta không biết về ý đồ của họ. Nhưng họ đã nhầm. Sau quá trình phân tích kỹ lưỡng tình thế chiến lược và rất nhiều những tài liệu do quân báo ở chiến trường và các mạng lưới tình báo khai thác được, chúng ta đã đi tới một ý kiến thống nhất: tại vòng cung Kursk quân Đức muốn phục thù cho trận Stalingrad.

Nhưng, mặc dầu đã đoán được các kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức, chúng ta vẫn không rời khỏi khu vực mà quân Đức đã chọn làm chiến trường. Chỉ tồn tại một số điểm chưa thống nhất trong một chuyện: phòng thủ hay lựa thời gian để chủ động tấn công trước? Sau khi thảo luận kỹ lưỡng mọi chi tiết, chúng ta đã quyết định rằng, tổ chức tuyến phòng thủ chắc và sâu  (tới 300 km) thì có lợi hơn. Chúng ta sẽ làm mất máu địch rồi sau đó sử dụng mọi lực lượng để chuyển sang phản công.

Trận chiến đã kéo dài 50 ngày đêm. Trong suốt lịch sử chiến tranh có lẽ đó là trận chiến lớn nhất. Trên những cánh đồng ở vùng Kursk và Oriol đã chất chồng vô số những núi kim loại cháy sém và tan nát. Quân Đức mất gần 1.500 xe tăng. Thiệt hại của chúng ta cũng không nhỏ. Nhưng chúng ta đã giành được thắng lợi.--PageBreak--

Tổng Hành dinh trong chiến tranh

- Ông có thể kể về Tổng Hành dinh và không khí làm việc ở đó được không?

- Tổng Hành dinh... Đó là Trung tâm chất xám của chiến tranh. Người lính chỉ nhìn thấy một mảnh chiến trường con con và tại đó thực hiện nghĩa vụ chiến sĩ vinh quang của mình. Tổng Hành dinh nhìn thấy tất cả trong một tổng thể. Mỗi một mệnh lệnh lên ở Tổng Hành dinh làm chuyển động cả những đạo quân khổng lồ. Không khó hiểu là, sự anh minh của mỗi một quyết định ở Tổng Hành dinh to lớn đến chừng nào.

Tùy theo nhu cầu mà Tư lệnh các mặt trận được triệu về Tổng Hành dinh. Tất cả các chiến dịch lớn đều được lập kế hoạch với sự tham gia của họ. Về phần mình, Tổng Hành dinh cũng cử các đại diện với những quyền hạn tối cao tới các khu vực quyết định của chiến trường. Bằng cách đó Tổng Hành dinh đã kéo mình lại gần tối đa các mặt trận.

Lời cuối cùng ở Tổng Hành dinh, tất nhiên là của Tổng Tư lệnh Tối cao.

Mọi mệnh lệnh và chỉ thị của Tổng Tư lệnh Tối cao thường được xây dựng và thông qua tại phòng làm việc của Stalin. Trong phòng cạnh đó có một quả địa cầu lớn và các bản đồ thế giới. Trong một phòng  khác có máy liên lạc với các mặt trận.

Tại Tổng Hành dinh thường có mặt các thành viên Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, các chỉ huy của Bộ Tổng Tham mưu, Tư lệnh Hậu cần. Tổng Hành dinh cũng hay mời tới các nhà thiết kế máy bay, xe tăng và pháo,  các Tư lệnh mặt trận…

Báo cáo tại Tổng Hành dinh đối với bất cứ người nào là công việc cực kỳ quan trọng. Stalin không chịu được những con số áng chừng và đặc biệt là những số liệu phóng đại, đòi hỏi sự rõ ràng tối đa. Ông ấy nghiêm khắc với tất cả như nhau. Nhưng rất biết chăm chú nghe khi người ta báo cáo một cách thông hiểu công việc.

Gần như lúc nào tôi cũng thấy Stalin bình thản và tỉnh táo. Nhưng đôi khi ông ấy cũng tỏ ra khó chịu. Trong những phút như thế, tính khách quan đã phản lại ông. Tôi chỉ biết rất ít người chịu đựng nổi những cơn nổi giận lôi đình của Stalin và phản biện lại ông ấy. Nhưng sau nhiều năm, tôi đã hiểu rất rõ rằng: Stalin hoàn toàn không phải là người mà ta không thể tranh luận hoặc thậm chí vẫn giữ nguyên ý kiến của mình.

- Stalin có khi nào nói với ông đánh giá về cá nhân Hitler không?

- Tôi có nhớ một câu chuyện. Đó là vào đêm rạng ngày 1/5/1945. Tôi gọi điện thoại tới cho Tổng Tư lệnh Tối cao từ Berlin và báo cáo rằng, Hitler đã tự sát. Stalin nói: “Thằng khốn đã mạt vận rồi. Thật tiếc là không bắt sống được hắn”…--PageBreak--

Những vai trò quyết định

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đảng trong chiến tranh?

- Chúng ta có lẽ đã không thể giành được chiến thắng và số phận của Tổ quốc ta có lẽ đã khác nếu không có sức mạnh gắn kết của Đảng. Tất cả những gì khó khăn nhất, nặng nề nhất trong chiến tranh trước hết đều nằm trên đôi vai của những đảng viên cộng sản. Rồi còn công việc ở hậu phương, tổ chức hoạt động công nghiệp! Tôi không thể không bày tỏ sự khâm phục khi nói tới những công việc khổng lồ đã được thực hiện trong những ngày khó khăn nhất. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 6 tới tháng 11/1941, hơn 1.500 nhà máy đã được sơ tán về phía đông từ những vùng bị quân xâm lược đe dọa và bắt tay ngay vào sản xuất….

Tôi tự hào vì tôi lớn lên trong chính đảng này…

- Cuộc chiến tranh nào rồi cũng sẽ trở thành cuộc chiến giữa các trí tuệ. Nhìn từ góc độ đó, ông có thể nói gì về đối phương trong các Bộ Tham mưu Đức? Khi lập kế hoạch cho các chiến dịch, ông có tính đến tính cách của một nhân vật nào cụ thể không?

- Tôi không rõ là phía Đức có biết đặc tính của các tư lệnh ở phía ta hay không. Còn về phần chúng ta, trong giai đoạn đầu chiến tranh thì không thể nói gì về những chuyện tinh tế như thế. Trong giai đoạn hai của chiến tranh, tương quan trình độ nghệ thuật quân sự của cả hai bên tham chiến đã bắt đầu trở nên tương đương nhau. Còn khi quân đội của chúng ta đã có được những kinh nghiệm cần có và Bộ chỉ huy Xô viết đã nhận được đủ lực lượng và vũ khí khí tài cần thiết, thì chỉ huy của ta vượt trội hơn hẳn so với phía Đức, đặc biệt trong giải quyết các nhiệm vụ chiến lược.

Chúng ta có tính tới cá nhân cụ thể của đối phương hay không khi lập kế hoạch cho các chiến dịch? Rất khó tính đến điều này vì không phải một người chuẩn bị cho các chiến dịch. Nhưng tất nhiên, chúng tôi biết, Manstein (Thống chế Erich von Manstein là một trong những viên tướng giỏi nhất của chế độ Quốc xã, người thực hiện thành công kế hoạch Sichelschnitt tấn công nước Pháp - PHD) là một người táo tợn và quyết đoán,  Mode là một kẻ phiêu lưu. Tới cuối cuộc chiến trình độ chung của nghệ thuật chiến lược trong quân đội Đức đã bị suy giảm nghiêm trọng.  Ta rất hay bị rơi vào cảnh, chờ đợi từ đối phương một nước cờ mạnh mẽ, có lợi cho chúng nhưng hóa ra chúng lại chơi một nước cờ quá yếu.

Nếu nói một cách chung nhất về đối thủ của chúng ta thì tôi không thể đứng về phía những người cho rằng, nghệ thuật chiến lược và chiến lược của các lực lượng vũ trang Đức không hoàn chỉnh. Chúng ta đã phải đối đầu với một kẻ thù cực mạnh.

- Câu hỏi này không thuộc về lĩnh vực quân sự. Theo ông, chiến tranh đã đánh thức những tình cảm như thế nào trong con người?

- Không một cảm xúc nào của con người lại bị tắt đi trong chiến tranh. Tôi muốn đặc biệt lưu ý tới tình yêu Tổ quốc được thức tỉnh mạnh mẽ nhất khi chiến tranh bùng nổ. Đó là tình cảm tự nhiên đối với mỗi một con người, ăn sâu vào gốc rễ lịch sử dân tộc ta. Và hoàn toàn dễ hiểu là, trong những giờ phút khốc liệt, chúng ta đã nhớ lại tất cả những gì mà đất nước ta có thể tự hào một cách chính đáng. Chúng ta đã nhớ lại những vĩ nhân của nước Nga, những công việc vĩ đại và những kỳ tích oai hùng của quá khứ.

- Theo ông, những hoạt động nào của nhà nước đã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến tranh?

- Tôi muốn nhắc tới ba thời điểm mà theo tôi đã trở thành biểu tượng của ba giai đoạn trong chiến tranh:

Bài phát biểu của Stalin ngày 3/7/1941 khi nhân dân được thông báo sự thật về mối nguy hiểm đang treo trên đầu đất nước chúng ta;

Cuộc duyệt binh ở Moskva ngày 7/11/1941, đã mang lại niềm tin, bất chấp mọi khó khăn và thất bại, chúng ta vẫn trụ lại được;

Lần bắn pháo hoa đầu tiên ở Moskva nhân dịp giải phóng Oriol và Belgorod ngày 5/8/1943. Từ đấy tới Berlin còn xa nhưng trong ánh pháo hoa đó đã sáng lên chiến thắng chung cuộc…

- Ông có ý kiến thế nào về sự giúp đỡ  của các đồng minh?

- Không nên bỏ qua sự giúp đỡ đó. Nó tất nhiên là đã có vai trò của nó. Chúng ta đã nhận được từ Anh và Mỹ thuốc súng, xăng chất lượng cao, một số loại thép, máy bay, ô tô, thực phẩm.  Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì mà chiến tranh đòi hỏi.

- Ông đánh giá cao nhất những phẩm chất gì trong người lính?

- Sự dũng cảm. Sự trung thành với Tổ quốc.

- Ông đã viết tập hồi ký “Nhớ lại và suy ngẫm” trong bao lâu?

- Gần 10 năm.

- Cuốn sách của ông rất được sự hưởng ứng của độc giả. Ông có biết điều này không?

- Tôi đã nhận được hàng nghìn lá thư đầy tình cảm. Cả của những cựu chiến binh lẫn của những người chỉ biết chiến tranh qua các câu chuyện kể. Thật tiếc là không thể trả lời tất cả…

Phạm Huy Dũng
.
.